Út Em chào các mẹ.
Như vậy là mẹ vừa trải qua tháng thứ hai của thai kỳ rồi, chúc mừng mẹ đã bước sang tháng thứ 3.
Hôm nay chúng ta sẽ xem mẹ và em bé có điều gì thú vị nhé?
Những thay đổi cơ thể trong giai đoạn mang thai tháng thứ 3
Ở tuần 11 của thai kỳ, những cơn buồn nôn của các mẹ thường bắt đầu giảm dần. Các mẹ có thể vẫn cảm thấy choáng váng khi đứng dậy đột ngột và dịch âm đạo cũng nhiều hơn.
Lượng máu lưu thông trong cơ thể tiếp tục tăng lên. Sự thay đổi hooc-môn vẫn có thể làm nướu bị chảy máu nên cần chú ý vệ sinh răng miệng, tránh thức ăn nhiều đường và có ít nhất hai lần đi kiểm tra răng trong suốt thời gian mang thai.
Hiện tượng táo bón cũng có khả năng tồn tại, thậm chí có thể đi kèm với bệnh trĩ. Bệnh trĩ là một biểu hiện của chứng giãn tĩnh mạch xung quanh hậu môn khiến cho các mẹ cảm thấy ngứa, khó chịu và đôi khi thấy đau đớn.
Các mẹ cần ăn nhiều trái cây, rau quả và các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ để giảm nguy cơ bị táo bón hoặc trĩ.
Các mẹ bắt đầu thấy đau lưng do nghiêng ra phía sau để nâng thai nhi về đằng trước. Để giảm đau lưng, các mẹ nên giữ tư thế thoải mái, không nâng đỡ các vật nặng hoặc phải khụy đầu gối xuống, đi giày bệt và khi ngồi cần có vật hỗ trợ dựa lưng.
Các mẹ có thể còn gặp phải tình trạng chuột rút ở chân và ngón chân, đặc biệt là vào buổi tối. Những cơn đau dạng như này có thể được giảm bớt bằng việc bổ sung canxi, tập thể dục thường xuyên và liệu pháp mát-xa.
Ở tuần 12, những cơn mệt mỏi có xu hướng giảm dần và các mẹ cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn. Bụng dần to ra và nguy cơ sảy thai giảm đáng kể. Đây có thể là thời gian tuyệt vời để các mẹ khoe với đồng nghiệp hoặc bạn bè là mình chắc chắn đã có thai.
Những cơn buồn nôn có thể hoàn toàn biến mất khi các mẹ được 13 tuần thai. Tử cung vẫn đang dần to ra và có thể nhìn thấy rõ ràng hơn ở tuần này thông qua việc đã thấy bụng bầu lộ rõ. Đến tuần này, tử cung có kích cỡ như một quả bưởi.
Núm vú lại thâm hơn chút và những đường ven xanh bên trong ngực cũng hiện lên rõ ràng. Các bác sĩ có thể nghe được nhịp tim của thai nhi thông qua máy siêu âm cầm tay mini.
Sang tuần 14, các mẹ sẽ cảm thấy ít mệt mỏi hơn, người khỏe hơn và năng động hơn. Vùng quầng xung quanh núm vú trở nên thâm hơn và phát triển rộng hơn. Những thay đổi hooc-môn có thể làm cho các mẹ xuất hiện đường sọc nâu chạy dọc từ giữa bụng đến gần bộ phận sinh dục.
Thăm khám sức khỏe khi mang thai tháng thứ 3
Việc khám thai ở tháng này sẽ không bao gồm những công đoạn như tháng trước. Bác sĩ khám cho các mẹ sẽ kiểm tra những vấn đề sau đây:
- Cân nặng
- Huyết áp
- Sự phát triển của tử cung
- Nhịp tim của thai nhi
- Xét nghiệm nước tiểu
Những xét nghiệm sàng lọc ở giai đoạn mang thai tháng thứ 3
Xét nghiệm độ mờ da gáy (khoảng từ tuần 10 đến tuần 14)
Một số mẹ chẳng hạn như những mẹ trên 35 tuổi có nguy cơ mang thai con bị rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Trong những trường hợp này, thử nghiệm đo độ mờ da gáy sẽ được khuyến cáo khi thai nhi được 10-14 tuần để xem có bị hội chứng Down hay không.
Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để đo lượng chất lỏng tích tụ ở sau gáy của thai nhi. Khi thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, lượng chất lỏng đó có xu hướng tăng lên. Nếu xét nghiệm sàng lọc cho thấy thai có nguy cơ bị hội chứng Down, thai nhi sẽ được theo dõi bằng những xét nghiệm chẩn đoán như lấy mẫu lông nhung màng đệm trong ba tháng đầu của thai kỳ, thời gian lý tưởng nhất là khoảng tuần 10-12 hoặc thực hiện chọc ối sau tuần 16.
Xét nghiệm sàng lọc kết hợp ở ba tháng đầu
Việc xét nghiệm sàng lọc kết hợp ở tam cá nguyệt thứ nhất (FTS) được thực hiện từ tuần 11 đến tuần 13 và bao gồm xét nghiệm độ mờ da gáy và xét nghiệm máu (thường thực hiện trong cùng một ngày). Xét nghiệm FTS cũng là để xác định khả năng thai nhi có bị biến chứng về nhiễm sắc thể hay không, bao gồm hội chứng Down.
FTS được theo dõi bằng việc thử máu gọi là xét nghiệm alpha-fetoprotein (APF) trong khoảng tuần 16. Việc xét nghiệm này là để kiểm tra mức APF trong máu. APF là chất được sản sinh trong các mô hệ thần kinh của thai nhi. Nếu tỷ lệ protein cao có thể là dấu hiệu của thai nhi bị tật nứt đốt sống. Tuy nhiên, đó cũng có khả năng dự đoán thai kỳ sẽ kéo dài hơn thời gian bình thường hoặc các mẹ đang mang thai đôi. Mức APF thấp có thể cho thấy bé bị hội chứng Down hoặc đơn giản là thai kỳ sẽ không kéo dài như những trường hợp bình thường.
Những điều trên chỉ là xét nghiệm sàng lọc, nếu muốn biết cụ thể hơn về bất cứ biến chứng nào, có thể sẽ phải thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán về sau như chọc ối.
[adinserter block=”11″]
Sàng lọc tổng hợp trước khi sinh (tuần 11-13)
Đây là những xét nghiệm tương tự FTS sau khi đã kiểm tra AFP. Sàng lọc tổng hợp trước khi sinh là sự kết hợp của siêu âm, đo độ mờ da gáy và 2 lần thử máu để xác định những bất thường về nhiễm sắc thể hay khuyết tật ống thần kinh.
Việc siêu âm sẽ được thực hiện khoảng từ tuần 11 đến tuần 13 và xét nghiệm máu lần đầu cũng thực hiện luôn trong giai đoạn này sau khi đã siêu âm. Xét nghiệm máu lần 2 sẽ tiến hành sau ở khoảng tuần 15-20 hoặc sớm hơn càng tốt.
Cứ khoảng 4 trên 100 phụ nữ có kết quả xét nghiệm “dương tính” khi sàng lọc tổng hợp trước khi sinh. Điều đó có nghĩa là khả năng trẻ bị bất thường về nhiễm sắc thể hoặc khuyết tật ống thần kinh sẽ cao hơn bình thường. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp được chẩn đoán như vậy nhưng trẻ sinh ra vẫn bình thường. Nếu các mẹ nhận được kết quả xét nghiệm tổng hợp rồi thì vẫn có thể chọn tiến hành thêm những xét nghiệm chẩn đoán như chọc ối để xác định tình trạng thai nhi cụ thể hơn. Các mẹ nên tham khảo thêm tư vấn của những chuyên gia về gen.
Xét nghiệm chẩn đoán khi mang thai tháng thứ 3
Ở tuần 11, nếu thấy mình có dấu hiệu đặc biệt về thai nhi bị hội chứng Down hoặc bất thường về nhiễm sắc thể, các mẹ có thể đề nghị kiểm tra sinh thiết gai nhau CVS.
Trong lần khám này, một ống đàn hồi nhỏ được đưa vào thông qua cổ tử cung để vào sâu trong tử cung. Các tế bào thai nhi ở các mô mà phát triển thành nhau thai được gỡ ra và kiểm tra. CVS có ưu điểm hơn so với việc chọc ối là việc kiểm tra CVS có thể được thực hiện dễ dàng hơn nên kết quả nhận được cũng sớm hơn.
Dinh dưỡng cơ bản ở giai đoạn mang thai tháng thứ 3
Khi mang thai tháng thứ 3, các mẹ thường sẽ tăng khoảng 0,5-1 kg. Một số mẹ có thể sẽ giảm cân một chút do không ăn được tốt nhưng cũng không sao. Các mẹ nên tập trung duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn thêm khoảng 300-500 kalo mỗi ngày mà không cần ăn hơn. Tránh ăn những loại thức ăn có mức dinh dưỡng thấp nhưng lại chứa quá nhiều chất không tốt như đường, mỡ, muối có hại cho cơ thể và tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau và protein. Bổ sung vitamin và khoáng chất như đơn của bác sĩ.
Từ giai đoạn mang thai tháng thứ 3 trở đi, các mẹ sẽ bắt đầu thiết lập được chế độ ăn ổn định hơn do ít bị tác động bởi những cơn nghén, buồn nôn nặng như 2 tháng đầu tiên. Cấu trúc bữa ăn vẫn là 3 bữa chính và thêm 2-3 bữa ăn nhẹ. Bên cạnh đó cần bổ sung nhiều nước, uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày và tăng lượng sữa ít béo giàu can-xi lên 3-4 ly/ngày .
(Theo Aboutkidshealth – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)