10 vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong những căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Nguyên nhân có thể bao gồm nhiễm khuẩn, không dung nạp thức ăn hoặc uống nước ép trái cây quá nhiều. Trong vòng 48 giờ kể từ khi ngừng tiêu chảy, hãy cho trẻ ở nhà và luôn cung cấp đủ nước cho trẻ. Đưa đồ ăn cho trẻ nếu chúng muốn.

Bệnh tiêu chảy đối với trẻ sơ sinh sẽ dễ trở nên nghiêm trọng hơn vì chúng dễ bị mất nước hơn. Hãy nhanh chóng liên hệ với trung tâm y tế khẩn cấp nếu bé đã đi đại tiện ra phân lỏng 6 lần hoặc hơn thế trong vòng 24 giờ qua hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác, chẳng hạn như phản xạ kém hơn, sốt, nôn, đại tiện ra phân có máu hoặc có màu đen, đau bụng.

Sốt

Nói chung, nhiệt độ cơ thể trẻ em trên 37,5 ° C (99,5 ° F) được coi là đã bị sốt. Ở trẻ em mới sinh, nhiệt độ cơ thể cao có thể là dấu hiệu cho bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức nếu em bé dưới 3 tháng có nhiệt độ 38 ° C (101 ° F) trở lên, hoặc nếu em bé trong độ tuổi 3 – 6 tháng tuổi có nhiệt độ 39 ° C (102 ° F) trở lên.

Kiểm tra ở bé xem có xuất hiện các triệu chứng đau tai, ho, ngủ lịm đi, phát ban da, nôn mửa hoặc tiêu chảy hay không. Cho bé uống nhiều nước mát để làm dịu nhiệt độ, mặc cho bé quần áo nhẹ, mỏng và giữ cho nhiệt độ phòng luôn mát mẻ. Bạn nên tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ về các lựa chọn thuốc an toàn cho bé.

Bệnh táo bón

Có nhiều em bé đi đại tiện vài lần trong một ngày; trong khi đó một số bé chỉ đi vài ngày một lần. Đừng lo lắng nếu con của bạn không đi đại tiện thường xuyên thành nhiều lần như bạn mong đợi.

Sự thực là táo bón sẽ làm cứng phân và làm quá trình thải phân trở nên rất đau đối với bé. Nếu em bé của bạn vẫn chưa cai sữa, bạn nên cung cấp thêm nước cho bé giữa các bữa ăn. Nếu em bé đã được ăn thức ăn rắn, lúc này bạn nên cho trẻ uống thật nhiều nước và nước ép trái cây pha loãng, ví dụ như nước mận hay nước táo.

Nếu bệnh táo bón vẫn tiếp tục hoặc em bé của bạn có các triệu chứng khác như đau bụng hoặc nôn mửa, bạn hãy đưa bé đến khám ở các cơ sở y tế.

Phát ban

Da của bé rất nhạy cảm. Triệu chứng bệnh phát ban có thể giao động từ mụn thường đến mụn nhỏ màu trắng (mụn thịt) đến vết đốm màu đỏ, khô và ngứa (bệnh chàm).

Để tránh hăm tã, bạn nên thay đổi tã của bé đã bị ướt hoặc bẩn càng sớm càng tốt và sử dụng một loại kem chống nhiễm trùng da như kem chứa kẽm.

Đối với bệnh chàm, bạn cần tránh tắm cho bé các loại xà phòng tẩy rửa mạnh và luôn phải giữ ẩm cho làn da.

Hầu hết phát ban đều không quá nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn nên cho trẻ đến khám ở các trung tâm y tế nếu bệnh phát ban của bé gây đau hoặc trở nên nặng hơn, hoặc nếu nhiệt độ cơ thể bé tăng cao hay bị phồng rộp da.

Ho

Bệnh ho ở trẻ sơ sinh được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Dấu hiệu của viêm thanh quản là ho khan đi kèm với tiếng khò khè khi bé hít thở. Ho đi kèm theo tăng nhiệt độ cơ thể thường có nguyên nhân do cảm lạnh, nhưng sốt cao lại có thể do viêm phổi hay cảm cúm gây nên.

Trẻ thở khò khè có thể do ho suyễn hay nhiễm trùng. Trẻ bị ho lâu ngày, hay còn gọi là bệnh ho gà, tạo ra một tràng ho dai dẳng. Hãy tìm đến sự tư vấn từ trung tâm y tế, nếu bạn muốn tìm thuốc điều trị ho cho triệu chứng này. Với những loại thuốc không cần kê đơn bạn không nên cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng.

Các triệu chứng đau bụng

Bé khóc mất kiểm soát, ưỡn lưng và phun nước bọt phì phì là tất cả các triệu chứng cho thấy bụng bé đang rất khó chịu. Nó cũng có thể do đau bụng thông thường, trào ngược dạ dày thực quản, không dung nạp thức ăn, virus hoặc các lý do khác.

Trẻ mới biết đi cũng có thể gặp vấn đề này khi thử ăn các loại thực phẩm khác nhau. Hầu hết các cơn đau bụng ở trẻ không nguy hiểm và sẽ nhanh khỏi. Nếu con bạn vẫn chưa hết đau bụng và bị nôn, tiêu chảy, nằm lịm đi hoặc lên cơn sốt, bạn hãy tìm đến tư vấn hỗ trợ y tế.

Đau khi mọc răng

Thông thường đến khoảng tháng thứ 6, chiếc răng đầu tiên của bé sẽ được đẩy lên khỏi nướu. Đau nhức nướu răng có thể làm cho em bé khó chịu. Bạn có thể làm dịu cơn đau nướu cho bé bằng việc đưa cho bé thứ gì đó để nhai, cắn.

Một chiếc vòng cắn mọc răng (teething ring) sẽ hữu ích cho bé khi sử dụng. Dịch vụ Y tế Quốc gia nói rằng, đối với trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi trở đi, bạn có thể nhẹ nhàng chà xát và làm sạch nướu cho bé bằng những loại gel đánh răng không đường phù hợp.

Đầy bụng

Ợ hơi, khóc, và đầy hơi có thể là dấu hiệu của bệnh đầy bụng ở trẻ sơ sinh. Bệnh đầy bụng không giống với bệnh đau bụng, có thể dẫn đến tình trạng trẻ khóc quấy không ngừng nghỉ.

Bệnh đầy hơi thường do nuốt không khí, vậy nên bạn hãy nhớ cho bé ăn từ từ và giải phóng đầy hơi cho bé bằng cách nhẹ nhàng xoa lưng bé để đẩy không khí bị mắc kẹt ra ngoài.

Trẻ mới biết đi có thể bị đầy hơi do ăn chất xơ hoặc các loại thực phẩm có chất béo gây ra, hoặc do bé uống nước quá nhiều.

Nghẹt mũi

Khi bé bị cảm lạnh, mũi bé sẽ rất ngột ngạt và khó thở. Thuốc cảm lạnh không cần kê đơn không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Dịch vụ Y tế Quốc gia gợi ý bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc trung tâm y tế tại địa phương bạn về thuốc muối nhỏ mũi giúp làm giảm nghẹt mũi bằng cách làm loãng dịch mũi bị khô.

Buồn nôn và ói mửa

Trẻ phun phì phì sau khi được cho ăn là chuyện khá bình thường, nhưng nếu trẻ bị nôn mửa quá mức hoặc liên tục thì bạn cần phải liên lạc ngay để nghe lời đánh giá từ bác sĩ đa khoa. Nôn mửa đi kèm với tiêu chảy có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị nhiễm virus.

Hãy chắc chắn rằng con bạn vẫn được cung cấp đủ nước uống khi bé bị mất nước từ việc nôn quá nhiều. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại dung dịch điện giải bù nước. Đây là một loại bột đặc biệt pha với nước và có chứa đường, muối dùng để giúp người bệnh bù đắp lượng nước mất đi của cơ thể. Nếu trẻ cứ tiếp tục nôn trong vòng vài giờ và không có dấu hiệu dừng lại, kèm theo đó là triệu chứng sốt và mất nước liên tục, bạn hãy tìm sự tư vấn từ y tế.

Giữ bình tĩnh khi bé không ổn

Đối với các ông bố bà mẹ mới, không có gì đáng buồn hơn là đứa con bé bỏng của mình bị ốm. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh nào. Bạn phải tin vào bản năng làm cha mẹ của mình, và luôn luôn cảnh giác với những dấu hiệu cần đến tư vấn y tế hay dịch vụ chăm sóc khẩn cấp.

Một số dấu hiệu cảnh báo mà bạn cần biết khi bé không ổn đó là những thay đổi về sự thèm ăn, khó chịu dữ dội, ngủ lịm đi, khó thở, phát ban da, cứng gáy, co giật, nhiệt độ cơ thể cao, và tã lót khô một cách bất thường.

[adinserter block=”8″]

(Út Em Shop dịch và tổng hợp từ WebMD)

Leave a Comment