Thai ngôi mông: biện pháp cho mẹ bầu là gì?

“Đường ra” của trẻ chỉ có một lối nhưng đôi khi đầu của bé lại để sai hướng. Đây là lý do tại sao thai nhi lại ở vị trí ngôi mông (còn có tên gọi khác là ngôi ngược)…Trường hợp này, các mẹ nên làm gì?

Dù cho chỗ ở của trẻ (tử cung của mẹ) trở nên chật chội hơn, các bé vẫn có thể thực hiện một số “bài thể dục” khá xuất sắc trong suốt những tuần cuối của thời gian mang thai – giai đoạn từ tuần 32 đến tuần 38 (thường là khoảng ở tuần 36) – để cuối cùng bé quay đầu xuống dưới. Ở vị trí sinh lý tưởng này, đầu của trẻ sẽ ở gần cổ tử cung và đối điện với âm đạo của mẹ. Tuy nhiên có khoảng 3 – 4% trẻ vẫn giữ đầu ở trên cho đến gần thời gian sinh, có thể là một trong những trường hợp ngôi mông sau:

thai ngôi mông

  • Ngôi mông thiếu kiểu mông (Frank): Đây là trường hợp thai ngôi mông phổ biến nhất, mông của trẻ ở phía dưới còn hai chân duỗi thẳng lên phía trên, các ngón chân gần đầu trẻ
  • Ngôi mông đủ (Complete): Đầu của trẻ ở trên, mông của bé và hai chân vắt chéo nhau ở dưới
  • Ngôi mông thiếu kiểu chân (Footling): Trẻ để đầu phía trên, một hoặc cả hai chân giữ ở phía dưới (nghĩa là trẻ sẽ đưa chân ra đầu tiên nếu sinh thường theo đường âm đạo)

Chỉ vì trẻ quay mông xuống dưới vào những tuần trước ngày dự sinh không có nghĩa là trẻ sẽ ngôi mông khi đến thời gian sinh nở. Một vài trẻ khiến mọi người không thể xác định được tư thế cuối cùng là thế nào cho đến tận một vài ngày trước khi sinh.

Nhưng nếu trẻ đủ ngày đủ tháng, đến ngày sinh rồi mà vẫn ở trạng thái ngôi mông thì việc sinh theo đường âm đạo có thể sẽ khó khăn, đôi khi là không thể với các mẹ. May mắn rằng vẫn có một số biện pháp để mẹ bầu và bác sĩ của mình có thể thay đổi hướng cho trẻ trước khi sinh.

Chẩn đoán cho thai ngôi mông

Trong những tuần trước ngày dự sinh, người hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ xác định bằng tay vị trí của trẻ theo cách cảm nhận bên ngoài bụng và tử cung của mẹ bầu.

Nếu trẻ đang ở vị trí ngôi mông, cái đầu cứng và tròn của bé sẽ ở phía trên cùng của tử cung, phần dưới của trẻ mềm hơn mà ít tròn hơn sẽ ở vị trí thấp hơn trong tử cung.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bé bị ngôi mông thì họ sẽ làm siêu âm để xác định lại việc này.

Nguyên nhân

Mặc dù đôi khi các bác sĩ không thể xác định được tại sao trẻ lại uốn mình trong trạng thái ngôi mông nhưng những nguyên nhân thường thấy vẫn là:

  • Sự bất bình thường của tử cung: Thông thường tử cung có dạng gần giống như quả lê lộn ngược. Nhưng ở một số phụ nữ, dạ con lại phát triển khác hoặc hơi méo, không theo hình dạng gì, được phát hiện khi khám phụ khoa hoặc siêu âm trước hay trong khi mang thai. Sự bất bình thường có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra nhưng cũng có thể phát triển trong quá trình sinh sống do vết sẹo sau phẫu thuật (bao gồm cả mổ đẻ), một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc u xơ (u lành tính phát triển trong thành tử cung). Kết quả là làm cho trẻ không đủ không gian để quay đầu
  • Vị trí của nhau thai: Nếu nhau thai nằm ở dưới thấp, bao bọc cổ tử cung hoặc nằm gần lên đầu của thành tử cung làm thu hẹp không gian gần đầu của trẻ khiến trẻ không thể quay hướng đầu xuống vị trí bên dưới được
  • Lượng nước ối: Quá ít hoặc quá nhiều nước ối cũng có thể là nguyên nhân khiến cho trẻ bị ngôi mông. Không đủ dịch ối sẽ làm trẻ khó “bơi” vòng quanh dạ con của mẹ hơn, trong khi quá nhiều nước ối có nghĩa là trẻ lại có nhiều không gian và lại có thể luân chuyển giữa ngôi mông và ngôi thuận (đầu nằm bên dưới) trước khi sinh
  • Sự bất thường của bào thai: Rất hiếm khi gặp một vấn đề với hệ thống thần kinh trung ương và các cơ của trẻ mà lại gây nên hiện tượng ngôi mông ở trẻ. Dây rốn ngắn có thể cũng giới hạn sự chuyển động của bé
  • Đa thai: Nếu mẹ nào mang đa thai, một hoặc nhiều hơn trong số những trẻ này có thể không có khả năng quay đầu xuống dưới vì không gian cổ tử cung quá hẹp để di chuyển

Các yếu tố rủi ro

Dù mẹ nào gặp phải một trong những điều kiện dưới đây, điều đó không có nghĩa trẻ bị ngôi mông và thậm chí trẻ có thể ở trạng thái ngôi mông mà không phải do gặp những yếu tố nguy cơ này:

  • Ngôi mông trong lần sinh trước: Nếu mẹ nào đã gặp phải tình trạng ngôi mông trong lần sinh trước thì sẽ có nguy cơ cao hơn trong việc xuất hiện ngôi ngược với những bé sau vì những yếu tố gây ra thai ngôi ngược từ trước có thể vẫn xuất hiện ở hiện tại
  • Sinh non: Trẻ được sinh sớm hơn dự định, khả năng bị ngôi mông cũng cao hơn: khoảng 25% trẻ bị ngôi ngược ở tuần 28 nhưng ở tuần 34 thì con số này giảm xuống chỉ khoảng 7%
  • Bố hoặc mẹ đã bị ngôi mông: Theo một số nghiên cứu, nếu bố hoặc mẹ của bé đã từng bị ngôi ngược khi sinh thì trẻ có khả năng bị ngôi ngược lớn hơn
  • Hút thuốc: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc hút thuốc trong suốt thai kỳ có thể đúng là nguyên nhân làm tăng hiện tượng ngôi mông ở trẻ
  • Cân nặng của mẹ: Nếu mẹ bầu nặng cân hơn khối lượng bình thường hoặc có chỉ số BMI cao hơn ở từng thời kỳ mang thai cũng làm tăng tỷ lệ trẻ bị thai ngôi

Bác sĩ có thể làm gì?

Nếu trẻ nhỏ không quay đầu tự nhiên ở tuần 37, bác sĩ có thể cố gắng thực hiện phương pháp ngoại xoay thai (NCT). Trong suốt quá trình NCT (được biết đến như một thủ thuật xoay thai), bác sĩ hoặc người hộ sinh sẽ đặt tay của họ lên trên bụng và đẩy trẻ hướng đầu xuống dưới bằng cách sử dụng áp lực nhẹ nhàng nhưng chắc chắn của tay.

Các mẹ sẽ được đưa thuốc để làm giãn tử cung (đừng lo lắng vì nó sẽ không ảnh hưởng tới trẻ nhỏ). Thủ thuật này thường gây khó chịu nhưng không đau đớn và hơn một nửa trường hợp này là thành công.

Tuy nhiên có đôi lúc trẻ vẫn quay ngược lại vị trí ngôi thai sau khi đã đảo ngược thành công. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể sẽ cố gắng làm ngoại xoay thai thêm lần nữa nhưng nó sẽ khó khăn hơn trong trường hợp càng gần đến ngày sinh bởi vì lúc này không gian cổ tử cung hẹp hơn so với bé nên bé khó quay vòng.

[adinserter block=”12″]

Liệu pháp thay thế

Có thể các mẹ đã từng nghe về những liệu pháp thay thế khác để giúp bé xoay trẻ vào vị trí ngôi thuận, bao gồm:

  • Kỹ thuật thư giãn giống như kiểu thôi miên với những chuyên gia đã được đào tạo
  • Phương pháp ngải cứu (Moxibustion): Các chuyên gia châm cứu sẽ đốt lá ngải khô ở gần ngón chân út của mẹ bầu để kích thích một điểm châm cứu (một số nghiên cứu cho rằng việc này sẽ thúc đẩy sự hoạt động của thai nhi, làm cho trẻ có khả năng “luồn lách” theo cách của mình để quay đầu xuống)

Những nghiên cứu hiện hành vẫn chưa chứng minh liệu các phương pháp kể trên có hiệu quả hơn việc không tác động gì vào thai nhi không và chỉ một số ít thầy thuốc khuyên mẹ bầu bị thai ngôi ngược rằng đây là biện pháp tích cực. Những liệu pháp này không gây tổn thương cho ai đồng thời chúng cũng có thể không tốn kém lắm.

Còn có cách nào khác không?

Có thể mẹ sẽ được nghe một số cách sau, nhưng thực tế là chúng sẽ KHÔNG có tác dụng đâu:

  • Gập người, đưa hai tay nhẹ nhàng về phía trước, đầu gối và mông để cao hơn đầu
  • Thực hiện bài tập nghiêng xương chậu vài lần trong ngày, mỗi lần khoảng 5 phút
  • Giữ tư thế chuẩn (ngồi thẳng lưng trên quả bóng tập thể dục) cũng giúp mở vùng xương chậu và có thể bé sẽ dễ dàng chuyển động hơn
  • Phát nhạc hoặc để chồng nói chuyện gần bên dưới cùng của bụng để hi vọng trẻ có thể quay đầu xuống theo những giai điệu đó
  • Đặt một túi rau của quả lạnh ở gần vùng trên cùng của bụng bầu (một số chuyên gia và các bà bầu nghĩ rằng cảm giác lạnh, không thoải mái cũng sẽ làm đầu của trẻ quay đi theo hướng khác)
  • Luôn hình dung trẻ đang ở vị trí ngôi thuận

Có thể nói rằng, trong tất cả các trường hợp, những phương pháp trên sẽ không mang lại bất kỳ tác động nào đến vị trí thai. Chỉ có một cách đã được chứng minh giúp trẻ xoay người về vị trí ngôi thuận đó là ngoại xoay thai.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ còn ở vị trí thai ngôi mông khi đến ngày sinh

Nếu màng ối không bị vỡ (ví dụ như việc mẹ bầu đến bệnh viện theo đúng lịch đặt mổ), các bác sĩ sẽ vẫn cố thử thủ thuật ngoại xoay thai trước khi sinh. Nhưng nếu mẹ nào ở trong tình huống nước ối bị vỡ hoặc bị co thắt, lúc đó đã quá muộn để sử dụng thủ thuật này.

Mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gần 90% trẻ thai ngôi mông đều phải đẻ mổ nhưng các bác sĩ và người hộ sinh vẫn cảm thấy trong một vài trường hợp, cố gắng đẻ thường theo đường âm đạo là hợp lý nhất. Sinh thai ngôi mông theo đường âm đạo vẫn có khả năng thành công nếu:

  • Thai đã đủ ngày đủ tháng, thai ở vị trí ngôi mông thiếu kiểu mông và không quá lớn
  • Khung chậu của mẹ đủ cho trẻ đi ra an toàn (tỷ lệ thành công sẽ cao hơn nếu mẹ nào đã sinh thường trước đó)
  • Mẹ bầu chưa gặp phải biến chứng thai kỳ nào (bao gồm tiểu đường và tiền sản giật)
  • Thai nhi không cho thấy dấu hiệu nguy hiểm nào
  • Trong trường hợp mang thai đôi mà đứa đầu tiên ở vị trí ngôi thuận còn đứa kia ngôi ngược thì đầu của đứa đầu tiên có thể mở rộng cổ tử cung của mẹ đủ để đứa còn lại đi ra
  • Những người hỗ trợ sinh có đầy đủ kinh nghiệm về việc sinh thai ngôi mông theo đường âm đạo

Tất cả những điều trên cho thấy rằng phần lớn các biến chứng (sa dây rốn, chấn thương hộp sọ, não và chân tay trẻ, đầu của bé bị kẹt trong ống dẫn sinh, ca sinh kéo dài và khó khăn, nguy cơ cao bị rách đáy chậu hoặc tầng sinh môn) đều có thể diễn ra trong quá trình thử sinh theo đường âm đạo. Vì vậy nếu mẹ bầu yêu cầu sinh thường mà bác sĩ nói rằng cần thiết phải đẻ mổ thì chắc phải có lý do tốt hơn cho mẹ bầu.

Tỷ lệ sinh thành công cao chỉ khi em bé là thai ngôi thuận và đúng thời gian ra đời. Nhưng nếu trẻ vẫn ở trạng thái thai ngôi ngược, các mẹ cần linh hoạt hơn trong kế hoạch sinh của mình. Thậm chí nếu bác sĩ cho phép chờ đến cơn đau đẻ, đó cũng chỉ là nỗ lực ở người sinh. Trường hợp cổ tử cung mở quá chậm và trẻ không di chuyển xuống ống dẫn sinh đều đều hoặc nếu vấn đề khác xuất hiện, có thể buộc phải mổ đẻ. Lúc đó hãy nói lựa chọn của mình với bác sĩ ngay để chuẩn bị cho bất kỳ khả năng nào có thể xảy đến trong ngày sinh.

Điều quan trọng nhất cần nhớ rằng dù các mẹ cảm thấy thất vọng về những điều diễn ra không như mình mường tượng thì những cảm xúc này cũng sẽ tan biến ngay khi “niềm hạnh phúc bé bỏng” ra đời an toàn.

(Theo Whattoexpect – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

1 thought on “Thai ngôi mông: biện pháp cho mẹ bầu là gì?”

Leave a Comment