11 điều cần biết biết khi mang thai đôi

Út Em chào các mẹ.

Nếu các mẹ mang thai đôi và đang lúng túng không biết phải làm gì thì các mẹ sẽ không phải đối mặt việc này một mình đâu.

Nhiều mẹ mang thai đôi không biết nên làm gì nhưng điều đó không có nghĩa các mẹ không thể học được những kỹ năng để xử lý những vấn đề liên quan. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu được những gì sẽ xảy ra khi mang thai đôi.

Phụ nữ mang thai đôi được cho là nhận được sự may mắn gấp đôi nhưng nó cũng có thể gây ra nhiều nguy hiểm hơn so với mang thai đơn.

Ở Mỹ, theo tổ chức y tế phi chính phủ Mayo Clinic tại Rochester, Minn, cứ khoảng 3 trong số 100 phụ nữ có thai sẽ mang thai đôi hoặc thai ba. Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ mang thai đôi đang ngày càng gia tăng.

Để có sự chuẩn bị tốt, các mẹ hãy làm quen với 11 vấn đề mà các mẹ không biết về mang thai đôi từ khi thụ thai đến khi vượt cạn sinh nở.

Mang thai sinh đôi - ảnh của parents
Mang thai sinh đôi – ảnh của parents

Điều 1: Các mẹ có khả năng mang thai đôi tự nhiên khi đã ở độ tuổi 30-40

Theo tiến sỹ Abdulla Al-Khan, giám đốc điều hành y khoa và phẫu thuật cho mẹ và bé của Trung tâm y tế đại học Hackensack ở New Jersey:

Chúng ta thường cho rằng khi phụ nữ càng lớn tuổi, khả năng thụ thai càng khó nhưng tuổi ngày càng cao lại càng làm tăng khả năng mang thai đôi. Khi phụ nữ ở độ tuổi 25 hay khi 30-40 tuổi, chu kỳ rụng trứng không bình thường nữa. Nếu phụ nữ rụng trứng không theo chu kỳ, họ có thể rụng hai nang trứng cùng một lúc.

Do vậy, việc mang thai đôi hoàn toàn có thể xảy ra mà không có sự can thiệp của công nghệ y tế hỗ trợ sinh sản.

Điều số 2: Nếu mang thai đôi, các mẹ cần phải bổ sung nhiều axit folic hơn

Theo tiến sĩ Manju Monga, giáo sư Berel Held đồng trưởng khoa y học nghiên cứu bào thai ở Viện đại học khoa học sức khỏe Texas tại Houston thì phụ nữ mang thai đôi cần nhiều axit folic để giảm thiểu nguy cơ bị dị tật bẩm sinh đối với thai nhi.

Tiến sĩ Monga – người cũng từng mang thai đôi cho biết thêm:

Chúng tôi khuyến nghị những mẹ bầu mang thai đôi cần bổ sung 1mg axit folic mỗi ngày còn các mẹ chỉ mang thai 1 bé thì cần 0.4mg. Axit folic được biết đến là có thể làm giảm nguy cơ bị dị tật ống thần kinh, ví dụ như tật nứt đốt sống.

Điều số 3: Phụ nữ mang thai đôi thường phải dành nhiều thời gian đến chỗ bác sĩ sản khoa để thăm khám

Theo tiến sĩ Monga:

Phụ nữ mang thai đôi cần phải kiểm soát cẩn thận hơn so với mang thai một em bé. Chúng tôi thường thực hiện nhiều siêu âm thường xuyên hơn theo quá trình phát triển của 2 thai nhi trong bụng so với việc mang thai đơn chỉ thực hiện một siêu âm hình thái học và một siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi

Tiến sĩ Al-Khan cho rằng bên cạnh những xét nghiệm bổ sung đó là những mối nguy hại cho thai kỳ. Ví dụ như khả năng sảy thai sau khi chọc ối sẽ cao hơn khi mang thai đôi. Nếu các mẹ đã mang thai đôi, khả năng sảy thai lên đến 1/500 so với 1/1000 khi mang thai đơn.

Điều số 4: Cơn ốm nghén buổi sáng có thể sẽ tồi tệ hơn khi mang thai đôi

Tiến sĩ Al-Khan cho biết:

Một trong những giả định cho rằng nguyên nhân gây ra cơn ốm nghén buổi sáng là do nồng độ hooc-môn thai kỳ hCG cao và chúng ta biết rằng mức độ hooc-môn này sẽ cao hơn đối với các mẹ mang thai đôi vì vậy các mẹ sẽ gặp phải những cơn buồn nôn hoặc nôn mửa nhiều hơn trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất. Tin tốt cho các mẹ là phần lớn những cơn ốm nghén buổi sáng sẽ chấm dứt trong khoảng 12-14 tuần ngay cả khi mang thai đôi.

Tiến sĩ Monga chia sẻ rằng những điều đó không phải là tất cả. Những mẹ mang thai đôi còn hay phàn nàn vì gặp phải những cơn đau lưng, khó ngủ hoặc bị ợ hơi nhiều hơn các mẹ chỉ mang thai một bé. Những mẹ mang thai đôi cũng có nguy cơ thiếu máu và xuất huyết (chảy máu) cao hơn sau khi sinh.

Điều 5: Xuất hiện đốm máu dễ xảy ra hơn trong quá trình mang thai đôi

Theo tiến sĩ Al-Khan:

Khi các mẹ thấy xuất hiện đốm máu trong tam cá nguyệt thứ nhất, các mẹ có nguy cơ bị sảy thai và tình trạng sảy thai cũng dễ xảy ra khi mang thai đôi, tam thai hoặc mang thai 4 em bé. Vì vậy, phụ nữ thường bị ra đốm máu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất khi mang đa thai.

Nhưng nếu chỉ xuất hiện một chút đốm máu thì đó chưa chắc đã là dấu hiệu nguy hiểm ngay cả khi mang thai đôi. Khi ra một ít đốm máu nhưng không kèm theo tình trạng bị chuột rút thì mọi chuyện sẽ vẫn ổn nhưng nếu có hiện tượng chuột rút, chảy máu nhiều và vón cục thì đó mới là dấu hiệu của tình trạng xấu có thể sẽ xảy ra nên cần tìm đến bác sĩ.

Điều 6: Các mẹ không cảm thấy những cú đạp của thai nhi sớm hơn khi mang thai đôi

Theo tiến sĩ Al-Khan:

Nhìn chung khi mang thai đôi, những chuyển động của thai nhi thường được nhận biết khi được 18 tuần đến 20 tuần thai và hiện tượng này cũng tương tự đối với các mẹ chỉ mang bầu 1 em bé.

Thời điểm các mẹ bắt đầu cảm nhận được những chuyển động của thai nhi gần như phụ thuộc vào lần mang thai trước đó. Nếu các mẹ đã có con, các mẹ sẽ biết chuyển động của thai nhi là như thế nào nhưng nếu đây là lần đầu mang thai, các mẹ có thể sẽ không phân biệt được chuyển động của thai nhi với tình trạng co bóp của dạ dày.

Điều số 7: Phụ nữ mang thai đôi tăng cân nhiều hơn những mẹ mang thai đơn

Tiến sĩ Al-Khan cho rằng:

Khi mang thai đôi, các mẹ sẽ tăng cân nhiều hơn vì phải mang cùng lúc 2 thai nhi, 2 nhau thai và nhiều nước ối hơn. Ngoài ra, lúc này các mẹ cũng phải bổ sung nhiều năng lượng hơn

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Monga cho biết cũng không có công thức tăng cân nào trong suốt thời gian mang thai đôi.

Cân nặng tăng trung bình đối với trường hợp mang thai đơn khoảng 11,34kg còn mang thai đôi khoảng 13,6kg-15,9kg. Chúng tôi không mong muốn những mẹ mang thai đôi tăng hơn 18,1kg hoặc ít hơn 6,8kg

Theo định hướng tăng cân tạm thời của Bộ y tế với phụ nữ dự định mang thai đôi:

  • Phụ nữ có cân nặng bình thường nên tăng thêm 16,8kg đến 24,5kg
  • Phụ nữ thừa cân nên tăng thêm khoảng 14-22,7kg
  • Phụ nữ béo phì chỉ nên tăng thêm khoảng 11,3-19kg

Vậy cân nặng chính xác các mẹ cần đạt được là bao nhiêu? Bộ y tế khuyến cáo rằng các mẹ nên trao đổi với bác sĩ về điều này bởi vì mỗi thai phụ cần có chế độ riêng cho mình.

Điều số 8:  Khi mang thai đôi, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn

Tiến sĩ Monga cho biết:

Tiểu đường thai kỳ sẽ dễ xảy ra hơn khi các mẹ mang thai đôi. Điều đó có nghĩa là nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ càng cao nếu thai nhi càng to và cần phải mổ.

Dù cho tình trạng tiểu đường dễ xảy ra hơn nhưng các biến chứng của nó cũng ít hơn bởi vì kích thước của thai nhi song sinh không quá to.

Ngoài ra, tiến sĩ cũng cho rằng những mẹ bị tiểu đường khi mang thai có thể sau này sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2.

Điều số 9: Nguy cơ bị tiền sản giật cũng cao hơn khi mang thai đôi

Mọi người không hề biết được nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiền sản giật nhưng chúng ta biết rằng nó thường xảy ra với phụ nữ mang thai đôi nhiều hơn.

Tình trạng tiền sản giật có thể được phát hiện bằng tình trạng huyết áp cao, lượng protein trong nước tiểu hoặc đôi khi là dấu hiệu sưng ngón chân, bàn chân và tay. Đây là tiền thân của tình trạng tiền sản giật nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Điều số 10: Chuyển dạ sinh nở có thể sớm hơn khi mang thai đôi

Theo Al-Khan:

Phần lớn các mẹ mang song thai thường chuyển dạ khi được 36-37 tuần, thậm chí một số mẹ còn chuyển dạ sớm hơn thay vì dự kiến khoảng 40 tuần như mang thai một em bé.

Nhìn chung trường hợp sinh đôi sau 34 tuần thì không đáng lo ngại nhưng như vậy thì các bé vẫn là trẻ sinh non.

Mang thai đôi thường có quá trình chuyển dạ và sinh nở sớm và các bé sinh ra cũng có nguy cơ gặp phải những vấn đề về phổi hơn.

Như vậy do sinh non nên các bé sinh đôi thường có cân nặng thấp và có xu hướng mắc phải những vấn đề về sức khỏe hơn so với các bé sinh ra đạt được cân nặng trên 2,5kg.

Thật không may, không có cơ sở nào chứng minh việc nghỉ ngơi trên giường một mình có thể hạn chế tình trạng chuyển dạ sớm hay sinh non khi mang thai đôi và việc cố gắng sử dụng những tác nhân ngăn chặn quá trình chuyển dạ sớm cũng chưa có cách nào hiệu quả. Việc ngăn chặn tình trạng sinh non luôn là thử thách đối với những trường hợp mang thai nhiều hơn 1 bé.

Điều 11: Mang thai đôi thường phải sinh mổ

Các chuyên gia cho rằng

Việc sinh mổ là hoàn toàn có khả năng cao hơn khi mang thai đôi.

Mang thai đôi cũng có nguy cơ bị thai ngôi mông cao hơn so với mang thai đơn. Khi xảy ra hiện tượng thai ngôi mông, sinh mổ là điều cần thiết.

(Dịch từ bài viết “11 things you didn’t know about twin pregnancies” – website Webmd – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment