Vai trò của vitamin D với sức khỏe

Thiếu hụt vitamin D: Vấn nạn toàn cầu

Nếu bạn đang sống ở phía bắc của ranh giới nối San Francisco với Philadelphia và Athens với Bắc Kinh (Beijing), thì rất có thể bạn không được nhận đủ vitamin D.

khu vực đường xích đạo người dân dễ có vitamin D hơn

Đường nối tưởng tượng giữa Athens và Bắc Kinh, phân chia nguy cơ thiếu vitamin D. Khu vực nằm giữa đường xích đạo và đường nối Athens và Bắc Kinh có ít nguy cơ thiếu vitamin D hơn vì ánh nắng mặt trời ở đây nhiều hơn (Việt Nam nằm trong khoảng này) – chú thích của biên tập viên.

Sự thiếu hụt vitamin D cũng xảy ra khi bạn không ra ngoài trời và đi dạo dưới ánh nắng ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Người Mỹ gốc Phi, người có làn da sẫm màu khác, cũng như người cao tuổi, và những người bị thừa cân hoặc béo phì thường có hàm lượng vitamin D thấp hơn rất nhiều.

Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 1 tỷ người trong máu không có đủ vitamin D, và sự thiếu hụt này có thể xảy đến với tất cả mọi sắc tộc và nhóm tuổi. Thật vậy, bác sỹ ở các quốc gia công nghiệp hóa lại đang phải chứng kiến bệnh còi xương tiếp tục hoành hành, sau khi chứng bệnh làm suy yếu xương này đã được bài trừ phần lớn thông qua biện pháp tăng cường vitamin D.

Vì sao sự thiếu hụt vitamin D phổ biến này lại trở thành vấn nạn lớn như vậy? Bởi các nghiên cứu được tiến hành trong suốt một thập kỷ qua đã chỉ ra rằng vai trò phòng chống bệnh tật của vitamin D còn rộng lớn và quan trọng hơn ta tưởng.

Tình trạng “thiếu D” có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như chứng loãng xương, các bệnh về tim, một số bệnh ung thư, bệnh đa xơ cứng, cùng các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao và thậm chí là cảm cúm theo mùa.

Hiện tại, đã có những cuộc tranh luận khoa học về việc mọi người nên tiêu thụ bao nhiều vitamin D mỗi ngày. Viện Y học đã công bố một báo cáo được công chúng trông đợi từ lâu vào ngày 30/11/2010, và trong báo cáo này họ đề xuất tăng gấp ba lần lượng vitamin D tiêu thụ cho trẻ em và người trưởng thành ở Mỹ và Canada lên 600 IU/ngày.

Báo cáo này cũng công nhận sự an toàn của vitamin D bằng cách tăng mức giới hạn trên từ 2.000 IU lên 4.000 IU/ngày, và khẳng định rằng không có bằng chứng nào chỉ ra sự nguy hại của vitamin D ngay cả khi dùng ở mức 4.000 IU/ngày.

Tuy nhiên, các hướng dẫn mới lại dè dặt quá mức về hàm lượng tiêu thụ được khuyến nghị và không mấy chú trọng đến một số nghiên cứu khoa học mới nhất về vitamin D và sức khỏe. Để cải thiện sức khỏe xương và ngăn ngừa các bệnh mãn tính, rất nhiều người có thể sẽ cần bổ sung nhiều vitamin D hơn mức khuyến nghị trong những hướng dẫn mới của chính phủ.

Nguồn cung cấp và chức năng của vitamin D

Vitamin vừa là một dưỡng chất mà chúng ta ăn, lại vừa là một hormone mà cơ thể ta sản sinh. Có khá ít thực phẩm bẩm sinh đã giàu sẵn vitamin D, nên nguồn vitamin D lớn nhất đến từ các loại thực phẩm được tăng cường và thực phẩm bổ sung vitamin. Những nguồn tốt bao gồm các sản phẩm làm từ sữa và ngũ cốc ăn sáng (cả hai đều được tăng cường vitamin D), và cá mỡ như cá hồi và cá ngừ.

Với đa số mọi người, cách tốt nhất để nhận đủ vitamin D là dùng thực phẩm bổ sung, nhưng hàm lượng của nó trong hầu hết các loại vitamin tổng hợp lại quá thấp (400 IU). Nhưng rất may là một số nhà sản xuất đã bắt đầu cho thêm 800 hoặc 1.000 IU vitamin D vào các chế phẩm vitamin tổng hợp tiêu chuẩn của họ. Nếu loại vitamin tổng hợp bạn dùng không chứa 1.000 IU vitamin D, bạn có thể sẽ muốn dùng riêng một loại thực phẩm bổ sung vitamin D khác đấy, nhất là nếu bạn không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời. Để chắc chắn thì hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nhé!

Có hai dạng vitamin D được dùng trong thực phẩm bổ sung: vitamin D2 (ergocalciferol, hay tiền vitamin D) và vitamin D3 (cholecalciferol). Về mặt hóa học thì vitamin D3 không thể được phân biệt rõ ràng so với dạng vitamin D do cơ thể sản sinh.

Cơ thể cũng tự tạo ra vitamin D từ cholesterol, thông qua một quá trình được kích hoạt bởi hoạt động của ánh sáng Mặt trời trên làn da, do đó nó mới được gọi là “vitamin ánh nắng.” Tuy nhiên, có một số người không tạo ra đủ vitamin D từ Mặt trời, đó là những người có làn da sẫm màu, những người thừa cân, người cao tuổi, và những người che kín mít khi trời nắng.

Thoa kem chống nắng đúng cách sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D hơn 90%. Và không phải ánh sáng Mặt trời nào cũng được tạo ra như nhau: Tia cực tím B (UVB), hay còn gọi là tia “rám nắng” mà thúc đẩy da sản sinh ra vitamin D, sẽ mạnh hơn ở gần đường xích đạo và yếu hơn ở các vĩ độ cao hơn. Do đó, trong mùa thu và mùa đông, những người sống ở các vĩ độ cao hơn (giả dụ như ở miền Bắc nước Mỹ và châu Âu) không tạo ra nhiều và thậm chí là không thể tạo chút vitamin D nào từ Mặt trời.

Vitamin D giúp đảm bảo cho cơ thể của chúng ta hấp thụ cũng như duy trì canxi và phốtpho để xây dựng xương chắc khỏe. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng vitamin D có thể làm suy giảm sự phát triển của tế bào ung thư và đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng. Rất nhiều bộ phận và mô của cơ thể có thụ thể cho vitamin D, và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục khơi gợi những chức năng tiềm ẩn khác của nó.

Nghiên cứu mới về vitamin D: Không chỉ giúp xây dựng xương

Một số lĩnh vực nghiên cứu vitamin D hứa hẹn không chỉ tập trung vào vai trò của loại vitamin này trong việc xây dựng xương. Và, đúng như bạn mong đợi, cứ sau mỗi một nghiên cứu liên hệ vitamin D với các chứng bệnh mới là lại có hàng loạt báo cáo được đưa ra. Song, những báo cáo này có thể gây hoang mang vì một số nghiên cứu lại vững vàng hơn các nghiên cứu khác, và bất kỳ báo cáo nào cũng cần được lý giải dựa vào sự cân nhắc tất cả các bằng chứng khác. Nhiều câu trả lời có thể bắt nguồn từ các cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên, chẳng hạn như thử nghiệm VITamin D và Omega-3 (VITAL) với sự tham gia của hơn 20.000 nam giới và nữ giới nhằm trả lời câu hỏi liệu việc cung cấp 2.000 IU vitamin D/ngày hoặc 1.000mg dầu cá mỗi ngày có làm giảm được nguy cơ bị ung thư, các bệnh về tim và đột quỵ hay không.

Còn ở đây, chúng tôi cung cấp một cái nhìn tổng quan về các lĩnh vực nghiên cứu vitamin D đầy hứa hẹn hơn, làm nổi bật vai trò phức tạp của vitamin D trong việc phòng ngừa bệnh tật, và trả lời những câu hỏi mà đến giờ vẫn chưa có lời đáp.

Vitamin D với sức khỏe xương và cơ bắp

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa hàm lượng vitamin D thấp và khả năng làm tăng nguy cơ bị gãy xương ở người lớn tuổi, và các nghiên cứu này cũng gợi ý rằng việc bổ sung vitamin D theo liều lượng cao có thể ngăn ngừa những trường hợp gãy xương như vậy.

Một bản tóm tắt các bằng chứng đã được đúc kết từ một phân tích kết hợp của 12 thử nghiệm phòng ngừa gãy xương với đối tượng là hơn 40.000 người cao tuổi, phần lớn trong số đó là phụ nữ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng vitamin D tiêu thụ cao từ thực phẩm bổ sung (khoảng 800 IU/ngày) có thể giảm bớt nguy cơ gãy xương hông và xương ngoài cột sống xuống 20%, trong khi lượng tiêu thụ thấp hơn (400 IU/ngày) lại không mang đến bất cứ lợi ích ngăn ngừa gãy xương nào.

Vitamin D cũng có thể làm tăng sức mạnh cơ bắp, nhờ vậy mà ngăn ngừa té ngã, một vấn đề phổ biến dẫn đến tàn tật và tử vong đáng kể ở người cao tuổi. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng liều lượng vitamin D là rất quan trọng: Một phân tích kết hợp của nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung 700-1.000 IU vitamin D/ngày có thể làm giảm nguy cơ té ngã xuống 19%, nhưng chỉ cung cấp 200-600 IU/ngày thì không đem lại khả năng phòng ngừa như vậy.

Một thử nghiệm gần đây đã thu hút được cánh báo giới bởi phát hiện bất ngờ của nó về việc liều lượng vitamin D rất cao có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hoặc té ngã ở phụ nữ lớn tuổi. Liều lượng của thử nghiệm này (500.000 IU trong loại thuốc được uống một lần/năm) cao hơn rất nhiều so với lần thử nghiệm trước đó trong một phác đồ thường niên. Sau 5 năm điều trị, phụ nữ trong nhóm vitamin D có nguy cơ bị té ngã cao hơn 15% và nguy cơ bị gãy xương cao hơn 26% so với những người chỉ dùng giả dược trấn an (placebo).

Rất có thể việc gộp vitamin D thành một liều lớn, thay vì chia đều nó thành nhiều liều lượng cho cả năm, đã làm tăng nguy cơ đó. Các tác giả của nghiên cứu cũng lưu ý rằng chỉ có duy nhất một nghiên cứu khác, cũng với phác đồ điều trị liều cao một lần một năm, phát hiện thấy vitamin D có thể làm tăng nguy cơ gãy xương; ngoài ra thì không có nghiên cứu nào khác chỉ ra rằng vitamin có thể làm tăng nguy cơ té ngã. Ngoài ra, cũng đã có những bằng chứng thuyết phục chứng minh được là liều lượng vitamin tiêu thụ vừa phải hàng ngày hoặc hàng tuần không những có thể ngăn ngừa gãy xương và té ngã, mà còn rất an toàn.

Vậy ý nghĩa của nghiên cứu này với những người muốn sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D là gì? Kết luận hợp lý nhất là hãy tiếp tục dùng vitamin D đều đặn và theo liều lượng vừa phải, vì dù vitamin D từ trước đến nay vẫn được chứng minh là an toàn, nhưng bạn cũng không nên bổ sung liều lượng quá cao chỉ trong đúng một lần sử dụng. Phát hiện gần đây này đã đưa ra thách thức với các nhà khoa học, những người sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu lý do vì sao một liều đơn với hàm lượng cực lớn lại có những tác dụng phụ như vậy.

Vitamin D và bệnh tim

Về cơ bản thì trái tim là một cơ lớn, và giống cơ xương, nó cũng có thụ thể cho vitamin D. Vậy nên có lẽ cũng không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu lại chỉ ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D với các bệnh về tim.

Cuộc nghiên cứu chuyên gia y tế đã kiểm tra lượng vitamin D trong máu ở gần 50.000 nam giới khỏe mạnh, sau đó theo dõi họ trong 10 năm. Họ phát hiện ra rằng nam giới thiếu vitamin D có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi những người có đủ vitamin D trong cơ thể.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng hàm lượng vitamin D thấp có liên quan để khả năng làm tăng nguy cơ bị suy tim, đột tử do tim, đột quỵ, các bệnh tim mạch nói chung, và tử vong vì bệnh tim mạch.

Chính xác thì vitamin D giúp ngăn ngừa bệnh tim như thế nào?

Đã có bằng chứng chỉ ra rằng vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa tổn thương động mạch, và đó có thể là lý do giúp lý giải những phát hiện này. Song, vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi chúng ta có thể thực sự tin vào những lợi ích này.

Vitamin D và ung thư

Gần 30 năm trước, các nhà nghiên cứu đã để ý đến mối quan hệ gây tò mò giữa các ca tử vong do ung thư kết trực tràng và vị trí địa lí:

Những người sống ở vĩ độ cao hơn, ví dụ như ở miền Bắc nước Mỹ, có nguy cơ tử vong vì ung thư kết trực tràng cao hơn những người sống gần xích đạo.

Nhiều giả thuyết khoa học về vitamin D và bệnh tật đã phát triển từ các nghiên cứu so sánh bức xạ Mặt trời và tỷ lệ mắc bệnh ở các quốc gia khác nhau. Đây có thể là điểm khởi đầu thuận lợi cho các nghiên cứu khác, nhưng lại chưa cung cấp được những thông tin mạch lạc nhất. Tia cực tím B (UVB) của Mặt trời yếu hơn ở các vĩ độ cao hơn, và vì thế mà lượng vitamin D của những người sống tại các vĩ độ này cũng thường thấp hơn. Điều này dẫn đến giả thuyết cho rằng hàm lượng vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư kết trực tràng.

Kể từ đó, hàng chục nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa nồng độ vitamin D thấp và nguy cơ bị ung thư trực tràng và các bệnh ung thư khác cao. Bệnh ung thư kết trực tràng có các bằng chứng vững chãi nhất, với việc đa số (nhưng không phải tất cả) nghiên cứu quan sát phát hiện thấy ra rằng hàm lượng vitamin D càng thấp thì nguy cơ mắc các bệnh này càng cao. Hàm lượng vitamin D cũng có thể dự đoán tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân ung thư, nhưng bằng chứng cho việc này vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, việc phát hiện ra những mối tương quan như thế không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc dùng nhiều thực phẩm bổ sung vitamin D sẽ giảm bớt nguy cơ ung thư.

Thử nghiệm VITAL sẽ xem xét cụ thể để xem liệu các loại thực phẩm bổ sung vitamin D có giảm được nguy cơ bị ung thư hay không. Nhưng sẽ mất đến nhiều năm trước khi có được kết quả. Nó cũng có thể thất bại trong việc xác định lợi ích thật sự của vitamin D vì các lý do sau:

Nếu những người tham gia nghiên cứu trong nhóm dùng giả dược trấn an quyết định tự dùng thực phẩm bổ sung vitamin D, việc đó có thể giảm những điểm khác biệt giữa nhóm dùng giả dược và nhóm dùng thực phẩm bổ sung; có thể cuộc nghiên cứu chưa theo dõi những người tham gia đủ lâu để chỉ ra lợi ích ngăn ngừa ung thư; hoặc cũng do những người tham gia nghiên cứu bắt đầu dùng thực phẩm bổ sung quá muộn để có thể giảm được nguy cơ ung thư.

Trong khi đó, dựa vào các bằng chứng hiện tại, 16 nhà khoa học đã lan truyền “một lời kêu gọi hành động” vì vitamin D và lợi ích phòng ngừa ung thư: Với tỷ lệ thiếu hụt vitamin D cao ở Bắc Mỹ, cùng những bằng chứng thuyết phục chứng minh khả năng giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương cũng như lợi ích chống lại ung thư tiềm năng và rủi ro thấp của thực phẩm bổ sung vitamin D, nên họ đề nghị sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D ở mức 2.000 IU/ngày.

Vitamin D và chức năng miễn dịch

Vai trò của vitamin D trong việc điều hòa hệ miễn dịch đã dẫn dắt các nhà khoa học khám phá ra hai con đường nghiên cứu song song:

  1. Liệu sự thiếu hụt vitamin D có góp phần vào sự phát triển của bệnh đa xơ cứng, tiểu đường tuýp 1, và các bệnh “tự miễn” khác – tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các bộ phận và mô của chính nó – không?
  2. Và liệu thực phẩm bổ sung vitamin D có thể giúp tăng cường khả năng phòng thủ của cơ thể để chống lại các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh lao phổi và cảm cúm theo mùa không? Đây là lĩnh vực nghiên cứu nóng và sẽ có nhiều phát hiện mới được công bố.

Vitamin D và bệnh đa xơ cứng: Tỷ lệ đa xơ cứng ở tận cùng phía Bắc (hoặc tận cùng phía Nam) của đường xích đạo cao hơn nhiều ở những vùng nhiều nắng, và các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng sự thiếu hụt vitamin D mãn tính có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một nghiên cứu tiền cứu đã xem xét khả năng này và phát hiện ra rằng trong số những người da trắng (cả nam và nữ), những người với hàm lượng vitamin D cao nhất có ít nguy cơ bị đa xơ cứng hơn những người có hàm lượng vitamin D thấp nhất là 62%. Nghiên cứu không tìm ra ảnh hưởng này giữa nam giới và nữ giới da màu, có lẽ là bởi họ ít khi tham gia nghiên cứu và đa số có hàm lượng vitanin D khá thấp, nên rất khó để tìm ra mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh đa xơ cứng ở nhóm người này.

Vitamin D và tiểu đường tuýp 1: Tiểu đường tuýp 1 cũng là một căn bệnh phần nào bị tác động bởi tác nhân địa lý – một đứa trẻ ở Phần Lan dễ bị tiểu đường tuýp 1 hơn một đứa trẻ ở Venezuela 400 lần. Các bằng chứng cho thấy vitamin D có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tiểu đường tuýp 1 bắt nguồn từ một nghiên cứu 30 năm tuổi mà đã theo dõi 10.000 đứa trẻ Phần Lan từ khi sinh ra: Những trẻ thường xuyên được bổ sung vitamin D trong thời kỳ phôi thai có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 1 thấp hơn những trẻ không được cung cấp vitamin D những 90%. Những nghiên cứu đối chứng khác ở châu Âu, khi được phân tích kết hợp, cũng cho thấy rằng vitamin D có thể giúp ngăn ngừa tiểu đường tuýp 1. Chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nào kiểm nghiệm được quan điểm này, và cũng không rõ là những thử nghiệm như vậy có thể được tiến hành hay không.

Vitamin D, cúm, và cảm lạnh thông thường: Virus cúm gây nguy hại nhiều nhất trong mùa đông và giảm dần trong những tháng hè. Tính mùa vụ này đã khiến một bác sỹ người Anh đặt ra giả thuyết cho rằng “tác nhân kích thích theo mùa” liên quan đến ánh sáng Mặt trời đã dẫn đến sự bùng nổ bệnh cúm. Đã 20 năm trôi qua kể từ khi giả thuyết ban đầu này được đưa ra, một số nhà khoa học đã công bố những báo cáo về việc vitamin D có thể là tác nhân kích thích theo mùa. Dưới đây là một vài bằng chứng của họ:

  • Vào mùa đông thì nồng độ vitamin D là thấp nhất.
  • Dạng vitamin D chủ động sẽ làm dịu phản ứng viêm sưng gây hại của một số tế bào bạch cầu, đồng thời tăng cường sự sản sinh các protein chống vi khuẩn của tế bào miễn dịch.
  • Trẻ em bị còi xương do thiếu vitamin D thường hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn, trong khi trẻ em thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời lại ít gặp phải nguy cơ này.
  • Theo báo cáo thì người trưởng thành có hàm lượng vitamin D thấp thường hay bị ho, cảm lạnh, hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng gần đây ở một trường học tại Nhật Bản đã kiểm tra khả năng ngăn chặn bệnh cảm cúm theo mùa của việc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D mỗi ngày. Cuộc thử nghiệm theo dõi gần 340 trẻ em suốt 4 tháng trong giai đoạn cao điểm của dịch cúm mùa đông. Nửa số trẻ em tham gia nghiên cứu được dùng thuốc có chứa 1.200 IU vitamin D; nửa còn lại dùng giả dược trấn an. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ cúm loại A ở nhóm dùng vitamin D là thấp hơn khoảng 40% so với nhóm dùng giả dược; song sự khác biệt không mấy đáng kể với tỷ lệ cúm loại B. Nghiên cứu này tuy nhỏ nhưng đầy hứa hẹn, song để có thể thực sự khẳng định được lợi ích phòng ngừa bệnh cúm của vitamin D thì chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, cả khi vitamin D thực sự đem lại lợi ích thì cũng đừng quên tiêm vắc-xin ngừa cúm nhé.

Vitamin D và bệnh lao phổi: Trước khi thuốc kháng sinh ra đời, ánh sáng Mặt trời và đèn cực tím là một phần của phương pháp điều trị lao phổi tiêu chuẩn. Nhiều nghiên cứu gần đây hơn đã chỉ ra rằng “vitamin ánh nắng” có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh lao phổi. Một số nghiên cứu đối chứng, khi được phân tích kết hợp, đã cho thấy rằng những người bị chẩn đoán lao phổi thường có nồng độ vitamin D thấp hơn những người khỏe mạnh có cùng độ tuổi và những đặc điểm khác. Những nghiên cứu như vậy không theo dõi người tham gia trong một thời gian dài, nên chúng không thể cho ta biết liệu sự thiếu hụt vitamin D có làm tăng nguy cơ bị lao phổi hay việc dùng thực phẩm bổ sung vitamin D có ngăn ngừa được căn bệnh này hay không. Cũng có những khác biệt di truyền trong thụ thể liên kết với vitamin D, và những khác biệt này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị lao. Một lần nữa, vẫn cần nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ vấn đề này.

Vitamin D và nguy cơ chết yểu

Một báo cáo đầy hứa hẹn được công bố trên tạp chí Kho lưu trữ nội khoa đã chỉ ra rằng việc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D thậm chí có thể làm giảm tỷ lệ tử vong tổng thể:

Một phân tích kết hợp của nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra là việc bổ sung vitamin D theo liều lượng vừa phải có thể giảm bớt nguy cơ tử vong vì nguyên nhân bất kỳ xuống một mức đáng kể là 7%.

Phân tích này đã xem xét các phát hiện từ 18 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với gần 60.000 người tham gia; đa số những người này đều bổ sung từ 400-800 IU vitamin D/ngày trong thời gian trung bình là 5 năm.

Hãy nhớ rằng phân tích này có rất nhiều hạn chế, và hạn chế lớn nhất là những nghiên cứu mà nó bao gồm không được thiết kế để tìm hiểu những nguyên nhân gây tử vong nói chung hoặc cụ thể. Do đó, trước khi chúng ta có thể đưa ra bất cứ tuyên bố sâu xa nào về vitamin D và nguy cơ tử vong thì vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác nữa.

Tình trạng Vitamin D ở Việt Nam

[Nội dung về Việt Nam được tổng hợp bởi biên tập viên – không nằm trong nội dung dịch]

Bác sĩ Phạm Hồ Thục Lan, trưởng khoa Cơ xương khớp bệnh viện Nhân Dân 115, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: theo nghiên cứu của bà tỷ lệ nữ thiếu vitamin D ở Sài Gòn là 50%, còn nam giới là 20%.

Bà nói thêm trong khi ăn thực phẩm phải với số lượng rất lớn mới đủ vitamin D (và do vậy không khả thi) thì chúng ta có cách khác đơn giản hơn nhiều. Đó là phơi nắng khoảng 5 tới 10 phút vào tầm 9 hoặc 10h sáng khi cường độ mặt trời đủ mạnh nhưng không quá gắt. khi phơi nắng là phải phơi đủ cả mặt, hai tay và hai chân dưới ánh nắng.[1]

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

[1] Theo: Tại sao cần vitamin D? – Việt Hà, RFA

Leave a Comment