Mang thai tháng thứ 9 – mẹ chuẩn bị đón bé chào đời

Út Em chào các mẹ.

Như vậy là mẹ vừa trải qua tháng thứ tám của thai kỳ rồi, chúc mừng mẹ đã bước sang tháng thứ 9.

Hôm nay chúng ta sẽ xem mẹ và em bé có điều gì thú vị nhé?

Mang thai tháng thứ 9 là cột mốc quan trọng nhất của thai kỳ vì đây chính là giai đoạn bước ngoặt chuẩn bị cho bé chuyển sang một môi trường hoàn toàn mới – thế giới bên ngoài bụng mẹ.

Tháng cuối này, các mẹ cần lưu ý những gì để đảm bảo bao nhiêu công sức mang thai được đáp trả bởi bé yêu xinh xắn, khỏe mạnh? Hãy cùng tìm hiểu các mẹ nhé.

A. Những thay đổi về thể chất khi mang thai tháng thứ 9

mang-thai-thang-thu-9

Khi bước sang tháng mang thai thứ 9, đây cũng có thể coi là thời gian tương đối đầy đủ cho một thai kỳ và có khả năng sinh bất cứ khi nào.

Trong tháng này, đầu của thai nhi bắt đầu thiết lập ở vị trí quay xuống và đặt sâu hơn vào khung xương chậu để sẵn sàng chào đời. Hiện tượng này gọi là sự sa bụng và nó cũng giúp các mẹ dễ thở hơn do ít có áp lực từ đầu của bé lên vùng bụng phía trên. Tuy nhiên, việc đó lại làm tăng áp lực xuống bàng quang làm cho các mẹ có thể phải đi tiểu nhiều hơn.

Các cơn gò tử cung Braxton Hicks diễn ra thường xuyên hơn khi các mẹ mang thai tháng thứ 9 vì tử cung co bóp nhiều để chuẩn bị cho việc sinh nở.

Hiện tượng tê như bị châm có thể chạy dọc cả chân và âm đạo vì thai nhi tụt xuống phía dưới khung chậu chèn vào các dây thần kinh ở đó.

Các mẹ có thể cảm thấy nặng nề và mệt mỏi nhưng cũng có khả năng lại thấy tràn đầy năng lượng và muốn dọn dẹp, trang trí nhà cửa vì tâm niệm mình sắp chào đón một thiên thần mới thì nhà cửa cần sạch sẽ hơn. Đây được gọi là “bản năng làm tổ” của người mẹ.

Vào tháng thứ 9 này, các mẹ sẽ cảm thấy thai nhi ít hoạt động hơn do tử cung trở nên chật chội hơn hẳn so với bé, làm cho thai khó khăn hơn trong việc xoay chuyển. Tuy nhiên, bé vẫn đạp và thỉnh thoảng còn nấc. Nếu theo dõi cụ thể, các mẹ sẽ vẫn thấy bé thực hiện ít nhất 10 động tác trong vòng 2 tiếng đồng hồ hoặc trung bình 3 động tác trong nửa tiếng.

B. Kiểm tra và xét nghiệm y tế trong thời gian mang thai tháng thứ 9

Trong tháng này, các mẹ cần theo dõi thai nhi sát sao hơn bằng cách đi khám một tuần một lần. Bác sĩ sẽ giúp các mẹ kiểm tra:

  • Cân nặng
  • Huyết áp
  • Nước tiểu
  • Nhịp tim của thai nhi
  • Chiều cao của đáy tử cung
  • Kích thước và vị trí của thai nhi
  • Sưng mắt cá chân và phù chân, đặc biệt sẽ nguy hiểm nếu kèm theo hiện tượng đau đầu, thay đổi thị giác hoặc đau bụng vì đó là những dấu hiệu của chứng cao huyết áp thai kỳ
  • Xem độ co giãn và độ mở của cổ tử cung
  • Tần số các cơn gò Braxton Hicks

Ngoài ra, trong thời gian mang thai tuần 35-37, phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhiễm liên cầu nhóm B. Đây chỉ là một bước kiểm tra đơn giản, không gây đau đớn nhưng lại giúp các mẹ biết được mình có bị nhiễm vi khuẩn ở vùng âm đạo và trực tràng hay không.

C. Mối quan tâm khi mang thai tháng thứ 9

Ngày dự sinh

Ngày dự sinh thường được tính toán trong vòng 40 tuần thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4% phụ nữ sinh con đúng ngày dự sinh. Còn lại phần lớn sẽ sinh con sớm hoặc muộn hơn 2 tuần so với ngày dự sinh. Cẩn thận với những dấu hiệu chuyển dạ sớm:

  • Mất đi lớp dịch nhầy của cổ tử cung, đó là vết máu giống dạng gel bám và bịt kín cổ tử cung
  • Dịch âm đạo chảy ra ít hoặc nhiều ồ ạt
  • Các cơ co thắt mạnh mẽ hơn, tần suất nhiều hơn và kéo dài hơn

Quá ngày dự sinh

Nếu thai nhi còn chưa ra khi thai đã được 40 tuần, các mẹ có thể bắt đầu lo lắng về việc mình quá ngày dự sinh. Tuy nhiên, các mẹ cứ tạm thời yên tâm vì thông thường quá ngày dự sinh cũng là do bị tính nhầm ngày dự sinh.

Các mẹ có thể cảm thấy nặng nề và mệt mỏi trong thời gian này nên cần thiết phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Để chắc chắn thai nhi vẫn khỏe mạnh, các mẹ hãy theo dõi và đếm những cú đạp của bé.

Nếu thực sự bị quá ngày dự sinh, các mẹ cần phải thử nghiệm non-stress test (NST) hoặc kết hợp siêu âm để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh và nếu cần thiết, bác sĩ có thể kích thích chuyển dạ cho các mẹ.

Ngoài ra, các mẹ nên tham gia lớp học tiền sản để giảm nỗi lo trước những vấn đề khi chuẩn bị sinh:

[adinserter block=”12″]

D. Sự chuẩn bị cần thiết khi mang thai tháng thứ 9

Chuẩn bị đồ sơ sinh và đồ đi sinh

Trẻ sơ sinh khi tiếp xúc với môi trường mới sẽ rất non nớt nên cần có nhiều đồ bảo vệ. Chuẩn bị đồ sơ sinh là việc quan trọng đầu tiên mà mọi gia đình đều cần quan tâm khi chuẩn bị đón bé chào đời. Các mẹ có thể chuẩn bị dần dần từ những tháng trước nhưng bước sang tháng mang thai thứ 9, các mẹ cần tổng kết lại để xem mình còn thiếu gì cho con.

Đồ đi sinh cũng có thể chuẩn bị từ trước hoặc khi mang thai tháng thứ 9 nếu các mẹ không có dấu hiệu chuyển dạ sớm. Đồ đi sinh là những vật dụng không thể thiếu trong các ca sinh nên để tránh lúc nguy cấp vội vã, các mẹ nên để riêng, gọn gàng trong túi hoặc giỏ xách mà có thể tiện mang đi bất cứ lúc nào. Tham khảo ý kiến các mẹ sinh trước hoặc bác sĩ để chuẩn bị đầy đủ nhất cho mình.

Chuẩn bị giấy tờ

Những giấy tờ cần thiết cho một ca sinh ở viện là chứng minh thư nhân dân (hộ chiếu), sổ hộ khẩu, hồ sơ khám thai để bác sĩ tiện theo dõi tình hình và bảo hiểm y tế (nếu có) để giảm thiểu các chi phí cho ca sinh. Các mẹ nên photo trước những giấy tờ này và đưa cho người thân có khả năng đưa mình đi đẻ giữ hộ nếu cảm thấy mình không tự cầm được. Nên có cả bản chính để đối chiếu.

Chuẩn bị tâm lý và sức khỏe

Giai đoạn vượt cạn của các mẹ tương đối khó khăn, mất sức và thậm chí có thể khiến nhiều mẹ sợ hãi. Khoảng thời gian lâm bồn, mặc dù có sự trợ giúp của y bác sĩ nhưng phần lớn mọi nỗ lực vẫn là do bản thân các mẹ nên buộc phải có tâm lý vững vàng, chịu đựng tốt thì mới vượt qua được.

Mang thai tháng thứ 9 cũng có thể nói là thời gian cận kề ngày sinh nên các mẹ phải biết cách tự điều chỉnh suy nghĩ và thể trạng của mình. Cách tốt nhất vẫn là bổ sung dưỡng chất cho cả mẹ và thai nhi, kết hợp vận động thể dục nhẹ nhàng dù cơ thể có hơi nặng nề và khó di chuyển.

E. Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 9

Các mẹ đừng nghĩ rằng thai nhi đến giai đoạn này đã phát triển hoàn thiện và chỉ chuẩn bị chờ ngày chào đời. Thực chất, trong tháng thứ 9, thai nhi phát triển nhanh nhất với tốc độ chóng mặt nên các mẹ không thể lơ là việc ăn uống đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé yêu.

Một số lưu ý về thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho các mẹ:

  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, không bỏ bữa hoặc nhịn ăn
  • Lựa chọn sản phẩm có nhiều chất béo lành mạnh như omega3 (có trong cá béo) để giúp hoàn thiện trí não cho bé. Không nên ăn nhiều chất béo dạng mỡ để tránh tăng cân quá nhiều
  • Ăn nhiều rau, trái cây để tránh táo bón
  • Uống thêm nước, giảm độ mặn trong các món ăn để hạn chế tình trạng phù nề
  • Bổ sung thực phẩm có canxi để xương của cả mẹ và bé chắc khỏe, đồng thời giúp cho việc tiết sữa sau sinh
  • Ăn thêm một số món ăn lợi sữa sau sinh như đu đủ chín (tuy nhiên mẹ không nên ăn đu đủ xanh khi mang thai)…
  • Không được để thiếu sắt vì lúc sinh các mẹ sẽ bị mất rất nhiều máu, nếu không đảm bảo đủ lượng sắt cho cơ thể, các mẹ có thể bị kiệt sức
  • Không ăn đồ ăn sống, tái, phô mai chưa tiệt trùng vì chúng có khả năng gây sảy thai, sinh non

F. Chọn tên ở nhà và tên khai sinh cho bé

Út Em rất thích phần chọn tên ở nhà, nơi các mẹ thoả sức sáng tạo, chọn những tên đáng yêu và thú vị nhất. Chúng tôi có danh sách hơn 50 tên ở nhà hay cho bé ở đây, mẹ chọn tên thuần Việt hoặc Tây Tây một tí đều được cả.

Chọn tên khai sinh thì phải nghĩ kỹ hơn rồi, có khi mình chẳng được tham gia, mà chồng hoặc ông bà nội “chiếm” mất.

Tuy vậy Út Em vẫn có những gợi ý hữu ích cho mẹ tham khảo nhé:

Chúc các mẹ đón bé yêu chào đời một cách suôn sẻ và khỏe mạnh.

(Theo Aboutkidshealth – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu bài viết)

1 thought on “Mang thai tháng thứ 9 – mẹ chuẩn bị đón bé chào đời”

Leave a Comment