Làm thế nào để biết liệu con tôi có bị tiêu chảy hay không?
Trước tiên, mẹ cần cân nhắc xem những gì là bình thường đối với con của mẹ.
Trẻ sơ sinh thường đi ngoài sau mỗi lần ăn – và phân thường là khá mềm, đặc biệt là nếu các bé được nuôi bằng sữa mẹ.
Ngoài ra, nếu bé đang được bú sữa mẹ, phân của bé có thể thay đổi tùy thuộc vào những gì mà mẹ ăn.
Khi bé bắt đầu ăn thức ăn rắn, mẹ sẽ thấy rằng phân của bé sẽ có hơi rắn hơn một chút – dù nó sẽ có sự thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào chế độ ăn uống của bé.
Một bãi chất thải lỏng của bé, những tiếng đánh rắm lúc ban đêm, hay những lần thay tã khủng khiếp. Hãy nghe chuyện kể của những ông bố bà mẹ mỗi khi phải đối mặt với chiếc tã bẩn của bé.
Tất cả những điều trên đều cho thấy rằng rất khó để mô tả làm thế nào để biết liệu bé có bị tiêu chảy hay không. Tóm lại:
Nếu phân của bé thỉnh thoảng có lỏng hơn bình thường thì không có gì đáng lo ngại cả, nhưng nếu con mẹ đột nhiên có sự thay đổi trong vấn đề đi ngoài – đó là: Bé đi ngoài nhiều hơn bình thường và phân lỏng hơn – thì đó có thể là tiêu chảy.
Mặc dù một trường hợp tiêu chảy nghiêm trọng có thể khiến ngay cả những bậc cha mẹ vốn dĩ vẫn rất điềm tĩnh lại cảm thấy hết sức lo lắng, thì hầu hết các trường hợp tiêu chảy khác đều ở dạng tương đối nhẹ và không đe dọa đến sức khỏe, miễn là con của mẹ không bị mất nước.
Tuy nhiên nếu gặp phải tình trạng mất nước thì có thể sẽ rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong đối với trẻ nhỏ, vì vậy việc đảm bảo chắc chắn rằng con mẹ có đủ nước là điều hết sức quan trọng.
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy. Tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể là do nhiễm khuẩn bởi vi-rút hoặc vi khuẩn. Cũng có thể là do một loại ký sinh trùng nào đó, chất kháng sinh, hoặc một số thứ bé ăn phải.
Nhiễm vi-rút
Bất kể loại vi-rút nào – như rotovirus, adenovirus, calicivirus, astrovirus và influenza – cũng có thể gây tiêu chảy, cũng như chứng ói mửa, đau bụng, sốt, ớn lạnh, và đau nhức cơ thể.
Nhiễm khuẩn
Các loại vi khuẩn – như salmonella, shigella, staphylococcus, campylobacter, hoặc E. coli – cũng có thể gây ra tiêu chảy. Nếu con mẹ bị nhiễm khuẩn, bé có thể sẽ bị tiêu chảy nặng, kèm theo đau bụng, phân lẫn máu, và sốt. (Bé có thể bị nôn mửa hoặc không).
Một số bệnh do nhiễm khuẩn sẽ có những biểu hiện rõ rệt, nhưng một số bệnh, ví dụ như nhiễm khuẩn E. coli (loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong thịt sống và các nguồn thực phẩm khác) có thể sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, nếu con bạn gặp phải những triệu chứng ở trên, thì hãy đưa bé đến khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và có thể dựa vào phân của bé để phát hiện ra bệnh do nhiễm khuẩn.
Nhiễm trùng tai
Trong một số trường hợp, nhiễm trùng tai (có thể là do vi-rút hoặc vi khuẩn) sẽ là thủ phạm gây ra tiêu chảy. Nếu là do nguyên nhân này, mẹ có thể sẽ nhận thấy rằng bé rất hay nhặng xị lên và kéo tai của mình. Bé cũng có thể nôn mửa, kém ăn, và bị cảm lạnh.
Ký sinh trùng
Nhiễm khuẩn do ký sinh trùng cũng có thể gây ra tiêu chảy. Ví dụ như bệnh nhiễm khuẩn do Giardias, gây bởi một loại ký sinh trùng rất nhỏ sống trong ruột.
Các triệu chứng bệnh có thể gồm đầy hơi, tiêu chảy, và phân nhờn dính. Những loại bệnh do nhiễm trùng có thể dễ dàng lây lan khi được nuôi dưỡng, chăm sóc trong một tập thể và việc điều trị phải cần có các loại thuốc đặc biệt, do vậy con mẹ cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình hình sức khỏe.
Thuốc kháng sinh
Nếu bé bị tiêu chảy trong hoặc sau khi uống một liều kháng sinh, thì nó có thể là nguyên nhân gây bệnh, bởi kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong đường ruột và kèm theo các vấn đề gây ra bởi vi khuẩn có hại khác. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra giải pháp và cách chữa trị, nhưng bạn vẫn phải tiếp tục cho bé uống thuốc đã kê đơn cho đến khi bác sĩ cho phép ngừng sử dụng.
Uống quá nhiều nước trái cây
Uống quá nhiều nước trái cây (đặc biệt là nước ép trái cây có chứa sorbitol và hàm lượng cao fructose) hoặc nước quá ngọt cũng có thể khiến cho dạ dày của bé khó chịu và tạo phân lỏng.
Cắt giảm lượng nước trái cây có thể khắc phục được các vấn đề trong vòng một tuần hoặc lâu hơn.
Tờ American Academy of Pediatrics (AAP) khuyến cáo rằng bạn không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước ép trái cây. Và sau 6 tháng tuổi thì không cho bé uống nhiều hơn 100ml một ngày.
Việc pha sữa công thức không đúng tỷ lệ cũng có thể gây ra tiêu chảy, do đó hãy đảm bảo rằng bạn đang pha sữa công thức với lượng nước phù hợp cho bé yêu.
Dị ứng thực phẩm
Hãy gọi 115 nếu con bạn bị khó thở hoặc mặt, môi bị sưng phù lên.
Dị ứng thực phẩm (hiện tượng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với protein có trong thực phẩm mà thông thường không gây hại) có thể gây ra các phản ứng nhẹ hoặc nặng – ngay lập tức hoặc trong vòng một vài giờ sau khi ăn.
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm bao gồm tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng, và phân lẫn máu. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, dị ứng thực phẩm cũng có thể gây phát ban, nổi mẩn, sưng phù, và khó thở.
Protein trong sữa là một trong những chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất.
Trẻ nhỏ không nên uống sữa bò khi còn dưới 1 tuổi, nhưng các loại sữa công thức được làm từ sữa bò hoặc thực phẩm làm từ sữa – khi bé đang tập ăn thực phẩm rắn – có thể gây ra các phản ứng, nếu con mẹ bị dị ứng với loại thực phẩm đó. Trong một số trường hợp, nguyên nhân cũng có thể là do sữa mẹ, nếu người mẹ ăn các sản phẩm được làm từ sữa.
Ngoài ra còn có một số chất gây dị ứng thực phẩm thường gặp khác (hầu hết đều là các loại chưa có trong thực đơn của trẻ nhỏ), đó là trứng, lạc, đậu nành, lúa mì, các loại hạt, cá và động vật có vỏ (tôm, cua, ốc, sò..). Nếu mẹ nghĩ rằng con mình có thể bị dị ứng thực phẩm, thì hãy trao đổi với các bác sĩ.
Bất dung nạp thực phẩm
Không giống như dị ứng thực phẩm, bất dung nạp thực phẩm (đôi khi còn được gọi là nhạy cảm với thực phẩm) là một phản ứng bất thường không liên quan đến hệ thống miễn dịch. Một ví dụ về một sự nhạy cảm với thực phẩm là bất dung nạp lactose.
Bất dung nạp lactose là hiện tượng rất hiếm gặp ở trẻ, nhưng nếu em bé của bạn không dung nạp lactose, điều đó có nghĩa là cơ thể của bé không sản xuất đủ lactase, các enzyme cần thiết để tiêu hóa lactose, một loại đường có trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa khác.
Khi lactose không tiêu hóa được ở lại trong ruột, nó có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, chứa khí. Các triệu chứng thường kéo dài từ nửa giờ đến 2 giờ sau khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.
Nếu em bé của mẹ bị tiêu chảy ở mức độ nghiêm trọng, cơ thể bé sẽ tạm thời gặp khó khăn trong việc sản xuất lactase, và kết quả là bé có thể có các triệu chứng bất dung nạp lactose trong vòng 1 đến 2 tuần.
Ngộ độc
Nếu bé bị tiêu chảy, ói mửa và mẹ nghĩ rằng có thể bé đã nuốt phải một số loại phi thực phẩm như một loại thuốc, hóa chất, hoặc cây cỏ, hãy lập tức đưa bé đến bệnh viên. Các triệu chứng khác có thể bao gồm cả mệt mỏi và co giật.
Tôi nên điều trị tiêu chảy cho con tôi như thế nào?
Mặc dù tiêu chảy nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra nếu được điều trị đúng cách, nhưng nếu bé bị mất nước thì mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay, do đó mối quan tâm đầu tiên mà mẹ cần làm là cung cấp cho bé đủ chất lỏng. Nếu con mẹ không còn nôn nữa, hãy tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức.
Nếu em bé của mẹ không thể tiêu hóa được sữa mẹ hoặc sữa công thức, mẹ hãy gọi cho bác sĩ của bé, và họ có thể đề cập đến phương pháp sử dụng thuốc điện giải.
Thuốc điện giải có sẵn ở các nhà thuốc và có mùi vị mà hầu hết các bé sẽ đều cảm thấy dễ uống khi bị mất nước. Thuốc điện giải cũng giúp dạ dày bé dễ tiêu hóa hơn là sữa hay sữa công thức.
Nên tránh xa các loại nước ngọt như soda (bao gồm cả nước gừng), đồ uống thể thao (như Gatorade), nước đường, và nước ép trái cây nguyên chất. Nước thạch Jell-O cũng vậy. Tất cả những đồ uống trên đều chứa đường và háo nước ở ruột sẽ khiến cho bệnh tiêu chảy của trẻ trở nên nặng hơn.
Đối với những trẻ đã ăn được các thức ăn cầm tay hoặc có thể cho ăn ngồi, bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên tiếp tục cho bé ăn thức ăn rắn nếu bé vẫn đang trong tình trạng tiêu chảy.
Trong khi không có gì là sai khi cho bé thực hiện chế độ ăn cổ điển BRAT – bao gồm chuối, gạo, nước sốt táo và bánh mì khô – APP lại nói rằng một chế độ ăn uống thông thường bao gồm các thực phẩm chủ lực như carbohydrate phức tạp (như bánh mì, ngũ cốc, và gạo), thịt nạc, sữa chua , trái cây, và rau cũng đều là những thực phẩm an toàn cho bữa ăn.
Thực tế là do chúng chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu căn bản để chống lại nhiễm khuẩn, vậy nên một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ tiêu chuẩn có thể làm thời gian khỏi bệnh trở nên nhanh hơn.
Nếu em bé của mẹ tạm thời không chịu ăn, đừng lo lắng quá. Cảm giác bị thiếu nước sẽ làm cơn thèm ăn của bé quay trở lại trong vòng 1 đến 2 ngày.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vi khuẩn sống được tìm thấy trong sữa chua là an toàn và hiệu quả để giảm bớt về số lượng và thời gian tiêu chảy. Đây là một cách dễ dàng để điều trị triệu chứng này, đặc biệt là nếu em bé của mẹ thích mùi vị của sữa chua. Chỉ cần mẹ mua đúng loại sữa chua có chứa vi khuẩn có lợi, hoặc vi khuẩn sống.
Nếu em bé của mẹ không thoải mái trong lúc ỉa chảy, hãy thử ôm bé vào lòng, vỗ về bé càng nhiều càng tốt và giữ bé khô ráo. Hãy quan tâm dịu dàng với bé, và thoa kem chống hăm nữa, vì phần mông của bé rất dễ trở nên đỏ ửng và bị kích ứng từ phân lỏng.
Cho con tôi uống thuốc chống tiêu chảy dành cho người lớn liệu có ổn không?
Không. Mẹ không được cho em bé của bạn uống bất kỳ loại thuốc chống tiêu chảy nào, trừ khi được sự đồng ý của bác sĩ. Những loại thuốc này có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khi nào cần gọi bác sĩ?
Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu em bé của mẹ từ 3 tháng tuổi trở xuống và đang bị tiêu chảy.
Nếu bé đã hơn 3 tháng, mẹ hãy gọi cho bác sĩ nếu bé bị tiêu chảy và tình trạng của bé không thể cải thiện sau 24 giờ.
Mẹ cũng nên gọi bác sĩ nếu em bé của bạn bị tiêu chảy và có những triệu chứng sau đây:
- Bé nôn nhiều lần
- Bé có dấu hiệu bị mất nước – ví dụ như khô miệng, tã vẫn chưa ướt trong vòng 6 tiếng trở đi, và khóc không ra nước mắt
- Có máu trong phân hoặc phân có màu đen
- Bé sốt cao: 101 độ F (38,3 độ C) hoặc cao hơn nếu bé từ 3-6 tháng tuổi; 103 độ F (39,4 độ C) hoặc cao hơn nếu bé từ 6 tháng tuổi trở lên. (Nếu em bé của mẹ nhỏ hơn 3 tháng tuổi và nhiệt độ cơ thể lên đến 100.4 độ F (38 độ C) hoặc cao hơn, mẹ hãy gọi bác sĩ ngay lập tức vì bé quá nhỏ và cần phải được kiểm tra xem có phải đã nhiễm trùng nặng hoặc mắc loại bệnh gì không).
Tôi nên làm gì để có thể giúp bé tránh khỏi bệnh tiêu chảy nhiễm trùng?
Rửa tay thường xuyên là cách bảo vệ tốt nhất, bởi vì các vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy có thể dễ dàng truyền từ tay vào miệng. Ví dụ khi mẹ thao tác với tã bẩn trước khi lau miệng cho bé, các vi khuẩn sẽ rất dễ xâm nhập vào miệng bé.
Em bé của bạn cũng có thể mắc phải nhiễm trùng gây bệnh tiêu chảy từ việc đưa ngón tay vào trong miệng sau khi chạm vào đồ chơi hoặc các vật dụng khác đã bị nhiễm phân của một đứa trẻ bị nhiễm bệnh.
Mẹ cần rửa tay thật sạch trong ít nhất 15 giây với xà phòng và nước ấm sau khi xử lý tã bẩn hoặc sử dụng phòng tắm và trước khi chuẩn bị thức ăn.
Tay của bé cũng cần được rửa sạch sẽ thường xuyên. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng mẹ thực hiện đúng quy trình chuẩn bị thực phẩm và nấu ăn an toàn.
(Út Em Shop dịch và tổng hợp từ BabyCenter)
Con minh dc 6t do dung ks nhieu nen be di ngoai phan lat bieng an.bien phap su ly nhu the nao a.