Huyết áp cao khi mang thai, mẹ cần chú ý điều gì?

Huyết áp cao khi mang thai không thực sự quá nguy hiểm. Dưới đây là những gì bạn cần biết để chăm sóc bản thân cũng như em bé của bạn.

Huyết áp cao (tăng huyết áp) trong khi mang thai – cho dù tình trạng này phát triển trước hoặc sau khi thụ thai thì vẫn đòi hỏi phải có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Dưới đây là những gì bạn cần biết về huyết áp cao và quá trình mang thai.

Bệnh cao huyết áp khi mang thai có những loại khác nhau nào?

đo huyết áp cho thai phụ

Đôi khi cao huyết áp đã có từ trước khi mang thai. Trong những trường hợp khác, bệnh cao huyết áp lại phát triển trong khi mang thai. Ví dụ:

  • Tăng huyết áp khi mang thai. Phụ nữ bị tăng huyết áp khi mang thai sẽ mắc bệnh huyết áp cao, phát triển sau 20 tuần của thai kỳ. Không có hiện tượng dư thừa protein trong nước tiểu hoặc những dấu hiệu khác của tổn thương các cơ quan nội tạng. Một số phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ sau cùng sẽ có biểu hiện tiền sản giật.
  • Tăng huyết áp mãn tính. Tăng huyết áp mãn tính là bệnh cao huyết áp đã có từ trước khi mang thai hoặc xảy ra trước 20 tuần của thai kỳ. Nhưng vì cao huyết áp thường không có triệu chứng rõ rệt nên khó có thể xác định khi nào nó bắt đầu xuất hiện.
  • Tăng huyết áp mãn tính kèm thêm chứng tiền sản giật. Tình trạng này xảy ra ở những phụ nữ đã bị bệnh cao huyết áp mãn tính trước khi mang thai, rồi sau đó phát triển lên và ngày càng làm nghiêm trọng thêm bệnh huyết áp cao và tăng lượng protein trong nước tiểu hoặc gặp phải các biến chứng khác về sức khỏe trong thai kỳ.
  • Chứng tiền sản giật. Đôi khi tăng huyết áp mãn tính hoặc tăng huyết áp khi mang thai sẽ dẫn đến hiện tượng tiền sản giật, một biến chứng đặc trưng khi mang thai gây ra bởi huyết áp cao và là những dấu hiệu gây tổn thương cho hệ thống cơ quan khác – thường diễn ra sau 20 tuần của thai kỳ. Nếu không được điều trị, chứng tiền sản giật có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng – thậm chí gây tử vong cho cả người mẹ và em bé. Trước đây, tiền sản giật chỉ được chẩn đoán khi một người phụ nữ mang thai bị cao huyết áp và trong nước tiểu có chứa protein. Tuy nhiên, hiện các chuyên gia biết rằng có thể mắc chứng tiền sản giật mà không hề có protein trong nước tiểu.

Tại sao huyết áp cao lại là một vấn đề trong khi mang thai?

Cao huyết áp trong khi mang thai sẽ gây ra nhiều rủi ro khác nhau, bao gồm:

  • Giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Nếu nhau thai không được cung cấp đủ máu, em bé có thể sẽ nhận được oxy và chất dinh dưỡng ít hơn. Điều này có thể dẫn đến sự chậm phát triển, sinh con nhẹ cân hay sinh non. Sinh non sẽ gây ra những vấn đề về hô hấp cho bé.
  • Bong nhau thai. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau thai bị bong sớm, khi đó nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Bong nhau thai nghiêm trọng có thể gây chảy nhiều máu và làm tổn thương nhau thai, có thể đe dọa đến tính mạng của cả bạn và em bé.
  • Sinh non. Đôi khi sinh sớm lại là điều cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng có khả năng đe dọa đến tính mạng của bạn và cả em bé.
  • Mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Mắc chứng tiền sản giật làm tăng nguy cơ bị bệnh về tim và mạch máu trong tương lai (bệnh tim mạch). Nguy cơ đó thậm chí cao hơn nếu bạn đã bị tiền sản giật nhiều hơn một lần hoặc bạn đã từng sinh non. Để giảm thiểu nguy cơ này, sau khi sinh hãy cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, ăn nhiều trái cây và rau củ, luyện tập thể dục thường xuyên, và không hút thuốc lá.

Tôi cần biết những gì về chứng tiền sản giật?

Tiền sản giật đôi khi phát triển mà không có triệu chứng gì. Bệnh huyết áp cao có thể tiến triển chậm, nhưng thường sẽ bộc phát đột ngột. Theo dõi huyết áp là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe trước khi sinh vì dấu hiệu đầu tiên của chứng tiền sản giật thường là tăng huyết áp. Huyết áp vào khoảng 140/90 mm ​​thủy ngân (mm Hg) hoặc cao hơn – sau 2 lần đo cách nhau ít nhất bốn giờ đồng hồ – là dấu hiệu bất thường.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật có thể bao gồm:

  • Dư thừa protein trong nước tiểu (protein niệu) hoặc có thêm các dấu hiệu của vấn đề về thận
  • Đau đầu dữ dội
  • Thay đổi thị lực, bao gồm giảm thị lực tạm thời, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau phần bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải
  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Giảm lượng tiểu huyết cầu trong máu (giảm lượng tiểu cầu)
  • Suy giảm chức năng gan
  • Khó thở, gây ra bởi chất dịch trong phổi

Cân nặng tăng đột ngột và sưng phù (edema) – đặc biệt là ở mặt và tay của bạn – thường kèm theo chứng tiền sản giật. Nhưng những điều này cũng có thể xảy ra ở các trường hợp mang thai thông thường, vì vậy chúng không được coi là dấu hiệu đáng tin cậy báo hiệu tiền sản giật.

Uống thuốc huyết áp khi mang thai có an toàn hay không?

Bất kỳ loại thuốc nào bạn sử dụng trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến em bé. Mặc dù một số loại thuốc được dùng làm giảm huyết áp được coi là an toàn khi mang thai, nhưng một số loại thuốc khác – chẳng hạn như enzyme (ACE) ức chế chuyển đổi angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) và chất ức chế renin – thường nên tránh trong thai kỳ.

Tuy nhiên việc điều trị cũng rất quan trọng. Nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề khác liên quan đến cao huyết áp không biến mất đi trong quá trình mang thai. Huyết áp cao rất có thể sẽ gây nguy hiểm cho em bé của bạn.

Nếu bạn cần đến thuốc để kiểm soát huyết áp trong khi mang thai, bác sĩ sẽ kê cho bạn toa thuốc an toàn nhất ở liều thích hợp nhất. Nên uống thuốc chính xác theo quy định mà bác sĩ hướng dẫn. Đừng ngưng dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều thuốc đã được kê cho riêng bạn.

Tôi nên làm gì để chuẩn bị cho việc mang thai?

Nếu bạn bị huyết áp cao, hãy sắp xếp một cuộc hẹn trước ​​với bác sĩ chăm sóc sức khỏe, người sẽ xử lý các tình huống khi bạn mang thai. Ngoài ra bạn cũng nên liên hệ với các thành viên khác trong nhóm chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ tim mạch. Họ sẽ đánh giá việc bạn đối phó với chứng cao huyết áp như thế nào và liệu pháp điều trị nào bạn cần thiết phải thực hiện trước khi mang thai. Nếu bạn đang thừa cân, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên giảm số cân dư thừa trước khi bạn cố gắng để thụ thai.

Tôi có thể mong đợi gì trong những lần khám trước khi sinh?

Trong quá trình mang thai, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Trọng lượng và huyết áp của bạn sẽ được kiểm tra ở mỗi lần khám, và bạn có thể thường xuyên phải xét ​​nghiệm máu và nước tiểu.

Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ sức khỏe của thai nhi. Siêu âm thường xuyên dùng cho việc quan sát sự tăng trưởng và phát triển của em bé. Theo dõi nhịp tim thai nhi có thể được sử dụng để đánh giá mức độ khỏe mạnh. Bác sĩ chăm sóc sức khỏe cũng có thể khuyên bạn nên theo dõi những chuyển động hàng ngày của bé.

Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ biến chứng?

Chăm sóc tốt cho bản thân là cách tốt nhất để chăm sóc em bé. Ví dụ như:

  • Thực hiện đúng các cuộc hẹn trước khi sinh của bạn. Đến phòng khám thai thường xuyên trong suốt thai kỳ.
  • Dùng thuốc điều trị huyết áp của bạn theo đúng quy định. Bác sĩ của bạn sẽ kê toa thuốc an toàn nhất ở liều thích hợp nhất.
  • Vận động cơ thể. Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ cho hoạt động thể chất.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh. Chọn thực phẩm chứa ít natri.
  • Hiểu biết những điều cấm kỵ. Tránh hút thuốc lá, rượu và ma túy bất hợp pháp. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng bất cứ loại thuốc không kê đơn nào.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu cách để ngăn ngừa tiền sản giật, nhưng cho đến nay không có phương pháp rõ ràng nào xuất hiện. Nếu bạn bị tiền sản giật ở lần mang thai đầu dẫn đến việc sinh sản diễn ra ở trước tuần mang thai thứ 34, hoặc bạn từng bị tiền sản giật nhiều hơn một lần mang thai, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng 1 viên aspirin liều thấp/ngày – từ 60 đến 81 mg – bắt đầu vào cuối giai đoạn mang thai thứ nhất.

Những gì cần biết về đau đẻ và chuyển dạ?

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể đề nghị việc kích thích chuyển dạ trong một vài ngày trước ngày sinh để tránh biến chứng. Nếu bạn có biểu hiện của tiền sản giật hoặc các biến chứng khác, việc kích thích chuyển dạ là điều cần thiết. Nếu bạn bị tiền sản giật nặng, bạn có thể phải dùng thuốc trong suốt thời gian kích thích chuyển dạ để giúp ngăn chặn các cơn động kinh. Trong một số trường hợp, có thể cần thiết phải mổ đẻ.

Tôi có thể cho bé bú sữa mẹ được không?

Cho con bú được khuyến khích cho hầu hết phụ nữ có huyết áp cao, thậm chí ngay cả khi họ có dùng thuốc. Thảo luận về việc điều chỉnh lượng thuốc bạn cần dùng với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn trước đó. Đôi khi loại thuốc điều trị huyết áp thay thế khác được khuyến nghị. Bác sĩ của bạn cũng có thể khuyên bạn nên tránh cho con bú ngay sau khi bạn vừa dùng thuốc.

(Nguồn mayoclinic – Út Em Shop dịch)

Leave a Comment