Phù chân khi mang thai có nguy hiểm không?

Út Em chào các mẹ. Phù chân khi mang thai là hiện tượng bình thường khi cơ thể trải qua những thay đổi lớn để hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh.

Những chất lỏng ở các mô tích tụ lại gây sưng, còn gọi là chứng phù. Có một số nguyên nhân dẫn đến chứng phù chân, tuy nhiên không cần phải quá lo lắng về vấn đề này.

Sưng phù thường thấy trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ haithứ ba, và rõ rệt ở tay, bàn tay, chân, bàn chân cũng như mặt.

Thường khi nồng độ hoóc môn thay đổi gây “giữ” natri (thường gọi là giữ muối) – điều này làm cho cơ thể bị giữ nước. Hơn nữa, lượng máu lưu thông tăng, các mạch máu và khoảng không mô phải chứa những dung dịch này.

Tuy nhiên, ngược lại cũng không nên coi nhẹ chứng sưng phù. Nó có thể là dấu hiệu tiềm ẩn cần chăm sóc kịp thời, nếu không sức khỏe của mẹ và thai nhi sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

A. Nguyên nhân gây chứng sưng phù chân khi mang thai

phù chân khi mang thai có thể là dấu hiệu nguy hiểm

1. Chấn thương và căng thẳng ở chân

Bất kỳ các vết thương nào như vết đứt trên da hay vết côn trùng cắn cũng nên được các bà bầu chú ý và điều trị. Một số vết thương có thể không gây viêm nhiễm mô tế bào nhưng các vi sinh vật có khả năng gây ra những bệnh khác đe dọa đến thai kỳ.

Phù ở bàn chân và mắt cá chân hay toàn bộ chân cũng có thể là biểu hiện của việc chân bị căng thẳng – đi bộ nhiều, đứng quá lâu và hoạt động thể thao như chạy bộ.

Vết sưng giảm vào buổi tối và sưng rõ vào ban ngày mà không có các biểu hiện hay triệu chứng gì khác thì có thể là do chân đang bị mệt mỏi do hoạt động, thường có thể không đau hoặc đau nhẹ. Cần nghỉ ngơi để lành vết sưng.

2. Suy tĩnh mạch

Là một trong những nguyên nhân chính gây phù chân khi mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố ở bà bầu làm ảnh hưởng đến độ bền của thành và van tĩnh mạch. Tử cung đè lên tĩnh mạch chủ dưới và phần nào đã cản trở lượng máu lưu thông từ các tĩnh mạch đùi, cản trở máu chảy về tim.

Biểu hiện và triệu chứng

  • Tĩnh mạch tỏa như màng nhện màu xanh lá, đỏ và tím (hệ thống mạch nhỏ) dưới da có thể nhìn thấy. Khi triệu chứng rõ nét hơn, những mạch lớn sẽ nổi lên rõ;
  • Cảm thấy ngứa;
  • Phát ban hay sắc tố da đậm màu hơn;
  • Nếu có những vết loét ở chân, cần phải xem xét tới các trường hợp phức tạp khác như bệnh tiểu đường thai kỳ.

Vết sưng thường bị nặng vào những ngày nắng nóng hay khi phải đứng lâu. Suy tĩnh mạch có thể giải quyết sau khi sinh, nếu không nó sẽ vẫn dai dẳng không khỏi. Cũng nên chú ý đến chứng nghẽn tĩnh mạch sâu do lượng máu bị ứ trong tĩnh mạch.

3. Nghẽn tĩnh mạch sâu

Là hiện tượng khối máu bị nghẽn trong mạch máu ở chân được gọi là chứng nghẽn tĩnh mạch sâu, thường xuất hiện ở một bên chân, tuy nhiên có thể cùng lúc ở 2 chân.

Phụ nữ mang thai do áp lực tử cung đang lớn dần đè lên tĩnh mạch chậu làm chậm dòng máu lưu thông từ chân (gọi là ứ tĩnh mạch). Cần chú ý có một số nguyên nhân và tác nhân khác không phải do đang mang thai cũng gây nghẽn tĩnh mạch sâu.

Biểu hiện và triệu chứng

  • Sưng một bên chân, bàn chân và mắt cá chân;
  • Đau chân, nhất là vùng bắp chân;
  • Da bị đỏ, chạm vào thấy ấm.

Tình trạng nghẽn nhiều có thể gây thiếu máu cục bộ ở chân.

Tác nhân gây nên

Những phụ nữ mang thai hút thuốc (thậm chí đã ngưng dùng thuốc) có tiền sử suy tĩnh mạch hoặc động mạch ngoại biên, rối loạn quá trình đông máu cần chú ý đến khả năng có thể bị nghẽn tĩnh mạch sâu.

4. Viêm mô tế bào

Là hiện tượng các lớp sâu dưới da bị viêm nhiễm (hạ bì và lớp dưới da). Những phụ nữ bị suy tĩnh mạch và các vấn đề về lưu thông máu cần chú ý.

Viêm mô tế bào thường là do các vết đứt trên da như do động vật cào, cắn hay những vết trầy xước nhỏ. Tuy nhiên, ở những phụ nữ suy giảm miễn dịch có thể không bị các vết xước vẫn mắc viêm mô tế bào.

Biểu hiện và triệu chứng

  • Sưng một bên chân;
  • Ngứa, rát, đau, sờ vào thấy ấm;
  • Cảm giác đau rõ ràng tại vết đau;
  • Sốt (thỉnh thoảng).

Viêm mô tế bào có thể lây truyền viêm nhiễm sang tử cung và gây sảy thai hoặc nhiễm trùng máu có thể gây tử vong, do đó cần phải đi khám bác sĩ.

[adinserter block=”12″]

5. Tiền sản giật

Tiền sản giật liên quan đến huyết áp cao và hiện tượng nước tiểu có protein, thường xảy ra ở phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Tiền sản giật gây nguy cơ cho cả mẹ và bé trong bụng, do đó cần phải điều trị.

Biểu hiện và triệu chứng

  • Sưng cả 2 chân, cũng có thể ở bàn tay và cánh tay. Thường là sưng đột ngột và nặng;
  • Huyết áp cao;
  • Nước tiểu có protein;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Hơi thở ngắn;
  • Đau đầu;
  • Chóng mặt;
  • Vàng da;
  • Mờ mắt.

Tác nhân gây nên

  • Bà mẹ dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi;
  • Béo phì;
  • Tăng huyết áp;
  • Tiểu đường;
  • Bệnh thận;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Bệnh luput;
  • Đa thai;
  • Mang thai lần đầu;
  • Gia đình có tiền sử tiền sản giật.

6. Rối loạn khớp

Bất kỳ bệnh lý nào về khớp cũng có thể gây sưng chân và thường nặng hơn ở phụ nữ mang thai. Khi mang thai, cơ thể tăng trọng lượng cùng với dáng đi thay đổi có thể gây căng thẳng lên các khớp.

Khi bị khớp ở một bên chân, thường tránh đau bằng cách thay đổi dáng đi do đó lại gây thêm căng thẳng cho chân còn lại. Những phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp thường thấy rằng tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn khi mang thai.

B. Cách giảm phù chân khi mang thai

  • Mỗi ngày mẹ bầu nên ăn đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao như thịt, cá, tôm, các loại đậu… Ăn nhiều rau xanh như cải bắp, đậu lăng…; trái cây và thực phẩm giàu vitamin, canxi, kẽm;
  • Tránh ăn cay hoặc mặn làm tăng áp lực lên thận, không ăn thức ăn đầy hơi như gạo nếp, khoai lang, vân vân;
  • Nên nằm nghiêng về bên trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch;
  • Tránh ở ngoài nắng, thân nhiệt cao làm tình trạng phù nề nặng hơn;
  • Tranh thủ gác chân bất cứ lúc nào để chân được nghỉ ngơi. Vào buổi đêm trước khi đi ngủ, có thể ngâm chân nước nóng để thúc đẩy máu tuần hoàn;
  • Không nên nhịn tiểu;
  • Lựa chọn những đôi giày bệt thoải mái, vừa vặn, không đi tất quá chật;
  • Không đứng quá lâu trong thời gian dài.

Tuy nhiên, nếu các mẹ bị sưng phù lâu ngày dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt, thậm chí kèm theo các triệu chứng nêu ở phần trên thì cần phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

(Theo healthhype – Tăng Minh Nga dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment