Út Em chào các mẹ. Tiểu đường thai kỳ tức là lượng đường trong máu của các mẹ tăng cao trong quá trình mang thai và thường biến mất sau khi sinh em bé.
Tình trạng tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn mang thai nào nhưng thường thấy nhất là ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai.
Tiểu đường thai kỳ xảy ra là do cơ thể các mẹ không sản sinh đủ insulin – loại hooc-môn giúp kiểm soát lượng đường trong máu – để đáp ứng nhu cầu trong quá trình mang thai.
Tiểu đường thai kỳ có thể gây nên một số vấn đề cho cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai và sau sinh. Nhưng nguy cơ của tình trạng tiểu đường thai kỳ có thể được giảm nếu như được phát hiện và kiểm soát tốt.
Trong bài viết này, các mẹ hãy cùng Út Em tìm hiểu một số vấn đề như sau:
- Những người có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ
- Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ
- Ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào
- Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
- Điều trị tiểu đường thai kỳ
- Ảnh hưởng lâu dài của bệnh này như nào
- Những lần mang thai tiếp theo sẽ thế nào
1. Những phụ nữ có nguy cơ bị mắc tiểu đường thai kỳ
Bất cứ phụ nữ nào cũng có thể bị mắc tiểu đường thai kỳ nhưng phụ nữ có nguy cơ cao mắc phải nếu như:
- Chỉ số cơ thể BMI trên 30 – sử dụng cách tính chỉ số cân nặng để cho ra kết quả BMI
- Các mẹ đã từng sinh con nặng khoảng 4,5kg hoặc nặng hơn
- Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Các mẹ là người Nam Á, Trung Quốc, châu Phi – vùng Caribe hoặc Trung Đông
Nếu các mẹ thuộc một trong những trường hợp trên, các mẹ nên siêu âm để kiểm tra tình trạng tiểu đường thai kỳ của mình.
2. Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ
Tiều đường thai kỳ thường không có bất cứ triệu chứng gì. Phần lớn các trường hợp tiểu đường thai kỳ chỉ được phát hiện khi kiểm tra lượng đường trong máu lúc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.
Một số phụ nữ có thể thấy được triệu chứng của tiểu đường thai kỳ nếu lượng đường trong máu đạt đến mức quá cao (đường huyết cao) như:
- Thường xuyên khát nước
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường
- Khô miệng
- Mệt mỏi
Một số triệu chứng trên cũng khá phổ biến đối với các mẹ bầu và không hẳn là dấu hiệu của bất cứ vấn đề bệnh lý nào. Tuy nhiên, các mẹ có thể trao đổi với bác sĩ hoặc người hộ sinh nếu có bất cứ lo lắng gì về các triệu chứng gặp phải.
3. Tiểu đường ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Phần lớn các mẹ bị mắc tiểu đường thai kỳ sẽ vẫn mang thai em bé khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra một số vấn đề như:
- Thai nhi to hơn bình thường – Điều này có thể dẫn đến khả năng khó sinh và tăng khả năng phải sử dụng phương pháp kích đẻ hoặc sinh mổ
- Đa ối – Tình trạng quá nhiều nước ối (dung dịch bao quanh thai nhi) trong tử cung có thể gây nên tình trạng sinh non hoặc có vấn đề nào đó khi sinh
- Sinh non: Bé chào đời trước 37 tuần mang thai
- Tiền sản giật: Tình trạng này gây nên hiện tượng huyết áp cao khi mang thai và có thể dẫn đến những biến chứng thai kỳ nếu không được điều trị tốt
- Trẻ có lượng đường trong máu thấp hoặc bị vàng da, vàng mắt sau khi sinh và cần phải nằm viện để điều trị
- Thai bị tử vong (thai chết lưu): Tuy nhiên tình trạng này cũng hiếm khi xảy ra
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển thành tiểu đường tuýp 2 trong thời gian sau này.
4. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Trong lần đi thăm khám sức khỏe đầu tiên khi thai nhi được khoảng 8 tuần đến 12 tuần, bác sĩ hoặc người hộ sinh sẽ hỏi các mẹ một số câu hỏi để xác định sơ bộ xem các mẹ có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ không.
Nếu các mẹ có dù chỉ một hay nhiều yếu tố có khả năng dẫn đến tình trạng tiểu đường thai kỳ (có thể xem những có nguy cơ bị mắc tiểu đường thai kỳ ở trên) thì các mẹ nên đề nghị bác sĩ xét nghiệm kiểm tra cho mình.
Xét nghiệm kiểm tra tiểu đường thai kỳ thường được gọi là xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống (OGTT) và thời gian xét nghiệm thường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bao gồm xét nghiệm máu thực hiện vào buổi sáng vì lúc đó bụng các mẹ đã trống rỗng do qua đêm không ăn uống gì (các mẹ có thể uống nước nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu không chắc chắn). Lúc đó, các mẹ sẽ được uống một cốc nước đường. Sau khi nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng đồng hồ, bác sĩ sẽ lấy thêm mẫu máu xét nghiệm để xem liệu cơ thể chuyển hóa đường như thế nào.
Phương pháp OGTT được thực hiện khi các mẹ mang thai khoảng 24 tuần đến 28 tuần. Nếu các mẹ đã từng bị tiểu đường thai kỳ trước đó, các mẹ được khuyến nghị nên thực hiện OGTT sớm hơn sau khi đặt lịch đi khám và vẫn tiếp tục thực hiện xét nghiệm OGTT trong giai đoạn thai nhi được 24 tuần đến 28 tuần cho dù lần kết quả xét nghiệm lần đầu bình thường.
Ngoài ra, các mẹ có thể tự thực hiện kiểm tra lượng đường trong máu bằng cách sử dụng thiết bị lấy mẫu máu ở ngón tay tương tự như cách các mẹ đã làm trong suốt những lần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ trước.
5. Phương pháp điều trị đối với chứng tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ bị tiểu đường có nguy cơ mắc nhiều vấn đề liên quan đến thai kỳ nhưng có thể được giảm thiểu bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu. Các mẹ sẽ nhận được một thiết bị kiểm tra lượng đường trong máu nên có thể theo dõi được mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị.
Lượng đường trong máu có thể giảm bằng cách thay đổi chế độ ăn và tập thể dục. Nhưng phần lớn các mẹ sẽ phải sử dụng thuốc nếu việc thay đổi chế độ ăn và tập thể dục không có hiệu quả. Thuốc sử dụng có thể là thuốc dạng viên uống hoặc tiêm insulin.
Các mẹ cần theo dõi, kiểm tra sát sao trong quá trình mang thai và sinh nở để xem có mắc phải bất cứ bệnh lý tiềm ẩn nào không.
Nếu các mẹ bị tiểu đường thai kỳ, tốt nhất nên sinh bé trước 41 tuần. Phương pháp kích đẻ hoặc sinh mổ sẽ được các bác sĩ khuyến nghị thực hiện nếu sinh thường không đúng thời điểm này.
Sinh sớm thường được khuyến nghị nếu có bất kỳ nghi ngờ gì về sức khỏe của mẹ và bé hoặc lượng đường trong máu không được kiểm soát hiệu quả.
6. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ trong dài hạn
Thông thường tiểu đường thai kỳ sẽ khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, những mẹ bị tiểu đường thai kỳ có khả năng mắc phải một số vấn đề dưới đây:
- Tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai tới
- Tiểu đường tuýp 2 – loại tiểu đường kéo dài về sau
Các mẹ nên xét nghiệm máu để kiểm tra tiểu đường trong khoảng 6-13 tuần sau sinh và mỗi năm sau đó cho dù kết quả là bình thường.
Các mẹ cần đi khám bác sĩ ngay mà không cần đợi đến lịch khám tiếp theo nếu thấy có dấu hiệu đường trong máu cao như là hay khát nước, đi tiểu nhiều hơn bình thường và khô môi.
Dù tình trạng sức khỏe tốt thì các mẹ cũng nên đi khám vì có nhiều trường hợp bị tiểu đường thai kỳ mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Bác sĩ sẽ lưu ý cho các mẹ những thứ cần tránh để giảm được nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường như là kiểm soát cân nặng, cân bằng chế độ ăn và tập thể dục thường xuyên.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ nhỏ được sinh ra bởi người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có khả năng cũng mắc tiểu đường hoặc béo phì khi lớn lên.
7. Kế hoạch mang thai trong tương lai
Nếu các mẹ từng bị tiểu đường thai kỳ trước đó và có kế hoạch mang thai tiếp thì hãy đi kiểm tra tình trạng tiểu đường. Bác sĩ sẽ tư vấn để giúp các mẹ chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch tương lai của mình.
Nếu bị tiểu đường, các mẹ nên đến bệnh viện chuyên cho sản phụ tiểu đường để được hỗ trợ kiểm soát tình trạng tiểu đường trước khi mang thai.
Trường hợp các mẹ chưa có kế hoạch nhưng muốn có thai thì cũng nên nói chuyện với bác sĩ và kể rõ ràng về tình trạng tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước của mình.
Nếu kết quả kiểm tra không phải bị tiểu đường, các mẹ vẫn có thể đề nghị bác sĩ siêu âm ở giai đoạn đầu mang thai sau khi đặt lịch khám và tiếp tục kiểm tra khi mang thai được 24-28 tuần cho dù kết quả lần kiểm tra ban đầu bình thường.
Ngoài ra, các mẹ có thể tự thực hiện kiểm tra lượng đường trong máu bằng cách sử dụng thiết bị lấy mẫu máu ở ngón tay tương tự như cách các mẹ đã làm trong những lần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ trước.
8. Phương pháp kiểm soát tiểu đường thai kỳ cụ thể theo từng giai đoạn
Cho dù các mẹ bị tiểu đường thai kỳ, khả năng gặp phải những vấn đề liên quan đến thai kỳ vẫn có thể được giảm thiểu nếu như kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Các mẹ cần theo dõi sát sao trong quá trình mang thai và sinh nở để xem phương pháp điều trị có hiệu quả không và để kiểm tra liệu có gặp phải biến chứng nào không.
Phần này sẽ giúp các mẹ hiểu thêm một số vấn đề liên quan đến tiểu đường thai kỳ, bao gồm:
- Cách kiểm tra lượng đường trong máu
- Chế độ ăn uống
- Tập thể dục
- Sử dụng thuốc
- Kiểm soát thai kỳ
- Sinh nở
- Sau sinh
Kiểm tra lượng đường trong máu
Các mẹ sẽ được bác sĩ đưa cho một thiết bị kiểm tra mà có thể dùng để kiểm tra lượng đường trong máu. Việc này bao gồm cách sử dụng thiết bị chích ngón tay và lấy mẫu máu đưa vào xét nghiệm.
Các mẹ sẽ được tư vấn một số vấn đề như sau:
- Cách đo mức độ đường trong máu một cách chính xác
- Thời điểm và thời gian để kiểm tra lượng đường trong máu – phần lớn các mẹ bị tiểu đường thai kỳ được khuyên nên kiểm tra trước khi ăn sáng và 1 tiếng sau mỗi lần ăn
- Mức độ đường an toàn nên giữ là bao nhiêu – đơn vị đo được tính bằng mmol đường cho mỗi lít máu
Các mẹ có thể tìm hiểu thêm về cách theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu tại các nguồn thông tin uy tín để bảo vệ chính mình nhé.
Chế độ ăn uống cho người bị tiểu đường thai kỳ
Thay đổi thói quen ăn uống có thể giúp các mẹ kiểm soát lượng đường trong máu của mình. Các mẹ sẽ được giới thiệu đến gặp chuyên gia dinh dưỡng nào đó vì họ là người có thể cho các mẹ lời khuyên về chế độ ăn uống tốt hơn và có thể các mẹ sẽ nhận được những tờ giấy hướng dẫn lập kế hoạch cho từng bữa ăn của mình.
Các mẹ thường được khuyên:
- Ăn uống đều đặn – thường là 3 bữa mỗi ngày và tránh bỏ bữa
- Ăn những loại đồ ăn chứa tinh bột mà chỉ số đường huyết GI thấp tức là sẽ chuyển hóa đường chậm như là mỳ ống làm từ lúa mạch, gạo nâu, bánh mỳ làm từ ngũ cốc nguyên hạt, tất cả các loại ngũ cốc nguyên cám, hạt đỗ, hạt đậu, đậu lăng, ngũ cốc ăn sáng với hoa quả khô và cháo yến mạch
- Ăn nhiều trái cây và rau – nên ăn ít nhất 5 phần rau quả mỗi ngày
- Tránh thức ăn có đường – các mẹ không hoàn toàn phải ăn chế độ ăn không có đường nhưng hãy cố gắng thay những đồ ăn nhanh như bánh ngọt, bánh qui bằng những đồ ăn tốt cho sức khỏe hơn như là hoa quả, các loại hạt và hạnh nhân
- Tránh uống nước có đường – đồ uống theo chế độ và không đường sẽ tốt hơn những loại có đường; hãy thận trọng với những loại nước hoa quả hoặc sinh tố có chứa quá nhiều đường và không nên cho thêm đường vào nước. Để chắc chắn hơn, các mẹ nên kiểm tra lượng đường trên nhãn chai nước hoặc hỏi bên tư vấn chăm sóc sức khỏe
- Ăn thịt nac, không có mỡ béo như là cá – đây là nguồn protein trong chế độ ăn của mỗi người
Ngoài ra, một điều quan trọng là các mẹ cũng nên tránh những thực phẩm không nên ăn trong quá trình mang thai như là một số loại cá nhất định và pho mát. Các mẹ có thể tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích về chế độ ăn và thói quen sống sao cho phù hợp với tình trạng tiểu đường thai kỳ.
Tập thể dục
Các hoạt động thể dục thể chất có thể giúp giảm lượng đường trong máu thấp hơn nên tập thể dục thường xuyên sẽ là một cách hữu hiệu để kiểm soát tình trạng tiểu đường thai kỳ.
Các mẹ sẽ được tư vấn những cách tập thể dục an toàn khi mang thai hoặc các mẹ có thể tìm đọc thêm những bài tập thể dục khi mang thai để giúp ích cho bệnh tình của mình hơn.
Thông thường, các mẹ nên dành ít nhất 150 phút (2 tiếng rưỡi) mỗi tuần cho những bài tập có cường độ trung bình. Đó có thể là bất cứ hoạt động nào giúp tăng nhịp đập của tim và khiến các mẹ thở nhanh hơn, chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội.
Sử dụng thuốc
Lưu ý: Không tự ý dùng thuốc. Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào phải có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
Các mẹ sẽ phải sử dụng thuốc nếu lượng đường trong máu cao trên mức kiểm soát khoảng 1-2 tuần sau khi thay đổi chế độ ăn và thói quen tập thể dục hoặc nếu lượng đường trong máu rất cao. Thuốc sử dụng có thể là thuốc viên uống (thường là metformin) hoặc tiêm insulin.
Lượng đường trong máu có thể tăng lên khi thai nhi phát triển nên cho dù lượng glucose trong máu được kiểm soát tốt giai đoạn đầu thì có thể vẫn cần phải uống thuốc vào những giai đoạn sau này của thai kỳ. Các loại thuốc này sẽ ngừng uống sau khi sinh em bé.
Thuốc viên
Metfomin có thể uống đến 3 lần mỗi ngày như các loại thuốc viên khác, thường uống trong bữa ăn hoặc sau khi ăn. Tác dụng phụ của metfomin có thể là:
- Cảm giác mệt mỏi, ốm yếu
- Buồn nôn
- Co thắt dạ dày
- Tiêu chảy
- Ăn uống không ngon miệng
Đôi khi loại thuốc viên khác có tên là glibenclamide cũng có thể được sử dụng cho các mẹ bị tiểu đường thai kỳ.
Tiêm insulin
Tiêm insulin có thể được thực hiện nếu:
- Các mẹ không thể uống metformin hoặc do nó gây ra tác dụng phụ
- Lượng đường trong máu không thể kiểm soát được bằng metformin
- Lượng đường trong máu quá cao
- Thai nhi quá to hoặc quá nhiều nước ối trong tử cung (đa ối)
Insulin được đưa vào cơ thể các mẹ bằng cách tiêm mà các mẹ hoàn toàn có thể nhìn thấy cách bác sĩ thực hiện như thế nào. Phụ thuộc vào lượng insulin được kê đơn, các mẹ cần phải tự tiêm cho mình trước bữa ăn, khi đi ngủ hoặc lúc ngủ dậy.
Bác sĩ sẽ chỉ cho các mẹ biết lượng insulin cần tiêm. Lượng đường huyết càng tăng khi mang thai càng lâu nên liều lượng insulin cần tiêm sẽ tăng theo thời gian mang thai của các mẹ.
Insulin có thể khiến lượng đường huyết xuống rất thấp (hạ đường huyết). Triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết bao gồm việc cảm thấy run rẩy, ra mồ hôi, đói, người tái nhợt hoặc khó tập trung cho việc gì.
Nếu tình trạng trên xảy ra, các mẹ hãy kiểm tra lại lượng đường trong máu và điều trị ngay lập tức nếu như kết quả quá thấp. Các mẹ có thể đọc và tìm hiểu thêm cách để điều trị tình trạng đường huyết xuống quá thấp.
Khi bắt đầu điều trị bằng insulin, các mẹ cần thiết phải tìm hiểu thêm để biết rõ những thông tin về tình trạng hạ đường huyết.
Kiểm soát thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như là tăng cân nặng, kích thước của trẻ hơn mức bình thường. Do đó, các mẹ cần thường xuyên đi khám sức khỏe hơn để bác sĩ theo dõi sát sao hơn tình trạng của thai nhi.
Lịch thăm khám sức khỏe nên thực hiện như sau:
- Siêu âm khi mang thai được khoảng 18-20 tuần để kiểm tra xem bé có bị biến chứng nào không
- Siêu âm khi mang thai được 28 tuần, 32 tuần và 36 tuần để theo dõi sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối. Các mẹ nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn kể từ tuần 38 trở đi
Sinh nở
Khi bị tiểu đường thai kỳ, thời gian lý tưởng để sinh em bé là khoảng 38-40 tuần.
Nếu lượng đường trong máu nằm trong mức bình thường và không có nghi ngại gì về sức khỏe của mẹ và bé thì các mẹ có thể đợi cho đến khi đau đẻ sinh thường. Tuy nhiên, các mẹ thường sẽ phải sử dụng phương pháp kích đẻ hoặc sinh mổ nếu như thai nhi chưa đòi ra khi đã được 40 tuần và 6 ngày.
Sinh sớm thường được bác sĩ khuyến nghị nếu như có nghi ngờ gì về sức khỏe của mẹ và bé hoặc lượng đường trong máu không thể kiểm soát được.
Các mẹ nên sinh con ở viện vì ở đó luôn có những chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường trực để kịp thời chăm sóc cho thai nhi bất cứ lúc nào trong suốt 24 tiếng mỗi ngày.
Khi vào viện để sinh, các mẹ hãy mang theo thiết bị kiểm tra lượng đường trong máu và bất cứ loại thuốc nào mà bản thân đang sử dụng.
Thông thường, các mẹ nên duy trì việc kiểm tra lượng đường trong máu và uống thuốc cho đến khi quá trình sinh nở hoàn thành hoặc bác sĩ sẽ bảo các mẹ không ăn gì trước khi sinh mổ.
Trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh nở, lượng đường huyết vẫn được theo dõi và duy trì dưới mức kiểm soát. Một số mẹ có thể cần phải truyền insulin để kiểm soát lượng đường huyết của mình.
Sau sinh
Các mẹ sẽ được nhìn thấy, ôm ấp và cho bé bú ngay sau khi sinh. Quan trọng nhất là nên cho bé bú ngay khi có thể sau khi sinh (trong vòng 30 phút) và trong khoảng thời gian thường xuyên (2-3 tiếng một lần) cho đến khi lượng đường huyết của bé được ổn định.
Lượng đường huyết của trẻ sẽ được kiểm tra sau sinh khoảng 2-4 tiếng. Nếu kết quả quá thấp, các bé có thể được cho ăn tạm thời thông qua đường ống hoặc truyền vào cơ thể.
Trường hợp trẻ sinh ra không được khỏe hoặc cần phải theo dõi sát sao, các bé sẽ được chăm sóc tại các phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.
Bất kỳ loại thuốc nào mà các mẹ dùng để kiểm soát lượng đường trong máu cũng phải ngừng sử dụng sau khi sinh. Bác sĩ thường tư vấn các mẹ nên thực hiện kiểm tra đường huyết của mình sau khi sinh được khoảng 1-2 ngày.
Nếu cả bé và mẹ đều khỏe mạnh, cả hai mẹ con sẽ được xuất viện trở về nhà chỉ sau 24 tiếng đồng hồ.
Các mẹ nên xét nghiệm máu để kiểm tra lại tình trạng tiểu đường sau sinh khoảng 6-13 tuần. Đó là bởi vì một số ít các mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ bị tăng đường huyết sau quá trình mang thai.
Trường hợp kết quả cho thấy bình thường, các mẹ vẫn nên xét nghiệm tiểu đường hàng năm. Điều này là vì tình trạng tiểu đường có khả năng phát triển thành tiểu đường loại 2 – một dạng tiểu đường lâu dài nếu các mẹ đã từng bị tiểu đường thai kỳ.
(Dịch từ bài viết “Gestational diabetes” – website NHS – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)