Những bệnh truyền nhiễm khi mang thai cần lưu ý

Út Em chào các mẹ. Trong cuộc đời, chúng ta tiếp xúc không ít với các loại vi rút và vi khuẩn. Đây là những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Giống như hệ thống phòng thủ, cơ thể được “trang bị” kháng thể chống lại những nguy cơ gây hại.

Nếu bạn có các kháng thể chống lại vi khuẩn hoặc vi rút, tức là bạn đã có miễn dịch và các kháng thể này giúp bạn phòng và giảm ảnh hưởng của việc tái nhiễm.

Không ai vui khi bị bệnh, đặc biệt trong thai kỳ nỗi lo lắng lại trở nên nặng nề hơn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bệnh truyền nhiễm khi mang thai để có những biện pháp phòng ngừa và khắc phục tốt nhất.

bệnh truyền nhiễm khi mang thai

Bệnh rubella

Rubella (bệnh sởi Đức) đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Nếu mẹ nhiễm rubella trong 4 tháng đầu mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực, thị lực, gây bại não và tổn thương tim ở bé.

Hiện nay, hầu hết trẻ em đều được tiêm vắc xin phòng ngừa rubella với chủng ngừa MMR tại các mốc 12-15 tháng tuổi và 4-6 tuổi.

Nếu bạn chưa miễn dịch hoặc tiếp xúc với người mắc rubella, hãy nhanh chóng thăm khám tại các chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa phụ sản, đồng thời tiến hành các xét nghiệm nhằm sớm đưa ra những hướng xử trí và theo dõi thích hợp.

Nhiễm Cytomegalovirus (CMV)

CMV là một vi rút phổ biến thuộc nhóm herpes (mụn rộp, bọng nước), có thể gây lở miệng và thủy đậu.

Chị em phụ nữ nhiễm bệnh trong quá trình mang thai có khả năng truyền bệnh sang con dẫn đến các khuyết tật về thính lực, thị lực, thậm chí mù lòa, bệnh động kinh và chậm phát triển trí tuệ.

CMV đặc biệt trở nên nghiêm trọng với bào thai nếu người mẹ trước khi mang bầu chưa từng nhiễm CMV. Ở trẻ nhỏ, nhiễm CMV cũng rất phổ biến.

Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, hãy lưu ý vài điểm sau:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước nóng, đặc biệt nếu bạn thường xuyên thay tã hoặc làm việc trong nhà trẻ hay tại cơ sở y tế
  • Đừng hôn lên mặt trẻ, nếu muốn hãy ôm hoặc hôn lên đầu
  • Không ăn uống chung, dùng chung chén đũa muỗng … với trẻ.

Những khuyến cáo này đặc biệt quan trọng nếu môi trường làm việc của bạn tiếp xúc với trẻ nhỏ. Trong trường hợp này, bạn nên thử máu để xem mình đã nhiễm CMV trước đó chưa.

Bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs)

Bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) là vấn đề sức khỏe thường gặp và vi khuẩn gây STIs phổ biến nhất là chlamydia. Do không có triệu chứng cụ thể hoặc chủ quan nên bạn cũng không biết mình đã nhiễm bệnh.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra nhiều nguy cơ cho thai kỳ và kể cả sau  sinh. Các biến chứng nguy hiểm bao gồm sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và bệnh lý về mắt ở trẻ sơ sinh.

Nếu nghi ngờ bản thân và chồng nhiễm STIs, hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ làm xét nghiệm và có phương pháp điều trị thích hợp.

Viêm gan B

Viêm gan B (HBV – Hepatitis B virus) là một dạng bệnh gan do virus viêm gan siêu vi B gây ra, truyền nhiễm theo đường máu, đường từ mẹ sang con và đường tình dục.

Bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới gan và gây thiệt hại nặng nề cho các tế bào gan. Đây là một căn bệnh phổ biến gây tử vong cao trên toàn thế giới.

Nhiều người nhiễm viêm gan B có thể không có dấu hiệu đau yếu nhưng thực tế lại là người chứa các mầm bệnh lây truyền cho người khác.

Đặc biệt mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B lây sang con là con đường chủ yếu. Tất cả phụ nữ mang thai đều có thể kiểm tra máu để phát hiện vi rút viêm gan B trong lịch trình chăm sóc tiền sản.

Những bé có nguy cơ nên tiêm vắc xin viêm gan B khi sinh ra để tránh lây nhiễm dẫn tới các bệnh về gan trong cuộc sống về sau. Sự chủng ngừa khi sinh có tác dụng 90-95% phòng cho trẻ phát triển lây nhiễm viêm gan B trong dài hạn. Liều đầu tiên được tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh. Hai liều tiếp theo được tiêm khi trẻ được 1 và 2 tháng tuổi, một chủng nhắc lại khi bé được 12 tháng tuổi.

Với mẹ nhiễm viêm gan B, thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Khi được 12 tháng tuổi, bé có thể được kiểm tra xem có nhiễm viêm gan B không. Nếu nhiễm bệnh, hãy gặp bác sỹ để được theo dõi thường xuyên.

Viêm gan C

Viêm gan C là bệnh viêm gan do siêu vi viêm gan C gây ra. Nhiều người bị viêm gan C không có triệu chứng và nhận thức được mình nhiễm bệnh.

Vi rút viêm gan C chủ yếu lây nhiễm trực tiếp qua đường máu người bệnh. Ở những người sử dụng ma túy, đó có thể là kết quả của việc dùng chung bơm kim tiêm.

Có nhiều nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan C như qua đường quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh, hoặc trong quá trình điều trị nha khoa và chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia có vi rút này phổ biến, trong khi sự kiểm soát y tế lại vô cùng hạn chế.

Bệnh Herpes

Nhiễm herpes có thể rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Các con đường truyền nhiễm herpes bao gồm quan hệ tình dục với người mắc bệnh hoặc quan hệ đường miệng với người bị herpes môi.

Sự lây nhiễm ban đầu có thể gây rộp da hoặc các vết loét trên bộ phận sinh dục. Điều trị sẽ đạt hiệu quả cao nếu trường hợp bạn nhiễm lần đầu khi mang thai. Sẽ phức tạp hơn nếu sự nhiễm lần đầu của bạn xảy ra gần cuối thai kỳ hoặc giai đoạn lâm bồn, vì thế bác sỹ có thể chỉ định sinh mổ để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm sang em bé.

Nếu bạn hoặc chồng nhiễm herpes, hãy sử dụng bao cao su và hạn chế tối đa sinh hoạt vợ chồng trong giai đoạn này. Cần tránh quan hệ bằng miệng nếu bạn hoặc chồng bị herpes môi hoặc herpes đường sinh dục. Hãy thăm khám nếu một trong hai bạn tái nhiễm herpes hoặc phát triển các triệu chứng nêu trên.

[adinserter block=”11″]

Thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong thời kỳ bầu bí.

Nếu nghi ngờ nhiễm thủy đậu, bạn cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn kịp thời. Phụ nữ mang thai bị bệnh thủy đậu lần đầu và chưa được tiêm ngừa trước đó sẽ nguy hiểm hơn vì dễ bị biến chứng nặng.

Đối với những phụ nữ đã bị bệnh thủy đậu hoặc đã tiêm phòng bệnh thủy đậu thì sẽ được miễn dịch với bệnh này vì trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó khi mang thai không phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân hay thai nhi.

Bạn nên đi thử máu để xác minh bạn miễn dịch hay không. Hãy tìm hiểu những biến chứng của thủy đậu có thể xảy ra cho hai mẹ con để có sự chuẩn bị tốt nhất đối phó với trường hợp nêu trên.

Bệnh Toxoplasma

Bạn có thể nhiễm Toxoplasma qua tiếp xúc với phân mèo.

Nếu bạn mang bầu, sự nhiễm bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bé, vì vậy cần lưu ý khả năng truyển nhiễm có thể gây ra do động vật.

Hầu hết phụ nữ nếu từng bị nhiễm bệnh này trước khi mang thai sẽ được miễn dịch. Nếu cảm thấy mình có nguy cơ nhiễm bệnh, hãy tìm đến các chuyên gia y tế và bác sỹ sản khoa.

Trong trường hợp bạn nhiễm bệnh lần đầu khi đang mang thai thì cũng đừng quá lo lắng. Việc điều trị sẽ không mấy khó khăn nếu như được phát hiện sớm giúp giảm thiểu hoặc chặn đứng sự lây nhiễm cho thai nhi.

Parvovirus B1 9 (Bệnh má đỏ)

Bệnh Parvovirus B19 rất phổ biến ở trẻ em và có thể gây phát ban đỏ trên mặt, nên gọi là hội chứng má đỏ. Mặc dù theo thống kê có khoảng 60% phụ nữ miễn dịch với bệnh này nhưng parvovirus vẫn có tính truyền nhiễm cao và gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Nếu bạn không may tiếp xúc với người nhiễm bệnh, hãy nói chuyện với bác sỹ để tiến hành xét nghiệm máu. Trong nhiều trường hợp, thai nhi không bị ảnh hưởng khi mẹ nhiễm bệnh này.

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)

Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn phổ biến cư trú trong ruột và ở phụ nữ được tìm thấy trong âm đạo.

Vi khuẩn này gần như vô hại ở người lớn, thường không có biểu hiện gì, song trong vài trường hợp có thể gây ra các biến chứng trong thời kỳ mang thai và gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh.

Bạn có thể tiến hành xét nghiệm và nếu cho kết quả dương tính, bác sỹ có thể chỉ định dùng kháng sinh chuyển dạ để không làm nhiễm khuẩn sang trẻ sơ sinh.

Nếu bạn bị nhiễm trùng tiết niệu do liên cầu khuẩn nhóm B trong thời kỳ mang thai thì có nguy cơ cao lây vi khuẩn này cho bé. Trong trường hợp này, bạn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh mà không cần làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B.

Trẻ sơ sinh có thể nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B trong các trường hợp:

  • Đẻ non (trước 37 tuần của thai kỳ)
  • Vỡ nước ối sớm
  • Mẹ bị sốt khi sinh
  • Mẹ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

Tùy vào tình hình thực tế, bác sỹ sẽ xác định bạn có cần tiêm kháng sinh hay không để bảo vệ em bé không bị nhiễm bệnh. Bạn cũng có thể xét nghiệm GBS sau thai kỳ và hãy luôn chủ động thăm khám bác sỹ nếu nghi ngờ mình nhiễm bệnh.

HIV và AIDS

Bạn có thể xét nghiệm HIV như một phần trong lịch trình chăm sóc sức khỏe tiền sản với kết quả được giữ kín. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra qua nhau thai, khi sinh con hoặc trong quá trình cho con bú.

Bác sỹ sẽ thảo luận việc xét nghiệm với bạn để có những tư vấn kịp thời nếu cho kết quả dương tính. Hãy trang bị kiến thức và tìm hiểu xem sẽ xử lý thế nào nếu bị nhiễm HIV.

Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, các mẹ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết mình có bị nhiễm HIV hay không.

Trường hợp nhiễm HIV sẽ được theo dõi liên tục, can thiệp đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng giảm nguy cơ lây truyền mẹ sang con.

Những bệnh truyền nhiễm từ động vật

Mèo

Phân mèo chứa toxoplasma – một vi sinh/sinh vật gây nhiễm toxoplasma. Toxoplasma có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Để giảm thiểu nguy cơ, bạn cần lưu ý:

  • Không dọn khay chứa phân mèo
  • Tránh tiếp xúc với mèo bị ốm
  • Nếu người thân trong gia đình dọn ổ mèo, phải sử dụng găng tay loại dùng 1 lần
  • Khay chứa phân mèo cần được làm sạch ngay với nước nóng ít nhất 5 phút
  • Luôn sử dụng găng tay khi làm vườn tránh trường hợp đất cát dính phân mèo
  • Rửa tay và găng tay sau khi làm vườn
  • Nếu vô tình tiếp xúc với phân mèo, hãy rửa tay thật kỹ
  • Tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh thực phẩm cơ bản – tìm hiểu cách chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn

Lợn

Các nghiên cứu đang được tiến hành để biết lợn có phải là nguồn nhiễm bệnh viêm gan E hay không.

Bệnh này rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, vì vậy bạn nên tránh tiếp xúc với lợn và phân lợn trong thời kỳ này. Hãy luôn nấu chín thực phẩm để giảm thiểu tối đa các nguy cơ nhiễm bệnh.

Cừu

Cừu và thịt cừu có thể mang vi sinh gọi là Chlamydia psittaci, được biết đến như nguyên nhân sảy thai ở cừu mẹ. Cừu cũng mang toxoplasma.

Trong thời kỳ bầu bí, bạn cần tránh đỡ đẻ hoặc vắt sữa cừu, cũng như tiếp xúc với cừu con mới sinh. Nếu có các biểu hiện cúm sau khi tiếp xúc với cừu, hãy liên hệ với bác sỹ để được tư vấn kịp thời.

(Theo NHS – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment