Dinh dưỡng cơ bản trong thai kỳ

Út Em chào các mẹ. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một phần quan trọng của cuộc sống và điều này càng trở nên thiết yếu hơn khi bạn mang thai hoặc đang có kế hoạch làm mẹ. Ăn uống đúng đắn trong suốt thai kỳ sẽ giúp con bạn phát triển khỏe mạnh.

Bạn không phải ép mình theo một chế độ ăn kiêng quá cầu kỳ, hãy ăn đa dạng các loại thực phẩm để đạt được sự cân bằng về mặt dinh dưỡng cho cả hai mẹ con.

Khi mang bầu, bạn có thể cảm thấy nhanh đói hơn bình thường nhưng điều đó không có nghĩa là bạn “ăn cho hai người”, thậm chí nếu bạn mang thai đôi hoặc thai ba.

Hãy luôn duy trì một bữa sáng lành mạnh hàng ngày. Điều này sẽ tránh cho bạn tìm đến các loại thực phẩm nhiều dầu và đường không có lợi cho sức khỏe.

Ăn uống lành mạnh thường có nghĩa là thay đổi số lượng các thực phẩm khác nhau để thực đơn của bạn trở nên phong phú hơn, chứ không phải là bạn cần chấm dứt những món khoái khẩu.

Bạn có thể tham khảo bảng dinh dưỡng dưới đây để tạo cho mình một chế độ ăn đúng đắn.

thuc-pham-co-loi-cho-suc-khoe

Bảng này cho biết bạn cần nạp bao nhiêu dinh dưỡng từ mỗi nhóm thực phẩm. Trường hợp bạn bị tiểu đường trong suốt thai kỳ thì nhớ hỏi tư vấn của bác sỹ nhé.

Hãy nhớ bạn nên ăn nhiều rau trái bởi chúng cung cấp các vitamin, khoáng chất và các chất xơ hữu ích cho hệ tiêu hóa và tránh nguy cơ táo bón.

Tinh bột cũng là một nguồn quan trọng cung cấp năng lượng, vitamin, chất khoáng mà không chứa quá nhiều calo. Loại thực phẩm này bao gồm bánh mỳ, ngũ cốc, gạo, hạt kê, lúa mỳ, khoai lang, củ từ, ngô,… Đây là loại thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của bạn.

Bạn nên chọn ngũ cốc loại nguyên cám (thực phẩm toàn phần) thay vì đồ tinh chế, sát trắng vì chúng còn giữ lại được nhiều dưỡng chất và chứa nhiều chất xơ.

Nhóm dinh dưỡng tiếp theo là thực phẩm chứa đạm. Nếu bạn là người ăn mặn, nguồn cung cấp đạm dồi dào có thể được tìm thấy trong cá, gia cầm, trứng, các loại đậu, đỗ và hạt. Hãy chọn thịt nạc, nên bỏ da khi ăn gia cầm và cố gắng đừng cho nhiều dầu mỡ khi chế biến.

Thức ăn cần được nấu chín và tránh ăn những đồ tái, sống. Bạn cũng nên bổ sung cá vào chế độ ăn của mình, một tuần 2 lần. Các loại cá giàu chất béo rất tốt cho mẹ bầu thường có trong cá hồi, cá mòi và cá thu.

Thực phẩm bơ sữa bao gồm sữa, pho mát, phô mai tươi, sữa chua rất quan trọng bởi vì chúng chứa canxi và các dưỡng chất thiết yếu cho em bé.

Bạn cũng nhớ chọn các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo và hàm lượng đường thấp. Không nên ăn nhiều các loại sau: Dầu, mỡ, dầu dấm, kem tươi, sô cô la, đồ nướng, bánh quy, bánh ngọt, kem lạnh, đồ uống có ga…

Những thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường thường có hàm lượng calo cao dễ gây béo phì và sâu răng. Chất béo cũng vậy, nếu ăn quá nhiều hoặc ăn thường xuyên có thể làm tăng cân.

Sử dụng quá nhiều chất béo bão hòa có thể gia tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hãy cắt giảm chất béo bão hòa và thay thế bằng một phần nhỏ các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa.

Nếu cảm thấy đói giữa các bữa ăn chính, bạn đừng vội tìm đến các đồ ăn chứa chất béo và đường. Thay vào đó, hãy chọn những loại tốt lành hơn như cá ngừ, cá hồi, giăm bông, cá mòi, salad rau, sữa chua ít béo, phô mai tươi với hoa quả, bánh mỳ nâu, các loại súp rau đậu, yến mạch với sữa, cháo, hoa quả tươi,…

Cuối cùng, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau đây để đảm bảo thực phẩm luôn được an toàn:

  • Luôn ăn chín uống sôi
  • Rửa sạch rau, trái cây cho hết bụi bẩn có thể chứa ký sinh trùng gây hại cho thai nhi
  • Luôn rửa sạch tay, dụng cụ sử dụng trong nhà bếp, đặc biệt sau khi chế biến thực phẩm sống
  • Hãy luôn trữ riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín tránh nhiễm ký sinh trùng và ngộ độc thực phẩm
  • Hãy sử dụng thớt riêng cho đồ sống

(Theo NHS – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment