Út Em chào các mẹ. Nếu phát hiện mình mang thai, một trong những xét nghiệm quan trọng mà các mẹ nên thực hiện đó là xét nghiệm nhóm máu. Xét nghiệm cơ bản giúp xác định nhóm máu và yếu tố Rh của các mẹ.
Yếu tố Rh của người mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi, do vậy các mẹ nên tìm hiểu những thông tin về nhóm máu và yếu tố Rh không tương thích ngay từ giai đoạn đầu khi mang thai.
Thông tin cơ bản về yếu tố Rh
Mỗi người với nhóm máu khác nhau có những loại protein riêng cho từng nhóm máu đó nằm trên bề mặt của các tế bào hồng cầu (RBCs). Con người có 4 nhóm máu:
- A
- B
- AB
- O
Mỗi nhóm máu trong 4 loại kể trên còn được phân loại thêm dựa vào sự hiện diện của loại protein khác trên bề mặt các tế bào hồng cầu và là căn cứ để xác định yếu tố Rh.
Nếu có loại protein này thì tức là các mẹ có nhóm máu Rh dương tính (Rh+).
Ngược lại, nếu cơ thể không có loại protein này có nghĩa là các mẹ mang nhóm máu Rh âm tính (Rh-).
Phần lớn mọi người (phải đến khoảng 85%) mang yếu tố Rh+. Nhưng nếu người mẹ mang yếu tố Rh- còn người chồng có yếu tố Rh+ mà sinh con thì có khả năng bé sẽ gặp phải vấn đề tiềm ẩn nào đó về sức khỏe.
Thai nhi trong bụng người mẹ có Rh- có thể mang nhóm máu Rh+ do thừa hưởng từ bố. Gần đến một nửa trẻ sinh ra từ người mẹ có yếu tố Rh- và bố có Rh+ sẽ mang nhóm máu Rh+.
Tình trạng Rh không tương thích thường không phải là vấn đề gì đáng lo nếu như các mẹ mang thai lần đầu, bởi vì trừ khi gặp phải một số biến chứng nào đó, máu của thai nhi sẽ không can thiệp vào hệ tuần hoàn của mẹ trong quá trình mang thai.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình sinh nở, máu của mẹ và bé có thể bị hòa lẫn vào nhau. Trường hợp điều này xảy ra, cơ thể các mẹ sẽ nhận biết loại protein của yếu tố Rh và xem đó như một chất lạ rồi tiết kháng thể (loại phân tử protein trong hệ miễn dịch giúp nhận biết và sau đó tiến hành phá hủy chất lạ đó) chống lại protein Rh đó.
Nói cách khác, phụ nữ mang thai có yếu tố Rh- có thể sẽ bị tiếp xúc với protein Rh gây nên việc sản sinh ra kháng thể như bị truyền máu có chứa nhóm máu Rh-, sảy thai và mang thai ngoài tử cung.
Kháng thể Rh thường vô hại cho đến khi các mẹ mang thai lần thứ hai hoặc mang thai các lần sau đó.
Nếu các mẹ từng mang thai em bé có yếu tố Rh+ trước đó thì bây giờ kháng thể Rh của mẹ sẽ nhận biết protein Rh trên bề mặt tế bào máu của em bé như là một yếu tố lạ bên ngoài, và rồi đi vào mạch máu để tấn công những tế bào này.
Điều này có thể gây sưng và phá vỡ các tế bào hồng cầu của bé. Khi tình trạng này xảy ra, máu của bé có thể gặp phải chút vấn đề nguy hiểm như là chứng tan máu hoặc bệnh liên quan đến Rh ở trẻ sơ sinh.
Phòng tránh và chữa trị bệnh liên quan đến yếu tố Rh ở trẻ sơ sinh
Thời gian trước, tình trạng Rh không tương thích là một vấn đề rất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, công nghệ y học tiên tiến có thể giúp phòng tránh những biến chứng do Rh không tương thích và điều trị cho trẻ sơ sinh nếu mắc phải vấn đề liên quan đến Rh.
Ngày nay, khi phụ nữ mang thai mắc phải vấn đề tiềm ẩn liên quan đến bệnh Rh không tương thích, bác sĩ sẽ tiêm cho các mẹ 2 mũi globulin miễn dịch Rh trong lần mang thai đầu tiên.
Mũi tiêm đầu tiên thường tiêm khi các mẹ mang thai được khoảng 28 tuần và mũi thứ hai tiêm trong vòng 72 tiếng sau sinh.
Mũi globulin miễn dịch Rh có tác dụng như một loại vắc-xin giúp ngăn ngừa cơ thể các mẹ sản sinh bất cứ kháng thể Rh nguy hiểm tiềm ẩn nào mà gây những biến chứng nghiêm trọng với trẻ hay bất cứ biến chứng nào trong lần mang thai tiếp theo.
Một liều globulin miễn dịch Rh có thể được tiêm cho các mẹ nếu bị sảy thai, chọc ối hoặc bị chảy máu âm đạo trong suốt quá trình mang thai.
Nếu bác sĩ nhận thấy các mẹ có dấu hiệu xuất hiện kháng thể Rh, họ sẽ theo dõi sát sao thai kỳ của các mẹ để chắc chắn mức kháng thể Rh không quá cao.
Trong một số tình trạng hiếm thấy, nếu tình trạng Rh không tương thích nghiêm trọng và thai nhi có dấu hiệu nguy hiểm, bác sĩ có thể sẽ truyền máu theo một cách đặc biệt còn gọi là thay máu ngay cả trước khi bé được sinh ra (truyền máu cho thai nhi trong tử cung) hoặc đã chào đời.
Phương pháp thay máu giúp thay thế máu của bé bằng máu có tế bào Rh-. Phương pháp này giúp ổn định lượng tế bào hồng cầu của bé và giảm thiểu những tổn thương gây ra do kháng thể Rh xuất hiện trong mạch máu của bé.
Ở Mỹ, do khả năng tiêm globulin miễn dịch Rh thành công nên tỷ lệ phải truyền máu rất ít, chỉ khoảng dưới 1% các ca bệnh Rh không tương thích.
[adinserter block=”12″]
Nếu tình trạng Rh không tương thích không được ngăn chặn thì sao?
Tình trạng Rh không tương thích hiếm khi gây biến chứng trong lần mang thai đầu tiên và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Nhưng nếu kháng thể Rh phát triển, chúng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi trong quá trình mang thai sau này.
Bệnh liên quan đến Rh có khả năng gây nên tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, vàng da, tổn thương não bộ hoặc suy tim ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp bị nặng, tình trạng này có thể gây tử vong cho thai nhi bởi vì quá nhiều hồng cầu bị phá hủy.
Nếu như các mẹ không biết yếu tố Rh của mình là gì và nghi ngờ mình có thai thì nên bắt đầu chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên hơn sớm nhất có thể, bao gồm cả việc xét nghiệm để kiểm tra nhóm máu.
Trường hợp phát hiện và điều trị sớm tình trạng Rh không tương thích, các mẹ có thể dành thời gian cho những việc quan trọng khác như là chuẩn bị chào đón em bé khỏe mạnh ra đời.
(Dịch từ bài viết “Rh Incompatibility” – Website Kidshealth – Chuyên gia tư vấn y khoa Elana Pearl Ben-Joseph – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)