Tại sao đường gây sâu răng?

Có lẽ ngày nay ai cũng biết kiến thức căn bản là đường không tốt cho răng, nhưng trước đây thì không như vậy.

Thực ra, khi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle lần đầu phát hiện ra rằng những đồ ăn ngọt như quả sung mềm có thể gây sâu răng thì thậm chí còn chẳng có ai tin lời ông ấy.

đồ ngọt nhiều đường dễ gây sau răng

Nhưng khoa học ngày càng phát triển và giờ ta có thể chắc chắn một điều là đường gây sâu răng.

Tuy nhiên vẫn phải nói rõ là nếu chỉ có một mình đường thì chưa đủ để gây ra hiện tượng sâu răng, mà thủ phạm chính là chuỗi những sự kiện xảy ra sau đó.

Bài báo này sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về cách đường ảnh hưởng đến răng lợi của bạn cũng như cách ngăn ngừa sâu răng.

Miệng của bạn là một chiến trường

Miệng của chúng ta có rất nhiều loại vi khuẩn. Một số vi khuẩn có lợi cho sức khỏe răng miệng, số khác thì gây hại.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một nhóm vi khuẩn có hại sẽ sản sinh ra axit trong miệng chúng ta mỗi khi chúng tiếp xúc với đường và tiêu hóa nó.

Các axit này sẽ bào mòn phần khoáng chất của men răng, tức là lớp bảo vệ sáng bóng bên ngoài răng của bạn. Đó là quá trình khử khoáng.

Tin vui là nước bọt của bạn sẽ liên tục đảo ngược sự gây hại này trong một quá trình được gọi là tái khoáng hóa (bù khoáng).

Các khoáng chất trong nước bọt, ví dụ như canxi và phốt-phát, cùng với florua từ kem đánh răng và nước, sẽ giúp men răng tự phục hồi bằng cách thay thế các khoáng chất đã mất khi bị “axit tấn công.” Nhờ vào đó mà răng của bạn được củng cố.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công axit lặp đi lặp lại theo chu kỳ nên vẫn làm mất đi khoáng chất trong men răng. Sau một thời gian, nó sẽ làm suy yếu và phá hủy men răng, rồi hình thành sâu răng.

Nói một cách đơn giản thì sâu răng là tình trạng răng bị mục ruỗng và hình thành lỗ sâu. Nó là hậu quả của việc các vi khuẩn có hại tiêu hóa đường trong thức ăn và tạo ra axit.

Nếu không chữa trị, sâu răng có thể lan rộng ra các lớp sâu hơn của răng, gây đau đớn và thậm chí là rụng răng.

Các dấu hiệu sâu răng bao gồm đau răng, đau đớn khi nhai và nhạy cảm với đồ ngọt, đồ ăn và thức uống nóng hoặc lạnh.

Tóm tắt: Miệng của bạn là chiến trường của sự khử khoáng và tái khoáng hóa liên tục. Tuy nhiên, sâu răng xảy ra khi vi khuẩn trong miệng bạn tiêu hóa đường và sản sinh axit làm suy yếu men răng.

Đường thu hút vi khuẩn có hại và giảm độ pH của miệng

Đường là nam châm thu hút vi khuẩn có hại.

Hai vi khuẩn phá hoại được tìm thấy trong khoang miệng là Streptococcus mutansStreptococcus sorbrinus.

Cả hai loại vi khuẩn này đều phát triển dựa vào đường mà bạn ăn và tạo ra cao răng – phần mảng bám không màu hình thành bên trên bề mặt răng.

Nếu cao răng không được cuốn trôi ngay bằng nước bọt hay vệ sinh bằng việc chải răng thì môi trường trong miệng sẽ chua hơn và từ đó sâu răng có thể bắt đầu hình thành.

Thước đo độ pH sẽ đo độ axit hay bazơ của dung dịch với 7 là mức trung tính.

Khi độ pH của cao răng xuống thấp hơn mức bình thường, hoặc thấp hơn 5,5, axit sẽ bắt đầu hòa tan các khoáng chất và phá hủy men răng.

Trong quá trình đó, các lỗ nhỏ hoặc sự xói mòn sẽ hình thành. Sau một thời gian, chúng sẽ phát triển dần lên cho đến khi xuất hiện một lỗ sâu lớn.

Tóm tắt: Đường thu hút vi khuẩn có hại phá hủy men răng và có thể gây sâu cho những răng bị ảnh hưởng.

Các thói quen ăn uống gây sâu răng

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số thói quen ăn uống nhất định có liên quan đến sự hình thành sâu răng.

Tiêu thụ đồ ăn vặt nhiều đường

Hãy nghĩ kĩ trước khi ăn bất cứ món ăn vặt giàu đường nào. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thường xuyên dùng bánh kẹo hay đồ uống có đường sẽ dẫn đến sâu răng.

Bởi lẽ, thường xuyên tiêu thụ đồ ngọt sẽ làm tăng thời gian mà răng của bạn phải tiếp xúc với tác động hòa tan của vô số loại axit, từ đó gây sâu răng.

Một nghiên cứu gần đây với đối tượng nghiên cứu là các em học sinh đã chứng minh được là nguy cơ sâu răng của trẻ hay ăn bánh quy hay bim bim khoai tây cao gấp 4 lần những đứa trẻ không ăn các món đó.

Dùng đồ uống giàu đường và axit

Đồ uống có đường phổ biến nhất là đồ uống có ga, thức uống thể thao, nước tăng lực và nước trái cây.

Bên cạnh đường thì những loại đồ uống này còn có hàm lượng axit rất cao mà có thể gây sâu răng.

Một nghiên cứu quy mô lớn ở Phần Lan đã chứng minh rằng nếu mỗi ngày uống 1-2 thức uống có đường thì nguy cơ bị sâu răng sẽ cao hơn 31%.

Thêm vào đó, một nghiên cứu ở Úc với đối tượng là trẻ em từ 5-16 tuổi đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa số lượng đồ uống có đường được tiêu thụ với tỷ lệ mắc bệnh sâu răng.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác liên quan đến hơn 20.000 người trưởng thành còn chỉ ra rằng so với những cá nhân không tiêu thụ bất kỳ một loại nước giải khát có đường nào, thì nguy cơ rụng 1-5 chiếc răng của những người mỗi tuần chỉ uống một lần cũng vẫn cao hơn 44%.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu mỗi ngày bạn uống hơn nhiều hơn hai món đồ uống giàu đường, thì nguy cơ rụng nhiều hơn sáu chiếc răng của bạn sẽ tăng lên gần gấp ba.

May sao đã có một nghiên cứu phát hiện ra việc cắt giảm lượng đường xuống dưới 10% của lượng calo tiêu thụ hàng ngày sẽ giảm bớt nguy cơ sâu răng của bạn.

Nhâm nhi đồ uống có đường

Nếu bạn liên tục nhâm nhi đồ uống có đường suốt cả ngày thì đã đến lúc xem xét lại thói quen đó rồi đấy.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng cách bạn uống nước giải khát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ phát triển sâu răng.

Cụ thể là nếu bạn ngậm nước ngọt trong miệng suốt một thời gian dài hoặc liên tục nhâm nhi chúng thì nguy cơ hình thành sâu răng sẽ tăng cao.

Một phần lý do là vì việc này sẽ khiến răng bạn phải tiếp xúc với đường lâu hơn và tạo cơ hội cho vi khuẩn không có lợi gây hại.

Ăn thức ăn dính

“Thức ăn dính” là loại thực phẩm cung cấp các nguồn đường lâu dài, chẳng hạn như kẹo cứng, kẹo bạc hà thơm miệng và kẹo mút. Chúng cũng liên quan đến bệnh sâu răng.

Vì bạn ngậm những loại kẹo này trong miệng lâu hơn, nên đường của chúng sẽ chỉ từ từ tiết ra. Việc này vô hình trung giúp cho các vi khuẩn có hại trong miệng bạn có thêm nhiều thời gian để tiêu hóa đường và sản sinh nhiều axit hơn.

Kết quả cuối cùng là kéo dài thời gian khử khoáng và rút ngắn thời gian tái khoáng hóa.

Ngay cả thực phẩm tinh bột đã qua chế biến như bim bim khoai tây, bánh tortilla hay bánh quy giòn các vị cũng có thể sót lại trong miệng của bạn và gây sâu răng.

Tóm tắt: Các thói quen nhất định có liên quan đến sự hình thành sâu răng, bao gồm việc tiêu thụ đồ ăn vặt giàu đường, nước có chứa đường và axit, nhâm nhi nước ngọt và ăn thức ăn dính.

Mách nhỏ bạn cách phòng chống bệnh sâu răng

Nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố khác có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh sâu răng. Trong đó phải kể đến nước bọt, thói quen ăn uống, sự tiếp xúc với florua, khâu vệ sinh răng miệng và chế độ dinh dưỡng tổng thể.

Dưới đây là một số cách giúp bạn ngăn ngừa bệnh sâu răng.

Để ý các món mà bạn ăn, uống

Hãy đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu các loại thực phẩm nguyên cám, rau củ quả tươi và các sản phẩm làm từ sữa.

Nếu hàng ngày bạn vẫn tiêu thụ đồ ăn thức uống giàu đường thì hãy chuyển sang dùng chúng với bữa chính của mình, thay vì ăn riêng rẽ giữa các bữa.

Ngoài ra, hãy cân nhắc việc uống nước có chứa đường và axit bằng ống hút. Việc này sẽ giúp răng của bạn ít bị tiếp xúc với đường và axit trong nước uống hơn.

Bên cạnh đó, đừng quên thêm hoa quả và rau củ tươi sống vào bữa ăn của bạn để tăng lượng nước bọt bài tiết trong miệng.

Cuối cùng là không được để trẻ sơ sinh ngủ trong khi miệng vẫn còn ngậm bình bú đựng các loại nước ngọt, nước hoa quả hoặc sữa bột.

Cắt giảm đường

Thỉnh thoảng lắm bạn mới nên ăn thức ăn dính và đồ ngọt.

Nếu bạn vẫn muốn thưởng thức những món đó thì tốt hơn hết là hãy uống thêm nước lọc hoặc dùng nước máy có chứa florua để súc miệng và giảm bớt lượng đường dính trên bề mặt răng.

Ngoài ra, nếu bạn có uống nước có ga thì cũng chỉ nên uống vừa phải.

Khi uống đừng nhâm nhi quá lâu. Việc này sẽ khiến răng bạn bị đường và axit tấn công trong một thời gian dài.

Thay vào đó, hãy uống nước. Nó không hề chứa axit, đường hay calo.

Vệ sinh răng miệng đều đặn

Hiển nhiên là ta không thể bỏ qua yếu tố vệ sinh răng miệng.

Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày là một bước quan trọng để ngăn ngừa sâu răng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị là bất cứ khi nào có thể thì bạn nên chải răng sau ăn, và trước khi đi ngủ đánh lại lần nữa.

Bạn có thể tăng cường khâu vệ sinh răng miệng bằng cách dùng kem đánh răng có florua để bảo vệ răng tốt hơn.

Thêm vào đó, việc kích thích khoang miệng tiết ra nhiều nước bọt hơn sẽ giúp răng được bao phủ trong các khoáng chất có lợi.

Nhai kẹo cao su không đường cũng có thể ngăn sự tích tụ mảng bám và hình thành cao răng bằng cách kích thích tuyến nước bọt và tái khoáng hóa.

Cuối cùng, tốt nhất là cứ sáu tháng đi gặp bác sỹ nha khoa một lần để đảm bảo răng lợi của bạn thực sự khỏe mạnh.

Tóm tắt: Ngoài việc kiểm soát lượng đường tiêu thụ, bạn cũng nên ăn uống theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng, chăm sóc răng thật kỹ và thường xuyên đi khám nha sĩ để ngăn ngừa sâu răng.

Kết luận

Bất cứ khi nào bạn tiêu thụ đồ ăn thức uống nhiều đường thì vi khuẩn bên trong khoang miệng cũng có nhiệm vụ “xóa sổ” nó.

Tuy nhiên, trong quá trình đó chúng lại sản sinh ra axit. Axit lại phá hủy men răng, và hậu quả để lại sau một thời gian là sâu răng hình thành.

Để phòng chống, hãy hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường ở mức thấp nhất có thể – nhất là giữa các bữa ăn chính và ngay trước khi đi ngủ.

Chăm sóc răng miệng thật tốt và thực hành nếp sống lành mạnh là các cách hữu hiệu nhất để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại bệnh sâu răng.

(Nguồn: HealthLine, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment