Mẹ bị cảm cúm – có nên tiếp tục cho con bú?

Út Em chào các mẹ. Mẹ nào bị cảm cúm vẫn có thểnên tiếp tục cho con bú sữa mẹ – theo gợi ý của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S Centers for Disease Control and Prevention – CDC)

CDC cho hay, trên thực tế, một trong những việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm để bảo vệ con yêu là cho con bú sữa mẹ.

Lý do là vì sữa mẹ có chứa các kháng thể – chính là những protein đặc biệt giúp chống lại các loại virus và vi khuẩn.

Trong khi hệ miễn dịch của con vẫn đang trong giai đoạn phát triển và dần hoàn thiện, con cần những dưỡng chất cần thiết có trong sữa mẹ để hình thành nên những loại kháng thể này.

Mẹ bị cảm cúm sợ lây cho con khi cho bé bú

Cũng theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics – AAP), phụ nữ vẫn nên cho con bú dù đang bị cảm cúm hoặc cảm lạnh.

Những căn bệnh truyền nhiễm hiếm khi khiến chúng ta phải ngừng việc cho con bú.

CDC giải thích rằng, trên thực tế, người lớn bị các bệnh truyền nhiễm đã có thể lây nhiễm cho người khác trong vòng 24 giờ trước khi họ có những triệu chứng của bệnh và trong vòng một tuần sau khi bị ốm.

Do sữa mẹ có những thành phần bảo vệ mà sữa công thức không có được, AAP khuyến nghị dù bị ốm, mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú, song song với đó là tham khảo thêm ý kiến bác sỹ, bởi đôi khi mỗi trường hợp lại có những tính chất khác nhau dẫn đến yêu cầu điều trị khác nhau.

Trong năm 2009, khi virus cúm H1N1 hoành hành, tổ chức ABM quốc tế (Academy of Breastfeeding Medicine) cũng đã đưa ra bộ hướng dẫn cho những bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, trong đó có đoạn:

Cho con bú sữa mẹ có thể hạn chế mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và đặc biệt có thể hạn chế nguy cơ và ảnh hưởng của việc lây nhiễm trong điều kiện dịch cúm đang bùng phát…Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm cúm, việc tiếp tục cho con bú có thể giúp hạn chế mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở đường hô hấp

Bác sĩ Caroline J.Chantry, Chủ tịch tổ chức ABM cho biết:

Đây chính là lúc các bác sỹ cần nhớ rằng bên cạnh các kháng thể, sữa mẹ có chứa vô vàn các chất kháng virus cùng các thành phần giúp củng cố hệ miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng cho con bú sữa mẹ có thể giúp bảo vệ con, nhưng chỉ như vậy thì vẫn là chưa đủ. Vì thế, các bậc cha mẹ cũng cần có những biện pháp nhất định để bảo vệ con khỏi việc lây nhiễm.

[adinserter block=”8″]

Virus và vi khuẩn có thể lây lan thông qua đường hô hấp (mũi và miệng) trước tiên. Theo đó, Viện Sức khỏe Quốc gia (the National Institues of Health – NIH) cho biết, các bà mẹ đang cho con bú có thể lưu ý thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau để bảo vệ sức khỏe cho con yêu:

  • Tiêm phòng cảm cúm: Tiêm vắc-xin phòng cảm cúm hằng năm được CDC cho là lựa chọn tốt nhất đối với chủng virus xuất hiện trong năm đó – đôi khi dự đoán của họ là đúng, nhưng trong trường hợp virus biến thể hoặc xuất hiện các chủng virus mới, vắc-xin phòng sẽ không có được hiệu quả như kỳ vọng nữa. Tuy vậy, tiêm phòng vắc-xin vẫn được khuyến khích bởi dù khả năng bảo vệ thấp đi vẫn hơn không có lớp khiên bảo vệ nào
  • Hỏi ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ bị nhiễm cúm: Đóng vai trò như tấm khiên bảo vệ đầu tiên cho cơ thể, vắc-xin không thể được thay thế bởi các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, những loại thuốc này lại có thể giúp giảm các triệu chứng cảm cúm, làm cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng (Bằng việc làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian ốm, mẹ có thể giảm nguy cơ lây cúm sang cho con). Những loại thuốc như Tamiflu® or Relenza® nhìn chung là an toàn với các mẹ đang cho con bú, nhưng chúng chỉ hoạt động tốt nhất trong vòng 2 ngày sau khi có triệu chứng cúm. Lưu ý là nếu có triệu chứng của cúm, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ ngay. Bởi không phải tất cả các loại thuốc kháng virus đều an toàn với mẹ đang cho con bú, vậy nên trước khi dùng bất kỳ loại thuốc kháng virus nào, các mẹ đều cần hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé
  • Rửa tay: Các mẹ nên rửa tay thật cẩn thận với xà bông diệt khuẩn và nước trước khi cho bé bú. Nếu không có xà bông diệt khuẩn và nước, các mẹ cũng có thể dùng các sản phẩm diệt khuẩn có chứa cồn
  • Hạn chế tiếp xúc: Những ngày này, bố mẹ nên hạn chế cho con tiếp xúc với người khác, đồng thời nên tránh chỗ đông người
  • Đeo khẩu trang: Khi cho bé bú, nếu nghi ngờ mình bị cúm, các mẹ nên đeo khẩu trang y tế nhé

Những mẹ đang cho con bú nếu có triệu chứng của cảm cúm (bao gồm sốt, ho, hoặc đau họng) có thể lưu ý những mẹo nhỏ sau đây để tránh virus lây sang bé:

  • Đeo khẩu trang và che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi
  • Đặt một tấm chăn mỏng ngăn cách giữa mẹ và bé trong khi cho bé bú
  • Hút sữa ra và nhờ ai khác không bị ốm cho bé bú bằng bình

NIH cảnh báo rằng, trẻ nhỏ hơn hai tuổi có nguy cơ gặp phải các biến chứng cao hơn nếu bị cúm, vì vậy bố mẹ nên liên lạc ngay với bác sỹ nếu nhận thấy con có những biểu hiện sau đây:

  • Mệt mỏi và dễ cáu kỉnh
  • Ăn uống kém
  • Bị ho
  • Bị tiêu chảy và nôn mửa
  • Sốt
  • Sổ mũi

Út Em hi vọng những thông tin trên sẽ giúp các mẹ bớt phân vân về việc liệu có nên cho con bú khi mẹ bị ốm. Nếu không may bị nhiễm cúm, các mẹ không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc kháng virus nhé. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là tham khảo ý kiến bác sĩ, từ đó chọn được phương pháp điều trị vừa tốt cho mẹ vừa đảm bảo sức khỏe cho con yêu.

(Theo Babygooroo – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment