Các bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ sơ sinh

Út Em chào các mẹ. Không có gì sánh được sự mềm mại, mịn màng của da em bé. Và cũng không có gì làm người mẹ phải bận tâm như da một đứa trẻ ốm yếu dễ bị kích ứng bởi hăm tã, nấm hay vấn đề về da khác.

Nhiều trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng trong vài tháng đầu sau khi sinh. Dưới đây là sẽ là cách giúp bạn phát hiện và điều trị các vấn đề về da thường gặp ở trẻ nhỏ.

Da trẻ sơ sinh rất dễ nổi mẩn

da trẻ sơ sinh rất dễ nổi mẩn

Có một tin tốt lành về vấn đề nổi mẩn ở trẻ sơ sinh, đó là: Hầu hết các tình trạng nổi mẩn này là vô hại và sẽ dần dần tự biến mất. Trong khi việc chăm sóc các vấn đề về da em bé có vẻ khá phức tạp, thì bạn chỉ cần lưu ý 3 điều đơn giản sau đây, đó là:

  • Những vấn đề nào bạn có thể tự điều trị tại nhà?
  • Bệnh nào cần sự điều trị của bác sĩ?
  • Và làm thế nào để bảo vệ làn da của con bạn khi những vấn đề về da bắt đầu xuất hiện?

Tránh hăm tã

hăm tã

Nếu làn da của bé ửng đỏ chỉ quanh vùng đóng tã, điều đó có thể là do hăm tã. Hầu hết hiện tượng hăm tã đều xảy ra do bị kích ứng bởi tã bẩn hoặc ướt, đặc biệt là nếu để tã quá lâu; đóng tã quá chặt; hoặc bị dị ứng bởi loại chất tẩy rửa, xà phòng, tã lót hay loại khăn ướt nào đó.

Hãy phòng tránh hiện tượng này bằng cách giữ cho vùng da đóng tã được thông thoáng càng lâu càng tốt, thay tã càng sớm càng tốt ngay khi bị ướt, vệ sinh sạch sẽ nhưng cũng phải nhẹ nhàng với một chiếc khăn ấm và bôi kem chống hăm trong lúc thay tã.

Nổi mụn nhọt và mụn đầu trắng

mụn nhọt và mụn đầu trắng

Cái gọi là “mụn của em bé” là hiện tượng rất phổ biến trong vài tuần đầu tiên sau khi bé chào đời. Hiện tượng này có thể đã xuất hiện ngay cả khi bé còn đang ở trong bụng mẹ, nơi mà em bé được tiếp xúc với hoóc môn của người mẹ. Những hoóc-môn này thúc đẩy sản xuất dầu, làm tắc nghẽn các tuyến bã nhờn của em bé.

Mụn nhọt mọc trên mũi hoặc má thường sẽ tự lặn đi trong vòng một vài tuần và không cần điều trị gì cả. Nếu hiện tượng mụn nhọt này đã kéo dài quá ba tháng, thì bạn nên nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ.

Vết chàm

Chàm

Rất nhiều em bé có các vết chàm như vậy – cứ hơn 1 trong số 10 trẻ lại gặp phải hiện tượng hết sức bình thường đó. Vết chàm – vùng da có sự thay đổi màu sắc, thường không do di truyền. Chúng có thể đã có khi em bé được sinh ra, hoặc có thể xuất hiện một vài tháng sau đó. Nói chung, những vết chàm này không có gì phải lo ngại cả và cũng không cần điều trị. Nhưng nếu vết chàm khiến bạn lo lắng, hãy hỏi ý kiến các bác sĩ.

Viêm da cơ địa hay eczema

viêm da cơ địa

Eczema là hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, do phản ứng với nhân tố gây bệnh nào đó. Bệnh này thường phổ biến ở những trẻ có tiền sử gia đình bị mắc bệnh hen suyễn, sốt cỏ khô hoặc các loại bệnh dị ứng khác.

Eczema có thể xuất hiện trên khuôn mặt của em bé với biểu hiện như nổi mẩn đỏ, khô, bong tróc, hoặc dạng mụn nước. Dần dần chúng sẽ xuất hiện dày lên, khô và đóng vảy. Bạn có thể thấy chúng xuất hiện ở ngực, phía sau đầu gối, ở khuỷu tay và nếp gấp cổ tay. Để điều trị, hãy xác định nguyên nhân để phòng tránh. Sử dụng xà phòng và chất tẩy rửa dịu nhẹ và dùng một lượng vừa phải kem dưỡng ẩm. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu các gợi ý trên không hiệu quả.

Da khô

da khô

Bạn có lẽ không cần phải lo lắng nếu da của con bạn bị khô, bong tróc – bởi nó thường xảy ra khi em bé được sinh ra hơi muộn một chút. Da em bé về cơ bản là hoàn toàn khỏe mạnh, mềm mại và ẩm. Nếu tình trạng da khô vẫn còn, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nhé.

Lượng dầu dư thừa dẫn đến viêm da tiết bã nhờn

viêm da tiết bã nhờn

Viêm da tiết bã nhờn có thể xuất hiện trong vòng 1 hoặc 2 tháng đầu đời, và thường tự biến mất trong 1 năm tuổi. Hiện tượng này là do sản sinh lượng dầu dư thừa và gây nên những vảy vàng lớn trên da đầu, quanh lông mày, mí mắt, hai bên mũi hoặc phía sau tai.

Hầu hết các trường đều sẽ biến mất bằng cách vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng, mát-xa da bé bằng tinh dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu vào buổi tối. Nếu còn gây ra mẩn đỏ, viêm hay lây lan sang các vùng da khác trên cơ thể thì bạn hãy nhờ sự trợ giúp của bác sĩ nhé!

Rôm sảy gây kích ứng da

rôm sảy

Hiện tượng xuất hiện các nốt màu hồng đỏ trên các bộ phận của cơ thể dễ bị ra mồ hôi, như cổ, vùng da đóng tã, nách và các nếp gấp da. Một môi trường mát mẻ, khô ráo và quần áo rộng rãi sẽ là tất cả những gì cần thiết để chữa trị rôm sảy – mà hiện tượng này thậm chí còn xảy ra vào mùa đông khi em bé mặc quá nhiều quần áo. Hãy thử mặc quần áo có nhiều lớp cho con bạn, để khi nhiệt độ nóng lên có thể dễ dàng cởi bớt.

Trẻ sơ sinh không cần thoa phấn rôm

không cần thoa phấn rôm

Trẻ sơ sinh có thể hít phải các hạt phấn rất mịn dẫn đến các bệnh về phổi cũng như những vấn đề liên quan khác. Vì vậy, tốt nhất là tránh sử dụng phấn rôm cho con bạn. Sử dụng tinh bột ngô được cho là an toàn hơn. Tuy nhiên, nấm men ăn tinh bột ngô có thể gây hăm tã ở trẻ. Vì vậy, để bảo vệ làn da em bé, bạn hoàn toàn không nên sử dụng bất kỳ loại bột nào cả.

Mụn nhọt màu trắng (mụn thịt)

mụn nhọt màu trắng

Hiện tượng này xảy ra rất phổ biến ở trẻ nhỏ, cứ 1 trong số 2 trẻ sơ sinh lại thấy xuất hiện mụn nhọt nhỏ, màu trắng được gọi là mụn thịt. Chúng thường xuất hiện trên mũi và mặt, do lớp sừng ở da làm tắc nghẽn các tuyến dầu.

Trong trường hợp này, việc chăm sóc da cho bé rất dễ dàng: để da hay các tuyến dầu của trẻ được thông thoáng trong khoảng một vài ngày hoặc vài tuần, các mụn thịt sẽ tự biến mất và không cần điều trị gì cả.

Nhiễm nấm men

nấm men

Nhiễm nấm men, gây bởi loại nấm Candida và thường được gọi là “bệnh tưa miệng”, thường rất phổ biến ở trẻ sơ sinh do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành. Bệnh có thể xuất hiện sau khi con bạn đã được tiêm kháng sinh, hoặc nếu người mẹ đang cho con bú có nhiễm loại nấm này.

Hiện tượng bệnh xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau tùy thuộc vào nơi chúng trú ngụ trên da trẻ. Bệnh tưa miệng xuất hiện trên lưỡi và miệng, và trông giống như những hạt sữa đã khô lại, trong khi hăm tã lại làm xuất hiện những vùng da màu đỏ, thường có mụn nhỏ màu đỏ ở chỗ bị hăm.

Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm ở trẻ sơ sinh. Bệnh sẽ không tự biến mất trong vòng một vài ngày đâu mà nó thường được điều trị bằng một loại thuốc chống nấm dạng lỏng hoặc gel và kết hợp sử dụng kem chống nấm ở vùng da hăm tã có nhiễm nấm.

Mẹo giặt đồ giúp chăm sóc da cho bé yêu

mẹo giặt đồ

Tránh nổi mụn nhọt trên da sẽ giúp con bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc. Hãy sử dụng loại nước giặt dịu nhẹ để làm sạch tất cả mọi thứ có thể tiếp xúc vào da bé, từ bộ trải giường và chăn, cho đến các loại khăn và thậm chí là cả quần áo của chính bạn nữa. Bạn nên giảm thiểu mọi khả năng gây ngứa hay kích ứng da đối với bé yêu của mình nhé!

Vàng da

vàng da

Thường bắt đầu vào khoảng 2 hoặc 3 ngày sau khi sinh, vàng da là hiện tượng biến đổi sang sắc vàng và thường biểu hiện trên da và mắt của trẻ. Nó đặc biệt phổ biến đối với những trẻ sinh non hoặc được nuôi bằng sữa mẹ.

Nguyên nhân là do quá nhiều lượng bilirubin (một sản phẩm đã được phân hủy từ các tế bào hồng cầu), tình trạng bệnh sẽ biến mất khi bé được 1 hoặc 2 tuần tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể báo hiệu vấn đề sức khỏe nào đó. Điều trị vàng da có thể bao gồm phương pháp điều trị bằng ánh sáng (quang trị liệu), tiêm chủng globulin miễn dịch hoặc truyền máu, tùy thuộc vào nguyên nhân và lượng bilirubin trong cơ thể.

Cháy nắng ở trẻ sơ sinh

cháy nắng ở trẻ sơ sinh

Ánh sáng mặt trời có thể tốt đối với làn da của trẻ nhỏ, thế nhưng làn da nhạy cảm của bé sẽ có nguy cơ bị tổn thương do cháy nắng. Hãy phòng tránh các vấn đề da bằng cách bảo vệ bé khỏi bị cháy nắng: Không để con bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong 6 tháng đầu đời. Sau đó, hãy sử dụng loại kem chống nắng phù hợp dành cho em bé, mũ và ô. Nếu thấy con bạn có dấu hiệu bị cháy nắng, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Kem chống nắng

kem chống nắng

Bôi kem chống nắng lên tất cả các vùng da không được che phủ bởi quần áo. Bạn cũng có thể bôi kẽm oxit lên mũi, tai của bé. Ngay cả quần áo cũng không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi tia nắng mặt trời, do đó hãy sử dụng một chiếc mũ rộng vành để che đầu và cố gắng giữ bé trong khu vực có bóng râm khi có thể.

Sản phẩm chăm sóc da

chăm sóc da

Mua sắm các sản phẩm chăm sóc da dành cho em bé ư? Tốt nhất chỉ nên mua ít thôi. Hãy lựa chọn những sản phẩm không chứa chất nhuộm, chất tạo mùi, phthalates và parabens – tất cả các chất này đều có thể gây kích ứng da. Khi còn nghi vấn về loại nào, hãy hỏi các bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn xem liệu sản phẩm đó có thích hợp cho làn da của trẻ sơ sinh không.

Tránh các vấn đề về da khi tắm

tắm cho bé

Hãy nhớ rằng, da trẻ sơ sinh rất mềm mại và nhạy cảm. Hãy duy trì độ ẩm cho làn da của em bé bằng cách tắm trong nước ấm chỉ trong khoảng 3-5 phút thôi. Bôi sữa dưỡng hoặc kem dưỡng ẩm dành cho em bé ngay sau khi tắm trong khi da vẫn còn ẩm, và sau đó vỗ nhẹ cho khô thay vì chà xát.

Mát-xa cho bé

mát-xa cho bé

Nếu việc nổi mụn nhọt hay các vấn đề về da nào đó đang khiến cho con bạn cảm thấy khó chịu, hãy thử mát-xa cho bé xem sao. Nhẹ nhàng vuốt ve và mát-xa làn da của con bạn không chỉ giúp bé thư giãn, mà nó còn giúp bé ngủ ngon hơn, giảm hoặc ngừng khóc.

Khi nào cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ?

giúp đỡ của bác sĩ

Hầu hết các hiện tượng nổi mụn nhọt hay các vấn đề khác thường không mấy nghiêm trọng, tuy nhiên một số ít trường hợp có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng – cần có sự theo dõi chặt chẽ và kịp thời.

Nếu da của em bé xuất hiện những chấm nhỏ có màu đỏ tím mà chúng không bị xẹp hay nhạt màu đi khi ép bằng cốc thủy tinh, hoặc nếu xuất hiện các nốt mụn có dịch vàng bên trong (mụn mủ), hoặc nếu bé bị sốt hay biểu hiện lờ đờ, mê mệt, thì các mẹ hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

(Út Em Shop dịch và tổng hợp từ WebMD)

1 thought on “Các bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ sơ sinh”

  1. Cho e gỏi với ạ. Bé e bị mụn nhọt màu trắng đấy ạ. Mà từ 1 tháng đến nay ba tháng r mà cũng chưa bớt. V giờ phải làm sao ạ

    Reply

Leave a Comment