Vắt sữa non trước khi sinh – có nên không?

Út Em chào các mẹ, Sữa non là sữa mẹ dành cho trẻ bú trong những ngày đầu mới sinh ra. Nó đặc sệt và có màu vàng và rất tốt cho trẻ sơ sinh nên nó thường được gọi dưới cái tên “dung dịch vàng” cho bé.

Sữa non là nguồn sữa tập trung các khoáng chất, protein và những dưỡng chất bảo vệ hệ tiêu hóa cho trẻ nhỏ. Không phải đến lúc gần sinh thì cơ thể người phụ nữ mới sản sinh sữa non mà thường trong khoảng thời gian thai nhi được 16 tuần thì sữa non đã bắt đầu xuất hiện.

Thời gian trước đây, những ý tưởng về việc vắt sữa non trước khi sinh có thể bị coi là ngớ ngẩn. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến với người hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa, hiện nay đã có nhiều mẹ thực hiện vắt sữa non ngay khi vẫn trong thời kỳ mang thai để dự trữ nguồn sữa của mình. Điều này giúp giảm khả năng phải dùng nguồn sữa khác như sữa công thức để đáp ứng nhu cầu tăng dần về sữa của trẻ sau khi sinh.

vắt sữa non

Lý do mẹ bầu có thể vắt sữa non trong khi mang thai

Dưới đây là 4 lý do giải thích tại sao phụ nữ có thể vắt sữa non trong thời gian mang thai:

Thai phụ bị bệnh tiểu đường

Nếu phụ nữ bị bệnh tiểu đường loại 1, loại 2 hoặc trong thời kỳ thai nghén thì em bé sẽ có nguy cơ cao bị đường trong máu thấp sau khi sinh. Bổ sung thêm bằng lượng sữa non đã được vắt trong thời kỳ mang thai sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu của bé. Nếu không có sữa non hoặc nếu bé không thể bú hiệu quả thì các mẹ cần thiết phải bổ sung thêm sữa ngoài.

Trường hợp khó có thể cho bé bú

Có những trường hợp sau sinh khó có thể cho con bú mẹ trực tiếp, ít nhất là lần bú sớm đầu tiên. Những trường hợp này thường là:

  • Bé bị hở môi hoặc vòm miệng
  • Có vấn đề về hệ thần kinh
  • Bệnh tim

Trong các tình huống trên, người mẹ có thể vẫn cần phải vắt sữa sau khi sinh. Nếu đã từng vắt sữa trước khi sinh, người mẹ không những có một nguồn sữa tự nhiên trước đó mà còn có kinh nghiệm vắt sữa non để đáp ứng cho trẻ nếu nhu cầu của trẻ lớn hơn lượng sữa đã vắt.

Lo lắng nguồn cung sữa thấp, sữa không về

Có một số trường hợp các mẹ gặp vấn đề về nguồn cung sữa, không đủ sữa cho con, ví dụ như:

  • Tuyến sữa không phát triển
  • Phẫu thuật thu gọn ngực
  • Phẫu thuật nâng ngực
  • Đã từng có con rồi nhưng cũng không đủ sữa cho con

Việc vắt sữa non trước khi sinh có nghĩa là các mẹ sẽ có một nguồn sữa dự trữ sẵn sàng cho con bất cứ lúc nào. Có thể vắt thêm dần trong vài ngày sau sinh nếu cần thiết.

Quen với việc vắt sữa bằng tay

Vắt sữa bằng tay là một kỹ năng hữu ích mà các mẹ nên biết. Nó có tác dụng trong trường hợp trẻ sơ sinh không biết cách ngậm ti trong những ngày đầu hoặc khi người mẹ bị tắc tia sữa hoặc viêm vú.

Vắt sữa non trước khi sinh sẽ giúp các mẹ được thực hành cách vắt sữa bằng tay và kiểm soát ngực, sữa trước khi sinh.

Nhiều mẹ có kinh nghiệm vắt sữa bằng tay tốt hơn là hút sữa bằng máy và dần dần sẽ vắt được nhiều sữa hơn. Việc tự tin vắt sữa bằng tay có thể mang đến nhiều lợi ích cho những mẹ đang cho con bú.

Thời gian nào thích hợp để vắt sữa non?

Như các mẹ đều biết, sữa non xuất hiện từ sớm và ở những tháng cuối (khoảng từ tuần 32-34) sẽ thấy dấu hiệu sữa chảy ra nhưng lúc đó chưa nên vắt mà hãy đợi đến càng gần ngày sinh càng tốt. Ít nhất là từ tuần 36 trở đi mới bắt đầu thực hiện việc vắt và trữ sữa non vì lúc này sữa non chảy ra dễ dàng hơn và giảm thiểu nguy cơ sinh non nếu vắt sai cách.

[adinserter block=”12″]

Phương pháp vắt sữa an toàn

Các mẹ lưu ý chỉ nên vắt sữa trước khi sinh nhẹ nhàng bằng tay, tuyệt đối không dùng máy hút sữa để đảm bảo an toàn. Phương pháp vắt sữa bằng tay vô cùng đơn giản nhưng đòi hỏi các mẹ phải thật cẩn thận và không khuyến khích những mẹ không gặp vấn đề gì về sữa vắt dự trữ vì nó không cần thiết.

Các bước vắt sữa non bằng tay:

Bước 1: Rửa tay sạch sẽ và chườm bầu vú bằng khăn nhúng nước ấm kết hợp mát-xa ngực khoảng 2-3 phút.

Bước 2: Động tác vắt

  • Đặt: Đặt ngón tay cái lên phía trên quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới quầng vú 3-4 cm. Chú ý để ngón cái, quầng vú và ngón trỏ thẳng hàng nhau
  • Ấn: Giữ các đầu ngón tay cố định như ở trên, ấn vào phía trong bầu ngực. Tránh đẩy các ngón tay mở rộng về một phía của ngực
  • Vắt: Ép hai đầu ngón tay về phía đầu ti và vắt nhẹ nhàng

Lặp lại động tác vắt nhiều lần cho tới khi thấy những giọt sữa được tiết ra.

Bước 3: Dùng ống tiêm tiệt trùng 5ml (không kim) để thu sữa lại. Một ống tiêm chỉ thu được sữa trong vòng 3 ngày và nếu sữa chưa đầy ống tiêm cũng phải bỏ vào túi tiệt trùng ban đầu, ghi rõ ngày tháng dán vào rồi bảo quản lạnh.

Các mẹ chỉ nên vắt từ 3-5 phút mỗi lần và một ngày chỉ từ 3-5 lần. Mỗi lần vắt sẽ được rất ít sữa nhưng các mẹ đừng lo lắng hoặc cố vắt cho được nhiều. Mỗi ngày được khoảng 2,5ml-5ml đã là điều tuyệt vời.

Tìm đến bác sĩ để lấy lời khuyên trước khi vắt sữa non trước khi sinh

Đến nay, cũng có nhiều nghiên cứu đã chứng minh vắt sữa non đúng cách trước khi sinh vẫn đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, đặc biệt ở những nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị mắc bệnh tiểu đường.

Có rất nhiều thắc mắc của các mẹ về việc mát-xa hay vân vê kích thích đầu vú sẽ gây chuyển dạ sinh non. Thực tế, có thể việc vắt sữa không đúng cách và đúng thời gian hoặc vắt quá mạnh sẽ gây hiện tượng co thắt tử cung nhẹ nên các mẹ cũng cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể xem tình trạng của mình có nên vắt sữa trước khi sinh hay không và nên thực hiện vắt như thế nào cho đúng.

Ngoài ra, trong suốt quá trình vắt sữa non và bảo quản nó, các mẹ luôn phải đảm bảo vệ sinh để giúp duy trì chất lượng sữa cho con yêu. Vì vậy các mẹ cũng nên cẩn thận, nếu mẹ nào cảm thấy không đủ điều kiện bảo quản thì không nên vắt sữa non trước khi sinh. Tránh để sữa không an toàn gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ mới sinh.

(Theo Bellybelly – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu bài viết)

Leave a Comment