Thông điệp chính
Những gì xảy ra trong quá trình mang thai và những năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, nhận thức và cảm xúc của trẻ trong thời thơ ấu và có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe cũng như kết quả phúc lợi sau này.
Nhìn chung, sức khỏe của trẻ em ở Anh vẫn đang tiếp tục có những tín hiệu tích cực hơn, với nhiều chỉ số về sức khỏe và kết quả phát triển cho thấy những sự cải thiện bền vững trong những năm gần đây.
Tỷ lệ phần trăm phụ nữ hút thuốc trong quá trình mang thai đã giảm theo thời gian xuống 10,8% trong năm tài chính 2017-2018.
Dữ liệu từ Bộ dữ liệu Dịch vụ Thai sản mới chỉ ra rằng có đến 21% nữ giới được xếp vào nhóm béo phì trong giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai vào tháng 12/2017.
Hút thuốc lá và bị béo phì trong khi mang thai làm tăng nguy cơ gặp phải những kết cục xấu như thai chết lưu, trẻ sinh ra bị nhẹ cân và tử vong ở trẻ sơ sinh, và là các lĩnh vực quan trọng trong chiến lược hành động vì sức khỏe cộng đồng.
Có 3,9 trẻ sơ sinh tử vong trong tổng số 1.000 trẻ sinh sống ở Anh trong giai đoạn từ 2014-2016. Trong số những trẻ sinh đủ tháng thì có 2,8% là bị nhẹ cân trong năm 2016. Cả hai chỉ số này đều cho thấy sự cải thiện trong những năm gần đây.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ cung cấp một khởi đầu đầy đủ dưỡng chất nhất cho cuộc đời của trẻ sơ sinh. Ở Anh, trong số tất cả trẻ sơ sinh thì có 74,5% là được bú mẹ như nguồn thực phẩm đầu tiên trong năm tài chính 2016-2017, nhưng tới tuần thứ 6 đến tuần thứ 8, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 44,4%.
Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên đã giảm kể từ đầu những năm 2000, nhưng việc này vẫn ẩn chứa một số rủi ro cho cả người mẹ lẫn đứa trẻ. Dữ liệu gần đây nhất đã cho thấy rằng các bà mẹ trẻ (dưới 25 tuổi) thường hút thuốc trong quá trình mang thai, và không nuôi con bằng sữa mẹ.
Đến khi bước sang 5 tuổi, đã có đến 22,6% trẻ bị thừa cân và 22,3% là bị sâu răng trong năm học 2016-2017; cả hai vấn đề này đều có thể phòng ngừa được. Ngoài ra, 29,3% trẻ ở độ tuổi này không sẵn sàng đi học, và chưa đạt được các cấp độ phát triển dự kiến. Tuy nhiên, mặc dù đã có những cải thiện bền vững trong tỷ lệ phần trăm trẻ đạt được cấp độ phát triển tốt lúc 5 tuổi, nhưng sự bất bình đẳng đáng kể giữa các nhóm dân số vẫn còn tồn tại.
Trong năm học 2016-2017, có đến 34,2% trẻ từ 10-11 tuổi ở Anh bị thừa cân hoặc béo phì, mức tăng đáng kể về mặt thống kê trong vòng 8 năm qua, con số này trong năm học 2008-2009 chỉ là 32,6%. Phân tích chuỗi thời gian cho thấy rằng tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Trẻ em sống tại các khu vực thiếu thốn hơn thường dễ bị tiếp xúc với các nguy cơ có thể tránh được trước khi sinh, phải chịu một khởi đầu kém lành mạnh hơn ngay từ lúc sinh, và phải trải qua những kết cục tồi tệ hơn vào thời điểm các em bắt đầu đi học, so với những đứa trẻ sống ở các khu vực không thiếu thốn bằng. Những sự bất bình đẳng về sức khỏe xuất hiện trong tất cả các chỉ số được biểu thị, bao gồm cả các bằng chứng mới được công bố gần đây về độ dốc xã hội trong sự phát triển ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi, trong đó đặc biệt đáng chú ý là sự bất bình đẳng mới nổi lên trong sự phát triển các kỹ năng giao tiếp.
Giới thiệu
Việc đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có được khởi đầu sống tốt nhất là hết sức quan trọng vì các lý do liên quan đến kết quả sức khỏe, và phúc lợi của trẻ em và người trẻ tuổi mà những tác động của nó vẫn kéo dài dai dẳng đến độ tuổi trưởng thành. Điều này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhân khẩu học như độ tuổi và dân tộc của người mẹ, cũng như các yếu tố kinh tế xã hội bao gồm trình độ học vấn và sự thịnh vượng kinh tế.
Tình trạng sức khỏe tổng quát của người mẹ cũng rất quan trọng, cũng như những lựa chọn liên quan đến lối sống dẫn đến việc mang thai của họ, hay những quyết định mà họ đưa ra trong quá trình thai nghén. Cần đến rất nhiều yếu tố để ta có thể đạt được khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Và chúng tôi xin phép được đề cập đến một số yếu tố có thể xuất hiện trong thời kỳ mang thai và khi trẻ còn đang ở trong giai đoạn ẵm ngửa, cùng với ảnh hưởng của những yếu tố này đối với sức khỏe trẻ sơ sinh, cách chúng thay đổi theo thời gian, cũng như cách chúng được phân bố trong dân số. Chúng tôi sẽ tập trung vào một số yếu tố có thể thay đổi từ khía cạnh sức khỏe theo cấp độ chính sách, thực hành và cá nhân. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin trong việc kiểm soát bệnh tật, bao gồm cả những bệnh trẻ em thường hay mắc phải, sẽ không được bàn đến trong bài này, song các bạn vẫn có thể tham khảo thêm thông tin ở trên mạng.
Hút thuốc là trong thời kỳ mang thai
Hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai đã được chứng minh là có liên quan đến việc làm thai nhi phát triển chậm hơn trong tử cung, và có thể khiến trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai (thai nhi chậm tăng trưởng hơn so với mức phát triển dự kiến của số tuần mang thai đó), và cân nặng lúc sinh thấp. Hút thuốc trong giai đoạn mang thai cũng làm tăng tỷ lệ thai chết lưu và nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Ở Anh, tình trạng hút thuốc thường được ghi nhận vào thời điểm sinh đẻ, và phụ nữ hút thuốc trong giai đoạn này cũng được cho là đã hút thuốc xuyên suốt thời gian họ mang thai. Tỷ lệ hút thuốc vào thời điểm sinh đẻ đã giảm trong những năm gần đây, từ 13,6% trong năm tài chính 2010-2011 xuống còn 10,8% trong năm tài chính 2017-2018 (Biểu đồ 1). Phân tích chuỗi thời gian dã dự đoán rằng nếu xu hướng này tiếp diễn thì con số kia sẽ giảm xuống còn khoảng 8,1% – 10,4% trong giai đoạn từ năm 2022-2023.
Tỷ lệ phần trăm nữ giới hút thuốc tổng thể trong thời điểm sinh nở đã làm ẩn các biến lớn trên các khu vực địa lý của đất nước cũng như mức độ thiếu thốn của những khu vực mà một số phụ nữ phải sinh sống. Trong năm tài chính 2016-2017, trên khắp các khu vực chính quyền địa phương, tỷ lệ hút thuốc vào thời điểm sinh đẻ dao động từ 2,3% đến 28,1%, và từ 7,2% ở những khu vực ít thiếu thốn nhất đến 12,2% tại các khu vực thiếu thốn nhất.
Biểu đồ 1: Xu hướng hút thuốc vào thời điểm sinh nở, Anh, năm tài chính 2010-2011 2016-2017, cùng những dự đoán cho năm tài chính 2022-2023
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
Gần đây hơn, các chuyên gia đã có thể đo được tỷ lệ phụ nữ mang thai hút thuốc trong buổi khám tiền sản đầu tiên (đặt lịch khám, thường là trước tuần mang thai thứ 13). Vấn đề này được báo cáo hàng tháng bởi Trung tâm Thông tin Chăm sóc Sức khỏe và Xã hội (NHS Digital) dựa vào Bộ dữ liệu Dịch vụ Thai sản (MSDS) dưới dạng thống kê thực nghiệm. Trong số những phụ nữ đặt lịch khám trong tháng 12/2017, có 12% được ghi nhận là đang hút thuốc.
Các phân tích chi tiết hơn của MSDS đã tiết lộ rằng trong số những người hẹn khám thai trong năm 2016, thì trong 5 phụ nữ là lại có nhiều hơn một người (28%) dưới 25 tuổi hút thuốc vào thời điểm có lịch khám. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc vào thời điểm hẹn khám thai ở những khu vực thiếu thốn nhất của Anh cao hơn gấp 5 lần so với các khu vực ít thiếu thốn nhất (lần lượt là 20% và 4%). Phụ nữ da trắng và phụ nữ đa sắc tộc (mixed ethnicity) thường hút thuốc nhiều hơn phụ nữ từ các nhóm dân tộc khác,
Buổi hẹn khám tiền sản đầu tiên sẽ tạo ra cơ hội can thiệp vào giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai này, cung cấp biện pháp giám sát lượng carbon monoxide cùng thông tin về thai kỳ lành mạnh, cũng như lời khuyên ngắn gọn súc tích và lộ trình giới thiệu các dịch vụ cai thuốc lá.
Mang thai ở tuổi vị thành niên
Việc mang thai sớm tiềm ẩn một số nguy cơ cho cả người mẹ lẫn đứa trẻ. Trẻ khi sinh sẽ dễ bị nhẹ cân hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn. Do trách nhiệm nuôi dạy con cái, nên các bà mẹ trẻ thường ít có khả năng hoàn thành chương trình học của chính mình, và từ đó có nguy cơ bị thiệt thòi về mặt kinh tế bởi những khó khăn thất bại khi đi tìm việc làm. Những người mẹ trẻ cũng hay hút thuốc trong thời kỳ mang thai hơn là các bà mẹ lớn tuổi hơn.
Biểu đồ 2 cho thấy rằng tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên (nữ giới chưa đến 18 tuổi) đã giảm từ 34,2/1.000 trong năm 2000 xuống còn 18,8/1.000 vào năm 2016. Mức giảm này là thành quả của chiến lược mang thai ở tuổi vị thành niên dựa vào bằng chứng dài hạn, được phân phối với nỗ lực chung của chính quyền địa phương và các đối tác y tế của họ. Phân tích chuỗi thời gian đã chỉ ra rằng nếu xu hướng này tiếp diễn thì tỷ lệ nữ giới mang thai khi chưa đủ 18 tuổi sẽ giảm xuống khoảng 8,0-14,2/1.000 đến năm 2023. (Biểu đồ 2)
Biểu đồ 2: Xu hướng trong tỷ lệ mang thai dưới 18 tuổi, Anh, 1998-2016, dự đoạn cho năm 2023
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
Vào năm 2016, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại chính quyền địa phương dao động từ 4,6/1.000 đến 36,5/1.000, và sự bất bình đẳng theo mức độ thiếu thốn dao động từ 9,2/1.000 tại các khu vực ít thiếu thốn nhất đến 24,9/1000 ở những khu vực thiếu thốn nhất (Biểu đồ 3). Tình trạng mang thai khi chưa đầy 18 tuổi thường phổ biến hơn ở những khu vực thiếu thốn hơn.
Biểu đồ 3: Tỷ lệ mang thai dưới 18 tuổi theo thập phân vị mức độ thiếu thốn*
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
*thập phân vị mức độ thiếu thốn dựa vào các nhóm chính quyền quận và chính quyền đơn nhất ở Anh
Trẻ sinh ra bị nhẹ cân
Trẻ sinh đủ tháng bị nhẹ cân là một công cụ đo lường y tế công cộng quan trọng vì nó cho biết liệu đứa trẻ có phát triển đúng như kỳ vọng ở trong tử cung hay không. Việc chỉ quan tâm đến những trẻ sinh đủ tháng cho phép kết quả thai kỳ được xem xét, còn nếu tập trung vào nhóm trẻ sinh non hay sinh trước kỳ thì chắc chắn là nhóm này sẽ thống trị hết các số liệu thống kê.
Trẻ sinh ra bị nhẹ cân có thể là do dân tộc của người mẹ, do hút thuốc trong quá trình mang thai, do người mẹ vẫn còn ít tuổi và do một số biến chứng y tế chẳng hạn như tiểu đường và cao huyết áp ở người mẹ (phổ biến hơn ở những bà mẹ lớn tuổi hơn).
Trẻ sinh ra bị nhẹ cân là một dấu hiệu quan trọng dọc theo quỹ đạo phát triển của trẻ sơ sinh; nó chỉ ra sự gia tăng nguy cơ gặp phải các kết cục sức khỏe kém từ lúc sinh trở đi. Tỷ lệ phần trăm trẻ sinh đúng kỳ có mức cân nặng thấp ở Anh đã giảm nhẹ từ 3,1% trong năm 2005 xuống còn 2,8% vào năm 2016 (Biểu đồ 4).
Biểu đồ 4: Xu hướng tỷ lệ phần trăm trẻ sinh đủ tháng bị nhẹ cân, Anh, 2005-2016
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
Ở cấp độ chính quyền địa phương, tỷ lệ trẻ sinh đủ tháng bị nhẹ cân dao động từ 1,3% đến 5,2% vào năm 2016. Bên cạnh đó cũng tồn tại những sự bất bình đẳng lớn trong tình trạng thiếu thốn, các giá trị dao động từ 2,0% tại những khu vực ít thiếu thốn nhất đến 3,9% ở các khu vực thiếu thốn trầm trọng nhất trong giai đoạn từ năm 2014-2016 (xem biểu đồ 5). Các bạn có thể tìm thêm thông tin trên mạng về những xu hướng gần đây trong sự bất bình đẳng ở trẻ sinh ra bị nhẹ cân.
Biểu đồ 5: tỷ lệ phần trăm trẻ sinh đủ tháng bị nhẹ cân theo thập phân vị mức độ thiếu thốn*, Anh, 2014-2016
Nguồn: Phân tích Sức khỏe Công cộng Anh dựa vào dữ liệu sinh và dữ liệu dân số từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cùng Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015 (Ban Cộng đồng và Chính quyền Địa phương)
*thập phân vị mức độ thiếu thốn được dựa vào các nhóm khu vực xuất siêu thấp hơn ở Anh (Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015)
Nuôi con bằng sữa mẹ
Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cung cấp một khởi đầu sống đầy đủ dưỡng chất nhất cho trẻ, bảo vệ các em khỏi nhiễm trùng và cung cấp những lợi ích sức khỏe quan trọng cho người mẹ. Lời khuyên của chính phủ là trẻ sơ sinh nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời. Sau giai đoạn này, trẻ có thể được làm quen với các loại thực phẩm khác.
Một tiền thân quan trọng của việc cho con bú là tiếp xúc da kề da; việc này giúp thiết lập mối quan hệ nuôi dưỡng giữa mẹ và bé. Dữ liệu được công bố bởi Trung tâm Thông tin Chăm sóc Sức khỏe và Xã hội dựa vào MSDS về các dịch vụ thai sản được cung cấp ở Anh trong tháng 12/2017 đã cho thấy rằng trong số các bà mẹ sinh con trong tuần 37 hoặc muộn hơn, có 80% là tiếp xúc da kề da với em bé trong vòng một giờ sau khi sinh. Dữ liệu này cũng chỉ ra rằng 75% trẻ em được bú sữa mẹ hoặc nhận được nguồn sữa của những người đang cho con bú khác như thực phẩm đầu tiên, đó là bước khởi đầu của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nhiều bà mẹ cảm thấy rất khó để có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ. Dữ liệu từ năm tài chính 2016-2017 chỉ ra rằng từ 6-8 tuần tuổi, tỷ lệ cho trẻ sơ sinh bú hoàn toàn hoặc một phần bằng sữa mẹ (khi trẻ đã được làm quen với sữa công thức) chỉ có 44,4%. Khi được xem xét ở cấp chính quyền địa phương, người ta đã nhận thấy một sự thay đổi rất lớn, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ cao nhất trong giai đoạn từ 6-8 tuần tuổi là 75,6%, nhiều hơn gần 4 lần so với tỷ lệ thấp nhất là 19,3%.
Cuộc khảo sát Nuôi dưỡng Trẻ sơ sinh cũng cung cấp thêm thông tin về việc nuôi trẻ sơ sinh, và nó cho thấy rằng năm 2010 ở Anh, các bà mẹ trẻ dưới 25 tuổi, các bà mẹ da trắng và những người mẹ sống ở các khu vực thiếu thốn thường có tỷ lệ cho con bú thấp.
Tử vong ở trẻ sơ sinh
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bao gồm tất cả các trường hợp tử vong trong năm đầu tiên của cuộc đời. Phần lớn trong số này là các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên, và nguyên nhân chính có liên quan đến việc sinh non và sinh trước kỳ, theo sau đó là do dị tật bẩm sinh.
Ở Anh, số lượng trẻ sơ sinh tử vong là khá ít và thường có sự thay đổi đáng kể từ năm này qua năm khác. Kết quả là, dữ liệu liên quan đến lĩnh vực này thường được xem xét trên cơ sở trung bình 3 năm. Tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 5,4/1.000 trẻ sinh sống trong năm 2001-2003 xuống còn 3,9 trong giai đoạn từ 2014-2016 (Biểu đồ 6). Tuy nhiên, không hề có sự thuyên giảm nào giữa hai giai đoạn gần đây nhất.
Tỷ suất này cũng biến động trên khắp cả nước, trong giai đoạn từ năm 2014-2016, tỷ suất cao nhất là 7,9/1.000 trẻ sinh sống tại các khu vực thuộc cấp chính quyền địa phương, nhiều hơn gần 5 lần so với tỷ suất thấp nhất là 1,6.
Biểu đồ 6: Xu hướng trong tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh, Anh, 2001-2003 2014-2016
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
Những sự bất bình đẳng theo mức độ thiếu thốn cũng cực kỳ lớn. Tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh dao động từ 2,8/1.000 trẻ sống tại những khu vực ít thiếu thốn nhất cho đến 5,9/1.000 trẻ sống tại các khu vực thiếu thốn trầm trọng nhất từ năm 2014-2016 (Biểu đồ 7). Bạn đọc có thể tìm thêm thông tin về những xu hướng gần đây trong sự bất bình đẳng về tử suất trẻ sơ sinh.
Biểu đồ 7: Tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh theo thập phân vị mức độ thiếu thốn*, Anh, 2014-2016
Nguồn: Phân tích Sức khỏe Công cộng Anh dựa vào dữ liệu sinh và dữ liệu dân số từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cùng Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015 (Ban Cộng đồng và Chính quyền Địa phương)
*thập phân vị mức độ thiếu thốn được dựa vào các nhóm khu vực xuất siêu thấp hơn ở Anh (Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015)
Tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh thường cao hơn ở những khu vực thiếu thốn. Tình trạng hút thuốc trong khi mang thai và tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành cũng cao hơn tại những khu vực này. Thêm vào đó cũng có bằng chứng chỉ ra rằng hút thuốc trong thời kỳ mang thai không chỉ gây hại cho sự phát triển của thai nhi, mà còn làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, và rằng việc hút thuốc, cùng các yếu tố di truyền khác, có thể có mối quan hệ nhân quả với những trường hợp tử vong do dị tật bẩm sinh.
Béo phì ở trẻ nhỏ
Chương trình Sức khỏe Trẻ em cung cấp cơ hội cho các điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà đánh giá sự phát triển lành mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở Anh, chiều cao và cân nặng của trẻ em (Năm nhập học và Năm 6) được đo tại các môi trường trường học (và chỉ số khối cơ thể [BMI] được tính toán thông qua Chương trình Đo lường Trẻ em Quốc gia (NCMP)). Trong năm đi học 2016-2017, có đến 22,6% trẻ từ 4-5 tuổi (trẻ ở độ tuổi đi học) là bị thừa cân hoặc béo phì. Mức độ này không thay đổi nhiều trong những năm gần đây, và mặc dù nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hết sức phức tạp, nhưng không phải tất cả trẻ em đều có một chế độ dinh dưỡng hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất ở những mức độ phản ánh được các khuyến nghị của quốc gia.
Trẻ em dễ bị béo phì hơn nếu mẹ của chúng bị béo phì trong các giai đoạn đầu của thai kỳ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy sự gia tăng nguy cơ gặp phải những kết cục xấu như thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh khi người mẹ có tỷ lệ béo phì cao hơn trong thời kỳ mang thai.
Tình trạng phụ nữ mang thai bị béo phì trong buổi hẹn khám tiền sản đầu tiên (đặt lịch khám, thường là trước tuần thai thứ 13) được báo cáo hàng tháng bởi Trung tâm Thông tin Chăm sóc Sức khỏe và Xã hội dựa vào Bộ dữ liệu Dịch vụ Thai sản (MSDS) dưới dạng thống kê thực nghiệm. Trong số những phụ nữ mang thai hẹn khám vào tháng 12/2017, có 21% được ghi nhận là bị béo phì.
Tỷ lệ dư cân (thừa cân hoặc béo phì) ở trẻ từ 4-5 tuổi cũng khác nhau rất nhiều giữa các chính quyền địa phương, dao động từ 15,0% đến 28,2% trong năm học 2016-2017. Giống như bao chỉ số khác liên quan đến sức khỏe của trẻ em, những đứa trẻ phải sống tại các khu vực thiếu thốn hơn của đất nước cũng dễ gặp phải những kết cục xấu hơn. Trong năm học 2016-2017, tỷ lệ thừa cân ở trẻ từ 4-5 tuổi dao động từ 17,3% tại các khu vực ít thiếu thốn nhất đến 26,8% ở những khu vực thiếu thốn trầm trọng nhất (Biểu đồ 8).
Biểu đồ 8: Tỷ lệ dư thừa cân ở trẻ từ 4-5 tuổi theo thập phân vị mức độ thiếu thốn*, Anh, năm học 2016-2017
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
*thập phân vị mức độ thiếu thốn được dựa vào các nhóm khu vực xuất siêu thấp hơn ở Anh (Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015)
Các dữ liệu liên kết đã chỉ ra rằng trẻ bị thừa cân hoặc béo phì ở độ tuổi nhập học (4-5 tuổi) cũng dễ bị thừa cân hoặc béo phì hơn khi bước sang Năm 6 (từ 10-11 tuổi), và rồi cũng có nhiều nguy cơ tiếp tục bị thừa cân và béo phì hơn khi đã trưởng thành.
Trong năm học 2016-2017, có đến 34,2% trẻ từ 10-11 tuổi ở Anh là bị thừa cân hoặc béo phì; đây là mức tăng đáng kể về mặt thống kê trong vòng 8 năm qua, từ 32,6% trong năm học 2008-2009 (Biểu đồ 9). Phân tích chuỗi thời gian đã cho thấy rằng tỷ lệ phần trăm này có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới (Biểu đồ 9).
Biểu đồ 9: Xu hướng trong tỷ lệ thừa cân ở trẻ từ 10-11 tuổi, Anh, năm học 2008-2009 đến 2016-2017, dự báo cho năm học 2022-2023
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
Sự khác nhau trong tỷ lệ thừa cân (thừa cân hoặc béo phì) ở nhóm trẻ từ 10-11 tuổi giữa các chính quyền địa phương là rất lớn, nó dao động từ 25,3% đến 43,9% trong năm học 2016-2017. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng thay đổi theo mức độ thiếu thốn. Trẻ ở độ tuổi từ 10-11 có tỷ lệ thừa cân dao động từ 24,2% tại những vùng ít thiếu thốn nhất cho đến 40,9% ở những vùng thiếu thốn trầm trọng nhất (Biểu đồ 10).
Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin trên mạng về các xu hướng trong sự bất bình đẳng về tỷ lệ thừa cân ở trẻ nhỏ và sự bất bình đẳng theo các nhóm dân tộc.
Biểu đồ 10: Tỷ lệ thừa cân ở trẻ em từ 10-11 tuổi theo thập phân vị mức độ thiếu thốn*, Anh, năm học 2016-2017
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
*thập phân vị mức độ thiếu thốn được dựa vào các nhóm khu vực xuất siêu thấp hơn ở Anh (Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015)
Như chúng tôi đã đề cập, tình trạng béo phì trong suốt quá trình sống sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, bao gồm việc góp phần làm tăng tỷ lệ bị béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng như hầu hết các bệnh ung thư và từ đó cũng làm tăng nguy cơ chết yểu.
Sức khỏe răng miệng
Những lời khuyên về sức khỏe để có sức khỏe răng miệng tốt hiện tại bao gồm đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluoride 2 lần/ngày, đi khám nha sĩ khi chiếc răng đầu tiên của trẻ bắt đầu nhú lên, và ăn theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với việc hạn chế các loại đồ ăn nhẹ cũng như đồ uống giàu đường. Fluoride hóa nguồn nước (bổ sung fluoride cho nguồn nước) cũng là một cách hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe răng miệng, và việc giảm thiểu sự bất bình đẳng cũng được khuyến nghị như một biện pháp can thiệp ở mức độ dân số.
Mặc dù phương pháp tiếp cận rộng rãi này đã được tiến hành, nhưng tình trạng sức khỏe răng miệng ở một số nhóm trẻ em vẫn rất tệ hại, với nguyên nhân nhập viện chính ở trẻ từ 5-9 tuổi là để nhổ răng theo kỹ thuật gây mê toàn thân. Dữ liệu từ khảo sát sức khỏe răng miệng ở trẻ từ 5-9 tuổi trong năm học 2016-2017 đã cho thấy rằng có đến 76,7% trẻ không bị sâu răng, điều này cũng đồng nghĩa với việc 23,3% còn lại, hay trong 4 trẻ lại có gần 1 trẻ, mắc bệnh sâu răng có thể phòng ngừa được.
Một lần nữa, tồn tại sự khác biệt lớn trên các khu vực thuộc cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ trẻ 5 tuổi không bị sâu răng dao động từ 52,9% đến 87,1% trong năm học 2016-2017. Tại một số khu vực cấp chính quyền địa phương, có đến một nửa số trẻ em 5 tuổi là bị sâu răng trong khi bệnh này có thể dễ dàng được phòng ngừa. Ở một số khu vực thiếu thốn nhất của Anh, có 63,7% trẻ 5 tuổi không bị sâu răng, và con số này ở những khu vực ít thiếu thốn nhất tăng lên 87,5% (Biểu đồ 11).
Biểu đồ 11: Tỷ lệ phần trăm trẻ 5 tuổi không bị sâu răng theo thập phân vị mức độ thiếu thốn*, Anh, năm học 2016-2017
Nguồn: Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng
*thập phân vị mức độ thiếu thốn được dựa vào các nhóm khu vực xuất siêu thấp hơn ở Anh (Chỉ số Mức độ Thiếu thốn năm 2015)
Khả năng sẵn sàng đi học
Sự sẵn sàng đi học là một dấu mốc quan trọng trên quỹ đạo của cuộc sống. Được đo bằng cách áp dụng hồ sơ giai đoạn nền tảng những năm đầu đời (EYFSP) cho trẻ em tại môi trường trường học vào cuối năm nhập học (từ 4-5 tuổi). Nó tạo ra một chỉ số kết quả dựa vào quá trình đánh giá toàn diện sự phát triển về thể chất, hành vi, nhận thức và xã hội của trẻ. Yếu tố này còn cung cấp cho ta thông tin về kết quả của một thai kỳ cũng như của giai đoạn trứng nước và giai đoạn sơ sinh lành mạnh, bao gồm tính hiệu quả của các dịch vụ được cung cấp trong những năm đầu và cơ hội can thiệp sớm.
Khả năng sẵn sàng đi học cũng có thể được coi là một yếu tố quyết định xã hội của sức khỏe mà ở đó, sự phát triển tốt hơn trong giai đoạn đầu này có thể cải thiện khả năng một đứa trẻ tận dụng tối đa cơ hội học hỏi của chúng, đạt điểm số cao hơn và có triển vọng việc làm sáng lạn hơn. Những yếu tố này sau đó được liên kết với sự thịnh vượng kinh tế và các kết quả sức khỏe tích cực hơn trong thời gian dài. Các bạn có thể tham khảo dữ liệu về sự sẵn sàng đi học, bao gồm cả các xu hướng cũng như sự bất bình đẳng, cùng thông tin bổ sung về các yếu tố quyết định của sức khỏe khác trên mạng.
Kết quả phát triển của trẻ ở cuối năm nhập học sẽ thay đổi theo giới tính của đứa trẻ, thời điểm chính xác chúng ra đời trong năm học (hãy lưu ý rằng một số trẻ trong năm nhập học/năm tiếp nhận có thể lớn hơn các bạn đồng trang lứa hẳn 1 tuổi vào thời điểm biện pháp đánh giá này được tiến hành) và liệu tiếng Anh có phải ngôn ngữ đầu tiên của trẻ hay không. Quỹ đạo phát triển của trẻ trong những năm đầu đời giờ được giám sát chi tiết hơn với sự góp mặt của một chỉ số tạm thời cho biết kết quả phát triển của trẻ từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi. Chỉ số này sử dụng kết quả từ đánh giá của các điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà được thực hiện ở độ tuổi này từ Bảng câu hỏi Độ tuổi và Giai đoạn (ASQ-3TM).
Phương pháp đánh giá ASQ-3TM, bao gồm sự phát triển các kỹ năng vận động thô và kỹ năng vận động tinh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như kỹ năng cá nhân – xã hội, ít nhạy cảm với độ tuổi của trẻ hơn vì có sẵn các bảng câu hỏi dành cho trẻ thuộc nhóm 24, 27 và 30 tháng tuổi. Các kết quả ban đầu và một nghiên cứu về tính khả thi của việc áp dụng những chỉ số này vào Khuôn khổ Kết quả Y tế Công cộng cho thấy sự thay đổi tương tự đối với giới tính của trẻ như hồ sơ giai đoạn nền tảng những năm đầu đời (EYFSP). Nó cũng chỉ ra rằng các kết quả phát triển được phân phối về mặt xã hội (biến động theo mức độ thiếu thốn) và rằng sự phân phối này là đáng chú ý nhất trong sự phát triển các kỹ năng giao tiếp.
Những biện pháp đo lường này tự thân đã là các chỉ số kết quả; chúng là các biện pháp đo lường lợi ích phát sinh từ các dịch vụ trong những năm đầu đời cũng như từ việc can thiệp cực sớm trong sức khỏe của trẻ, tạo ra mối gắn kết chặt chẽ giữa cha mẹ và đứa trẻ, quản lý bước chuyển đổi sang giai đoạn làm cha làm mẹ và khuyến khích một môi trường học tập tại nhà phong phú. Bên cạnh đó, những chỉ số này có thể được đặt vào sự phát triển liên tục của trẻ trong những năm đầu đời, như một cột mốc quan trọng, nhằm cung cấp nền tảng cùng cơ sở vững chãi để trẻ phát triển hơn nữa, ví dụ như phát triển cả khả năng sẵn sàng đi học (sử dụng hồ sơ giai đoạn nền tảng những năm đầu đời (EYFSP) vào cuối giai đoạn nhập học/giai đọan tiếp nhận) và các thành tựu giáo dục liên tục.
Thông tin bổ sung
Cơ quan Y tế Công cộng Anh muốn tăng tỷ lệ trẻ 2 tuổi sẵn sàng tiếp nhận/học hỏi và trẻ 5 tuối sẵn sàng đến trường. Nguồn tài liệu Các vấn đề sức khỏe: Tạo ra khởi đầu sống tốt nhất cho mọi đứa trẻ dành cho các chuyên gia y tế và chính quyền địa phương sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa về việc đầu tư vào các dịch vụ trong những năm đầu đời từ khi mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Thông tin bổ sung về sức khỏe trẻ em trong những năm đầu đời cũng như về các yếu tố quyết định sức khỏe khác có thể được tìm thấy trong Hồ sơ Sức khỏe Mẹ và Bé. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm các xu hướng trong sự bất bình đẳng ở sức khỏe của trẻ em trên mạng.
(Theo Health profile for England: 2018 – người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)