Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai

Út Em chào các mẹ. Tiền sản giật là một bệnh lý phổ biến, chiếm tỉ lệ 2 – 8% số phụ nữ mang thai.

Dạng nhẹ có thể không gây ảnh hưởng đến thai kỳ. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị, tiền sản giật sẽ trở thành mối nguy hiểm lớn với cả mẹ và bé.

Tiền sản giật chỉ xảy ra khi mang thai, thông thường khi thai lớn hơn 20 tuần tuổi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tăng huyết áp và nước tiểu chứa nhiều đạm. Bệnh này cũng có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận và chảy máu (máu chảy không cầm được).

Một biến chứng vô cùng nguy hiểm của tiền sản giật chính là sản giật, chiếm 1-2% số phụ nữ mang thai, biểu hiện lâm sàng bằng các cơn co giật liên tục. Nếu không xử lý kịp thời, sản giật có thể khiến mẹ hoặc bé tử vong. Vì vậy, các mẹ cần hết sức thận trọng khi có những dấu hiệu của tiền sản giật.

1. Dấu hiệu và triệu chứng

đo huyết áp kiểm tra tiền sản giật
Nguồn ảnh: American Pregnancy Org

Tiền sản giật nhẹ có thể không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh thường được phát hiện qua những lần các mẹ khám thai định kỳ (thông qua việc đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu). Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh là tăng huyết áp đi kèm với nhiều đạm trong nước tiểu.

Nếu bệnh trở nên nặng hơn, các mẹ sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng sau đây:

  • Đau đầu dù đã dùng các thuốc giảm đau thông thường
  • Rối loạn thị giác, ví dụ cảm thấy mắt mờ, hoa mắt
  • Đau dữ dội ở vị trí ngay dưới xương sườn
  • Bị ợ nóng dù đã dùng thuốc làm giảm axit trong dạ dày
  • Mặt, tay hoặc chân bị phù nề
  • Cảm thấy rất mệt mỏi

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên một vài nghiên cứu ghi nhận yếu tố di truyền và nhau thai có thể góp phần trong sự phát triển bệnh.

Di truyền

Phụ nữ có khả năng cao bị tiền sản giật nếu mẹ hoặc chị em gái có tiền sử bị tiền sản giật. Với các mẹ bị tiền sản giật khi mang bầu con đầu lòng, khả năng bị tiền sản giật ở lần mang thai tiếp theo là 16%.

Với các mẹ đã từng và đang mang thai nhưng không bị tiền sản giật thì nguy cơ mắc phải bệnh này ở những lần mang thai tiếp theo cũng thấp hơn. Điều này cho thấy có một vài yếu tố nào đó khiến một số mẹ dễ mắc phải căn bệnh này hơn những mẹ khác.

Nhau thai

Nhiều người cho rằng nhau thai cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tiền sản giật. Nhau thai kết nối người mẹ và thai nhi, thai nhi sẽ nhận oxy và dinh dưỡng thông qua “chiếc cầu”này.

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến động mạch đưa máu đến nhau thai. Trường hợp lượng máu đến nhau thai không đủ có thể khiến em bé nhận được ít oxy và dinh dưỡng hơn.

3. Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Do chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật là gì nên cũng rất khó để nhận định những người nào có nguy cơ mắc tiền sản giật trong thai kỳ. Tuy nhiên, các mẹ sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn nếu:

  • Sinh con đầu lòng/sinh con đầu lòng với đối tác mới
  • Sinh con khi ngoài 40 tuổi 
  • Bản thân các mẹ hoặc thành viên trong gia đình (mẹ, chị/em gái) từng mắc tiền sản giật trong thời kỳ mang thai
  • Chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 35 hoặc các mẹ béo phì (nặng khoảng 90kg trở lên)
  • Mang bầu đa thai
  • Mẹ có các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, các vấn đề liên quan đến thận, và/hoặc tiểu đường
  • Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai nhờ trứng hiến tặng cũng có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn

4. Điều trị 

Tiền sản giật chỉ được chữa khỏi sau khi em bé chào đời, vậy nên trọng tâm của phương pháp điều trị tiền sản giật là ổn định huyết áp của mẹ song song với việc theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé.

Những phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao hoặc có nhiều hơn một điều kiện gây ra tiền sản giật sẽ được yêu cầu sử dụng một liều aspirin hằng ngày từ tuần thai thứ 12 đến lúc em bé ra đời. (chú ý đặc biệt: mọi vấn đề về sử dụng thuốc trong quá trình mang thai và cho con bú phải được sự chấp thuận của bác sĩ chuyên môn)

Tiền sản giật nhẹ

Qua các lần kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu của tiền sản giật nhẹ, tình trạng của mẹ sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Theo đó, mẹ sẽ được xét nghiệm máu, siêu âm thường xuyên hơn, hoặc có thể được kê thuốc để ổn định huyết áp.

Khi bị tiền sản giật nhẹ, lời khuyên là các mẹ không nên sinh em bé sau ngày sinh dự tính. Chính vì vậy, nếu em bé không được sinh vào ngày dự tính, các bác sĩ sẽ tiến hành thúc sinh. Thời gian sinh em bé sẽ phụ thuộc vào huyết áp của mẹ.

Một số bệnh viện sẽ tiến hành thúc sinh khi bé được 34-37 tuần tuổi. Nếu bị tiền sản giật nhẹ hoặc trung bình, khi em bé đã đủ tháng (37 tuần tuổi), các mẹ nên sinh bé càng sớm càng tốt.

Tiền sản giật nặng

Nếu tiền sản giật trở nên nghiêm trọng hơn, mẹ sẽ cần nhập viện để điều trị và/hoặc sinh em bé. Trong trường hợp cần thiết, mẹ sẽ được kê thuốc giúp ổn định huyết áp. Mẹ cũng sẽ cần được theo dõi, chăm sóc bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm, bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê giỏi chuyên môn.

Có thể mẹ sẽ cần làm những xét nghiệm sau:

Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Nếu huyết áp ổn định và không có dấu hiệu đáng lo nào, thường các mẹ sẽ được kiểm tra bốn tiếng một lần. Tuy nhiên, nếu tiền sản giật nặng, huyết áp sẽ được kiểm tra 15 phút một lần, và sau khi huyết áp ổn định lại, các mẹ sẽ được kiểm tra 30 phút một lần.

Kiểm tra nước tiểu hằng ngày để đo hàm lượng đạm trong nước tiểu.

Xét nghiệm máu: Những xét nghiệm này được tiến hành để kiểm tra số lượng huyết cầu trong máu, khả năng đông máu, chức năng gan và thận.

Siêu âm: Siêu âm sẽ giúp kiểm tra tình trạng phát triển và sức khỏe của em bé.

Kiểm tra tim thai: Nếu tiền sản giật nặng, mẹ cần được kiểm tra tim thai hai lần một tuần. Trong quá trình sinh, nhịp tim của em bé cũng sẽ được theo dõi liên tục.

Cách duy nhất để chấm dứt hoàn toàn tiền sản giật là sinh em bé ra. Việc này có thể được thực hiện bằng cách mổ lấy thai, đặc biệt trong trường hợp tiền sản giật nặng và xuất hiện sớm. Chính vì điều này, tiền sản giật chính là nguyên nhân gây ra khoảng 15% tổng số ca sinh non.

Mẹ sẽ phải sinh em bé trong trường hợp bác sĩ không kiểm soát được huyết áp của mẹ, các xét nghiệm gan, thận, đông máu có bất thường, hoặc em bé rơi vào tình huống nguy hiểm.

Phần lớn những phụ nữ bị tiền sản giật nặng cần sinh em bé trong vòng hai tuần kể từ khi phát hiện ra bệnh. Nếu bị tiền sản giật vào cuối thai kỳ, thông thường bác sĩ sẽ chọn phương pháp thúc sinh. Trẻ sinh ra sẽ nhỏ hơn mức tiêu chuẩn nếu bé sinh non một vài tuần.

Tuy nhiên, nếu thai nhỏ hơn 34 tuần tuổi, bằng việc so sánh mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật (và mức độ nguy hiểm với mẹ và thai nhi) so với những nguy cơ với bé có thể gặp phải khi sinh non, các bác sĩ sẽ quyết định sẽ mổ lấy thai hay dùng biện pháp điều trị khác.

Mỗi trường hợp có một tính chất khác nhau. Đội ngũ bác sĩ sẽ thảo luận tất cả các phương án với mẹ và giải thích cho mẹ hiểu những rủi ro có thể xảy ra với mỗi phương án được chọn.

5. Có cần lo lắng về tiền sản giật sau khi sinh con?

Tiền sản giật sẽ dần biến mất sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, mẹ và bé vẫn cần được theo dõi chặt chẽ trong những ngày đầu sau sinh.

Thông thường, nếu mẹ bị tiền sản giật khi mang thai, em bé sinh ra có thể sẽ nhỏ hơn so với tuổi thai. Nếu mẹ bị tiền sản giật nhẹ, có thể em bé vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên bé vẫn cần được theo dõi trong những ngày đầu này để đảm bảo không có bất kỳ biến chứng nào xảy ra.

Nếu sau sinh mà huyết áp vẫn cao, mẹ nên uống thuốc trong một vài tuần cho đến khi huyết áp trở về mức bình thường.

Với tiền sản giật nặng mẹ sẽ cần được theo dõi riêng cho đến khi các bác sĩ chắc chắn mẹ đã ổn định và không còn nguy cơ bị sản giật.

Mẹ sẽ cần uống thuốc để ổn định huyết áp, đồng thời nghỉ ngơi hồi sức tại bệnh viện.

6. Em bé

Sức khỏe của em bé có thể vẫn tốt khi bé chào đời. Nhưng nếu bé sinh non, có thể bé sẽ gặp phải những biến chứng khác, phụ thuộc vào độ tuổi sinh non của bé. Út Em có khá nhiều bài viết về sinh non, mẹ có thể tham khảo ở đây:https://utemshop.com/category/sinh-non/

7. Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm của tiền sản giật, và nó cũng nguy hiểm như sản giật vậy.

Hội chứng này thường xảy ra ngay sau khi em bé được sinh ra, và cũng có thể xuất hiện vào khoảng sau tuần thai thứ 20, hiếm khi xảy ra trước thời gian này.

Các dấu hiệu bao gồm thiếu máu tán huyết (thiếu máu do hồng cầu bị phá vỡ), tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ.

Các triệu chứng chính là:

  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng trên
  • Đau đầu
  • Rối loạn thị giác

Hội chứng này khiến mẹ bị khó thở và gây ra những vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe của em bé. Hội chứng HELLP gặp ở 0,05 – 0,07% số phụ nữ mang thai và khoảng 8 – 24%  số thai phụ bị tiền sản giật nặng. Cách duy nhất để chữa trị hội chứng này là em bé phải được sinh ra càng sớm càng tốt.

(Nguồn Tommy – Dương Thị Giang – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

1 thought on “Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai”

  1. Chào bsi e mang thai 39w2 ngày
    Đau nhói bụng dưới bên phải. Mỏi lưng. Đau phần dưới và ra dịch trắng cũng như dịch vàng. Có phải e sắp chuyển dạ k ạ

    Reply

Leave a Comment