Ảnh hưởng của can thiệp giáo dục dinh dưỡng và y tế đối với niềm tin và cách chăm sóc hậu sản của phụ nữ: nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng

Tóm tắt

“Tháng ở cữ” là truyền thống của người Trung Quốc về các phong tục chăm sóc phụ nữ trong giai đoạn hậu sản. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số cách chăm sóc hậu sản theo truyền thống có thể có hại cho sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu can thiệp về các cách chăm sóc hậu sản. Trong bài nghiên cứu này chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của công tác can thiệp giáo dục dinh dưỡng và y tế, mà tập trung vào cải thiện chất lượng chế độ ăn uống hậu sản cùng với những hành vi y tế tối ưu.

Phương pháp

Thiết kế nghiên cứu (study design) là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được tiến hành ở cả khu vực nông thôn và thành thị của tỉnh Hồ Bắc từ tháng 8 năm 2003 đến tháng 6 năm 2004. Tuyển chọn nghiên cứu tổng số 302 phụ nữ mà đã tham gia khám trước sinh trong kỳ tam cá nguyệt thứ ba và có thai kỳ không phức tạp. Những người phụ nữ này được chia ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp giáo dục ở cả khu vực nông thôn và thành thị, được học các tiết giáo dục tiền sản kéo dài hai tiếng và được khám tư vấn hậu sản bốn lần. Phụ nữ thuộc nhóm đối chứng được chăm sóc y tế bình thường trong thai kỳ và giai đoạn hậu sản. Những người phụ nữ này được theo dõi tiếp cho đến 42 ngày sau sinh. Biện pháp đo lường kết quả nghiên cứu là kiến thức y tế và dinh dưỡng, hành vi ăn uống, hành vi sức khỏe và các vấn đề sức khỏe trong giai đoạn hậu sản.

Kết quả

Phụ nữ trong các nhóm can thiệp biểu hiện tiến bộ nhiều hơn hẳn về các hành vi ăn uống nói chung như là tiêu thụ trái cây, rau củ, đậu tương và các sản phẩm đậu tương cũng như là kiến thức y tế và dinh dưỡng so với những người trong nhóm đối chứng. Có nhiều phụ nữ hơn trong các nhóm can thiệp từ bỏ những điều kiêng kị hành vi theo truyền thống. Tỉ lệ mắc mới táo bón, chuột rút hoặc đau khớp và tình trạng sản dịch kéo dài đã giảm đáng kể trong các nhóm can thiệp khi so sánh với các nhóm đối chứng.

Kết luận

Nghiên cứu này chứng tỏ rằng can thiệp giáo dục y tế và dinh dưỡng giúp phụ nữ từ bỏ một số cách chăm sóc hậu sản không lành mạnh theo truyền thống và giúp giảm tỉ lệ hiện hành của các vấn đề sức khỏe sau sinh. Công tác can thiệp có tiềm năng để áp dụng và phát triển triển khai trên quy mô lớn.

Bối cảnh

Mặc dù có nhiều công tác can thiệp giáo dục đã tập trung vào thai kỳ liên quan đến các vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng, nhưng các chương trình giáo dục như thế lại thường không được duy trì trong giai đoạn hậu sản. Giai đoạn sau sinh ít được quan tâm hơn so với khi mang thai và sinh con.

Giai đoạn sau sinh, hay hậu sản, bắt đầu khoảng một giờ sau khi sinh ra bào thai và kéo dài trong sáu tuần. Sau sáu tuần sau sinh con, đa số những biến đổi do thai kỳ, lâm bồn và sinh con đều đã biến mất và cơ thể trở về trạng thái như chưa mang thai. Giai đoạn sau sinh là một giai đoạn rất đặc thù trong cuộc đời của người phụ nữ. Cơ thể của cô ấy cần được hàn gắn và phục hồi sau khi mang thai và sinh con. Chăm sóc hậu sản hợp lý và ăn uống cân đối trong giai đoạn này là rất quan trọng đối với sức khỏe của người phụ nữ.

Theo nhiều truyền thống của người Trung Quốc, 30 hoặc 40 ngày sau sinh được xem như thời gian đặc biệt đi cùng với các hạn chế hành vi và là một dịp để hồi sức. Giai đoạn này được gọi là “tháng ở cữ” hay “tháng kiêng cữ”. Dựa theo Y học cổ truyền Trung Hoa thì, phụ nữ sau sinh sẽ ở vào tình trạng cơ thể “yếu nhược” do thiếu “khí” và mất máu. Cơ thể của họ có thể dễ dàng bị xâm nhập tấn công bởi những thứ có tính hàn hay tính nhiệt, mà có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như là chóng mặt, đau đầu, đau lưng và đau khớp trong tháng đó hoặc nhiều năm sau. Do đó, phụ nữ Trung Quốc được khuyên là phải ăn theo một tập hợp những loại thức ăn cụ thể và làm theo những cách chăm sóc sức khỏe nhất định. Ví dụ, phụ nữ sau sinh nên ở trong nhà và không được ra ngoài, đóng kín mọi cửa sổ trong phòng để tránh gió lùa. Cấm không tắm gội để phòng tránh đau đầu và đau người trong nhiều năm sau. Những thực phẩm như là trái cây, rau củ, sản phẩm đậu tương và những đồ uống lạnh mà được xem như có tính hàn, cũng nên tránh. Ngược lại những thực phẩm như là đường đỏ, cá, thịt gà và chân giò lợn mà được xem như có tính nhiệt thì nên ăn nhiệt tình. Người ta tin rằng nếu một người phụ nữ không tuân theo những điều kiêng kị này, cô ta có thể sẽ bị suy kiệt sức khỏe sau này.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ mắc mới các vấn đề sức khỏe sau sinh thì cao và những vấn đề này có thể liên quan đến những cách ăn uống và sinh hoạt truyền thống không khoa học trong giai đoạn hậu sản. Dữ liệu Trung Quốc sẵn có cũng chỉ ra rằng tỉ lệ mắc mới của táo bón và trĩ cũng liên quan đến việc thiếu vận động và giảm ăn uống trái cây và rau củ, nguy cơ gặp các vấn đề với khoang miệng cũng có liên quan đến việc không đánh răng và ăn quá nhiều đường trong giai đoạn hậu sản.

Bài viết này miêu tả công tác can thiệp giáo dục y tế và dinh dưỡng được thực hiện ở cả khu vực nông thông và thành thị nhằm cố gắng vượt qua những cách chăm sóc hậu sản truyền thống không tốt cho sức khỏe. Bài nghiên cứu này xây dựng trên một bài báo cáo khảo sát trước đó mà chỉ ra rằng các thói quen nghỉ ngơi hậu sản truyền thống chủ yếu được truyền lại từ các bà các mẹ các cô trong gia đình đến các thế hệ trẻ. Phụ nữ gặp hạn chế trong việc tiếp cận đến những biện pháp chăm sóc hậu sản hiện đại, đặc biệt là những người sống trong khu vực nông thôn. Mục tiêu của công tác can thiệp này là để cung cấp thông tin và hướng dẫn về những cách chăm sóc hậu sản đương đại và để xóa bỏ những quan niệm sai lầm phổ biến về các hành vi y tế và ăn uống truyền thống (như là cấm ăn trái cây và rau củ vì chúng có tính hàn, phụ nữ hậu sản nên ở trong nhà và không được ra ngoài). Để tạo điều kiện đưa ra quyết định về việc triển khai khả dĩ trên quy mô rộng của công tác can thiệp này, thì nghiên cứu này có mục tiêu là đánh giá tác dụng của biện pháp can thiệp vào hành vi y tế và ăn uống của những người tham gia nghiên cứu.

Phương pháp

Đối tượng và địa điểm nghiên cứu

Lối sống của người dân thay đổi nhiều giữa khu vực nông thôn và thành thị. Khu vực nông thôn vẫn kém phát triển về kinh tế và bảo thủ về văn hóa. Do vậy hai khu vực đại diện cho nông thôn và thành thị ở tỉnh Hồ Bắc đã lần lượt được chọn. Một ở vùng đô thị của Vũ Hán, là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc với dân số là 7.000.000 người. Khu vực còn lại là ở vùng nông thôn Ma Thành, thành phố cấp huyện cách Vũ Hán 200km về phía đông với dân số là 1.200.000 người. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 8/2003 đến tháng 6/2004. Người tham gia nghiên cứu được chọn lần lượt từ bốn bệnh viện trong khu vực đô thị và bốn trung tâm y tế trong khu vực nông thôn. Các tiêu chí đủ tư cách để tham gia như sau:1) thai phụ khỏe mạnh; 2) đang ở kỳ tam cá nguyệt thứ ba; 3) đã khám định kỳ ít nhất ba lần tại các cơ sở khám tiền sản này. Tổng cộng 410 phụ nữ ban đầu tham gia vào nghiên cứu. Thông tin về các quy trình nghiên cứu được cung cấp cho những thai phụ hợp cách. Mỗi phụ nữ ký vào mẫu đơn chấp thuận ở lần phỏng vấn đầu tiên; xác nhận là cô ấy tự nguyện tham gia. Văn bản chấp thuận đạo đức được cấp bởi Sở Y tế địa phương và ban đạo đức nghiên cứu của Đại học Y khoa Đồng Tế, Trung Quốc.

Thiết kế nghiên cứu can thiệp

Nghiên cứu này được thiết kế thành một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để đánh giá độ hiệu quả của biện pháp can thiệp giáo dục dinh dưỡng và y tế với trọng tâm chính là chất lượng chế độ ăn uống và hành vi y tế trong giai đoạn hậu sản. Phụ nữ tham gia được chia ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp hoặc nhóm đối chứng ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Những phụ nữ thuộc nhóm can thiệp ở cả hai khu vực được thông báo tham gia hai buổi giáo dục dinh dưỡng và y tế kéo dài hai tiếng đồng hồ mỗi buổi. Những buổi này được tổ chức hai lần một tháng để đảm bảo là mọi người tham gia trong nhóm can thiệp có thể tham dự. Các nhà giáo dục sức khỏe là các nhân viên y tế từ bệnh viện sản nhi địa phương, những người đã được đào tạo chuyên sâu bởi nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Nội dung của hai buổi giáo dục tập trung vào:

  • Kiến thức tháp hướng dẫn thực phẩm
  • Kiến thức liên quan dinh dưỡng-thực phẩm
  • Tầm quan trọng của tiêu thụ sữa, trái cây và rau củ
  • Ví dụ về các thực đơn ăn uống tốt cho sức khỏe
  • Các kiểu hành vi vệ sinh tối ưu và tập thể dục trong giai đoạn hậu sản
  • Thảo luận về lối sinh hoạt lành mạnh sau sinh
  • Quan niệm sai lầm phổ biến về các hành vi vệ sinh trong hậu sản
  • Thảo luận về các vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng liên quan đến các cách chăm sóc hậu sản

Một sách hướng dẫn về kiến thức chăm sóc y tế và dinh dưỡng hậu sản được biên soạn bởi nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã được phát đến phụ nữ thuộc nhóm can thiệp sau tiết học. Người tham gia thuộc nhóm đối chứng không được nhận biện pháp can thiệp nhưng được tiếp xúc với tiêu chuẩn chăm sóc thông thường sẵn có trong khi sinh con và sau sinh. Hình 1 trình bày mô tả sơ lược về thử nghiệm.

Tuyển chọn người tham gia, đạt được sự chấp thuận, bảng câu hỏi về nhân khẩu (n=410)
Chỉ định ngẫu nhiên vào nhóm đối chứng (n=190) Chỉ định ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp (n=220)
Tham gia hai buổi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe tiền sản thời lượng 2 tiếng mỗi buổi (n=201)
Thăm khám định kỳ và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần đầu sau sinh) (n=164) Thăm khám tư vẫn và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần đầu sau sinh) (n=198)
Thăm khám định kỳ và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần 2 sau sinh) (n=157) Thăm khám tư vẫn và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần thứ 2 sau sinh) (n=189)
Thăm khám định kỳ và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần 4 sau sinh) (n=154) Thăm khám tư vấn và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần thứ 4 sau sinh) (n=176)
Thăm khám định kỳ và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần 6 sau sinh) (n=148) Thăm khám tư vấn và thu thập thông tin về cách chăm sóc sức khỏe và ăn uống (tuần thứ 6 sau sinh) (n=154)

Hình 1

Giản đồ thiết kế nghiên cứu

Thu thập dữ liệu

Một bảng câu hỏi cơ sở bao gồm các đặc điểm kinh tế-nhân khẩu của các hộ gia đình được thu thập tiền sản tại thời điểm tuyển chọn người tham gia. Đồng thời mọi người tham gia đều được cho làm kiểm tra về kiến thức dinh dưỡng và y tế. Trong giai đoạn hậu sản, những nhân viên y tế đã qua đào tạo đến thăm khám bốn chuyến ở hộ gia đình của mỗi người tham gia vào tuần thứ 1, 2, 4 và 6 sau sinh. Trong mỗi chuyến thăm khám tại nhà, phụ nữ thuộc nhóm đối chứng và can thiệp ở cả hai khu vực được phỏng vấn thông qua bảng câu hỏi. Bảng câu hỏi gồm có thông tin về những hành vi y tế, hoạt động thể chất và các vấn đề sức khỏe sau sinh. Sản phụ và con sơ sinh của họ được khám bởi chuyên gia y tế.  Với nhóm can thiệp ở cả hai khu vực, việc tư vấn và cố vấn về các cách chăm sóc hậu sản được cung cấp. Với người tham gia vào hai nhóm đối chứng thì các chuyên gia y tế không can thiệp vào cách làm của họ, chỉ có thăm khám định kỳ. Mọi người tham gia được yêu cầu ghi lại nhật ký thức ăn trong ba ngày liên tiếp của mỗi người trong tuần đầu, trong hai ngày ở tuần kế tiếp và hai ngày ở tuần thứ sáu sau sinh. Họ được hướng dẫn cách ước lượng thức ăn bằng gram và mililit ở chuyến khám đầu tiên. Thực phẩm ăn uống vào người được đánh giá bằng nhật ký thức ăn 9 ngày. Cùng một nhân viên y tế thực hiện bốn chuyến khám với mỗi người tham gia để giảm tối đa chênh lệch giữa người phỏng vấn. Bảng câu hỏi mà bao gồm kiểm tra kiến thức y tế và dinh dưỡng được thiết kế bởi các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu chúng tôi (xem Tài liệu bổ sung). Những bảng câu hỏi này căn cứ trên nghiên cứu trước đó về cách chăm sóc hậu sản của phụ nữ. Trước khi điều tra chính thức, các bảng câu hỏi được thử trước và chỉnh sửa liên tục theo phân tích kết quả.

Phân tích

Bàn nguyên liệu thực phẩm của Trung Quốc được dùng để tính năng lượng và dưỡng chất của những thức ăn hấp thu vào cơ thể. Dưỡng chất hấp thu được ước tính và so sánh với Lượng Hấp thu dưỡng chất khuyến nghị của Trung Quốc (Chinese Recommended Nutrient Intake/RNI1). Lượng hấp thu dưỡng chất trung bình với các nhật ký ăn uống được tính bằng cách lấy trung bình lượng hấp thu từ nhật ký thức ăn trong 9 ngày. Mọi phân tích thống kê được thực hiện bằng gói phần mềm thống kê SAS 8.1. Tần số được dùng để miêu tả các đặc điểm của những người tham gia trên phương diện nhân khẩu. Những người tham gia vào nhóm đối chứng và can thiệp được so sánh thông qua kiểm định Chi bình phương (Chi-square) và kiểm định t (t-test)

Kết quả

Đặc điểm của đối tượng tham gia nghiên cứu

Hình 1 là lưu đồ về đặc điểm của đối tượng được nghiên cứu. Trong số 410 phụ nữ đồng ý tham gia nghiên cứu, 19 người không tham gia toàn bộ tiết học, 36 người không hoàn thành mọi nhật ký thức ăn, 53 người bỏ dở trong quá trình nghiên cứu. Bản phân tích chung cuộc được hoàn thành trên 302 phụ nữ, với 154 người trong nhóm can thiệp và 148 người trong nhóm đối chứng. Khoảng tuổi của mẫu nghiên cứu là từ 20 đến 38, với tuổi trung bình là 26,33 ± 3,6 tuổi ở khu vực đô thị và  26,28 ± 3,21 tuổi ở khu vực nông thôn. Đa số người tham gia ở khu vực thành thị đã học hết cấp hai hoặc cấp ba. Phần lớn phụ nữ tham gia ở nông thôn chủ yếu học hết cấp một hoặc cấp hai và chiếm phần nhiều là nông dân. Bảng 1 trình bày các đặc điểm của đối tượng tham gia nghiên cứu. Chênh lệch khác biệt giữa nhóm can thiệp và đối chứng ở cả hai khu vực về mặt tuổi tác, trình độ học vấn và nghề nghiệp không đáng kể và không có ý nghĩa thống kê.

Bảng1

Đặc điểm của đối tượng tham gia nghiên cứu

Thành thị n = 142 Nông thôn n = 160 Tổng số n = 302
Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng
n = 73 (%) n = 69 (%) n = 81 (%) n = 79 (%) n = 154 (%) n = 148 (%)
Tuổi (năm)
< 25 21(28,77) 19(27,54) 26(32,10) 28(35,44) 47(30,52) 47(31,76)
25–30 45(61,64) 38(55,07) 43(53,09) 43(54,43) 88(57,14) 81(54,73)
> 30 7(9,59) 12(17,39) 12(14,81) 8(10,13) 19(12,34) 20(13,51)
Trình độ học vấn
Cấp I 4(5,84) 2(2,90) 18(22,22) 21(26,58) 22(14,29) 23(15,54)
Cấp II 21(28,77) 24(34,78) 52(64,20) 46(58,23) 73(47,40) 70(47,30)
Cấp III 18(24,66) 27(39,13 9(11,11) 11(13,92) 27(17,53) 38(25,68)
Cao đẳng, Đại học 30(41,10) 16(23,19) 2(2,47) 1(1,27) 32(20,78) 17(11,48)
Nghề nghiệp
Công nhân 12(16,44) 18(26,09) 14(17,28) 1(1,27) 26(16,88) 19(12,84)
Nông dân 2(2,74) 1(1,45) 59(72,84) 73(92,41) 61(39,61) 74(50,0)
Kỹ thuật 8(10,96) 3(4,35) 2(2,47) 1(1,27) 10(6,49) 4(2,70)
Viên chức chính phủ 11(15,07) 5(7,25) 0 1(1,27) 11(7,14) 6(4,05)
Buôn bán 4(5,48) 2(2,90) 0 1(1,27) 4(2,60) 3(2,03)
Nội trợ 36(49,32) 40(57,97) 6(7,41) 2(2,53) 42(27,27) 42(28,38)
Cách sinh
Sinh thường 35(47,95) 27(39,13) 27(33,33) 41(51,90) 62(40,26) 68(45,95)
Sinh mổ 38(52,05) 42(60,87) 54(66,67) 38(48,10) 92(59,74) 80(54,05)
Số lần sinh nở
Lần đầu 67(91,78) 63(91,3) 66(81,48) 68(86,08) 133(86,36) 131(88,51)
Không phải lần đầu 6(8,22) 6(8,70) 15(18,52) 11(13,92) 21(13,64) 17(11,49)

Kiến thức về dinh dưỡng và y tế

Mọi người tham gia được kiểm tra về kiến thức dinh dưỡng và y tế tại thời điểm tuyển chọn. Tỉ lệ hiểu biết về kiến thức y tế và dinh dưỡng là rất thấp trong người tham gia. Không thấy có chênh lệch nhiều giữa nhóm can thiệp và đối chứng ở cả hai khu vực trước khi can thiệp. Vào lần khám hậu sản cuối cùng mọi người tham gia được kiểm tra kiến thức lần nữa. Phụ nữ trong nhóm can thiệp biểu hiện tiến bộ lớn trong kiến thức dinh dưỡng và y tế tổng quát sau các tiết giáo dục. Trong cả hai khu vực, có nhiều phụ nữ hơn nhiều trong nhóm can thiệp trả lời đúng các câu hỏi so với nhóm đối chứng. Sau các tiết giáo dục, đa số phụ nữ thuộc nhóm can thiệp biết là họ có thể ăn trái cây và rau củ, đánh răng hoặc tắm trong giai đoạn hậu sản. Kết quả được cho trong Bảng 2.

Bảng 2

Số phụ nữ đã trả lời đúng các câu hỏi về kiến thức dinh dưỡng và y tế (Bài kiểm tra được thực hiện vào lần khám hậu sản cuối cùng)

Thành thị Nông thôn Tổng số
Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng
(n73) (n = 69) (n = 81) (n = 79) (n = 154) (n = 148)
n % n % n % n % n % n %
Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất 65 89,04 25 36,23** 45 55,56 29 36,71* 110 71,43 54 36,49**
Thịt gà có nhiều dinh dưỡng hơn canh gà 63 86,3 26 37,68** 55 67,9 30 37,97** 118 76,62 56 37,84**
Phụ nữ có thể ăn trái cây và rau củ sau sinh 69 94,52 46 66,67** 70 86,42 51 64,56** 139 90,26 97 65,54**
Thực phẩm nào chứa nhiều  vitamin C và carotene 67 91,78 31 44,93** 72 88,89 51 64,56** 139 90,26 82 55,41**
Nguồn thực phẩm cung cấp đạm chất lượng cao 26 35,62 6 8,70** 12 14,81 11 13,92 38 24,68 17 11,49**
Thực phẩm nào giàu sắt 63 86,3 40 57,97** 59 72,84 39 49,37** 121 78,57 79 53,38**
Tảo bẹ chứa nhiều iot 69 94,52 54 78,26* 76 93,83 57 72,15** 145 94,16 111 75,00**
Nên cho con ăn sữa non 71 97,26 49 71,01** 77 95,06 53 67,09** 148 96,1 102 68,92**
Sữa mẹ là loại thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh 69 94,52 61 88,41 73 90,12 63 79,75* 142 92,21 124 83,78**
Phòng ngủ nên được thông khí hàng ngày 68 93,15 51 73,91** 75 92,59 59 74,68** 143 92,86 110 74,32**
Hoạt động nhẹ nhàng giúp hồi phục nhanh hơn 69 94,52 54 78,26** 77 95,06 64 81,01** 146 94,81 118 79,73**
Không nên quan hệ tình dục cho đến khi đủ 6 tuần sau sinh 68 93,15 44 63,77** 72 88,89 48 60,76** 140 90,91 92 62,16**
Có thể hấp thu Vitamin D bằng cách phơi nắng 60 82,19 28 40,58** 66 81,48 41 51,90** 126 81,82 69 46,62**
Cho con bú sẽ không làm người mẹ béo phì 67 91,78 50 72,46* 73 90,12 54 68,35** 140 90,91 104 70,27**
Phụ nữ có thể tắm và đánh răng trong giai đoạn hậu sản 69 94,52 47 68,12** 73 90,12 55 69,62** 142 92,21 102 68,92**

** Chỉ giá trị  P < 0,01 từ kiểm định x2 giữa nhóm đối chứng và can thiệp.

* Chỉ giá trị P < 0,05 từ kiểm định x2 giữa nhóm đối chứng và can thiệp.

Hành vi ăn uống

Bảng 3 cho biết các loại thực phẩm được ăn trung bình hàng ngày của người tham gia. Ghi nhận tác dụng can thiệp lớn đối với việc ăn uống đậu tương và sản phẩm đậu tương, rau củ và trái cây ở khu vực đô thị. Mặc dù tỉ lệ tiêu thụ trái cây ở khu vực nông thôn rất thấp nhưng phụ nữ thuộc nhóm can thiệp tiêu thụ trái cây hơn rất nhiều so với phụ nữ thuộc nhóm đối chứng. Không phát hiện thấy những biến đổi nào trong việc ăn uống thực phẩm khác.

Bảng 3

Ăn uống các loại thực phẩm trung bình hàng ngày của người tham gia (gram/ngày/người)

Thành thị Nông thôn Tổng số
Can thiệp
(n = 73)
Đối chứng
n = 69(%)
Can thiệp
(n = 81)
Đối chứng
n = 79(%)
Can thiệp
(n = 154)
Đối chứng
n = 148(%)
Ngũ cốc 313,42 319,79 380,91 383,25 347,17 351,52
Trứng 99,76 110,54 211,77 231,10 155,77 170,82*
Chế phẩm từ sữa 66,48 54,04 4,25 2,31 35,37 29,15*
Thịt, gia cầm và cá 272,73 275,91 496,69 458,9 384,71 367,41*
Đậu tương và sản phẩm đậu tương 38,55 18,42** 183,16 140,90 110,86 79,66**
Rau củ 145,59 112,97* 410,41 414,22 278,01 263,60*
Trái cây 75,71 44,74* 31,12 15,43** 53,42 30,09**

** Chỉ giá trị  P < 0,01 từ kiểm định t giữa nhóm đối chứng và can thiệp.

* Chỉ giá trị P < 0,05 từ kiểm định t giữa nhóm đối chứng và can thiệp.

Phát hiện được lượng hấp thu trung bình canxi, Vitamin C, và Vitamin A cao hơn nhiều ở nhóm can thiệp khi so sánh với nhóm đối chứng ở khu vực đô thị, nhưng lượng hấp thu vitamin C và canxi vẫn rõ ràng dưới Lượng hấp thu dưỡng chất khuyến cáo (Recommended Nutrient Intake). Không thấy khác biệt nhiều về hấp thu năng lượng và dưỡng chất giữa nhóm đối chứng và can thiệp ở vùng nông thôn (xem Bảng 4).

Bảng 4

Lượng hấp thu dưỡng chất và năng lượng trung bình của phụ nữ trong nghiên cứu

Thành thị Nông thôn Tổng số
Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng
(n = 73) (RNI%) (n = 69) (RNI%) (n = 81) (RNI%) (n = 79) (RNI%) (n = 154) (RNI%) (n = 148) (RNI%)
Năng lượng (kcal) 2381,04(91,57) 2344,54(90,17) 3306,15(129,08) 3240,12(126,54) 2843,60(110,33) 2792,33(108,36)
Đạm (g) 88,93(104,62) 86,05(101,23) 156,24(183,82) 148,91(175,18) 122,59(144,22) 117,48(138,21)*
Retinol tương đương(μg) 813,16(67,76) 752,65(62,72) 2030,67(169,22) 2079,98(173,33) 1421,92(118,49) 1416,32(118,03)
Vit B1 (mg) 1,24(69,03) 1,15(64,16) 2,29(127,45) 2,09(116,05) 1,77(98,24) 1,62(90,11)*
Vit B2 (mg) 0,99(58,12) 0,96(56,59) 1,73(101,52) 1,71(100,71) 1,36(79,82) 1,34(78,65)
Vit PP (mg) 20,81(115,63) 19,76(109,80) 35,17(195,41) 33,62(186,79) 27,99(155,52) 26,69(148,3)*
Vit C (mg) 54,61(42,01) 41,69(32,07)* 123,20(94,77) 129,91(99,93) 88,91(68,39) 85,80(66,0)
Vit E (mg) 16,05(114,67) 14,13(100,90)* 33,54(239,58) 30,80(220,01) 24,80(177,13) 22,47(160,46)*
Canxi (mg) 481,25(40,10) 417,99(34,83)* 978,22(81,52) 914,42(76,20) 729,74(60,68) 666,21(55,52)*
Sắt (mg) 21,74(86,98) 20,65(82,59) 37,50(150,01) 36,31(145,23) 29,62(118,50) 28,48(113,91)
Kẽm (mg) 12,45(57,90) 11,95(55,59) 21,28(98,96) 20,43(95,03) 16,87(78,43) 16,19(75,49)

* Chỉ giá trị P < 0,05 từ kiểm định giữa nhóm can thiệp và đối chứng.

Hành vi y tế

Biện pháp tính điểm được dùng để phản ánh hành vi vệ sinh và hoạt động thể chất trong giai đoạn sau sinh. Chi tiết các hành vi được ghi lại trong 1, 2, 4 và 6 tuần khám hậu sản. Lấy việc tập thể dục làm ví dụ thì tập hàng ngày được ba điểm, tập hơn ba lần một tuần được hai điểm, tập từ một đến ba lần một tuần được một điểm, không tập thể dục thì không được điểm nào. Các hành vi vệ sinh bao gồm năm hoạt động sau: tiếp xúc với ánh nắng, tắm rửa, gội đầu, rửa ráy vùng chậu và thông khí phòng ở. Điểm tích lũy của những hoạt động này trong tổng cộng bốn tuần là số điểm chung cuộc. Điểm số hành vi vệ sinh cao nhất là 60. Hành vi hoạt động bao gồm ba mục: tập thể dục, tham gia hoạt động ngoài trời và làm việc nhà. Điểm số hành vi hoạt động cao nhất là 36.

Điểm số vệ sinh và hoạt động giữa nhóm can thiệp thành thị và đối chứng thành thị (can thiệp thành thị: 31,75 ± 5,94 và 5,76 ± 3,88; đối chứng thành thị: 31,23 ± 6,22 và 4,77 ± 3,61, P > 0,05) không khác biệt lắm. Nhưng điểm số về tập thể dục cao hơn nhiều ở nhóm can thiệp thành thị so với nhóm đối chứng thành thị (can thiệp: 2,16 ± 2,53, đối chứng 1,18 ± 2,14, P < 0,05). Hai loại điểm số của nhóm can thiệp nông thôn đều cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng (can thiệp nông thôn: 37,03 ± 5,93 và 12,94 ± 7,00; đối chứng nông thôn: 29,53 ± 10,17 và 7,27 ± 5,29, P < 0,05).

Các vấn đề sức khỏe trong giai đoạn hậu sản

Bảng 5 trình bày các loại vấn đề sức khỏe ghi nhận phát sinh trong giai đoạn hậu sản. Vấn đề hay gặp nhất là xảy ra ở ngực (41,06%) sau đó là sản dịch kéo dài (24,83%) và không tiết đủ sữa (18,21%). Tỉ lệ mắc mới chứng táo bón, chuột rút hoặc đau khớp và đau bụng thấp hơn đáng kể ở nhóm can thiệp đô thị so với nhóm đối chứng đô thị. Có nhiều hơn hẳn phụ nữ ở nhóm đối chứng nông thôn gặp phải tình trạng sản dịch kéo dài hơn người thuộc nhóm can thiệp. Các vấn đề sức khỏe khác giữa hai nhóm ở cả hai khu vực không có khác biệt nhiều.

Bảng 5

Tỉ lệ mắc mới các vấn đề sức khỏe ở người mẹ trong giai đoạn hậu sản

Thành thị Nông thôn Tổng số
Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng Can thiệp Đối chứng
(n = 73) (n = 69) (n = 81) (n = 79) (n = 154) (n = 148)
n % n % n % n % n % n %
Táo bón 12 16,44 22 31,88* 7 8,64 9 11,39 19 12,34 31 20,95*
Trĩ 7 9,59 8 11,59 2 2,47 2 2,53 9 5,84 10 6,76
Nứt hậu môn 2 2,74 3 4,35 1 1,23 3 3,8 3 1,95 6 4,05*
Nhiễm trùng đường tiết niệu 2 2,74 6 8,7 3 3,7 2 2,53 5 3,25 8 5,41
Cảm lạnh hoặc sốt 5 6,85 6 8,7 1 1,23 3 3,8 6 3,9 9 6,08
Đau lưng 21 28,77 18 26,09 1 1,23 0 0 22 15,58 18 12,16
Chuột rút hoặc đau khớp 0 0 5 7,25* 1 1,23 4 5,06 1 0,65 9 6,08**
Đau bụng 2 2,74 12 17,39* 2 2,47 4 5,06 4 2,6 16 10,81**
Chóng mặt 4 5,48 10 14,49 0 0 2 2,53 4 2,6 12 8,11**
Đau đầu 5 6,85 4 5,8 0 0 1 1,27 5 3,25 5 3,38
Nhiễm trùng miệng 4 5,489 2 2,9 24 29,63 19 24,45 28 18,18 21 14,19
Chảy máu lợi 6 8,22 3 4,35 10 12,13 11 13,92 16 10,39 14 9,46
Vấn đề với ngực 43 58,9 38 55,07 3 3,7 12 15,19 46 29,87 50 33,78
Không tiết đủ sữa 14 21,54 20 25,97 7 8,64 9 11,39 21 13,64 29 19,59*
Sản dịch kéo dài 29 39,73 31 44,93 2 2,47 2 2,53* 31 20,13 33 22,3

* Chỉ giá trị P < 0,05 từ kiểm định giữa nhóm can thiệp và đối chứng.

  • Các vấn đề với ngực bao gồm sưng hoặc đau vú, nứt núm vú và viêm vú.
  • Không tiết đủ sữa có nghĩa là sữa tiết ra từ người mẹ không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, trẻ chủ yếu được cho ăn các sản phẩm sữa khác.
  • Sản dịch kéo dài có nghĩa là sản dịch kéo dài hơn 1 tuần.

Bàn luận

Mặc dù các cách chăm sóc hậu sản truyền thống vẫn phổ biến ở phụ nữ tại Trung Quốc và Đông Nam Á. Chúng tôi biết là không có nghiên cứu khác về các lĩnh vực này mà đã cố gắng nghiên cứu như thế cũng như là báo cáo kết quả tương tự. Đây là nghiên cứu phỏng vấn đầu tiên kiểu đó về những hành vi dinh dưỡng và y tế hậu sản.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng can thiệp giáo dục dinh dưỡng và y tế có liên quan đến những thay đổi tích cực trong cách chăm sóc hậu sản. Biện pháp can thiệp đã thành công trong việc gia tăng kiến thức y tế và dinh dưỡng cũng như là một số cách chăm sóc hậu sản. Cả hai nhóm can thiệp thành thị và nông thôn đều ghi nhận ăn nhiều trái cây hơn. Có nhiều hơn hẳn phụ nữ thuộc các nhóm can thiệp không làm theo các điều kiêng kị về hành vi theo truyền thống (không tắm, không gội đầu, hoặc không đánh răng) so với phụ nữ ở nhóm đối chứng. Chúng tôi đã xác nhận rằng sự truyền đạt của các chuyên gia y tế có thể thay đổi được các cách chăm sóc hậu sản truyền thống ở cả cộng đồng thành thị và nông thôn. Một số khác biệt về kiến thức, thực hành và vấn đề sức khỏe này không lớn, nhưng tất cả đều đi đúng hướng mong muốn. Chúng tôi đã chứng minh rằng một lần tiếp xúc với giáo dục y tế và dinh dưỡng có thể tác động đến thực hành chăm sóc hậu sản kể cả ở những phụ nữ nông thôn có trình độ giáo dục thấp hơn. Cách chăm sóc hậu sản truyền thống dường như không bị thấm nhuần sâu sắc.

Mục tiêu của biện pháp can thiệp này là để khuyến khích ăn uống cân đối và giảm những điều kiêng kị vệ sinh không tốt cho sức khỏe. Chúng tôi nhấn mạnh vào cả thay đổi hành vi cá nhân cũng như là tuyên truyền thông tin kiến thức. Và chúng tôi đã làm khảo sát tiêu biểu tại một thời điểm về cách chăm sóc hậu sản từ cùng tỉnh được nghiên cứu mà dựa trên khảo sát này chúng tôi lấy làm căn cứ cho mọi hoạt động và thông điệp của mình. Chúng tôi cũng nhấn mạnh với các chuyên gia y tế về việc có sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị để họ có thể giao tiếp truyền đạt với đối tượng tham gia nghiên cứu một cách hiệu quả hơn.

Trong quá trình can thiệp, chúng tôi đã nhấn mạnh về những lợi ích dinh dưỡng của sữa và các sản phẩm từ sữa. Nhưng việc tiêu thụ sữa vẫn khá thấp và dẫn đến hấp thu không đủ canxi. Nguyên nhân có thể là vì tổng lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa khá thấp ở Hồ Bắc, đa số người dân không có thói quen uống sữa hàng ngày, đặc biệt là người trưởng thành. Do đó những chiến lược quảng bá thúc đẩy uống sữa nên được triển khai đặc biệt nhắm tới phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ.

Các khía cạnh tích cực của công tác can thiệp hiện giờ bao gồm kiến thức về dinh dưỡng của phụ nữ đã tăng nhiều, do đó việc can thiệp tốt nhất là sẽ có tác dụng tích cực đối với cả bản thân người phụ nữ và con của họ. Những ảnh hưởng tốt này sẽ giúp các bà mẹ hình thành một nền tảng dinh dưỡng tốt để thực hiện trong những năm sau này.

Kết quả của nghiên cứu phát hiện ra là gia tăng kiến thức y tế và dinh dưỡng không dẫn đến những thay đổi hành vi y tế và ăn uống song song. Một số yếu tố có thể lý giải cho điều phi lý rõ ràng này. Thái độ và kiến thức y tế với dinh dưỡng có thể không dẫn đến những thay đổi thực sự về hành vi. Ở Trung Quốc, truyền thống chăm gái đẻ và em bé trong tháng đầu tiên sau sinh tại nhà thì vẫn còn phổ biến. Đa số những bà mẹ mới sinh con đều có một phụ nữ lớn tuổi trong nhà làm người chăm sóc như là mẹ đẻ hoặc mẹ chồng của cô ấy. Người phụ nữ lớn tuổi mà chăm sóc cho người mẹ mới sinh con có thể cản trở những thay đổi do niềm tin truyền thống.

Vấn đề rắc rối chính của nghiên cứu này là các đối tượng can thiệp giáo dục nhắm trực tiếp vào phụ nữ trong nghiên cứu, thế nhưng “tháng ở cữ” lại thường được xem như là một sự kiện quan trọng trong gia đình và phụ nữ sau sinh được chăm sóc bởi mẹ đẻ hoặc mẹ chồng. Chúng ta nên mở rộng các đối tượng can thiệp không chỉ ở thai phụ mà còn cả ở những thành viên trong gia đình của những thai phụ đó. Kết quả hiện giờ đã đủ hứa hẹn để hỗ trợ tiếp tục đầu tư vào công tác can thiệp này cũng như là nỗ lực cải thiện nó.

Kết luận

Do kết quả thành công, chúng tôi kết luận rằng biện pháp can thiệp này có tiềm năng ứng dụng và phát triển thêm vào các khu vực khác ở Trung Quốc. Chúng tôi đề xuất rằng các kênh truyền thông khác, có thể là truyền hình, tạp chí và mạng Internet có thể được bổ sung vào biện pháp can thiệp này. Nếu được thiết kế hợp lý, những phương tiện truyền thông này có thể bổ sung thêm một kênh thu hút, hiện đại sống động và đầy màu sắc để các thông điệp này đến được các gia đình. Tuy nhiên trao đổi trực tiếp với chuyên gia y tế và sách hướng dẫn giáo dục y tế vẫn được khuyến nghị làm kênh truyền thông bổ sung hiệu quả, vì những kênh này đều được hoan nghênh bởi đa số phụ nữ.

Xung đột lợi ích

Nhóm các tác giả tuyên bố không có xung đột lợi ích khi thực hiện bài nghiên cứu này.

Đóng góp của các tác giả

NL tham gia thu thập và phân tích dữ liệu cùng với phác thảo bài viết. LM đóng góp nhiều vào phần thiết kế của nghiên cứu này, tham gia vào thu thập dữ liệu, thực hiện phân tích thống kê cũng như là hỗ trợ phác thảo bài viết. XS giám sát thiết kế và thực thi nghiên cứu. LL và PY tham gia vào việc phối hợp nghiên cứu và chỉnh sửa bài viết. BC tiến hành thu thập dữ liệu và phân tích. Toàn bộ các tác giả đã đọc và tán thành phê duyệt bản thảo chung cuộc.

Lời cảm ơn

Nghiên cứu được tài trợ bởi QuỹnGiáo dục Y tế và nghiên cứu Dinh dưỡng Danome (Danone Nutrition Research and Health Education Foundation) (Số DIC2002-06). Nhóm các tác giả xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhân viên thuộc Phòng khám sản nhi Giang Ngạn (江岸区)và Cục Y tế Ma Thành (麻城)  ở Hồ Bắc, Trung Quốc.

– – –

  • Thông tin bài viết gốc: The effect of health and nutrition education intervention on women’s postpartum beliefs and practices: a randomized controlled trial
  • DOI: 10.1186/1471-2458-9-45
  • Tác giả: Nian Liu, Limei Mao, Xiufa Sun, Liegang Liu, Ping Yao, và Banghua Chen
  • Người dịch: Trần Tuyết Lan – Nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment