Út Em chào các mẹ.
Như vậy là mẹ vừa trải qua tháng thứ ba của thai kỳ rồi, chào mừng mẹ đến với giai đoạn mang thai tháng thứ 4 – tháng “yên bình” trong giai đoạn bầu bí.
Hôm nay chúng ta sẽ xem mẹ và em bé có điều gì thú vị nhé?
Phần lớn những trải nghiệm khi bước sang tam cá nguyệt thứ 2 là cảm nhận về sự chuyển động của thai nhi. Lúc này các mẹ sẽ cảm nhận được bằng chứng rõ ràng về việc mình mang thai và cảm thấy vô cùng vui mừng.
Vậy trong giai đoạn mang thai tháng thứ 4 có những điều gì thay đổi so với tam cá nguyệt thứ nhất? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu nhé.
A. Những thay đổi về thể chất khi mang thai tháng thứ 4
Ở kỳ mang thai tháng thứ 4, các mẹ sẽ cảm thấy quần áo của mình bị chật hơn. Đến tuần 16, vòng eo của các mẹ dần biến mất và bước sang tuần 17, đáy tử cung bắt đầu ở vị trí giữa xương khung chậu và rốn.
Vì lý do trên các mẹ không nên cố ép mình mặc những bộ đồ bó sát mà nên đầu tư cho mình những bộ quần áo rộng thoải mái hoặc có yếm…
Tháng này có thể gọi là tháng “vui mừng” vì đây là lần đầu tiên các mẹ có thể cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi. Hiện tượng thai máy mới đầu làm cho các mẹ có cảm giác như bị sôi bụng vì đói và dù tin hay không thì thực tế thai nhi đã hình thành đầy đủ cơ thể ở tuần 16.
Khi mang thai tháng thứ 4, tử cung bắt đầu bị đẩy lên trên phía bụng nên do đó thói quen đi tiểu cũng giảm bớt đi. Những cơn buồn nôn đã từng có trước đó cũng không còn nhiều. Tim của mẹ bầu bơm máu nhiều hơn 20% so với bình thường để cung cấp oxy cần thiết cho thai nhi.
Những biểu hiện của các mẹ khi mang thai tháng thứ 4 có thể tương tự tháng trước đó, ví dụ như:
- Mệt mỏi
- Táo bón
- Ợ nóng
- Ợ hơi, đầy hơi
- Nghẹt mũi hoặc chảy máu cam
- Chảy máu nướu răng
- Tăng sự thèm ăn
- Sưng mắt cá chân
- Đau nhức chân
- Giãn tĩnh mạch
- Tiết dịch âm đạo màu trắng
- Rạn da
- Khó thở vì thai nhi đang phát triển lớn hơn
Ợ nóng là biểu hiện mới ở giai đoạn mang thai tháng thứ 4. Ợ nóng là hiện tượng các mẹ thấy có cảm giác nóng ở ngực do axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
Trong thời gian mang thai, nhiều hooc-môn gây tác động đến van bên trên của dạ dày làm nó mở ra, dẫn đến tình trạng axit trong dạ dày trào ngược về thực quản. Tình trạng này còn tồi tệ hơn do tử cung đang dần to ra và chèn vào vị trí của dạ dày.
Tình trạng ợ nóng sẽ khó chịu hơn khi các mẹ nằm xuống. Các mẹ có thể hạn chế những cơn ợ nóng bằng cách tránh xa món ăn cay hoặc có nhiều chất béo, ăn thành nhiều bữa nhỏ nhưng thường xuyên, ngủ kê cao người vào buổi tối và uống một ly sữa trước khi đi ngủ. Nếu vấn đề của mẹ quá nặng, mẹ có thể khám bác sĩ để được tư vấn.
Những hooc-môn trong cơ thể của phụ nữ mang thai làm cho tình trạng của da và tóc khó lường trước được. Có những mẹ tóc sẽ dày lên nhưng có nhiều mẹ lại bị rụng tóc, tóc khô có thể trở nên khô hơn và tóc dầu có khả năng bị dầu nhiều hơn.
Làn da của các mẹ có thể không đồng đều về màu sắc hoặc cấu tạo. Có thể nhìn thấy một số mạch máu nhỏ bên dưới da.
Vấn đề trên thường được giảm bớt bởi kem che khuyết điểm nhưng các mẹ nên lưu ý việc sử dụng mỹ phẩm khi mang thai, do thời gian mang thai, làn da dễ bị nhạy cảm hơn, có thể bị dị ứng nếu sử dụng mỹ phẩm.
B. Khám sức khỏe khi mang thai tháng thứ 4
Lần khám này đa phần tương tự như tháng trước. Các bác sĩ sẽ vẫn kiểm tra những vấn đề như sau:
- Cân nặng
- Huyết áp
- Kích thước và hình dạng của tử cung
- Đo chiều cao đáy tử cung
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lượng đường và protein
- Đo nhịp tim của thai nhi
- Kiểm tra dấu hiệu sưng ở mắt cá chân hoặc bàn chân, đặc biệt có thể kèm theo các triệu chứng như đau đầu, thay đổi thị giác hoặc đau bụng
[adinserter block=”11″]
C. Những xét nghiệm cần thiết khi mang thai tháng thứ 4
Một số xét nghiệm mà mẹ cần thực hiện bao gồm:
- Siêu âm được khuyến cáo nên thực hiện từ tuần 16 đến tuần 20. Siêu âm sử dụng sóng âm có thể giúp hiện bức tranh toàn cảnh về thai nhi lên màn hình siêu âm. Siêu âm thường được thực hiện để xác định tuổi thai và kiểm tra bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Ngoài ra, nó cũng dùng để xem các mẹ có mang thai đôi hay không và biết được chính xác vị trí của nhau thai.
- Xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP) để kiểm tra dị tật ống thần kinh có thể được các bác sĩ khuyến nghị các mẹ thực hiện khi thai nhi được 16 tuần. Việc kiểm tra này được thực hiện như là sự nối tiếp với những lần xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ nhất (siêu âm độ mờ da gáy và thử máu) đã được làm ở tuần 11-13. Xét nghiệm AFP ở tuần 16 là kiểm tra mức AFP trong máu. Nếu mức AFP cao nghĩa là thai nhi đang phát triển tốt hơn bình thường, có thể các mẹ đang mang song thai và khả năng rất hiếm gặp là bé bị nứt đốt sống cổ. Nếu mức AFP thấp chứng tỏ thai nhi có thể bị chậm phát triển hoặc mắc hội chứng Down. Nếu mức AFP có điều gì bất ổn, các mẹ sẽ được siêu âm chi tiết hơn để thấy rõ được xương sống của thai nhi thế nào.
- Xét nghiệm sàng lọc vẫn có thể được thực hiện những tuần mang thai tháng thứ 4 (tuần 15-20) như là sự tiếp nối những xét nghiệm sàng lọc đầu tiên trong tam cá nguyệt thứ nhất đã được thực hiện ở tuần 11-13. Những xét nghiệm sàng lọc ở tuần 11-13 thường bao gồm việc đo độ mờ da gáy và thử máu. Còn ở tuần 15-20, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu khác. Xét nghiệm sàng lọc được thực hiện để xác định khả năng thai nhi có gặp phải những biến chứng về nhiễm sắc thể như hội chứng Down.
- Chọc ối để kiểm tra sự rối loạn về nhiễm sắc thể. Thủ thuật này được khuyến nghị thực hiện với những phụ nữ được chẩn đoán có những vấn đề bất thường khi siêu âm. Chọc ối cũng thường được áp dụng với những mẹ bầu trên 35 tuổi vì họ là những người có khả năng cao mang thai bị nhiễm hội chứng Down. Cách thực hiện là lấy một ống tiêm rỗng, đưa qua thành bụng vào tử cung rồi rút ra một ít nước ối. Nước ối đó sẽ được mang đi xét nghiệm. Điều đáng lo ngại khi thực hiện việc này là rủi ro bị sảy thai nên các mẹ cần cân nhắc với bác sĩ nhé.
D. Dinh dưỡng cơ bản khi mang thang tháng thứ 4
Khi bắt đầu mang thai tháng thứ 4, các mẹ bắt đầu tự cảm nhận được những dấu hiệu rõ rệt của thai nhi chứng tỏ đã có nhiều biến chuyển mới trong quá trình mang thai.
Như đã đề cập ở trên, mang thai tháng thứ 4, lưu lượng máu cần thiết tăng cao nên chủ yếu trong tháng này, các mẹ nên bổ sung nhiều sắt. Có thể uống sắt theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết. Nếu không, các mẹ bổ sung bằng thực phẩm giàu sắt như thịt gà, các loại đậu, rau xanh đậm…
Lưu ý, để đảm bảo việc sắt được hấp thụ dễ dàng vào cơ thể trong thời gian mang thai tháng thứ 4, các mẹ cần bổ sung thêm vitamin C như chất dẫn xuất của sắt từ chanh, cam, dưa hấu, bông cải xanh, ớt chuông xanh trong thực đơn hàng ngày…
Ngoài sắt là chủ yếu, các mẹ vẫn cần bổ sung thêm những dưỡng chất khác và tuyệt đối không bỏ bữa hay nhịn ăn. Cứ ít nhất sau 4 tiếng, các mẹ nên nạp thêm năng lượng cho mình để ngăn ngừa chứng buồn nôn, ợ nóng và buồn ngủ.
(Theo Aboutkidshealth – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)
Em mang thai sang được 15 tuần rồi tự nhiên em thấy ngực của mình không đau như 3 tháng đầu nữa liệu như vậy có ảnh hưởng tới em bé không ạ