Những bất thường về nhau thai mẹ cần phải biết

Út Em chào các mẹ.

Nhau thai đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai.

Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu nhau thai là gì?

Những vấn đề ảnh hưởng đến nhau thai và nhau thai khi sinh sẽ như thế nào nhé?

1. Nhau thai có chức năng gì?

Nhau thai là một bộ phận phát triển ở tử cung trong suốt quá trình mang thai. Nó giúp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ và loại bỏ những tạp chất thừa trong máu của bé.

Nhau thai được dính trên thành tử cung và dây rốn được hình thành liền với nhau thai để kết nối với bé. Phần lớn khi mang thai, nhau thai sẽ dính ở trên cùng hoặc bên cạnh thành tử cung.

nhau thai

2. Điều gì ảnh hưởng đến sức khỏe nhau thai

Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến nhau thai trong suốt quá trình mang bầu, một số nguyên nhân có thể điều chỉnh được nhưng một số khác thì không. Những nhân tố đó là:

  • Tuổi của bà bầu: Hiển nhiên những vấn đề liên quan đến nhau thai sẽ thường xuất hiện ở những phụ nữ mang bầu lớn tuổi hơn, đặc biệt sau tuổi 40
  • Vỡ màng ối: Trong thời gian mang thai, em bé được bao bọc và che chở bằng một cái màng có chứa đầy dung dịch lỏng gọi là túi ối. Nếu túi ối bị nứt hoặc vỡ trước khi sinh, nguy cơ gặp phải những vấn đề về nhau thai sẽ tăng lên
  • Cao huyết áp: Huyết áp cao cũng có ảnh hưởng đến nhau thai
  • Mang thai đôi hoặc nhiều hơn: Nếu mẹ bầu mang thai đôi trở lên, các mẹ có khả năng cao mắc phải những vấn đề về nhau thai
  • Sự rối loạn máu đông: Bất kỳ nhân tố nào làm chậm quá trình tan máu đông hoặc làm tăng sự đông máu đều làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về nhau thai
  • Đã từng phẫu thuật tử cung: Nếu mẹ bầu đã từng phải phẫu thuật tử cung, ví dụ sinh mổ hoặc phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung thì trường hợp này cũng làm tăng nguy cơ bị những vấn đề về nhau thai
  • Đã từng có vấn đề về nhau thai trước đó: Nếu trong lần mang thai trước bị mắc phải vấn đề về nhau thai thì mẹ bầu có khả năng cao gặp lại nó
  • Lạm dụng chất kích thích: Những vấn đề về nhau thai thường xảy ra hơn với những phụ nữ hút thuốc hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp như cocain…trong suốt quá trình mang bầu
  • Chấn thương vùng bụng: Chấn thương ảnh hưởng tới bụng như bị ngã hoặc bị đấm vào bụng…cũng làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về nhau thai

3. Những vấn đề về nhau thai thường gặp

Trong suốt quá trình mang thai, những vấn đề về nhau thai thường thấy bao gồm nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Những tình huống này có thể gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng. Sau khi sinh, hiện tượng sót nhau cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

  • Nhau bong non: Nếu nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh (tách một phần hoặc hoàn toàn) thì được gọi là hiện tượng nhau bong non. Nhau bong non có thể gây ra các mức độ chảy máu âm đạo khác nhau, gây đau và bị chuột rút. Nó cũng lấy đi oxy và chất dinh dưỡng của thai nhi. Trong trường hợp này, sinh mổ luôn là điều cần thiết
  • Nhau tiền đạo: Là trường hợp một phần hoặc toàn bộ nhau thai bao trọn cổ tử cung. Nhau tiền đạo xảy ra nhiều hơn ở giai đoạn đầu thai kỳ và có thể được xử lý khi tử cung phát triển. Nhau tiền đạo có thể gây ra tình trạng chảy máu âm đạo trước hoặc sau khi sinh. Các mẹ thường phải sinh mổ nếu nhau tiền đạo còn tồn tại cho tới thời điểm sinh
  • Nhau cài răng lược (Placenta accreta) : Hiện tượng này xảy ra khi các mạch máu của nhau thai phát triển quá sâu vào thành tử cung. Nhau cài răng lược có thể gây chảy máu âm đạo trong suốt tam cá nguyệt thứ ba và khiến mẹ bầu bị mất máu nghiêm trọng sau khi sinh. Phương pháp điều trị được yêu cầu là mổ đẻ và sau đó sẽ cắt bỏ tử cung trong ổ bụng. Hai dạng nghiêm trọng hơn của nhau cài răng lược là placenta increta – nhau thai gắn sâu hơn vào thành tử cung (so với placenta accreta) nhưng không thâm nhập vào các cơ tử cung; placenta percreta – nhau thai xuyên qua toàn bộ tử cung và gắn hẳn vào một cơ quan khác
  • Sót nhau: Nhau thai không bong hết trong vòng 30-60 phút sau khi sinh gọi là sót nhau. Hiện tượng sót nhau hoàn toàn có thể xảy ra vì nhau thai bị kẹt khi cổ tử cung đóng lại một phần hoặc vì nhau thai vẫn bám vào thành tử cung (có thể bám lỏng hoặc bám sâu). Nếu không điều trị, sót nhau có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc mất máu dẫn đến đe dọa tính mạng người mẹ

4. Dấu hiệu, triệu chứng khi có vấn đề về nhau thai

Các mẹ cần tham khảo ngay ý kiến của những người chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai nếu có những biểu hiện sau:

  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng
  • Đau lưng nghiêm trọng
  • Co thắt tử cung
  • Bị ngã, tai nạn xe hoặc chấn thương liên quan đến vùng bụng

5. Cần làm gì để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về nhau thai

Phần lớn các vấn đề về nhau thai không thể ngăn chặn trực tiếp. Tuy nhiên, các mẹ có thể làm theo các bước sau để nâng cao sức khỏe khi mang thai. Ví dụ:

  • Đi khám sức khỏe định kỳ trong suốt quá trình mang thai
  • Tham khảo ý kiến các chuyên gia để quản lý bất cứ vấn đề sức khỏe nào như cao huyết áp
  • Không hút thuốc hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp
  • Nói chuyện với bác sĩ trước khi quyết định theo đuổi hình thức sinh mổ tự nguyện

Nếu mẹ nào đã từng gặp vấn đề về nhau thai trong những lần mang thai trước đó và chuẩn bị mang thai tiếp thì hãy gặp chuyên gia sức khỏe để được tư vấn cách giảm thiểu nguy cơ mắc phải những vấn đề đó lần nữa.

Cũng cần cung cấp thêm những thông tin cho họ nếu các mẹ đã từng phẫu thuật tử cung trước đó. Chắc chắn họ sẽ theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của mẹ hơn trong suốt thời gian mang thai.

6. Nhau thai được cho ra như thế nào?

Nếu sinh thường theo đường âm đạo, nhau thai cũng được cho ra theo (được coi như giai đoạn chuyển dạ thứ ba).

Sau khi sinh, các mẹ sẽ tiếp tục có những cơn co thắt nhẹ. Các bác sĩ có thể mát-xa vùng bụng dưới để kích thích tử cung co bóp và đẩy nhau thai ra. Các mẹ có thể phải rặn nhiều hơn một lần để đẩy nhau thai ra (có kèm theo một chút máu).

Nhau thai thường được cho ra trong vòng khoảng 5 phút. Trong một số trường hợp, nó có thể kéo dài lên 30 phút. Nếu đẻ mổ, các bác sĩ và y tá sẽ lấy luôn nhau thai khỏi tử cung trong suốt quá trình mổ.

Bác sĩ sẽ kiểm tra nhau thai để chắc chắn toàn bộ nhau thai đã được cho ra. Dù bất cứ đoạn nào còn sót lại cũng phải được lấy ra khỏi tử cung để ngăn chặn việc chảy máu và nhiễm trùng.

Nếu mẹ bầu quan tâm xem nhau thai thế nào, có thể yêu cầu bác sĩ cho xem. Ở một số quốc gia, các gia đình sẽ chôn nhau thai ở một nơi đặc biệt như là sân sau nhà. Một số người phụ nữ còn có thể nấu chín và ăn nhau thai!

Nếu các mẹ còn bất cứ băn khoăn gì về nhau thai hoặc vấn đề về nhau thai trong quá trình mang thai, hãy nói với bác sĩ để họ tư vấn chuyên sâu cho các mẹ hiểu hơn về vai trò của nhau thai.

(Theo Mayoclinic – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

2 thoughts on “Những bất thường về nhau thai mẹ cần phải biết”

Leave a Comment