Tổng hợp kiến thức chăm sóc mẹ và bé khi mang thai

Với nhiều người, mang thai là một sự kiện quan trọng. Thời kỳ này rất cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt với sự hiểu biết đúng đắn. Để mẹ và em bé trong bụng được khỏe mạnh, bạn hãy thực hiện các chỉ dẫn sau đây và nhớ thường xuyên thăm khám bác sĩ nhé!

1. Các xét nghiệm

Sau khi biết mình mang thai, bạn nên lên kế hoạch làm việc với bác sĩ. Thường thì thời gian đầu thăm khám khi thai nhi được từ 6 tới 8 tuần tuổi. Bác sĩ sẽ bắt đầu trao đổi về tiền sử bệnh và tình trạng hiện tại của bạn. Bạn sẽ được kiểm tra cân nặng và đo huyết áp. Đây là các kiểm tra cơ bản trong mỗi lần thăm khám.

mang thai

Ngày đầu đi khám, bạn sẽ được kiểm tra khung chậu để xem xét kích thước và hình dáng tử cung. Xét nghiệm phết mỏng cổ tử cung (Pap smear) cũng sẽ được tiến hành nhằm sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong tế bào cổ tử cung (cổ tử cung là phần dưới của tử cung mở ra vào trong âm đạo).

Xét nghiệm nước tiểu và máu sẽ diễn ra thường xuyên và được chỉ định trong suốt kỳ thăm khám. Bác sỹ sẽ yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra vi khuẩn có trong nước tiểu, lượng đường (có liên quan đến bệnh tiểu đường), lượng đạm (nhiều chất đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, tổn thương thận hoặc một số rối loạn khác. Ở các giai đoạn sau của thai kỳ, đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật nếu dấu hiệu đi kèm là tăng huyết áp).

Xét nghiệm máu được tiến hành nhằm kiểm tra hàm lượng sắt xác định chứng thiếu máu, số lượng hồng cầu, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm như giang mai, viêm gan B và kiểm tra nhóm máu đề phòng trường hợp bạn cần truyền máu.

Siêu âm thai cũng rất cần thiết giúp mẹ nhìn thấy hình ảnh của em bé, biết được thai nhi có phát triển bình thường hay không và xác định bạn không mang thai ngoài tử cung, có nghĩa là phôi thai nằm trong ống dẫn trứng. Hình ảnh mẹ nhìn thấy trên màn hình là do sóng siêu âm tạo thành.

Ngoài ra các xét nghiệm khác sẽ được tiến hành nếu bác sĩ nhận thấy mẹ và em bé có bất cứ dấu hiệu bất thường nào.

2. Cân nặng trong thai kỳ

Hãy xin tư vấn của bác sĩ về trọng lượng bạn nên đạt được. Điều này khác nhau ở từng người. Có mẹ chỉ cần tăng 7kg nhưng có mẹ lại cần tăng thêm từ 12-18 kg trong suốt thai kỳ. Điều đó có nghĩa là nếu cân nặng của bạn không đủ thì bạn cần tăng cân nhiều hơn và ngược lại nếu bạn thừa cân khi mang thai, bạn có thể chỉ cần tăng chút ít.

3. Dinh dưỡng trong thai kỳ

Một chế độ ăn cân bằng là yếu tố quan trọng nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Bạn không chỉ phải để ý tới loại thực phẩm dung nạp mà còn rất cẩn thận trong quá trình chế biến. Những đồ ăn tái sống có thể khiến bạn đứng trước nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bạn không nên ăn quá 3 lần cá mỗi tuần và cần tránh cá mập, cá kiếm, cá thu vua (king mackerel) vì các cá này chứa lượng thủy ngân cao có thể gây độc cho em bé. Nếu ăn cá ngừ, hãy chắc rằng đó là cá ngừ trắng và chỉ ăn khoảng 180g mỗi tuần hoặc để an toàn, bạn nên ăn cá ngừ đóng hộp khoảng 300g -350g mỗi tuần.

Hãy luôn rửa rau quả sạch sẽ. Dụng cụ chế biến phải đảm bảo vệ sinh. Bạn nên bổ sung các sản phẩm bơ sữa mỗi ngày và nên tránh các loại chưa tiệt trùng vì có thể còn chứa các vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.

Hãy trang bị đầy đủ cho mình kiến thức về dinh dưỡng cơ bản trong thai kỳ và luôn lắng nghe cơ thể để áp dụng chế độ ăn hợp lý, lành mạnh cho cả hai mẹ con.

4. Vitamin

Bạn nên bổ sung 1mg axit folic mỗi ngày trong suốt thời kỳ mang thai. Axit folic đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa dị tật bẩm sinh, các vấn đề liên quan đến não bộ và tủy sống. Vì vậy, việc bổ sung axit folic trước và trong thời kỳ mang thai là cần thiết.

Ngoài nguồn uống bổ sung, bạn có thể nạp axitfolic từ thực phẩm có trong ngũ cốc thô, đậu tương, rau cải xanh, măng tây, lòng đỏ trứng,… thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một loại vitamin nào đó. Hãy nhớ không được sử dụng thêm viên khoáng hay các loại vitamin khác mà chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.

5. Uống thuốc khi mang thai

Hãy luôn hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất kỳ một dược phẩm nào, kể cả thuốc giảm đau hoặc thuốc bán không cần kê đơn vì những tổn thương đến thai nhi có thể xảy ra, đặc biệt là trong ba tháng đầu.

[adinserter block=”11″]

6. Chế độ làm việc

Bạn tiếp tục làm việc trong thời gian bao lâu phụ thuộc vào thể trạng khi mang thai, loại công việc bạn phụ trách. Ví dụ những công việc mang vác đồ nặng hoặc phải đứng lâu không có lợi cho cơ thể của bạn. Bức xạ, kim loại nặng như đồng và thủy ngân cũng có thể gây hại cho thai nhi. Hãy nói chuyện với bác sĩ về môi trường làm việc của bạn để tìm ra giải pháp tốt nhất.

7. Chế độ tập luyện thể thao

Nếu không có vấn đề gì nghiêm trọng khi mang thai, bạn có thể tập luyện để nâng cao thể chất. Các bài tập thể dục sẽ giúp bạn cải thiện một vài khó chịu trong thai kỳ. Nếu có thể, hãy tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày.

Một số chị em chia sẻ rằng việc duy trì chế độ tập luyện trong suốt thời kỳ mang thai giúp họ sinh nở dễ dàng hơn. Đi bộ và bơi lội là những sự lựa chọn tuyệt vời. Nếu trước đó, bạn không thường xuyên tập thể dục thì hãy bắt đầu từ từ nhé.

Đừng tham lam tập luyện quá sức. Một lần nữa, hãy lắng nghe cơ thể bạn và gọi cho bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng như giảm thị lực, buồn nôn, đau ngực hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào khi thể dục.

8. “Gần gũi” với ông xã

Bạn không cần băn khoăn về chuyện “gần gũi” với chồng trong thời kỳ này nếu bác sĩ không có yêu cầu đặc biệt nào khác. Đừng ngạc nhiên nếu thấy mình có thể ít hoặc nhiều cảm hứng hơn với chuyện ấy so với trước khi mang thai. Khi bụng lớn hơn, bạn nên tìm những tư thế quan hệ khác nhau như nằm nghiêng hoặc ở trên cho phù hợp. Nếu quan hệ bằng miệng, nhớ dặn ông xã đừng thổi vào vùng nhạy cảm của bạn bởi có thể dẫn đến tắc mạch. Tình trạng tắc mạch do khí rất dễ dẫn tới tổn thương não nghiêm trọng và thậm chí tử vong đối với cả mẹ và bé.

9. “Tôi có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn?”

Đi cùng với niềm vui được làm mẹ là không ít những hồi hộp, lo lắng rất thường tình của chị em. Hãy thư giãn và chuẩn bị tinh thần cũng như giải pháp đối với các vấn đề bạn gặp phải trong suốt thời kỳ bầu bí:

Nghén: Nôn hoặc buồn nôn có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Hãy ăn từng bữa nhỏ và tránh thực phẩm dầu mỡ. Nhớ xin tư vấn của bác sĩ nếu tình trạng nghén diễn ra sau 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc khiến bạn bị giảm cân

Mệt mỏi: Tình trạng này có thể do thiếu máu. Hãy nói chuyện với bác sĩ, nghỉ ngơi hợp lý và tranh thủ chợp mắt trong ngày nếu có thể

– Chuột rút: Khi gặp vấn đề này, bạn hãy nhẹ nhàng duỗi bắp chân bằng cách uốn cong các ngón chân về phía cẳng chân

Táo bón: Hãy uống nhiều chất lỏng, ăn các thực phẩm chứa chất xơ như rau trái, ngũ cốc nguyên cám. Đừng dùng thuốc nhuận tràng khi chưa được bác sĩ cho phép

– Bệnh trĩ: Đừng cố rặn trong khi đi cầu và cố gắng đừng để bị táo bón. Bạn có thể áp dụng liệu pháp ngâm mông cũng rất hiệu quả

Đi tiểu nhiều: Bạn sẽ nhận thấy số lần mình đi tiểu gia tăng đáng kể khi em bé trong bụng lớn hơn. Điều này tuy có thể bất tiện nhưng không đáng ngại bởi vì đó là do áp lực của em bé lên bọng đái gây tình trạng đi tiểu thường xuyên

– Giãn tĩnh mạch: Bạn cần tránh mặc những đồ bó ở vùng chân và eo. Hãy vận động, đi lại khi bạn đứng lâu. Bạn có thể hỏi bác sĩ về loại tất/vớ đặc biệt (tất/vớ áp lực) giúp và phòng giãn tĩnh mạch

Tính khí thất thường: Hooc – môn của bạn sẽ thay đổi liên tục trong suốt thai kỳ. Thêm nữa, cuộc sống của bạn đang bước sang một trang mới không khỏi khiến bạn có áp lực tâm lý. Đừng nặng nề quá. Hãy tìm niềm vui cho chính mình và trân trọng những phút giây hiện tại

– Chứng ợ chua: Bạn nên ăn thành các bữa nhỏ, tránh những đồ ăn nhiều gia vị và dầu mỡ. Không được nằm ngay sau bữa ăn và hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể sử dụng được dược phẩm nào để giảm chứng ợ chua hay không

– Viêm nhiễm phụ khoa: Tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo gây mủ, ngứa ngáy, khó chịu rất phổ biến đối với nhiều chị em phụ nữ khi mang thai. Hãy thông báo cho bác sĩ tình hình của bạn để có biện pháp điều trị kịp thời

– Chảy máu chân răng: Bạn nên đánh răng kỹ nhưng nhẹ nhàng. Hãy đi lấy cao răng và đừng quên cho nha sĩ biết bạn đang mang thai và tuổi thai của em bé

– Nghẹt mũi: Tình trạng này liên quan đến những thay đổi về hooc – môn sinh dục nữ (nội tiết tốt). Bạn cũng có thể bị chảy máu cam nữa. Hãy thường xuyên rửa mũi và súc miệng với nước muối và tránh tiếp xúc với môi trường thuốc lá, khói bụi, rượu bia và các chất hóa học

Chứng phù chân: Hãy nằm nghiêng bên trái khi ngủ để máu được lưu thông từ chân trở về tim được dễ dàng. Đừng tự ý sử dụng thuốc lợi tiểu. Nếu bạn nghĩ về việc cắt giảm lượng muối để giảm chứng phù, hãy hỏi bác sĩ trước vì cơ thể bạn cần được cung cấp lượng muối đủ để cân bằng chất lỏng trong cơ thể

– Vấn đề về da: Các vết rạn có thể xuất hiện trên da. Hãy tìm đến dầu dừa hoặc bơ Shea giúp làm ẩm và giảm tình trạng ngứa ngáy khi da khô. Rạn da rất khó tránh khỏi và thường sẽ mờ dần theo thời gian sau khi sinh

Ngoài ra, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng da bị tối màu trên mặt, quanh vú và các đường thâm đen dưới rốn. Hãy cẩn thận với ánh nắng mặt trời và cũng đừng quá lo lắng vì tình trạng này sẽ được cải thiện sau sinh.

(Theo Familydoctor – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út em shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment