Sinh mổ hay sinh thường mới là lựa chọn an toàn nhất?

Đây là câu hỏi rất nhiều mẹ băn khoăn, hôm nay Út Em sẽ cùng các mẹ tìm hiểu vấn đề này nhé.

Nếu như không có biến chứng gì trong quá trình mang thai hay trong lúc sinh thì sinh thường AN TOÀN hơn so với sinh mổ.

Điều này đúng cho cả chu kì mang thai hiện tại của bạn cũng như sau này. Sinh thường sẽ tốt hơn đối với khả năng sinh sản của bạn trong tương lai.

Tất cả các cuộc phẫu thuật đều mang đến một số rủi ro nào đó. Sinh mổ bao gồm đại phẫu ở vùng bụng và vùng xương chậu, nó có thể gây ra các biến chứng hay phải tái nhập viện sau khi sinh.

Tuy nhiên, với việc sinh mổ, đặc biệt nếu đã có kế hoạch trước, là một phương thức sinh sản phổ biến và an toàn.

Đôi khi, sinh mổ là cần thiết để lấy cứu mạng sống của người mẹ hay em bé, trong trường hợp này không có gì phải bàn cãi nữa, sinh mổ sẽ là lựa chọn an toàn nhất.

sinh-mo

Có nhiều lúc quyết định không được rõ ràng. Bởi nó còn phải phụ thuộc vào bạn và bác sĩ khi cân nhắc đến những rủi ro và lợi ích của việc sinh mổ rồi mới đưa ra quyết định tốt nhất cho bạn.

Sức khỏe tổng thể và lối sống đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Bạn sẽ có nguy cơ cao mắc các biến chứng sau khi sinh mổ nếu bạn:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Đã từng sinh mổ
  • Đã từng có tiền sử mắc một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tim

Nếu bạn phải dùng thuốc để kích thích sinh nở mà vẫn không có tiến triển gì thì bạn nên cân nhắc đến phương pháp mổ đẻ.

Dùng thuốc để kích thích sinh nở còn phải sử dụng đến các biện pháp can thiệp khác, chẳng hạn như hỗ trợ sinh với ống giác hoặc kẹp thai, và những cách thức này cũng gây ra nhiều nguy hiểm. Vì vậy, bạn và bác sĩ cần phải cân nhắc những rủi ro có thể mắc phải với phương thức sinh mổ.

[adinserter block=”8″]

Vậy những vấn đề không thoải mái của việc sinh mổ là gì?

Đau đớn

Bạn sẽ cảm thấy đau trong một khoảng thời gian sau khi sinh, và sẽ còn mất nhiều thời gian để phục hồi hơn là sinh thường. Có thể bạn sẽ cảm thấy đau ở vết mổ cũng như thấy khó chịu ở vùng bụng trong một vài tuần sau khi mổ, khi cơ thể đang tự chữa lành vết thương.

Bạn sẽ phải sử dụng thuốc giảm đau, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bản thân.

Nhiễm trùng

Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được uống một liều thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng sau khi sinh mổ.

Hãy nói với nữ hộ sinh nếu bạn bị chảy nhiều máu, chảy máu bất thường, tiết ra chất có mùi hôi hoặc bị sốt. Đây có thể là những triệu chứng của nhiễm trùng.

Ba loại nhiễm trùng chính là:

  • Nhiễm trùng ở vết mổ. Các triệu chứng bao gồm tấy đỏ và tiết dịch, vết thương trở nên tồi tệ hơn và không tự liền lại. Cứ khoảng một trong mười phụ nữ sau khi sinh mổ lại gặp phải hiện tượng này, ngay cả sau khi đã uống thuốc kháng sinh tại thời điểm phẫu thuật. Sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn bị mắc bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì.
  • Nhiễm trùng niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Nếu bạn bị vỡ ối trước khi sinh hoặc khám âm đạo quá nhiều lần trước khi sinh mổ thì hiện tượng này có khả năng xảy ra nhiều hơn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu. Các ống nhỏ (ống thông) được đưa vào trong quá trình mổ để làm sạch bàng quang nên dễ có thể gây nhiễm trùng. Bạn có thể cảm thấy đi tiểu trở nên khó khăn, đau đớn, và có cảm giác nóng rát.

Cục máu đông

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông, và điều này có thể trở nên nghiêm trọng, tùy thuộc vào vị trí cục máu đông.

Nếu cục máu đông ở trong phổi (gây nghẽn mạch phổi), thậm chí còn đe dọa đến tính mạng. Các dấu hiệu của nó bao gồm ho, khó thở, hoặc sưng đau ở bắp chân.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy có bất cứ dấu hiệu nào giống như trên sau khi sinh mổ.

Đội ngũ các y – bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn phương pháp điều trị dự phòng, chẳng hạn như các loại thuốc làm loãng máu và băng chân hỗ trợ đàn hồi, giúp lưu thông máu ở chân.

Bạn cũng được khuyến khích đi lại xung quanh càng sớm càng tốt sau khi sinh mổ. Điều này sẽ giúp tuần hoàn máu và làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Dính

Sinh mổ ẩn chứa nguy cơ bị dính khi cơ thể đang tự chữa lành vết mổ. Các vết dính là dải những mô sẹo có thể làm cho các cơ quan trong bụng dính vào nhau, hoặc dính vào bên trong thành bụng.

Khoảng một nửa số phụ nữ đã từng sinh mổ đều gặp hiện tượng dính. Sử dụng các phương pháp phẫu thuật có thể gây ra một số ảnh hưởng, chẳng hạn như những lớp mổ nào được khâu lại sau đó và cách thực hiện đó như thế nào. Nó cũng phụ thuộc vào số lần bạn đã từng sinh mổ, vì tỷ lệ dính tăng lên đến 75 % sau khi sinh mổ lần 2, và 83 % sau sinh mổ lần 3.

Dính có thể gây đau, bởi vì nó hạn chế sự vận động của các cơ quan nội tạng. Đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề như tắc ruột và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu chúng bị đè lên hoặc bị cơ quan lân cận chèn ép.

Ảnh hưởng của thuốc gây tê

Hầu hết sinh mổ được thực hiện với cách gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống để làm tê vùng bụng, vì nó an toàn hơn so với việc gây tê toàn bộ cơ thể. Nhưng bất kỳ phương phương pháp gây tê nào cũng tiềm ẩn một nguy cơ nho nhỏ. Sau khi gây tê ngoài màng cứng, bạn có thể bị:

  • Nhức đầu dữ dội. Khoảng 1% phụ nữ gặp phải tình trạng này và có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn đã từng dùng nhiều hơn một loại thuốc gây tê theo vùng trước khi sinh.
  • Tổn thương thần kinh. Tuy nhiên điều này hiếm khi xảy ra, và thường chỉ kéo dài một vài ngày hoặc vài tuần. Tổn thương thần kinh vĩnh viễn là cực kỳ hiếm.

Những biến chứng nào khác của việc mổ có thể xảy ra?

Các biến chứng nghiêm trọng chưa chắc đã xảy ra, nhưng bao gồm:

  • Được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, xảy ra ở 9 trên 1000 phụ nữ.
  • Thực hiện ca mổ khẩn cấp để cắt bỏ tử cung (hysterectomy), xảy ra ở 8 trên 1000 phụ nữ.
  • Cần thiết phải phẫu thuật thêm vào một ngày sau đó, xảy ra ở 5 trên 1000 phụ nữ.
  • Bị tổn thương bàng quang, các ống kết nối từ thận đến bàng quang (niệu quản), hoặc ruột. Tuy vậy nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra, chỉ 1 trên 1.000 phụ nữ mắc phải.

Nếu bạn đã trải qua một biến chứng nghiêm trọng trong quá trình mổ, bạn có thể cần phải truyền máu.

Một số biến chứng hiếm hoi của việc sinh mổ có thể đe dọa tính mạng, nhưng nguy cơ này là rất nhỏ.

Những rủi ro đối với em bé sau khi sinh mổ là gì?

Em bé của bạn có thể sẽ hoàn toàn khỏe mạnh cả trong và sau khi mổ, mặc dù một số trẻ sơ sinh có vấn đề về đường hô hấp. Những vấn đề này thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi cần phải chăm sóc đặc biệt cho bé để bé hồi phục.

Vấn đề về đường hô hấp có nhiều khả năng xảy ra nếu em bé của bạn bị sinh sớm và được sinh ra bằng cách mổ. Điều này cũng có thể xảy ra nếu bạn sinh mổ trước khi bạn bắt đầu đau đẻ, đặc biệt là trước tuần thứ 39 của thai kỳ.

Khoảng 1/50 trẻ sơ sinh vô tình bị dao mổ của bác sĩ cắt phải, nhưng thường mau lành mà không gây ra bất kỳ tác hại nào.

Việc mổ đẻ có ảnh hưởng đến việc mang thai trong tương lai không?

Điều này rất dễ có thể xảy ra. Một khi bạn đã đẻ bằng phương pháp mổ, bạn có nhiều khả năng phải mổ trong lần mang thai sau. Nhưng không phải luôn là như vậy, và trường hợp đẻ thông thường sau lần sinh mổ trước (VBAC) có thể thực hiện được.

Sau khi sinh mổ sẽ có sự tăng nhẹ nguy cơ nhau thai bám thấp (rau tiền đạo), hoặc nhau thai trũng quá sâu trong lần mang thai sau này của bạn.

Có một rủi ro nhỏ của vết sẹo trên tử cung, đó là nó sẽ có thể mở ra một lần nữa trong lần bạn mang thai hoặc sinh con trong tương lai (vỡ tử cung), nhưng điều này không phổ biến. Khoảng 1 trên 200 phụ nữ đã trải qua vấn đề này khi cố gắng để sinh bé bằng cách thông thường sau lần sinh mổ.

Tôi nên biết gì về việc phục hồi sức khỏe sau khi sinh mổ?

Bạn có thể đã nghe những câu chuyện đáng sợ về bệnh trầm cảm sau sinh, hay việc thật khó khăn để cho con bú sau khi sinh mổ. Cố gắng không để những điều này làm bạn lo lắng.

Bệnh trầm cảm sau sinh đầu tiên sẽ phổ biến hơn ở những phụ nữ đã sinh mổ hơn ở những phụ nữ đẻ thông thường, nhưng sau 2 tháng, tỷ lệ này là như nhau.

Nếu bạn muốn cho bé bú, hãy nhờ đến sự giúp đỡ từ nữ hộ sinh hoặc người cố vấn về việc cho con bú. Bạn sẽ cần sự hỗ trợ nhiều hơn so với một bà mẹ sinh con theo cách thông thường. Tuy nhiên, một khi bạn đã bắt đầu, cơ hội khiến bạn đạt được thành công sẽ tương đương với họ.

Những ưu điểm của sinh mổ là gì?

Lên kế hoạch cho việc sinh mổ có nghĩa là bạn biết khi nào em bé sẽ được sinh ra. Bạn sẽ không có các cơn co thắt hay cảm thấy đau đớn vùng giữa âm đạo với tầng sinh môn, bởi điều đó chỉ xảy ra với phụ nữ đẻ thông thường.

Một thời gian sau bạn sẽ thấy có vết thương và đau rát vùng bụng, nhưng điều này có thể được điều chỉnh một cách hiệu quả bằng thuốc giảm đau.

Bạn vẫn có thể gặp một số khó chịu từ việc sinh con bằng cách thông thường, nhưng liệu pháp sinh mổ có kế hoạch có thể làm giảm các khả năng sau:

  • Triệu chứng đau bụng và cơn đau từ vết bầm, vết khâu bên trong tầng sinh môn của bạn.
  • Chảy máu nhiều sau khi sinh.
  • Rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc cười ( triệu chứng căng thẳng mất kiểm soát).

Về lâu dài, sinh mổ có thể giúp bảo vệ chống lại nguy cơ tử cung bị tuột xuống vùng âm đạo (lệch dạ con). Nhưng cũng có một số yếu tố khác góp phần vào tình trạng lệch dạ con, chẳng hạn như:

  • Kiểu sinh con thông thường hoặc các kiểu khác mà bạn trải qua.
  • Trọng lượng của em bé khi được sinh ra.
  • Bạn đã có bao nhiêu em bé
  • Mẹ hoặc chị/em của bạn cũng mắc chứng lệch dạ con
  • Nếu bạn đang thừa cân
  • Nếu bạn thường xuyên bị táo bón

Việc mang thai có thể làm suy yếu vùng xương chậu của bạn và dẫn đến các vấn đề như bị rò rỉ nước tiểu (căng thẳng mất kiểm soát). Vì vậy, cho dù bạn sinh con bằng cách nào chăng nữa, việc luyện tập các bài tập cho vùng xương chậu là điều quan trọng bạn cần làm.

Mẹ dự định sinh thường hay sinh mổ?

(Út Em Shop dịch và tổng hợp từ Babycentre)

2 thoughts on “Sinh mổ hay sinh thường mới là lựa chọn an toàn nhất?”

  1. chao bác sĩ ạ em năm nay 25 tuổi em chuẩn bị sinh bé thứ 2 ạ chủ nhật tuần trước siêu âm bác sĩ nói thai của em nằm ngang hông phải ạ . em mang thai tuần 36 rồi ạ , bác sĩ nói thai của em khó xoay ve ngôi thuận ạ và em được chỉ định mổ ạ vậy thưa bác sĩ nếu em không đau bụng thi em đoi dủ ngày rồi mổ có được không ạ

    Reply

Leave a Comment