Đau đẻ cảm giác như thế nào?

Út Em chào các mẹ. Khi cổ tử cung mở hoàn toàn, công đoạn rặn đẻ bắt đầu, lúc này thai nhi đã dần tụt xuống và chuẩn bị sinh.

Thời điểm đầu của giai đoạn này, những cơn co thắt có thể dãn cách hơn một chút so với lúc trước nên các mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian giữa những cơn đau đó để nghỉ lấy sức.

Nhiều phụ nữ thấy mình dễ kiểm soát những cơn co thắt ở giai đoạn này hơn giai đoạn chuyển dạ tích cực trước đó bởi vì cảm giác đau đớn đã chuyển xuống phía dưới. Một số mẹ còn không có cảm giác phải rặn đẻ.đau đẻ

Chia sẻ cảm giác của các mẹ trong lúc đau đẻ

Quá trình mang thai cho đến khi sinh hạ thành công luôn là niềm vui và tự hào của mỗi người mẹ. Tuy nhiên, suốt chặng đường đó, các mẹ thường phải trải qua những sự đau đớn khó tả, nhất là lúc đau đẻ sắp sinh.

Cảm giác đó khó có thể nói lên thành lời và rất dễ gây ám ảnh cho những mẹ mới sinh con lần đầu vì họ không biết cơn đau đó như thế nào.

Trong bài viết này các mẹ đã trải nghiệm kinh nghiệm này sẽ chia sẻ cho chúng ta:

Cảm giác “Không như những gì mình tưởng tượng”

Mẹ Tarama:

Vì là lần đầu tiên làm mẹ, tôi cũng khó phân biệt được đâu là đau đẻ, đâu là đau do cơn gò Braxton Hicks. Dấu hiệu của tôi không khớp hoàn toàn với loại nào.

Tôi có nhiều cơn co rút bên dưới bụng và không lan rộng xuống dưới hoặc ra đằng sau lưng như sách nói. Tôi nghĩ mình sắp sinh nên nhờ người trông nhà và đi vào viện ngay để kiểm tra.

Mẹ Angelina:

Tôi phải nói rằng cảm giác đó giống như một cơn đau bụng kinh tồi tệ nhưng đó chưa phải là những cảm giác tôi gặp phải.

Cơn đau càng lúc càng gia tăng và nó tập trung phần lớn ở lưng dưới.

Mỗi khi có cơn co thắt, phần lưng đó dần như bị kẹp chặt hơn. Nó như kiểu các cơ bên trong đang từ từ xoắn lại chặt hơn cho đến tận khi không thể chịu nổi rồi mới từ từ giảm.

Cơn đau mạnh hơn rất nhiều so với những gì tôi nghĩ.

Cảm giác “Dữ dội như trong cuộc chiến”

Mẹ Tommasina:

Cơn đau giống như trong cơ thể có sự co kéo hoặc bị đè nén. Tôi càng cố chống lại, cơn đau càng trở nên tồi tệ hơn. Khi để thả tự do và chấp nhận nỗi đau đó, tôi thấy có vẻ dễ chịu hơn.

Nó giống như bị mắc kẹt dưới những cơn sóng. Khi bị chìm dưới nước, con người thường cố vùng vẫy chống lại nhưng chỉ càng thêm sợ hãi hoặc buông lỏng cơ thể và chờ những cơn sóng đi qua.

Ngoài ra, mình còn có một cơn đau đến mức cảm thấy như bị chai vùng lưng dưới.

Mẹ Jennifer:

Mô tả rõ ràng nhất về cơn đau đẻ mà tôi có thể nói ra là nó gây cảm giác như mình bị lôi – kéo mạnh mẽ từ sâu bên trong.

Nó giống như ai đó cố gắng chen ra ngoài, tóm bất cứ cơ quan nội tạng nào có thể và cố gắng kéo chúng ra để tìm đường đi.

Cảm giác “Không quá tồi tệ”

Trong khi phần lớn các ca sinh đều cảm thấy đau đến chết đi sống lại thì có một số phụ nữ lại thấy rằng giai đoạn này dễ dàng vượt qua hơn tưởng tượng.

Mẹ Jamie:

Ca sinh nở của tôi rất tuyệt vời.

Khi em bé của tôi mới được 36 tuần nhưng khi khám, người hộ sinh kiểm tra thấy cổ tử cung đã mở. Cô ấy vui mừng báo cho tôi biết nó đã mở 5cm và 90% là chuẩn bị sinh.

Sau đó, tôi nhập viện và thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Khoảng 4 tiếng sau, con tôi ra đời mà gần như tôi không thấy đau đớn gì.

Mẹ Shannon:

Những cơn đau khi sinh không quá tồi tệ.

Tôi cảm thấy như bị đau bụng kinh bình thường mỗi khi đến kỳ, chỉ là đau hơn một chút thôi.

Khi rặn đẻ cũng khá đau đớn nhưng lúc được ôm con trong tay thì mọi nỗi đau cũng bị lãng quên ngay.

[adinserter block=”12″]

Cảm giác “Ơn giời, may mà có gây tê ngoài màng cứng”

Cảm giác này xuất hiện ở phần lớn những mẹ sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Mẹ Barbara:

Cơn đau đẻ với tôi thật sự giống một cơn co thắt dữ dội khi đến kỳ.

Tôi không thể tập trung vào cách thở mà tôi được học trong lớp học tiền sản vì quá đau.

Cảm ơn phương pháp gây tê ngoài màng cứng mặc dù trước đó tôi chưa có ý định thực hiện nó.

Mẹ Michele:

Giai đoạn đau đẻ tồi tệ hơn những gì tôi tưởng tượng, như kiểu bị gõ mạnh liên hồi giống lúc đánh trống.

Sau khoảng 8 tiếng chịu đựng cơn đau, ngay lập tức, tôi yêu cầu dùng đến thuốc gây tê ngoài màng cứng.

Cảm giác “Ôi, rặn đẻ á???”

Phần lớn các mẹ phản hồi rằng thời gian rặn đẻ là thời gian kinh khủng nhất mặc dù trước đó cũng đã tìm hiểu qua cách rặn đẻ hiệu quả.

Mẹ Cristina:

Cơn đau thật sự đáng sợ và ngày càng mạnh mẽ trong suốt 2 tiếng rặn đẻ. Tôi cảm thấy bị một áp lực vô cùng đau lên vùng âm đạo.

Mẹ Anna:

Tôi ghét phải tạo hình mô tả nhưng tôi cảm thấy lúc đó ruột của tôi bị đảo lộn hết lên. Đó là cách duy nhất mà tôi có thể diễn tả. Nó cũng giống như có thứ gì đó nổ tung dọc sống lưng mình. Tôi vô cùng đau lưng và còn cảm thấy đau hơn vùng âm đạo.

Cảm giác “Muốn trải qua lần nữa”

Mặc dù nhiều mẹ cảm thấy việc sinh con là công việc nặng nhọc nhất nhưng họ vẫn muốn làm điều đó tiếp.

Mẹ Sharon:

Rặn đẻ rất tồi tệ, tôi có thể cảm thấy từng vết rách, sự căng cơ. Lúc đó tôi không biết cách rặn cho bé ra thế nào và sợ cách rặn của mình không phù hợp.

Nhưng khi xong xuôi tất cả, tôi lại thấy rất hạnh phúc, nhất là khi được ôm con vào lòng. Tôi không ngại sinh bé khác thêm một lần nữa.

Mẹ Kathy:

Những cơn đau trong lúc đẻ đến với tôi như một cơn sóng, tôi có thể cảm nhận được từ lúc nó bắt đầu, lên cao trào và giảm dần.

Trong những lúc cơn đau dữ dội, tôi thấy rất khó thở, cơ thể giống như bị chuột rút, như là một chiếc khăn bị xoắn và cuộn lại.

Nhưng khi đã vượt qua và nhìn thấy con yêu bé bỏng của mình, tôi nghĩ mình có thể trải nghiệm thêm lần nữa.

Tuy là những cảm nhận của các mẹ nước ngoài nhưng Út Em cho rằng các mẹ Việt cũng đã hoặc sẽ trải qua những cảm giác như vậy khi vượt cạn. Rất mong nhận được thêm những chia sẻ của các mẹ.

Các giai đoạn trong quá trình sinh nở

Khi cổ tử cung co thắt, nó sẽ gây sức ép lên thai nhi để di chuyển xuống ống sinh. Vì vậy nếu mọi chuyện đều diễn ra bình thường, các mẹ có thể để tử cung hoạt động tự nhiên cho đến tận khi có cảm giác cần phải rặn. Chờ đợi trong lúc này có thể làm cho các mẹ mệt mỏi.

Nếu ca sinh thực hiện gây tê ngoài màng cứng, các mẹ sẽ mất cảm giác đau đẻ và muốn rặn ngay cả khi đầu của thai nhi đã xuống quá sâu. Giữ kiên nhẫn lúc này thường là cách làm tuyệt vời nhất.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cuối cùng các mẹ vẫn cần đến những hướng dẫn thêm từ y bác sĩ để giúp mình rặn hiệu quả hơn.

Sự xuất hiện đầu tiên của thai nhi

Sau một thời gian đau đẻ và trước khi phần tóc của thai nhi được thấy rõ hơn, vùng đáy chậu sẽ phình rộng ra sau mỗi lần rặn, đây là thời điểm rất đáng mừng và cho thấy dấu hiệu của một ca sinh thành công. Lúc này, rặn đẻ là điều cần thiết.

Sau mỗi cơn co thắt, đầu của em bé càng được thấy rõ hơn. Áp lực đầu của bé chèn vào đáy chậu càng mạnh mẽ hơn và khiến các mẹ cảm thấy rất đau. Khoảng thời gian này các mẹ có thể cảm thấy cơ thể nhức nhối hoặc như bị thiêu đốt vì các cơ trong người đều bắt đầu căng lên.

Ở một vài thời điểm, người trợ sinh có thể yêu cầu các mẹ rặn nhẹ nhàng hơn hoặc ngừng rặn hoàn toàn để đầu của thai nhi đi ra từng bước qua cửa âm đạo và vùng đáy chậu.

Quá trình diễn ra chậm nhưng vẫn được kiểm soát này có thể giúp cho tầng sinh môn không bị rách.

Lúc này, cơn đau đẻ đang lấn chiếm toàn bộ tâm trí của các mẹ và thôi thúc phải rặn nên các mẹ sẽ được hướng dẫn hít thở để chống lại cảm giác này.

Đầu và toàn bộ cơ thể của thai nhi xuất hiện như thế nào?

Đầu của thai nhi tiếp tục được đẩy ra cho đến khi xuất hiện “hoàn toàn”, thường là lúc mà phần to nhất của đầu đã ra ngoài.

Đầu của bé sẽ quay sang một bên vì vai bên trong khung chậu cũng xoay để vừa vào vị trí cửa ra. Khi bị co thắt tiếp, các mẹ sẽ được hướng dẫn cách rặn để cho vai bé ra ngoài chỉ trong một lần, sau đó sẽ đến phần cơ thể còn lại của bé.

Ngay khi bé chào đời, bé cần được giữ ấm và lau khô bằng khăn sạch.

Bác sĩ và những người hộ sinh sẽ nhanh chóng hút miệng và lỗ mũi của bé nếu phát hiện bé có dịch nhầy bên trong.

Nếu không có dấu hiệu lạ nào, bé sẽ được đặt lên bụng mẹ nên các mẹ có thể chạm và hôn bé. Phương pháp da tiếp da sẽ giúp bé được sưởi ấm thêm dù đã được quấn khăn và có thể được đội mũ.

(Theo Babycenter & Parents – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

3 thoughts on “Đau đẻ cảm giác như thế nào?”

Leave a Comment