Sự phát triển của thai kỳ: Tuần thứ 32

Sự phát triển của thai nhi

Cân nặng của thai nhi bây giờ là khoảng 1,7 kg (khoảng kích thước của một củ đậu lớn) và chiều dài khoảng 42,4cm, chiếm nhiều diện tích bên trong tử cung của mẹ. Mỗi tuần, các mẹ tăng thêm khoảng 0,5kg và một nửa cân nặng đó sẽ chuyển vào em bé. Trên thực tế, em bé sẽ đạt được một phần ba đến một nửa trọng lượng lúc sinh ra trong 7 tuần tiếp theo, khi thai nhi mập lên và phát triển bên ngoài tử cung. Ở giai đoạn này, em bé bắt đầu có móng chân, móng tay, và tóc (hoặc ít nhất là có chút lông tơ). Làn da của em bé đang dần trở nên mềm mại và mịn màng cho tới khi chuẩn bị chào đời.

Cuộc sống của người mẹ thay đổi như thế nào?

Để đáp ứng nhu cầu của mẹ và sự phát triển của thai nhi, lượng máu trong cơ thể đã tăng 40-50 % kể từ lúc mang bầu. Tử cung được nâng lên gần cơ hoành và chèn ép vùng dạ dày, do đó gây nên hiện tượng khó thở và ợ nóng. Để giúp xoa dịu nỗi khó chịu, các mẹ hãy cố gắng ngủ tựa người lên gối và ăn nhiều bữa ăn nhỏ khác nhau trong ngày.

Các mẹ có thể sẽ bị đau vùng thắt lưng khi thai nhi phát triển. Nếu như vậy, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt nếu các mẹ chưa từng bị trước đó, bởi đây có thể là dấu hiệu sinh non.

Nếu đó không phải hiện tượng sinh non, thì có thể là do sự phát triển của tử cung và thay đổi nội tiết tố gây ra đau lưng. Tử cung phát triển làm thay đổi trọng lực, kéo giãn và làm suy yếu phần cơ bụng, làm thay đổi tư thế đi đứng và khiến vùng lưng đau mỏi. Thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm nới lỏng các khớp xương và dây chằng gắn kết vùng xương chậu với cột sống. Điều này có thể khiến các mẹ mất cân bằng và gây đau khi đi, đứng, ngồi trong khoảng thời gian dài, nằm cuộn trên giường, ngồi dậy khỏi chiếc ghế thấp hoặc bồn tắm, khi đứng cong người hoặc nhấc đồ vật lên.

Hướng dẫn lên kế hoạch: Các mẹ nên lựa chọn ai giúp đỡ trong phòng sinh?

Sinh đẻ là một trải nghiệm mãnh liệt mang tính cá nhân, và các mẹ hoàn toàn có quyền lựa chọn những thành viên trong gia đình, hoặc bạn bè, hoặc nữ hộ sinh để giúp đỡ mình trong thời khắc quan trọng này. Dưới đây là một số điều mà các mẹ cần lưu ý khi chuẩn bị lên danh sách:

  • Không có sự quyết định nào là hoàn toàn đúng cả. Trong một cuộc thăm dò gần đây của chúng tôi, có đến 44% các bà mẹ nói rằng họ cần đến cả chồng và người hộ sinh, trong khi đó có 37% cho rằng họ đã gọi thêm một số họ hàng thân thiết đến giúp đỡ và 16% cần đến một người bạn thân hiện tại của mình. Duy chỉ có 3% số người được hỏi chỉ yêu cầu cho mình một người hộ sinh là đủ.
  • Một số ông chồng hay đối tác của bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn về vai trò của mình đối với sự ra đời của đứa trẻ hoặc sẽ miễn cưỡng tham gia nếu những người thân khác cũng có mặt. Bởi vậy nếu các mẹ có ý định nhờ thêm đến họ hàng thân thiết hay một nữ hộ sinh thi hãy nhớ người chồng của mình cũng cần phải biết trước về kế hoạch này nhé!
  • Các mẹ có thể sẽ phải chịu áp lực từ mẹ ruột và mẹ chồng của mình bởi họ đang rất háo hức chào đón đứa cháu yêu của mình chào đời. Bởi vậy nếu các mẹ chỉ muốn có chồng ở bên cạnh, đừng ngần ngại bày tỏ mong muốn của mình cho bác sĩ. Họ sẽ giúp các mẹ thực hiện được nguyện vọng và không để người thân nào khác vào phòng sinh đâu.
  • Các y tá, nữ hộ sinh đến và đi theo ca trực của họ, vì vậy nếu các mẹ muốn được chăm sóc thường xuyên bởi một người, việc thuê riêng họ trong cả quá trình sinh nở và chăm sóc sau sinh cũng là một ý kiến tốt. Trong thực tế, một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có trợ lý hộ sinh riêng sẽ có thời gian sinh nở ngắn hơn, ít xảy ra biến chứng hơn và trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Các mẹ cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về việc này nếu có kế hoạch sinh nở bằng phương pháp tự nhiên.

Hoạt động của tuần này

Bắt đầu lên danh sách thứ tự những người bạn cần sự trợ giúp. Bạn bè và gia đình của đều mong muốn giúp đỡ bà bầu sau khi bé chào đời, nhưng có lẽ có quá nhiều người cùng xuất hiện trong nhà sẽ khiến các mẹ mệt mỏi đấy. Vậy nên điều mà các mẹ cần chuẩn bị từ bây giờ là:

  • Nếu bất cứ ai ngỏ lời muốn giúp đỡ các mẹ trong những ngày này, hãy cẩn thận ghi lại tên và số điện thoại của họ nhé.
  • Các mẹ hãy chọn một người bạn để sắp xếp lịch cho những người bạn khác hộ mình mỗi khi họ muốn mang đồ ăn đến.
  • Tạo một danh sách những hàng hóa cần mua để các mẹ có thể dễ dàng nhờ đến bạn bè của mình giúp đỡ.
  • Hãy lên lịch sinh hoạt, học tập cho đứa trẻ lớn của mình.
  • Các mẹ nên nhờ một người bạn hoặc hàng xóm giúp đỡ việc vứt rác, dắt chó đi dạo và chăm sóc vật nuôi trong nhà nữa nhé.

(Út Em Shop biên dịch và tổng hợp từ Babycenter)

Leave a Comment