10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (tính trên toàn cầu)

Trong số 56,9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2016, có hơn một nửa (54%) xảy ra bởi 10 nguyên nhân hàng đầu.

Bệnh tim do thiếu máu cục bộ (Ischaemic heart disase) và đột quỵ (stroke) là hai “kẻ sát nhân” đáng sợ nhất thế giới khi đã cướp đi sinh mạng của 15,2 triệu người vào năm 2016.

Suốt 15 năm, chúng vẫn luôn là hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Đã có 3 triệu người chết vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic obstructive pulmonary disase) trong năm 2016, trong khi đó thì ung thư phổi / lung cancer (cùng với ung thư khí quản và ung thư phế quản) đã khiến 1,7 triệu người thiệt mạng.

Bệnh tiểu đường (diabetes) làm chết 1,6 triệu người vào năm 2016, tăng cao so với mức chưa đến 1 triệu người trong năm 2000.

Số ca tử vong do sa sút trí tuệ (dementias) trong năm 2016 nhiều hơn gấp đôi so với năm 2000, khiến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ năm trong năm 2016, tăng hẳn 9 bậc so với khi chỉ đứng ở vị trí thứ 14 vào năm 2000.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (Lower respiratory infections) vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, khiến 3 triệu người chết trên toàn thế giới vào năm 2016.

Tỷ lệ tử vong vì bệnh tiêu chảy (diarrhoeal) đã giảm gần 1 triệu người từ năm 2000-2016, nhưng nó vẫn cướp đi sinh mạng của 1,4 triệu người trong năm 2016.

Tương tự, số ca tử vong vì lao phổi (tuberculosis) đã giảm trong cùng thời kỳ, nhưng căn bệnh này vẫn nằm trong danh sách tốp 10 khi làm 1,3 triệu người chết.

HIV/AIDS không còn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nữa; số người chết vì căn bệnh này trong năm 2016 là 1 triệu, giảm tương đối nhiều so với con số 1,5 triệu của năm 2000.

Tai nạn giao thông (road injuries) đã khiến 1,4 triệu người thiệt mạng vào năm 2016, trong đó khoảng 3/4 (74%) là đàn ông trưởng thành và nam giới trẻ tuổi.

10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Nguồn: Ước tính sức khỏe toàn cầu 2016: Tử vong do các nguyên nhân, độ tuổi, giới tính, quốc gia và khu vực, 2000-2016. Geneva, Tổ chức Y tế Thế giới, 2018.

10 nguyên nhân tử vong hàng đầu năm 2000

Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu theo nhóm thu nhập kinh tế

Hơn một nửa số ca tử vong tại các nước có thu nhập thấp trong năm 2016 xảy ra là bởi các điều kiện “Nhóm I,” bao gồm các bệnh truyền nhiễm, bệnh từ người mẹ, những điều kiện phát sinh trong quá trinh mang thai cũng như sinh nở, và thiếu dinh dưỡng. Ngược lại, trong tổng số ca tử vong ở những quốc gia có thu nhập cao thì có chưa đến 7% là do các điều kiện kể trên. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với tất cả các nhóm thu nhập.

Các bệnh không truyền nhiễm (Noncommunicable diseases/NCDs) chiếm tới 71% số ca tử vong toàn cầu, chênh lệch từ 37% ở các quốc gia thu nhập thấp đến 88% tại các nước thu nhập cao. Trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước thu nhập cao thì đã có đến 9 nguyên nhân bắt nguồn từ các bệnh không truyền nhiễm.

Tuy nhiên, nếu xét về số ca tử vong tuyệt đối thì 78% cái chết do bệnh không truyền nhiễm lại xảy ra ở các quốc có thu nhập thấp và trung bình.

Các vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 4,9 triệu người trong năm 2016. Hơn 1/4 (29%) trong số đó là do tai nạn giao thông. Các quốc gia với nguồn thu nhập thấp có tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ cao nhất với 29,4 ca tử vong/100.000 dân – trong khi tỷ lệ toàn cầu là 18,8. Tai nạn giao thông cũng nằm trong danh sách 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình thấp, và trung bình cao.

Nguồn: Ước tính sức khỏe toàn cầu 2016: Tử vong do các nguyên nhân, độ tuổi, giới tính, quốc gia và khu vực, 2000-2016.

10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước thu nhập thấp

10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước thu nhập trung bình thấp

10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước thu nhập trung bình cao

10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước có thu nhập cao

Vì sao chúng ta cần biết nguyên nhân khiến nhiều người tử vong?

Tính toán số lượng người chết mỗi năm và lý do khiến họ tử vong là một trong những biện pháp quan trọng nhất – cùng với việc xác định tầm ảnh hưởng của bệnh tật và thương tích đối với mọi người – giúp đánh giá tính hiệu quả trong hệ thống y tế của một quốc gia.

Số liệu thống kê về nguyên nhân gây tử vong giúp các cơ quan y tế xác định trọng tâm hành động vì sức khỏe cộng đồng của họ. Ví dụ như một quốc gia có số ca tử vong vì bệnh tim và tiểu đường tăng nhanh trong vài năm sẽ hướng sự quan tâm mạnh mẽ của họ vào việc phát động một chương trình khuyến khích những lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa những căn bệnh này. Tương tự, nếu một đất nước thừa nhận rằng nhiều trẻ em đang chết dần chết mòn vì viêm phổi, nhưng chỉ một phần ngân sách nhỏ được dành ra để cung cấp phương pháp điều trị hiệu quả, họ có thể tăng mức chi tiêu cho lĩnh vực này.

Các quốc gia với mức thu nhập cao hiện nay có nhiều hệ thống được đặt ở đúng chỗ để thu thập thông tin về những nguyên nhân dẫn đến tử vong. Rất nhiều nước với mức thu nhập thấp và trung bình không có những hệ thống như vậy, và họ phải ước tính số ca tử vong vì các nguyên nhân cụ thể từ những nguồn dữ liệu không đầy đủ. Những cải tiến trong việc tạo ra dữ liệu chất lượng cao về nguyên nhân gây tử vong là rất quan trọng và cần thiết cho việc cải thiện sức khỏe, cũng như giảm thiểu những cái chết có thể phòng tránh được tại các quốc gia này.

(Theo WHO, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment