Út Em chào các mẹ. Nhau thai phát triển bất cứ nơi nào có trứng thụ tinh bám vào tử cung (dạ con). Nhau tiền đạo xảy ra khi nó nằm ở vị trí thấp bên dưới của tử cung và vẫn nằm ở vị trí thấp đó cho đến khi quá nửa thời gian mang thai.
Nếu nhau thai nằm gần cổ tử cung dù sắp đến lúc sinh, nó có thể chặn cửa ra của em bé theo đường âm đạo. Nhau tiền đạo có thể là nguyên nhân gây chảy máu từ giai đoạn giữa đến cuối thai kỳ.
Nhau thai có thể che mất một phần cổ tử cung (nhau tiền đạo bán trung tâm) hoặc chắn hết cổ tử cung (nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn). Ở cả hai trường hợp, thai nhi đều cần phải sinh mổ.
Đến cuối thai kỳ, khoảng 1/300 phụ nữ mang bầu gặp phải nhau tiền đạo ở mức độ khác nhau, phần lớn là nhau tiền đạo bán trung tâm.
Nhau tiền đạo được chẩn đoán như thế nào?
Nhau tiền đạo có thể được phát hiện trong quá trình siêu âm tìm ra sự bất thường của thai nhi. Nếu siêu âm cho thấy mẹ bầu bị nhau tiền đạo hoặc nếu không thể thấy rõ nét chỉ bằng siêu âm, người siêu âm sẽ đề nghị các mẹ siêu âm qua âm đạo (siêu âm âm đạo). Điều này sẽ cho thấy một bức tranh rõ ràng và kiểm tra chính xác hơn.
Siêu âm âm đạo không gây bất kỳ khó chịu nào cho mẹ bầu và đó là một quá trình an toàn. Trường hợp nhau thai che toàn bộ hoặc nằm đè lên cổ tử cung, lần siêu âm âm đạo sau sẽ cho thấy rõ hơn nếu nó có sự di chuyển
Trong nhiều trường hợp, lần siêu âm sau sẽ cho thấy nhau thai đã di chuyển và biến mất khỏi vị trí tiền đạo. Nếu không thì các mẹ vẫn bị chẩn đoán là có nhau tiền đạo. Tuy nhiên, nếu nhau nằm ở vị trí thành tử cung phía sau hoặc nếu đã từng đẻ mổ trước đó, sẽ rất ít khả năng nhau thai rời khỏi vị trí tiền đạo. Nhiều khi nhau tiền đạo còn được phát hiện theo cách khác:
- Thai nhi ở vị trí ngôi mông, nằm ngang bụng (vị trí ngang) hoặc ở phía trên của bụng có thể là dấu hiệu cho thấy thai không thể quay về vị trí ngôi thuận hoặc nằm gần cổ tử cung vì nhau thai đã chèn ở đó
- Mẹ bầu bị chảy máu âm đạo nhưng không đau trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba (sau khi quan hệ hoặc làm gì đó). Lúc này cần phải gọi bác sĩ ngay.
Biến chứng có thể xảy ra với nhau tiền đạo
Hậu quả chính của nhau tiền đạo là các mẹ buộc phải sinh mổ. Nhưng cũng có nhiều biến chứng khác mà các mẹ cần lưu ý. Những biến chứng này rất hiếm khi xảy ra nhưng nếu có lại rất nguy hiểm.
Chảy máu
Nếu bị nhau tiền đạo, phụ nữ có nguy cơ chảy máu đột xuất nhưng không đau đớn trong giai đoạn mang thai và khi sinh. Cần phải gọi cấp cứu và có nguy cơ phải sinh sớm. Các mẹ càng có nguy cơ cao bị chảy máu khi:
- Đã từng bị nhau tiền đạo trước đó
- Đã từng có con vì càng có nhiều con trước đó rồi càng dễ bị chảy máu âm đạo hơn
- Đã từng đẻ mổ
- Hút thuốc hoặc sử dụng cocain
- Phụ nữ quá 35 tuổi
- Có tiền sử sảy thai hoặc nạo phá thai
Nếu không điều trị, chảy máu âm đạo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn (xuất huyết) và đe dọa đến tính mạng của cả hai mẹ con. Dù tình trạng này hiếm nhưng vẫn cần điều trị việc chảy máu âm đạo ngay từ đầu.
Nhau cài răng lược
Đây là biến chứng hiếm gặp của nhau tiền đạo, nó chỉ xảy ra khi nhau thai bám sâu vào thành tử cung. Nhau thai tiếp tục gắn với tử cung thay vì bong ra sau khi sinh.
Biến chứng này có khả năng xảy ra nếu đã từng sinh mổ trước đó và càng có nguy cơ cao khi sinh mổ nhiều lần. Đội ngũ y tế sẽ nhận thấy được dấu hiệu trong những lần sinh trước của bà bầu khi siêu âm. Các mẹ có thể được đề nghị siêu âm màu Doppler hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để kiểm tra nhau cài răng lược có tồn tại không.
Nhau cài răng lược mang đến nguy cơ chảy máu rất nghiêm trọng khi sinh mổ. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là mất nhiều máu mà nó còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ.
Mạch máu tiền đạo
Đây là biến chứng còn hiếm gặp hơn. Nó xảy ra khi mạch máu từ dây rốn chạy qua màng che của cổ tử cung. Do màng này không đươc bảo vệ bởi dây rốn hay nhau thai nên rất dễ bị rách và gây chảy máu. Tỷ lệ xảy ra trường hợp này chỉ từ 1/6000 đến 1/2000 ca mang thai.
Nguy cơ chảy máu do mạch máu tiền đạo sẽ ảnh hưởng đến sự sống của thai nhi hơn là người mẹ. Nếu phát hiện sớm, người mẹ có thể phải nhập viện sớm ngay từ tuần 28 của thai kỳ. Tuy nhiên, nó có thể chỉ được biết khi bị vỡ ối trước hoặc trong khi sinh. Nếu nhận thấy mình có dấu hiệu của mạch máu tiền đạo, các mẹ buộc phải quyết định cấp cứu mổ lấy thai ngay lập tức.
[adinserter block=”11″]
Cách kiểm soát nhau tiền đạo
Việc kiểm soát nhau tiền đạo thông thường chỉ do đội ngũ y tế làm, họ sẽ kiểm tra và chờ xem sự biến chuyển của nhau thai trong khi theo dõi vị trí của nó.
Chế độ chăm sóc cho mẹ bầu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu đã bị ra máu hay chưa. Lời khuyên cho các mẹ là nên tránh quan hệ tình dục trong thời gian mang thai còn lại, đặc biệt nếu đã bị chảy máu. Bác sĩ sẽ đề nghị các mẹ làm một chuỗi các siêu âm từ tuần thứ 32 nếu thấy:
- Nhau tiền đạo trung tâm (nhau che phủ toàn bộ cổ tử cung)
- Đã bị chảy máu
- Nghi ngại có biến chứng khác
Khi không còn biến chứng nào khác, các mẹ có thể được lên kế hoạch sinh mổ sau khi thai được 38 tuần. Nếu mẹ nào bị nhau tiền đạo trung tâm hoặc đã ra máu thì phải nhập viện khi thai nhi mới được 34 tuần. Còn nếu không chảy máu, các mẹ có thể ở nhà dưỡng thai.
Trường hợp bị nhau tiền đạo hoặc phát triển bất kì biến chứng nào, kế hoạch mổ đẻ sẽ được sắp xếp cho mẹ bầu khi thai được khoảng 36-37 tuần. Nên đề nghị cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê chăm sóc cho mẹ trong suốt quá trình sinh mổ. Bởi vì các mẹ có thể bị chảy máu nhiều hơn khi mổ và trong tình huống này, đội ngũ bác sĩ sẽ truyền máu dự trữ cho các mẹ.
Nếu các mẹ bị chảy máu, co thắt hoặc các cơn đau theo từng đợt trước khi nhập viện sinh thì hãy đi thẳng đến viện để được theo dõi. Các mẹ có thể yêu cầu ở lại viện cho đến khi sinh dù cho những triệu chứng trên đã mất.
Tình huống mà các triệu chứng đó không ngưng hoặc nếu sinh non, đứa bé cần phải được sinh bằng phương pháp mổ. Nếu trẻ sinh non, bác sĩ khoa sản sẽ đề nghị tiêm steroids để giúp thúc đẩy sự phát triển của phổi bé.
Các mẹ cần làm gì để tự giúp mình
Các mẹ không thể làm mọi thứ để thay đổi vị trí của nhau tiền đạo nhưng các mẹ có thể làm nhiều việc khác để giữ sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé.
Ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng, đặc biệt những loại giàu sắt như thịt có màu đỏ, đậu và các loại rau lá xanh…để giảm nguy cơ bị thiếu máu. Nếu lượng sắt trong cơ thể mẹ thấp, bác sĩ hoặc người hộ sinh cũng sẽ khuyên nên bổ sung thêm sắt.
Nếu phải nhập viện, hãy giữ cho hệ tuần hoàn của mình hoạt động tốt để ngăn ngừa máu đông. Cố gắng đi lại xung quanh, uống nhiều nước và mang tất chân loại dài nếu người hộ sinh đưa cho.
Khi bị nhau tiền đạo và chờ nó di chuyển lên, đó chắc chắn là quãng thời gian các mẹ rất lo lắng nhưng các mẹ cần phải giữ tinh thần thoải mái và yên tâm rằng xung quanh đã có những chuyên gia giàu kinh nghiệm chăm sóc cho cả mẹ và bé nhé.
(Theo Babycenter – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)