Quá trình vượt cạn của các mẹ diễn ra như thế nào?

Út Em chào các mẹ,

Mỗi ca sinh đều có những điểm đặc biệt riêng nhưng những ca sinh thường truyền thống đều thường trải qua 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Giai đoạn chuyển dạ, giãn nở cổ tử cung, gồm có chuyển dạ sớm, chuyển dạ tích cực và chuyển dạ chuyển tiếp

Giai đoạn 2: Rặn đẻ và sinh

Giai đoạn 3: Tách nhau

Vậy toàn bộ quá trình sẽ diễn ra trong bao lâu? Đối với những mẹ sinh lần đầu, trung bình là 14 tiếng và dĩ nhiên có thể lâu hơn hoặc ngắn hơn. Còn với những người đã từng sinh con trước đó rồi thì trung bình quá trình này sẽ kéo dài khoảng 8 tiếng.

chuyển dạ khi sinh con

Giai đoạn 1: Chuyển dạ và dãn nở cổ tử cung

Chuyển dạ sớm: Cổ tử cung bắt đầu giãn nở từ 0cm đến 3-4cm

Đây là giai đoạn đầu tiên trong toàn bộ tiến trình để sinh hạ được một em bé và thời gian trung bình có thể kéo dài từ 6-10 tiếng với những mẹ sinh con lần đầu nhưng có thể ngắn hơn (đặc biệt với những mẹ đã sinh con rồi) hoặc lâu hơn.

Sự trải nghiệm của giai đoạn này

Giai đoạn khởi đầu này sẽ tạo nên những cảm xúc hết sức mạnh mẽ và nó xảy ra khác nhau giữa mỗi người.

Ở một số phụ nữ, cổ tử cung co giãn đến 3cm mà không có dấu hiệu đáng nhớ nào, khi đó những cơn co thắt mới thực sự bắt đầu. Nhiều mẹ khác lại có những cơn co thắt mạnh mẽ mà cũng không làm cho tử cung giãn ra được.

Nhưng nhìn chung, giai đoạn đầu tiên này còn khá lu mờ (cổ tử cung giãn mềm và mỏng đi) và việc cổ tử cung mở đến 3cm có thể trải qua nhiều giờ hoặc thậm chí cả ngày.

Những cơn co thắt có thể nhẹ nhàng và có chút bất thường, diễn ra trong khoảng cứ sau 5-30 phút một lần, mỗi lần kéo dài 30-45 giây. Các mẹ có thể thấy ra chút máu hồng và cảm thấy khó chịu ở bụng. Nhiều trường hợp màng ối bị vỡ trong giai đoạn này hoặc sau đó. Tuy nhiên, nó có thể tự vỡ hoặc do tác động của bác sĩ chuyên khoa.

Các mẹ nên làm gì?

Giai đoạn đầu của chuyển dạ đôi khi được gọi là “thời gian giải trí” bởi vì nó có ích trong việc giúp trí óc của các mẹ tập trung vào nhiều điều khác nhau để vượt qua thời gian này mà không lo lắng về những gì sắp xảy ra.

Miễn là những cơn co thắt tương đối nhẹ nhàng và giãn cách hơn 5 phút mỗi lần, lúc này, nhiều mẹ vẫn an tâm ở nhà và giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ.

Nếu các mẹ muốn làm điều gì đó trong khi chờ đợi các cơn co thắt biến mất, hãy làm những việc thoải mái, đơn giản như nghe nhạc, chơi bài hoặc xem ti vi. Trường hợp cảm thấy đau hơn và diễn ra bất chợt hơn, đi bộ thư giãn sẽ rất tốt và có thể giúp đẩy nhanh giai đoạn chuyển dạ hơn.

Chuyển dạ tích cực: Cổ tử cung mở rộng từ 4-7cm

Giai đoạn này là thời gian nguy hiểm chuẩn bị cho ca sinh và khi đó, phần lớn các mẹ bắt đầu chuyển dạ mãnh liệt hơn. Nó có thể kéo dài trung bình khoảng 3-6 tiếng nếu sinh con so và khoảng nửa tiếng với trường hợp sinh con dạ.

Sự trải nghiệm ở giai đoạn này

Trong suốt thời gian chuyển dạ tích cực, các cơn co thắt thường đều đặn và dần dần tăng cường độ, tần suất hơn từ 3-5 phút một lần.

Cơn đau thường tập trung ở vùng lưng dưới, bụng hoặc đùi và nó có thể đau mạnh hơn khiến các mẹ khó nói được gì với người xung quanh.

Các mẹ có thể thấy xuất hiện dịch màu nâu hoặc màu hồng hoặc dịch gì đó giống như chất nhầy có màu đỏ như máu.

Các mẹ cần làm gì

Các mẹ nên đi tiểu, uống nước và thực hiện bất kỳ kỹ thuật thở hay thư giãn nào mà đã được học ở lớp tiền sản.

Dựa vào chồng (hoặc người thân) để cảm thấy an tâm hơn. Tiếp nhận nó như một điều bình thường để giảm căng thẳng và sợ hãi.

Nếu bác sĩ có kinh nghiệm và cơ sở vật chất tốt, việc tắm nước ấm sẽ giúp các mẹ thư giãn hơn. Nếu chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng, nó có thể được dùng trong giai đoạn này.

Giai đoạn chuyển tiếp: Cổ tử cung giãn khoảng 8-10 cm

Giai đoạn chuyển dạ cuối này có thể kéo dài 20 phút tới hai tiếng đồng hồ nếu sinh bé đầu tiên và thường khá nhanh với những mẹ sinh con dạ.

Sự trải nghiệm ở giai đoạn này

Những cơn co thắt trong thời gian này sẽ mạnh hơn, cứ cách khoảng 1-3 phút một lần. Sự mệt mỏi gia tăng, run rẩy, buồn nôn là khá phổ biến trong lúc này vì cơ thể đang phải đối mặt với sự khó khăn để cổ tử cung co giãn hoàn toàn.

Các mẹ có thể cảm thấy một sự hối thúc mạnh mẽ để rặn khi thai nhi muốn ra ngoài cùng với áp lực ở vùng trực tràng và sự đau đớn tại âm đạo vì đầu của bé đang di chuyển xuống dưới cửa âm đạo. Nhưng các mẹ không nên rặn mà hãy chờ đến khi bác sĩ ra hiệu vì khi đó cổ tử cung mới mở giãn hoàn toàn.

Các mẹ cần làm gì

Với sự trợ giúp của mọi người, hãy tập trung vào những kỹ năng thở và thư giãn vì đó là cách tốt nhất cho các mẹ.

Nếu các mẹ cảm thấy bị hối thúc rặn một cách mạnh mẽ nhưng đây vẫn chưa là thời gian để làm vậy thì các y tá có thể chỉ dẫn cách thở để có thể làm giảm sự hối thúc đó.

Đừng lo lắng nếu các mẹ thấy mình như bị mất kiểm soát. Điều đó là hoàn toàn bình thường vì mẹ nào cũng sẽ bị rối trong giai đoạn này. Hãy tự nhủ với bản thân là không còn lâu nữa thì mình sẽ được gặp con để cảm thấy vui mà bớt đau hơn.

Giai đoạn 2: Rặn đẻ

Giai đoạn 2 của việc sinh nở bắt đầu khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Trung bình, nó kéo dài khoảng nửa tiếng đến 2 tiếng với những mẹ sinh lần đầu và chỉ mất vài phút đến 2 tiếng khi sinh con dạ.

Trải nghiệm trong giai đoạn này

Áp lực thai nhi đòi ra ngoài vẫn tiếp tục và ngay khi cổ tử cung mở hoàn toàn, những người hộ sinh sẽ đưa các mẹ vào phòng đẻ ngay lập tức.

Những cơn co thắt cũng không ngừng tại đây mặc dù có thể giãn cách hơn. Một số phụ nữ còn bị buồn nôn và nôn cả ra ngoài. Ngay khi các mẹ bắt đầu rặn đẻ, các mẹ sẽ thở mạnh hơn và sự mệt mỏi cũng tăng lên. Đây có thể là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ.

Các mẹ có thể cảm thấy sự đau đớn gia tăng ở vùng âm đạo và vùng đáy chậu khi thóp đầu của thai nhi nhô ra bên ngoài cửa âm đạo.

Nếu phải rạch tầng sinh môn (một vết mổ được thực hiện tại khu vực giữa âm đạo và trực tràng để mở rộng cửa âm đạo), đây có thể là thời điểm để thực hiện nó.

Bác sĩ có thể yêu cầu các mẹ rặn từ từ, nhẹ nhàng hơn vì đầu và một phần cơ thể của em bé đã xuất hiện. Với lần rặn cuối, thai nhi sẽ ra ngoài hoàn toàn.

Cần làm gì lúc đó

Khi nhận được tín hiệu từ bác sĩ, các mẹ hãy rặn. Chắc chắn bác sĩ và những người hộ sinh sẽ nói cho các mẹ biết cách tốt nhất để thở đều và rặn đẻ.

Các mẹ có thể tự có những hành động theo cơ thể nhưng hãy cố làm theo hướng dẫn của y bác sĩ để nhanh vượt qua giai đoạn này, sớm được gặp con hơn.

[adinserter block=”12″]

Giai đoạn 3: Xổ nhau

Sau khoảnh khắc kỳ diệu khi em bé được sinh ra, các mẹ cần tiếp tục thực hiện việc xổ nhau thai. Việc này có thể mất vài phút nhưng cũng có khi kéo dài đến cả tiếng rưỡi đồng hồ.

Trải nghiệm giai đoạn này

Các mẹ có thể đang rất mong ngóng cảm giác được gần con khi con đã ra đời mà không cảm nhận được nhiều điều ở giai đoạn này. Bác sĩ tiếp tục yêu cầu các mẹ rặn để đẩy nhau thai ra. Lúc này, các mẹ có thể bị chuột rút và vẫn thấy rất đau.

Cần phải làm gì

Các mẹ có thể đề xuất với bác sĩ cho phép đặt em bé lên ngực vì điều này giúp kích thích các cơn co thắt tử cung hoặc người hộ sinh sẽ mát-xa nhẹ nhàng vùng bụng cho các mẹ để giúp tách nhau dễ hơn.

Khi giai đoạn 3 của quá trình sinh nở kết thúc, các mẹ sẽ thấy rất mệt mỏi. Tiếng ồn ào xung quanh có thể gây ảnh hưởng nhưng hãy cố nhắm mắt và nghỉ ngơi một chút nhé.

(Theo Parents – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment