Cách thay tã cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cho dù bạn đang dùng loại tã thông thường nào đó cho bé yêu hay đã chuyển sang một trong những loại mới và thân thiện với môi trường hơn, thì cách thức thay tã bẩn cũng đều khá giống nhau. Hôm nay Út Em Shop sẽ cùng bạn học cách thực hiện công việc tuy đơn giản hết sức quan trọng này.

Dưới đây sẽ là một số gợi ý về các bước giúp bạn bắt đầu làm quen với việc thay tã. Dần dần theo thời gian, bạn có thể thay đổi và tạo nên cách thay tã phù hợp cho riêng mình – thậm chí khi đã đạt đến “cảnh giới”, bạn có thể thực hiện được ngay cả trong phòng tối, khi bé con đang say sưa ngủ nữa đấy!

Chuẩn bị

Rửa và lau khô tay, hoặc rửa sạch với nước rửa tay hay dùng khăn dành cho em bé để lau khô.

Tạo một nơi ấm áp, sạch sẽ để thay tã cho con bạn. Nếu bạn không sử dụng bàn thay tã, hãy trải một tấm chăn, khăn tắm, hoặc thảm dùng để thay tã lên sàn nhà hoặc trên giường.

Chuẩn bị hết tất cả các đồ dùng cần thiết, bao gồm tã sạch và nhiều khăn lau hoặc khăn ướt. Đối với các bé có làn da nhạy cảm, bạn có thể sử dụng nước ấm và miếng vải băng gạc. Nếu con bạn dễ bị hăm tã, hãy bôi kem chống hăm cho bé hoặc thoa dầu dưỡng ẩm lên tay.

Chú ý về sự an toàn: Nếu bạn thay tã cho bé ở bề mặt tương đối cao như trên một chiếc bàn thay tã hay ở trên giường, hãy đảm bảo rằng một tay của bạn luôn luôn giữ lấy em bé. Hầu hết các bàn dùng để thay tã đều có đai thắt an toàn cho bé. Cho dù em bé có được thắt đai an toàn hay không, thì bạn cũng không nên rời mắt khỏi con mình một giây nào cả. Trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi đều có thể vặn vẹo ra khỏi chiếc bàn ngay cả những khi bạn không hề ngờ tới.

Thay tã

1. Mở một chiếc tã sạch ra và đặt một nửa chiếc tã (nửa mà có quai dán hai bên) phía dưới lưng em bé. Đặt phần trên cùng của nửa chiếc tã đó sao cho vừa chạm đến thắt lưng của bé. Bây giờ chiếc tã sạch đã sẵn sàng được thay – và nó giúp cho bàn thay tã tránh dính phải các vết bẩn. (Nếu tã bẩn của con bạn là một bãi “chiến trường”, bạn có thể dùng một tấm vải, khăn tắm, hoặc miếng lót dùng một lần thay vì chiếc tã sạch trong khi bạn đang vệ sinh cho bé).
2. Mở quai dán ở hai bên của chiếc tã bẩn ra. Để ngăn chất bẩn không dính vào em bé, hãy gập nó lại.
3. Kéo phần nửa trước của tã bẩn xuống dưới. Nếu con bạn là bé trai, bạn có thể quấn dương vật của bé bằng một miếng vải sạch hoặc chiếc tã mới để bé không thể tè dầm vào bạn được.
4. Nếu có phân ở trong tã, bạn hãy dùng phần nửa trước của tã để lau sạch hết chất bẩn dưới mông bé.
5. Gấp phần tã bẩn ở phía dưới người bé lại, rồi lau chùi xung quanh sạch sẽ. (Việc này giúp giữ cho tã thay được sạch sẽ, tránh dính bẩn ở phần mông bé). Để làm được điều này, bạn cần phải nhấc mông bé khỏi mặt bàn bằng cách dùng một tay nắm cả hai mắt cá chân và nhẹ nhàng nâng lên.
6. Lau sạch phần trước của em bé bằng khăn, miếng vải hoặc băng gạc ẩm. Nếu con bạn là bé gái, hãy lau chùi từ trước ra sau (theo phía ra sau mông). Việc này giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm khuẩn.
7. Nếu con bạn ị, hãy lấy chiếc khăn khác và lau sạch mông bé. Bạn có thể nâng chân của bé lên hoặc quay bé thật nhẹ nhàng sang từng bên một. Hãy đảm bảo rằng bạn phải lau sạch cả các nếp gấp ở đùi và mông của bé nữa.
8. Hãy để làn da của bé tự khô trong khoảng một vài phút hoặc dùng khăn sạch vỗ nhẹ cho khô. Để điều trị hoặc ngăn ngừa hăm tã, bạn có thể sử dụng kem chống hăm hoặc dầu dưỡng ẩm. (Cách tốt nhất để tránh hăm tã đó là bề mặt đáy phải khô thoáng, để đạt được điều này, bạn cần kiểm tra và thay tã thường xuyên).
9. Tháo tã bẩn ra và đặt nó sang một bên. Nếu bạn đã thực hiện theo bước 1, bạn nên để sẵn một chiếc bỉm sạch ở dưới mông bé.
10. Kéo nửa trước của tã sạch lên đến bụng của bé. Đối với bé trai, bạn hãy chắc chắn để dương vật của bé chỉ xuống dưới do vậy bé sẽ ít có khả năng tè lên phần đầu tã.
11. Nếu em bé là trẻ sơ sinh, bạn nên tránh quấn tã lên phần gốc của dây rốn cho đến khi nó khô và rụng xuống. Bạn có thể mua loại tã đặc biệt dùng một lần với một rãnh nhỏ cho phần gốc rốn hoặc bạn cũng có thể gập lại phần nửa phía trước của một chiếc tã thông thường.
12. Hãy chắc chắn rằng bỉm giữa hai chân bé đã được trải rộng vừa đủ độ thoải mái. Quá nhiều các nếp gấp của tã ở vị trí đó có thể gây ra khó chịu và trầy da do chà xát.
13. Thắt chặt tã lại ở cả 2 bên bằng miếng dán tã. Tã nên vừa đủ độ ôm nhưng không được chặt đến nỗi thít lại. Hãy chắc chắn rằng các miếng dán không bị dính vào da của bé.
14. Tất cả đã được thay xong!
15. Mặc quần áo vào cho bé rồi đặt bé ở nơi an toàn – có thể là trên sàn nhà với một món đồ chơi hay trong giường cũi của bé – trong khi bạn đi dọn dẹp đống tã vừa thay xong.
16. Hãy đổ phân của bé vào nhà vệ sinh nếu có thể. Gấp tã bẩn lại và dùng các miếng dán dính chặt nó lại, sau đó vứt vào thùng rác hoặc xô đựng tã. Nếu nó có thể bị tràn đầy hoặc bị ủ phân, bạn hãy vứt nó theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
17. Rửa tay thật sạch, hoặc bạn cũng có thể sử dụng nước rửa tay khô nếu bạn không thể rửa tay với nước. Vậy là xong, bạn đã hoàn tất rồi đấy!

Lời khuyên cho bạn khi thay tã

  • Bạn nên thay tã thường xuyên cho bé để tránh hăm tã. Đặc biệt quan trọng đó là bạn cần thay tã đã đựng phân càng sớm càng tốt, vì chúng rất dễ nhanh chóng gây ra bệnh phát ban tã.
  • Bạn hãy tìm hiểu về sự khác biệt giữa bệnh phát ban tã thông thường và bệnh phát ban tã nhiễm nấm men, vì chúng cần phải được xử lý khác nhau.
  • Luôn để những đồ chơi cho bé trong tầm tay bạn. Nếu em bé của bạn trở nên nhõng nhẽo khi đang thay tã, bạn hãy thử một hành động hấp dẫn sự chú ý của bé, ví dụ như treo tranh ảnh hoặc gương lên để bé nhìn vào, hoặc đưa cho bé một món đồ chơi nhỏ để bé tự chơi khi bạn đang thay tã.
  • Bạn hãy dự trữ sẵn để phòng trường hợp hết tã. Một đứa trẻ sơ sinh có thể làm ướt 8-10 chiếc tã mỗi ngày.
  • Một số loại tã dùng một lần có chỉ số ẩm ướt trên tã – có một dòng trên tã có thể chuyển màu khi tã bị ướt. Nó không hẳn là cần thiết, nhưng có thể là một cách thuận tiện để biết tã đã ướt hay chưa ngay lập tức nếu đã đến lúc cần thay.
  • Nếu phân bị rò rỉ ra phần phía sau tã của bé, có thể bạn nên đổi sang một kích cỡ tã lớn hơn. Trọng lượng ghi trên bao bì tã chỉ là hướng dẫn, và em bé của bạn có thể cần một kích thước lớn hơn sớm hơn so với thông thường.
  • Khi bạn rời khỏi nhà, nên mang theo một số túi ni-lông hoặc túi phân hủy sinh học đi kèm để đựng tã bẩn nếu như bạn không tìm được nơi nào để vứt chúng.
  • Vui lên nào: việc thay tã khiến cho bạn và bé có cơ hội có những phút giây gắn kết với nhau thật đặc biệt. Nói chuyện và hát cho em bé của bạn nghe, chỉ ra các bộ phận khác nhau trên cơ thể của bé và giải thích cho bé những gì bạn đang làm. Khi em bé của bạn đã sạch sẽ, bạn hãy hát một vài bài hát dân gian đơn giản cho bé nghe.” Chơi trò “ú òa” hoặc trò “Vuốt ve em thân yêu” (trò patty-cake) với bé cũng là một ý tưởng hay, và sau cùng hãy trao cho bé một cái hôn yêu trước khi bạn quấn bé lại.

[adinserter block=”8″]

(Út Em Shop dịch và tổng hợp từ BabyCenter)

Leave a Comment