Cách chọn kính râm cho trẻ nhỏ

Bạn có để ý những đứa trẻ sẽ trông cực đáng yêu khi đeo kính râm không? Những chiếc kính râm với hình siêu anh hùng hoặc được trang trí trên mặt gấu teddy cũng giống như những “tuyên ngôn thời trang” vậy nhỉ? Quan trọng hơn, về lâu dài, kính râm có thể bảo vệ da và mắt trẻ nhờ tác dụng ngăn chặn tia cực tím (UVR) của nó.

kính chống nắng

Tia cực tím có khả năng lớn gây ra những tác động xấu lên làn da và mắt của trẻ dưới 10 tuổi. Làn da phần trên mi và xung quanh mắt của trẻ mỏng manh và dễ tổn thương hơn rất nhiều so với người lớn. Bác sĩ Adelaide A.Hebert – Chuyên gia và là Phó chủ nhiệm Khoa Da liễu, Đại học Houston cho biết: “Thủy tinh thể của trẻ dưới 10 tuổi trong suốt, cho phép tiếp nhận ánh sáng nhiều hơn và vì vậy những thay đổi ở mắt gây ra do tia cực tím cũng lớn hơn”. “Sau 10 tuổi, thủy tinh thể của trẻ đục dần, từ đó khả năng tự bảo vệ trước tia cực tím cũng tốt hơn so với trước”.

Việc tiếp xúc với tia cực tím gây ra 90% các loại ung thư da. Thêm vào đó, sự tiếp xúc của võng mạc với tia cực tím cùng bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng đều khiến cho thị lực bị suy giảm. Theo thời gian, tác hại của tia cực tím càng lớn, vậy nên bảo vệ mắt của trẻ càng sớm, nguy cơ trẻ mắc phải những vấn đề về mắt sau này càng giảm đi.

Thật may là với những chiếc kính râm có chất lượng tốt, mắt và làn da mỏng manh quanh mắt có thể được bảo vệ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, không nên để trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, khi ra ngoài nên đeo kính râm cho trẻ. Nếu trẻ phải đeo kính cận, có thể cho trẻ đeo kính cận hấp màu để chống tia cực tím.

Dưới đây là một số quy tắc cần nhớ khi mua kính cho trẻ:

– Chọn loại kính có khả năng ngăn chặn từ 99-100% cả tia UVA và UVB: Hãy chọn loại kính râm có thể hiện khả năng chống tia cực tím mà sản phẩm đó mang lại. Độ che phủ càng lớn, hiệu quả chống nắng càng cao, vì vậy nên chọn loại kính lớn, có thể bao phủ được diện tích rộng.

Chọn mắt kính phù hợp với trẻ: Khi vui chơi, chạy nhảy, trẻ có thể vấp ngã, va phải các vật thể khác một cách bất ngờ. Vì vậy, nên chọn kính râm phù hợp để trẻ có thể thoải mái chơi đùa. Những loại mắt kính phù hợp nên có các yếu tố như chống trầy xước, chống va đập, mắt kính không dễ dàng bị tuột khỏi gọng. Đồng thời nên tránh các loại mắt kính bằng thủy tinh, trừ khi có khuyến nghị của bác sĩ thì mắt kính bằng nhựa vẫn an toàn hơn. Gọng kính nên chọn loại gọng mềm dẻo, dễ uốn và đảm bảo kính vừa vặn với khuôn mặt.

– Hãy để trẻ tự chọn: Không phải bạn mà là trẻ sẽ đeo kính và trực tiếp nghe bình luận của những đứa trẻ khác về chiếc kính ấy. Vì vậy, để trẻ – đặc biệt là trẻ mới lớn không “vứt xó” chiếc kính, hãy để trẻ tự chọn chiếc kính râm yêu thích cho riêng mình.

– Kiểm tra kính: Nên kiểm tra xem mắt kính có bị biến dạng, có vết xước hay vệt mờ gây cản trở tầm nhìn hay không. Trẻ còn quá nhỏ nên có thể chưa biết phàn nàn về việc kính bị trầy xước, vì vậy trước khi mua, bạn nên kiểm tra thật kỹ.

– Tăng hiệu quả chống nắng lên gấp đôi: Kính râm chỉ cản được các tia cực tím đi trực tiếp qua mắt kính mà thôi. Trong khi đó vùng da xung quanh mắt vẫn bị các tia cực tím tấn công từ hai bên, từ trên xuống hoặc phản chiếu qua tuyết, cát và nước…Đội mũ rộng vành là một lựa chọn hợp lý để chắn các tia cực tím từ trên xuống, từ hai bên, trong khi vẫn che chắn được khuôn mặt và phần cổ cho trẻ. Đồng thời, để bảo vệ trẻ, nên cho trẻ chơi trong bóng mát từ 10h sáng đến 4h chiều, bởi đây là khoảng thời gian tia cực tím hoạt động với cường độ mạnh nhất.

Bác sĩ Hebert kết luận: “Chúng ta cần sớm dạy cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc đeo kính râm – cũng giống như tầm quan trọng của việc đánh răng và cài dây an toàn, từ đó giúp trẻ hình thành nên những thói quen tốt theo trẻ suốt đời

(Theo Skincancer – Dương Thị Giang – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment