Mối quan hệ giữa bệnh loãng xương và muối

Loãng xương là tình trạng liên quan đến loãng xương (thoái hóa xương) khiến xương trở nên giòn và dễ gẫy hơn. 99% canxi tập trung ở xương, vì vậy lượng canxi đầy đủ là vô cùng quan trọng để duy trì hoặc đạt được khối xương đỉnh (PBM).

Hiện nay ở Anh có xấp xỉ 3 triệu người bị loãng xương, và cứ 1 trong 2 phụ nữ hoặc 1 trong 3 nam giới trên 50 tuổi đã bị gãy xương ít nhất một lần, nguyên do chủ yếu là do sức khỏe xương yếu kém.

Mỗi tháng lại có 1.150 người tử vong vì bị gãy xương hông. Chứng loãng xương tác động chủ yếu đến dân số già, với 19,8 triệu người trên 50 tuổi ở Anh. Kể từ thập niên 1960, số trường hợp bị loãng xương đã tăng lên gấp 7 lần. Mỗi năm, căn bệnh này lại tiêu tốn của Dịch vụ Y tế Quốc gia ở Anh (NHS) khoảng 2,3 tỷ bảng (gần 3 tỷ đôla).

Ai dễ bị loãng xương?

Dân số già có nguy cơ loãng xương cao hơn vì xương sẽ tự động loãng đi khi chúng ta lão hóa. Phụ nữ tiền mãn kinh đặc biệt dễ bị loãng xương vì sự suy giảm nội tiết tố nữ oestrogen. Những người tiêu thụ nhiều muối cũng sẽ đẩy mạnh tốc độ khử khoáng xương (phân giải tế bào xương) đang diễn ra.

Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng có sự tương quan giữa lượng muối tiêu thụ với sự bài tiết canxi ở các bé gái và thiếu nữ. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc này có thể làm giảm khối xương đỉnh, từ đó làm tăng nguy cơ loãng xương trong tương lai. Do vậy, việc ăn uống theo chế độ dinh dưỡng ít muối trong giai đoạn thanh thiếu niên có thể đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp giảm nguy cơ bị loãng xương về sau.

Tác động của muối

Các cuộc nghiên cứu được tiến hành từ những năm 1980 đã cho thấy mối liên hệ tiềm năng giữa lượng muối tiêu thụ và sự bài tiết canxi (Ca) trong nước tiểu.

loãng xương
Những thay đổi trong mật độ xương hông với các dạng đào thải natri qua nước tiểu khác nhau

Lượng muối tiêu thụ cao sẽ làm tăng lượng canxi bị mất theo nước tiểu (canxi niệu), trong đó có một số còn bị bài tiết trực tiếp từ xương. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi khi lượng muối tiêu thụ tăng 100mmol (milimol: đơn vị lượng chất) thì lượng canxi niệu sẽ tăng 1,4mmol. Giả sử lượng canxi mất đi này bị bài tiết trực tiếp từ xương thì nó tương ứng với 1% xương mất thêm mỗi năm. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một thời gian dài, nó có thể gây suy yếu xương và cuối cùng là làm loãng xương.

Cả nghiên cứu dịch tễ học và các thử nghiệm ngẫu nhiên đều cho thấy việc cắt giảm lượng muối tiêu thụ có thể giảm bớt sự bài tiết canxi theo nước tiểu.

Một nghiên cứu với đối tượng là phụ nữ tiền mãn kinh đã chỉ ra rằng sự mất mật độ xương hông trong hơn 2 năm có liên quan đến mức natri bài tiết qua nước tiểu (natri niệu) trong 24 giờ, và mối tương quan đó thậm chí cũng chặt chẽ như mối liên hệ của sự mất mật độ xương hông với lượng canxi tiêu thụ.

Các chuyên gia đã tính toán là việc giảm lượng muối tiêu thụ từ 10g xuống 5g/ngày cũng có tác động tương tự lên mật độ xương như việc tăng lượng tiêu thụ canxi lên 1000mg/ngày, tuy nhiên mức này rất khó đạt được nếu không dùng thêm thực phẩm bổ sung.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy rằng đối với phụ nữ tiền mãn kinh có mức tiêu thụ natri nhiều hơn hoặc bằng 3,4g/ngày (8,5g muối), việc cắt giảm lượng muối tiêu thụ có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe xương khớp của họ.

Huyết áp, loãng xương và sỏi thận

Mối liên hệ giữa lượng muối tiêu thụ, huyết áp và sự mất khoáng chất của xương.
Mối liên hệ giữa lượng muối tiêu thụ, huyết áp và sự mất khoáng chất của xương.

Lượng muối tiêu thụ liên quan mật thiết đến huyết áp, và nhiều người tin rằng bệnh nhân bị huyết áp cao thường bài tiết nhiều canxi niệu hơn, do đó mà dễ bị loãng xương và sỏi thận hơn.

Gần đây, một nghiên cứu đã chứng minh được rằng natri là yếu tố liên kết chính giữa huyết áp và chứng loãng xương. Các nhà nghiên cứu nhận thấy mật độ xương hông và xương sống (BMD) tỷ lệ nghịch với lượng natri bài tiết cao, cụ thể là lượng muối tiêu thụ càng cao thì mật độ xương hông và xương sống càng thấp.

Họ kết luận rằng sự gia tăng bài tiết canxi là yếu tố bắt buộc phải xảy ra, như kết quả của việc tăng lượng natri trong chế độ ăn uống. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng khi huyết áp tăng 20mmHg thì mức canxi niệu sẽ tăng 0,28mmol/ngày.

Lượng muối tiêu thụ hiện tại và Lời khuyên về dinh dưỡng

Hầu như tất cả người dân ở Anh (và ở các nước phương Tây khác) đều ăn quá nhiều muối. Hàm lượng muối mà người Anh được khuyên dùng hàng ngày là không quá 6g/ngày; trong khi lượng muối tiêu thụ trung bình hiện tại đã là 8,6g/ngày, chưa kể đến việc có nhiều người còn ăn nhiều hơn thế.

Những người đang bị hoặc được cho là có nguy cơ loãng xương nên đảm bảo giữ lượng tiêu thụ muối dưới mức tối đa được khuyến nghị là 6g. Bạn có thể đạt được điều này thông qua những thay đổi đơn giản, ví dụ như hạn chế thức ăn đã chế biến sẵn và kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua.

Lựa chọn các sản phẩm ít muối như sữa cũng sẽ giúp bạn duy trì mật độ xương. Ngược lại thì nước ngọt có ga hay đồ uống có caffein sẽ làm giảm mật độ xương, vậy nên bạn nên dùng chúng càng ít càng tốt. Tăng Vitamin D, Kẽm và Đồng cũng có thể góp phần cải thiện sức khỏe xương.

(Nguồn: Action on Salt, người dịch: Tống Hải Anh)

Leave a Comment