Thức ăn rắn trong giai đoạn ăn dặm của con bạn

Bạn nên bắt đầu đưa thức ăn rắn vào trong chế độ ăn uống của con bạn – đôi khi còn gọi là ăn dặm hoặc ăn bổ sung – khi bé được khoảng 6 tháng tuổi.

cho bé ăn dặm

Bé ăn được bao nhiêu không quan trọng bằng việc giúp bé bắt đầu làm quen với khái niệm ăn uống. Cơ thể các bé vẫn hấp thu phần lớn dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ sơ sinh.

Bắt đầu cho bé ăn dặm vào thời điểm phù hợp với cả hai mẹ con. Bạn có thể dần dần tăng lượng thức ăn cũng như tăng độ đa dạng thực phẩm cho đến khi bé có thể ăn được một lượng nhỏ cùng loại thức ăn với cả nhà.

Thời điểm nên bắt đầu cho con ăn dặm

Trẻ sơ sinh lấy phần lớn dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến khi các bé được khoảng 6 tháng tuổi.

Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, cho bé ăn sữa mẹ hoàn toàn đến khoảng 6 tháng tuổi sẽ giúp bảo vệ con bạn chống lại bệnh tật và các bệnh lây nhiễm. Sữa mẹ sẽ tiếp tục bảo vệ các bé chừng nào các mẹ vẫn cho con ăn sữa mẹ.

Hãy đợi đến khi con bạn sẵn sàng ăn thức ăn rắn, tức là các bé sẽ nhanh chóng có thể tự ăn và có thể dễ dàng nuốt thức ăn hơn.

Bạn có thể băn khoăn, không rõ liệu con mình đã sẵn sàng ăn thức ăn rắn chưa khi các bé:

  • Gặm nắm tay
  • Tỉnh giấc giữa đêm dù trước đây bé vẫn ngủ một mạch
  • Đòi ăn thêm sữa

Nhưng đây cũng là những hành vi bình thường với nhiều bé và không nhất thiết là dấu hiệu bé đang đói hoặc đã sẵn sàng để ăn dặm.

Cho bé ăn thức ăn rắn cũng sẽ không làm bé dễ ngủ xuyên đêm hơn. Thường thì cho bé ăn thêm sữa là đủ cho đến khi bé sẵn sàng ăn dặm.

Trẻ sơ sinh và dị ứng thực phẩm

Đa dạng thực phẩm trong chế độ ăn của bé thực sự quan trọng, nhưng cũng có khả năng bé có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm.

Bạn cần phải giới thiệu từng ít một các loại thực phẩm này cho bé – và trước khi bé được 6 tháng tuổi, không cho bé ăn:

  • Sữa bò
  • Trứng
  • Thực phẩm chứa gluten, bao gồm lúa mỳ, đại mạch, hoặc lúa mạch đen
  • Thực phẩm chứa quả hạch hoặc hạt (không nên cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn cả quả hạch vì có nguy cơ bị nghẹn)
  • Cá và động vật có vỏ

Chưa có bằng chứng cho thấy dị ứng thực phẩm sẽ tự hết khi trẻ lớn hơn.

Một khi con bạn đã sẵn sàng để ăn dặm, hãy cho bé ăn một ít các loại thực phẩm trên và quan sát thật cẩn thận xem có triệu chứng của phản ứng dị ứng không?

Nếu con bạn đã có dị ứng từ trước – ví dụ như được chẩn đoán dị ứng thực phẩm hoặc bị eczema, hoặc gia đình bạn có tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc bị eczema, hen suyễn (asthma) hoặc sốt mùa hè (hay fever) – có thể bạn sẽ cần đặc biệt cẩn thận khi cho bé ăn lạc và các sản phẩm từ củ lạc.

Trước tiên hãy trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên viên thăm khám sức khỏe. Nhớ là, giống như mọi loại quả hạch, bạn cần phải nghiền hoặc giã củ lạc rồi mới sử dụng.

Tìm hiểu thêm về dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ tuổi tập đi.

Làm thế nào để bắt đầu giới thiệu thức ăn rắn cho bé

Lúc đầu cố đừng bận tâm về con bạn ăn được bao nhiêu. Sẽ có những ngày bé ăn được nhiều và những ngày bé ăn ít, và có những ngày bé hoàn toàn không chịu ăn một chút nào.

Đừng để tình trạng đó trì hoãn bạn cho bé ăn dặm. Mọi bé đều khác nhau, một số bé học cách chấp nhận thức ăn và kết cấu thức ăn mới nhanh hơn những bé khác.

Để bé có một khởi đầu suôn sẻ với thức ăn rắn:

  • Hãy để con thích thú hoạt động sờ nắm thức ăn
  • Hãy để con tự bốc ăn, ngay khi các con tỏ vẻ thích thú
  • Có thể sẽ mất một khoảng thời gian để con bạn chấp nhận thức ăn mới – cứ cố gắng vì có thể sẽ phải nỗ lực nhiều
  • Đừng ép con ăn – nếu bữa này con không thích ăn thì đợi đến bữa sau lại cho ăn
  • Nếu bạn dùng thìa bón cho con thì đợi con mở miệng trước rồi bạn mới đút thìa – bé cũng có thể thích tự cầm thìa
  • Để con ăn theo tốc độ của bé
  • Bắt đầu bằng việc cho con ăn chỉ vài miếng hoặc vài thìa canh thức ăn, ăn một lần một ngày
  • Làm nguội thức ăn nóng và thử độ nóng trước khi cho con ăn
  • Không cho đường hoặc muối (kể cả stock cubes – viên nấu súp) vào thức ăn hoặc nước nấu ăn của bé – xem nên tránh cho bé ăn những thức ăn nào tại liên kết này.
  • Luôn ở cạnh khi bé ăn đề phòng bé bị nghẹn.

Những thực phẩm nên cho bé ăn

Bé từ 0 đến 6 tháng tuổi

Con bạn chỉ cần sữa mẹ hoặc sữa công thức sơ sinh là đủ.

Sữa công thức “Follow-on” không thích hợp cho bé dưới 6 tháng tuổi và sau 6 tháng tuổi cũng không cần cho bé ăn loại sữa này.

Trao đổi với chuyên viên thăm khám sức khỏe hoặc bác sĩ chuyên môn trước tiên nếu bạn định giới thiệu thức ăn rắn cho bé trước khi bé được 6 tháng tuổi.

Vitamins cho trẻ sơ sinh

Trẻ từ sơ sinh đến 1 tuổi được khuyến nghị bổ sung 8,5 đến 10 microgram (µg) vitamin D hàng ngày, dù người mẹ có uống thuốc bổ chứa vitamin D hay không.

Trẻ sơ sinh ăn sữa công thức không cần bổ sung vitamin D nếu đã ăn tối thiểu 500ml (khoảng 1 pint) sữa công thức trong một ngày. Nguyên nhân vì sữa công thức đã được tăng cường bổ sung vitamin D.

Bé từ 6 tháng tuổi

Những món ăn đầu tiên

Những món ăn đầu tiên của bé có thể gồm có rau củ trái cây nghiền nhuyễn hoặc nấu mềm – như là củ cải vàng, khoai tây, khoai mỡ, khoai lang, cà rốt, táo hoặc lê – đều để nguội rồi mới ăn.

Trái cây mềm, như là đào hoặc dưa vàng, hoặc cơm dành cho bé hoặc ngũ cốc dành cho bé trộn với sữa bình thường của bé uống cũng hợp lý.

Vẫn cho bé ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức, nhưng không cho bé uống sữa bò, sữa dê hoặc sữa cừu nguyên kem(*) trước khi bé được 1 tuổi.

(*) sữa nguyên kem (whole milk) là loại sữa không bổ sung hay bớt đi chất nào – chú thích của biên tập viên.

Một số bé thích bắt đầu ăn với các món nghiền. Những bé khác cần nhiều thời gian hơn để quen với các dạng kết cấu thức ăn mới vì vậy lúc đầu có thể thích ăn những loại thức ăn mịn hoặc đã xay nhuyễn bằng thìa.

Để giúp con bạn quen với nhiều loại hương vị và kết cấu thức ăn, hãy cố chuyển sang các kết cấu rắn hơn từ ăn bột sang ăn thức ăn nghiền ngay khi bé đã ăn được bột.

Cứ cho bé ăn các loại thực phẩm khác nhau, kể cá các món bé từ chối ăn trước đó. Có thể phải có gắng nhiều lần thì con bạn mới chấp nhận loại thức ăn hoặc kết cấu thức ăn mới.

Thức ăn có kích cỡ nhỏ để bé bốc ăn

Ngay khi con bạn bắt đầu ăn thức ăn rắn, bạn có thể khuyến khích bé ăn bốc các thức ăn cắt nhỏ như vậy bé có thể luyện tập tự ăn.

Bắt đầu cho bé ăn bốc các loại thức ăn cỡ dễ nát trong miệng trẻ và đủ dài để bé cầm được. Thử cho bé ăn những miếng chuối chín hoặc miếng bơ vừa nắm tay của bé. Những miếng cỡ ngón tay của mẹ cũng được.

Luôn ở cạnh khi bé ăn đề phòng bé bị nghẹn.

Những thức ăn tiếp theo

Một khi con bạn đã quen với những thực phẩm ở trên, có thể cho bé ăn thịt nấu chín mềm như là thịt gà, cá nghiền (đảm bảo đã lọc bỏ hết xương), mỳ ống, mỳ, bánh mỳ nướng, bánh chapatti (bánh mỳ không men), đậu lăng, cơm và trứng luộc kỹ dầm nhỏ.

Cốc

Cho bé dùng cốc từ khi khoảng 6 tháng tuổi và cho bé uống vài ngụm nước cùng với bữa ăn. Cốc mở nắp hoặc không van sẽ giúp bé học cách uống ngụm và tốt cho răng hơn.

Xem thêm bài viết về cốc dành cho trẻ sơ sinh và trẻ tập đi.

Vitamins dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ từ sơ sinh đến 1 tuổi được khuyến nghị bổ sung 8,5 đến 10 microgram (µg) vitamin D hàng ngày.

Mọi trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi cũng được khuyến nghị nên thuốc uống bổ sung vitamin hàng ngày chứa vitamin A (233µg) và vitamin C (20mg).

Trẻ sơ sinh ăn sữa công thức không cần bổ sung vitamin nếu đã ăn tối thiểu 500ml (khoảng 1 pint) sữa công thức trong một ngày. Nguyên nhân vì sữa công thức đã được tăng cường bổ sung các vitamin.

Bé từ 8 đến 9 tháng tuổi

Con bạn sẽ dần chuyển sang ăn ba bữa một ngày. Các bữa ăn này sẽ ăn lẫn thức ăn mềm cỡ ngón tay và thức ăn cắt miếng hoặc nghiền.

Chế độ ăn của bé nên đa dạng:

Bé từ 12 tháng tuổi

Giờ con bạn sẽ đang ăn ba bữa một ngày – cắt nhỏ thức ăn nếu cần – cộng với sữa mẹ hoặc sữa bò nguyên kem và các món ăn nhẹ lành mạnh như là trái cây, rau củ thái miếng dài, bánh mỳ nướng hai mặt và bánh gạo.

Giờ các bé có thể uống sữa bò nguyên kem. Bạn hãy chọn các chế phẩm từ sữa nguyên kem – trẻ dưới 2 tuổi cần thêm vitamin và chất béo. Từ 2 tuổi, nếu các bé ăn được và tăng trưởng tốt, bạn có thể cho con uống sữa bán gầy. Từ 5 tuổi, cho các bé uống sữa gầy hoặc có 1% chất béo là hợp lý.

Sữa gì, cho con uống khi nào?

Trong khoảng 6 tháng đầu đời bạn chỉ nên cho con ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.

Sữa công thức cho trẻ sơ sinh làm từ sữa bò hoặc sữa dê chỉ thích hợp thay thế sữa mẹ trong 12 tháng đầu đời của bé.

Chỉ sử dụng sữa công thức nguồn gốc từ đậu nành nếu bác sĩ chuyên môn khuyến nghị bạn.

Có sẵn sữa theo các giai đoạn tuổi (follow-on milk) của bé dành cho bé từ 6 tháng trở lên, nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy những loại sữa này có bất kỳ tác dụng nào nhiều hơn và con bạn không cần sử dụng chúng.

Sữa bò tươi nguyên kem có thể dùng làm đồ uống cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

Khi con bạn được 2 tuổi, bạn có thể bắt đầu cho bé uống sữa bán gầy, miễn là bé ăn uống tốt và ăn uống đa dạng.

Sữa gầy và sữa 1% chất béo không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ dưới 5 tuổi.

Sữa công thức cho trẻ sơ sinh, sữa công thức cho trẻ sau 6 tháng tuổi (follow-on formula) hay sữa tăng trưởng chiều cao (growing-up) không cần thiết một khi con bạn được 1 tuổi.

Không dùng sữa dê và sữa cừu làm thức uống cho trẻ dưới 1 tuổi.

Bạn có thể cho con uống các chế phẩm thay thế sữa không đường có tăng cường bổ sung canxi, ví dụ như các thức uống làm từ đậu nành, thành một phần trong chế độ ăn uống cân đối của bé từ 1 tuổi.

Không nên cho trẻ tuổi tập đi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sử dụng các loại thức uống làm từ gạo vì nồng độ arsen cao trong những loại nước này.

Nếu con bạn bị dị ứng hoặc mắc phải chứng không dung nạp sữa động vật, hãy trao đổi với chuyên viên thăm khám sức khỏe hoặc bác sĩ chuyên môn. Họ có thể tư vấn cho bạn về các thực phẩm thay thế phù hợp.

(Theo: NHS, UK – người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment