Xét nghiệm trước sinh giúp mẹ bầu an tâm hơn

Mỗi cặp vợ chồng sau khi sinh con đều mong muốn bé yêu nhà mình được khỏe mạnh, việc lo lắng cho sức khỏe con yêu là điều không tránh khỏi vì không biết liệu bé có gặp vấn đề về sức khỏe nào nghiêm trọng hoặc khó điều trị hay không?

Liệu các mẹ sẽ phải làm gì? Có cách nào để hạn chế những vấn đề đó không? Những mối bận tâm đó của các mẹ là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, có rất nhiều những xét nghiệm trước sinh có thể giúp các mẹ an tâm hơn trong suốt giai đoạn mang bầu.

xét nghiệm trước sinh rất quan trọng

Xét nghiệm trước sinh phát hiện được những vấn đề gì?

Xét nghiệm trước sinh giúp xác định những vấn đề liên quan đến sức khỏe có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi mà chỉ một số bệnh có khả năng điều trị được.

Tuy nhiên, việc xét nghiệm cũng có nhiều hạn chế. Vì với những cặp gia đình đang kỳ vọng có con, bác sĩ sẽ rất khó để trấn an họ và khuyên họ làm gì nếu phát hiện ra vấn đề nào đó liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Xét nghiệm trước sinh thường được thực hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Từ cơ thể các mẹ, bác sĩ có thể xác định được một số vấn đề cơ bản về sức khỏe mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, ví dụ như:

  • Nhóm máu
  • Mẹ có bị tiểu đường, thiếu máu hay vấn đề sức khỏe nào khác không
  • Khả năng miễn dịch để chống lại bệnh tật
  • Mẹ có bị mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục hay bị ung thư cổ tử cung hay không

Liên quan đến thai nhi, việc xét nghiệm trước sinh có thể giúp xác định một số vấn đề như sau:

  • Những vấn đề về sức khỏe có khả năng điều trị được mà ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi
  • Đặc điểm của thai nhi, bao gồm kích thước cơ thể, giới tính, tuổi thai và vị trí trong tử cung
  • Xác định khả năng bé bị dị tật bẩm sinh hay bệnh di truyền nào không
  • Xác định một số vấn đề của thai nhi ví dụ như tim thai

Hai vấn đề nêu trên có vẻ giống nhau nhưng về bản chất là có sự khác nhau. Một số xét nghiệm chỉ là xét nghiệm sàng lọc và chỉ phát hiện ra khả năng mắc bệnh nào đó. Một số xét nghiệm khác có thể giúp chẩn đoán được bệnh, tức là bác sĩ có thể xác định liệu bé có mắc phải vấn đề gì đặc biệt không với độ chắc chắn tương đối cao. Để xác định rõ được những vấn đề đặc biệt, xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện kèm theo xét nghiệm sàng lọc trước sinh.

Trường hợp nào cần xét nghiệm trước sinh?

Một số xét nghiệm trước sinh được coi là điều bình thường và những mẹ có nhu cầu đều có thể thực hiện những xét nghiệm này. Đó có thể là xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra protein, lượng đường hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng nào không.

Có một số xét nghiệm cần thiết mà bác sĩ thường khuyến nghị các mẹ nên thực hiện, đặc biệt đối với những mẹ gặp vấn đề nào đó có ảnh hưởng đến thai kỳ cao. Phần lớn là những trường hợp như sau:

  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi
  • Phụ nữ mang thai còn ở độ tuổi vị thành niên
  • Đã từng sinh non
  • Đã từng có bé bị bệnh bẩm sinh – đặc biệt mắc bệnh tim hoặc bệnh di truyền do gen
  • Mang thai nhiều hơn một bé
  • Bị huyết áp cao, tiểu đường, bệnh luput, bệnh liên quan đến tim, phổi, ung thư, bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục, hen suyễn hoặc co giật
  • Có tiền sử bị các bệnh di truyền (hoặc chồng bị bệnh di truyền)
  • Có tiền sử gia đình bị mắc chứng thần kinh phát triển chậm (hoặc chồng bị mắc chứng bệnh này)

Mặc dù chuyên gia chăm sóc sức khỏe của các mẹ (những chuyên gia này là chuyên gia chăm sóc phụ nữ, bác sĩ riêng hoặc người hộ sinh có chuyên môn) có thể khuyến nghị các mẹ thực hiện những xét nghiệm này nhưng quyết định làm xét nghiệm hay không thì vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các mẹ.

Ngoài ra, nếu các mẹ hoặc chồng có tiền sử gia đình về các bệnh di truyền, các mẹ có thể nhờ chuyên gia tư vấn xem xét tiền sử này theo các thế hệ trong gia đình để xác định khả năng bé yêu trong bụng các mẹ mắc phải chúng là như thế nào.

Để đưa ra quyết định xét nghiệm trước sinh đúng đắn, các mẹ cần phải trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của mình về một số vấn đề sau:

  • Những xét nghiệm nào cần phải thực hiện
  • Tỷ lệ đáng tin của kết quả xét nghiệm đó
  • Nguy cơ tiềm ẩn
  • Lựa chọn và kế hoạch nếu kết quả xét nghiệm cho thấy khả năng xuất hiện những rối loạn và dị tật

Các mẹ nên tìm kiếm thông tin ở đâu?

Một số xét nghiệm trước sinh có thể khiến các mẹ căng thẳng vì các mẹ thường phân vân và thậm chí nếu kết quả xét nghiệm không tốt có thể làm gia tăng những mối bận tâm lo lắng mà các mẹ đang trải qua.

Do xuất hiện tình trạng nhiều mẹ sau khi xét nghiệm vẫn thấy thai nhi khỏe mạnh bình thường và bởi vì một số chứng bệnh di truyền cũng không thể chữa trị nên nhiều mẹ đi đến quyết định không muốn thực hiện xét nghiệm.

Điều quan trọng đáng lo ngại đó là các mẹ sẽ làm gì trong trường hợp phát hiện nguy cơ bị mắc dị tật bẩm sinh hoặc rối loạn nhiễm sắc thể. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia về gen di truyền sẽ tư vấn cho các mẹ về những vấn đề cần ưu tiên, đưa ra trường hợp thực tế và phân tích ưu nhược điểm lựa chọn của các mẹ.

Các mẹ cũng cần biết rằng nhiều xét nghiệm chỉ là đề xuất dành cho các mẹ, tức là không bắt buộc các mẹ thực hiện. Các mẹ có thể thoải mái trao đổi với các chuyên gia tư vấn sức khỏe về việc tại sao họ lại yêu cầu các mẹ thực hiện những xét nghiệm đó, ảnh hưởng tích cực, tiêu cực như thế nào đến thai kỳ và kết quả xét nghiệm sẽ biết được những gì.

Nếu các mẹ cho rằng bác sĩ không trả lời những câu hỏi của mình một cách rõ ràng thì các mẹ hãy nói luôn với họ. Một số điều các mẹ có thể hỏi để biết rõ hơn là:

  • Xét nghiệm này chính xác để phát hiện ra bệnh gì?
  • Kết quả xét nghiệm chỉ ra được vấn đề gì? Các mẹ hi vọng được biết điều gì?
  • Bao lâu thì các mẹ nhận được kết quả?
  • Xét nghiệm có đau không?
  • Quá trình xét nghiệm có nguy hiểm cho mẹ và bé không?
  • Xét nghiệm ảnh hưởng gây ảnh hưởng tốt hay nguy hại nhiều hơn?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu các mẹ không thực hiện xét nghiệm đó?
  • Chi phí xét nghiệm là bao nhiêu?
  • Xét nghiệm có được bảo hiểm chi trả không?
  • Cần phải chuẩn bị những gì cho cuộc xét nghiệm này?

Các mẹ hoàn toàn có thể hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tất cả những gì liên quan đến mỗi loại xét nghiệm.

Các mẹ có thể chuẩn bị những điều tốt đẹp cho bé ngay từ đầu như thế nào?

Cách tốt nhất để các mẹ giảm thiểu nguy cơ bị dị tật bẩm sinh bằng cách lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không hút thuốc và tránh khói thuốc
  • Tránh đồ uống có cồn hoặc một số loại thuốc không được bác sĩ cho phép uống
  • Hỏi lại bác sĩ về tính an toàn của các đơn thuốc và thuốc không kê đơn
  • Tránh khí thải, hóa chất, vật nóng và có tính phát xạ
  • Ăn uống đảm bảo sức khỏe
  • Uống vitamin cho bà bầu, nếu có thể thì nên uống cả trước khi mang thai
  • Tập thể dục (cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập)
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi
  • Thăm khám sức khỏe khi mang thai và có thể thăm khám từ trước để biết liệu có bất cứ điều gì cần thay đổi trước khi mang thai không?

(Dịch từ bài viết “Prenatal Test” – Website Kidshealth – Image crdit: medscape – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment