Tìm hiểu về đường và các chất tạo ngọt

“Đường” là tên gọi chung cho nhiều chất tạo ngọt có tên hóa học khác nhau chứ không chỉ riêng đường chiết xuất từ mía hay củ cải đường như chúng ta thường thấy. Dù cho có rất nhiều tên gọi như vậy, đường tương đối giống nhau về mặt dinh dưỡng. Chúng bao gồm chủ yếu là glucose, fructose và sucrose, là những dạng cơ bản của đường.

Đường

Các chất làm ngọt khác được sử dụng nhiều như là các loại siro, mật ong, nước trái cây cô đặc… Có chất tạo ngọt chủ yếu là sucrose, có chất chủ yếu là fructose, nên các chất tạo ngọt sẽ có ảnh hưởng tới cơ thể khác nhau đôi chút nhưng nhấn mạnh ngay từ đầu rằng, dù là dạng chất tạo ngọt nào thì cũng sẽ có hại cho cơ thể nếu sử dụng thiểu kiểm soát.

Phân biệt đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm và đường bổ sung vào thực phẩm

Đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm chúng ta ăn vào bao gồm ngũ cốc, trái cây, rau củ.

Đường bổ sung là đường chúng ta bỏ thêm vào khi chế biến đồ ăn ví dụ như một tách cà phê có thêm một thìa đường, một chiếc bánh có bỏ thêm một thìa mật ong…

Đường có sẵn trong thực phẩm tự nhiên ví dụ như bạn ăn một trái táo, sẽ cung cấp một nguồn nhiên liệu quan trọng cho cơ thể. Loại đường này được cung cấp kèm theo cùng nhiều loại chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Vì đường là khá dồi dào trong thực phẩm, nên chúng ta thường không cần thiết phải dùng tới “đường bổ sung”. Đương nhiên, mình lưu ý có một số bài thuốc có thể cần tới “chất tạo ngọt”, khi ấy lại là một câu chuyện khác, chúng ta sẽ bàn ở một bài riêng.

Trên thực tế hầu hết mọi người hiện đại đều có sử dụng đường bổ sung không nhiều thì ít. Bởi vì không kể tới nền ẩm thực quá xa xưa khi chưa xuất hiện đường bổ sung, thì ẩm thực hiện nay có nhiều món ăn cần được gia tăng hương vị, các món bánh ngọt, rồi phải kể đến việc dùng đường để cất giữ thực phẩm suốt năm.

Trong bài này, mình đề cập tới đường bổ sung, không phải đường có sẵn trong thực phẩm tự nhiên như rau củ quả.

Đường và những chất làm ngọt phổ biến, đặc điểm cơ bản

Hiện nay, các bạn thấy tràn ngập những loại đường và chất làm ngọt khiến bạn bối rối, không biết chọn loại nào “ít hại” cho sức khỏe hơn (ở đây mình dùng cụm từ “ít hại” là bởi vì về cơ bản vẫn phải nhấn mạnh rằng, đường bổ sung không phải là thực phẩm lành mạnh giống như rau củ hay ngũ cốc).

Dù có là đường thốt nốt hay mật ong, si ro ngô,… thì các chất làm ngọt này cũng đi vào cơ thể giống như nhau, chỉ là chúng có ảnh hưởng tới cơ thể khác nhau đôi chút. Ví dụ, sucrose bị phân hủy thành fructose và glucose trước khi được hấp thụ vào máu và khiến mức đường huyết gia tăng. Còn fructose không đi vào máu như glucose, nó đi đến gan và trước hết được sử dụng hoàn toàn nên không làm tăng lượng đường trong máu, nhưng khi tiêu thụ thừa calo và fructose, nó có thể được chuyển thành chất béo trung tính, thứ mà có thể còn tồi tệ hơn glucose.

Mục này chúng ta lần lượt tìm hiểu các loại đường và chất tạo ngọt bổ sung bắt đầu đi từ loại phổ biến nhất nhé (các bạn nhớ, phổ biến nhất không có nghĩa là tốt)!

Đường tinh luyện

Thứ làm ngọt bạn dễ mua nhất mình biết chắc là đường tinh luyện. Vì giống như dầu ăn tinh luyện, muối tinh, chúng là bộ 3 phổ biến trên các kệ hàng thực phẩm công nghiệp. Nhiều năm trước, mình cũng không hề biết đường tinh luyện là chất làm ngọt tệ hại, nên vẫn dùng, rất may mình không phải là người thích ăn ngọt thành ra lượng ăn không nhiều.

Đường tinh luyện là sản phẩm cuối cùng của quá trình chế biến và tinh chế mía hoặc củ cải đường. Đường tinh luyện hoàn toàn là đường, không có vitamin hay chất khoáng nào có lợi cho sức khỏe đi kèm.

Nếu nói về ưu điểm của đường tinh luyện thì chỉ vì nó TIỆN LỢI và RẺ TIỀN. Tiện lợi vì mua đâu cũng có, bảo quản được rất lâu, cũng hợp cho việc nêm nếm vào món ăn mà không làm ảnh hưởng tới mùi hương của món ăn.

Trong quá trình tinh chế, độ ẩm, khoáng chất và các hợp chất tạo ra đường có màu của chúng bị loại bỏ và đường tinh luyện được hình thành. Cơ chế hấp thu của đường tinh luyện rất nguy hiểm. Đường được ngay lập tức hấp thụ vào máu và giải phóng năng lượng.

Điều này có thể có hại cho một số cơ quan nội tạng như thận, mắt và não bộ, đặc biệt là đối với bệnh nhân tiểu đường bởi đường tinh luyện có chỉ số đường huyết cao, khoảng 68.

Đường mía thô

Đường thô là dạng đường trải qua rất ít công đoạn chế biến. Nước mía đơn giản chỉ là được đun sôi lên, đến độ cô đặc sẽ được đổ vào khuôn, không bị tinh chế như đường tinh luyện.

Vì không trải qua quá trình tinh chế nên đường mía thô giữ lại được một phần muối khoáng và vitamin. Đường mía thô được tiêu hóa chậm hơn so với đường tinh luyện và năng lượng giải phóng từ từ nên không gây tăng lượng đường huyết đột ngột như đường tinh luyện. Nên nếu để so sánh vói đường tinh luyện thì đương nhiên là tốt hơn.

Đường mía thô có hương vị mật mía đặc trưng, nên thường được dùng để nấu chè, hầm các loại đậu, làm các loại bánh truyền thống rất thích hợp, cũng là một thành phần của các món ăn – bài thuốc Đông y.

Vì màu sắc và hương vị đặc trưng nên đường mía thô có thể không phù hợp với những món cần giữ hương vị nguyên bản của thực phẩm. Thời gian bảo quản của đường mía thô luôn ngắn hơn đường tinh luyện, vì thế các bạn sẽ thấy đường mía thô thường chỉ xuất hiện tại quốc gia sản xuất mà rất ít khi xuất khẩu rộng rãi.

Bệnh nhân tiểu đường không nên sử dụng đường mía thô vì chỉ số đường huyết của đường mía thô không phải là thấp, khoảng 55.

Đường dừa

Cấu tạo: Chủ yếu là đường sucrose, ngoài ra còn một số chất dinh dưỡng khác như kẽm, canxi, kali, một số axit béo chuỗi ngắn, polyphenol và chất chống oxy hóa.

Đường dừa được tạo thành bởi quá trình chiết xuất nhựa từ các chồi hoa dừa sau đó sấy khô. Đường dừa có chứa chất xơ inulin, làm chậm sự hấp thụ glucose vì thế đường dừa có chỉ số đường huyết thấp hơn so với đường thông thường.

Đường dừa có thể là lựa chọn tốt hơn các đường thông thường khác khi bạn quan tâm tới vấn đề đường huyết vì chỉ số đường huyết không cao (35).

Đường thốt nốt

Đường thốt nốt là loại đường được làm từ cây thốt nốt, có màu nâu đặc trưng và hay được đóng thành dạng bánh tròn. Đây là loại đường đặc sản của Campuchia và vùng đất An Giang Việt Nam.

Đường thốt nốt có vị ngọt thanh, ngọt mát hơn đường mía thô, mùi thơm cũng dễ chịu hơn. Đường thốt nốt cũng chứa một phần vitamin và khoáng chất. Đường thốt nốt thường được người miền Nam sử dụng cho các món chè dân giã. Chỉ số đường huyết của đường thốt nốt vào khoảng 35 ngang như đường dừa.

Mật ong

Mật ong là mật hoa giàu đường được thu thập bởi những con ong từ nhiều loại hoaHương vị ngọt ngào của mật ong được cho là do hàm lượng fructose cao hơn và fructose được biết là ngọt hơn glucose hoặc sucrose. Tuy nhiên, thành phần của mật ong có thể thay đổi đáng kể từ vùng này sang vùng khác. Mật ong chứa một loại đường ngọt hơn, có nghĩa là bạn không phải sử dụng nhiều khi cần tạo độ ngọt.

Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và có thể là một nguồn chất chống oxy hóa tốt. Chính vì điều này mà mật ong là một thành phần trong một số bài thuốc dân gian.

Một số nhà sản xuất sản xuất mật ong nhân tạo, làm từ củ cải đường hoặc đường mía. Những sản phẩm này đồng đều hơn về hương vị và màu sắc, nhưng thiếu các đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa của mật ong nguyên chất. Mật ong là chất tạo ngọt có nhiều calo.

Lưu ý, mật ong có thể chứa các bào tử của vi khuẩn gây ra Bệnh ngộ độc ở trẻ sơ sinh, Clostridium botulinum. Do đó, mật ong KHÔNG BAO GIỜ nên được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Mật ong cũng không phù hợp dùng cho người tiểu đường vì chỉ số đường huyết cao ở khoảng 55 ngang như đường mía thô (mật mía). Mật ong cũng giàu calo, vì thế cũng không phải là lựa chọn đối với người thừa cân.

Mật Agave 

Cấu tạo chủ yếu bởi Fructose.

Nhắc tới mật agave (nguồn gốc từ một loài xương rồng), có vẻ sẽ là một loại chất tạo ngọt thiên nhiên rất tốt. Nhưng agave lại thường qua một quá trình xử lý làm cho nó khác biệt lớn với mật hoa gốc. Hơn nữa, agave chứa chủ yếu fructose, cao hơn rất nhiều so với mật ong.

Fructose được chuyển hóa chủ yếu ở gan, và do đó nó không dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng đường trong máu (chỉ số đường huyết của agave chỉ khoảng 10). Vì thế mà các chất tạo ngọt có tỷ lệ fructose cao như agace đã được đề xuất như một loại đường thay thế tốt cho các cá nhân muốn quản lý lượng đường trong máu hay những người có bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, tiêu thụ đường fructose cao có thể gây bất lợi, vì gan không thể điều chỉnh quá trình trao đổi chất của nó giống như cách nó có thể điều chỉnh chuyển hóa glucose. Tiêu thụ quá nhiều fructose có thể liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ. Nó cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ béo phì và mỡ nội tạng, cũng như tăng sự điều hòa lipid trong cơ thể và giảm độ nhạy in*su*lin.

Loại đường này kết hợp với rượu hoặc cocktail thường cho ra hương vị độc đáo.

-> Mình chưa từng dùng mật agave và cũng chưa có nhu cầu dùng tới chất làm ngọt này. Người bị tiểu đường lưu ý, mặc dù được quảng cáo là chất tạo ngọt “tốt” cho người tiểu đường, nhưng như mô tả về bất lợi lớn bên trên, hãy cân nhắc!

Stevia – đường cỏ ngọt stevia

Đường stevia được chế biến từ một hợp chất tìm thấy trong cây stevia. Stevia ngọt hơn 250 lần so với sucrose và không chứa calo. Vì thế, đây có vẻ là loại đường an toàn cho người ăn kiêng vì chỉ cần một chút ít đường stevia đã tạo ra vị ngọt đáng kể so với các loại đường khác.

Vì những steviosides trong cỏ ngọt không ảnh hưởng lên nồng độ glucose máu, cho nên cỏ ngọt stevia còn dùng làm phụ gia thực phẩm cho người cân hạn chế tối đa lượng đường như người bị bệnh tiểu đường.

-> Vẫn còn tranh cãi về tính an toàn đối với loại đường này khi sử dụng quá nhiều. Nếu bạn là người cần đường ăn kiêng như đang bị béo phì, tim mạch hay tiểu đường, có thể xem xét bởi vì so với stevia, hiện cũng chưa thấy loại nào được ca ngợi hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ luôn phải hạn chế đường.

Si rô ngô

Gần đây có một loại đường đặc biệt đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý tiêu cực, đó là sirô ngô fructose cao (HFCS). Có vô số nghiên cứu chứng minh được tác động của HFCS lên nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Điển hình như các nghiên cứu ở những người bị thừa cân và béo phì đã cho thấy việc thường xuyên uống nước ngọt có chứa fructose, glucose hay một sản phẩm phụ của HFCS có thể dẫn đến tình trạng tăng cân, cụ thể là thức uống có fructose có khả năng làm giảm độ nhạy của insulin và khiến lượng đường trong máu tăng cao đột biến.

Người có nguy cơ tiểu đường, bệnh nhân tiểu đường và cả người thường cũng cần tránh xa si rô ngô vì đây là chất tạo ngọt có chỉ số đường huyết cao nhất, khoảng 90, trong khi si rô ngô được dùng rất phổ biến trong đồ ăn đóng gói sẵn.

Các chất làm ngọt ít calo – chất làm ngọt nhân tạo

Chất làm ngọt ít calo hay còn gọi là chất làm ngọt nhân tạo, là các chất làm ngọt chứa ít hoặc không chứa calo, nhưng lại có cường độ ngọt trên mỗi gram cao hơn so với các chất làm ngọt giàu calo – chẳng hạn như đường, nước trái cây cô đặc, và sirô ngô.

Các chất ngọt nhân tạo thường là hợp chất hóa học và không thực sự là một loại thực phẩm. Splenda là sucralose (một phân tử đường kết hợp với phân tử clo), Maltodextrin có nguồn gốc từ ngô, thường là ngô biến đổi gen, sau đó được thêm vào thực phẩm như một phụ gia phi dinh dưỡng, cung cấp cảm giác no.

Đến giờ vẫn chưa có kết luận chính thức về các ảnh hưởng tới sức khỏe của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp/nhân tạo, bởi các nghiên cứu liên tục đưa ra những phát hiện khác nhau. Vì vậy, nếu vì một lý do nào đó bạn có tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo, hãy cố gắng hạn chế nhất có thể.

Tác hại của việc ăn quá nhiều đường

Nếu ai biết tới Tháp ăn lành mạnh, thì hẳn sẽ biết Tháp ăn khuyên chúng ta không nên tiêu thụ đồ uống có đường hay đồ ngọt, mà nếu có dùng thì chỉ nên dùng rất ít. Bởi vì cơ thể chúng ta không cần bất cứ carbohydrate nào từ đường bổ sung/đường phụ gia.

Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt sẽ đặt chúng ta đứng trước nguy cơ của rất nhiều loại bệnh tật nguy hiểm:

Béo phì

Đường cung cấp lượng calo trống rỗng, không có lợi ích dinh dưỡng khác. Bằng cách giảm lượng đường, và do đó, trong chế độ ăn uống của bạn, có thể giảm cân mà không ảnh hưởng đến việc bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu. Lưu ý rằng đường có thể là một chất gây nghiện cho một số cá nhân. Điều này có thể góp phần vào việc ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân quá mức.

Thúc đẩy tiểu đường

Dữ liệu từ nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh tiểu đường loại 2 là thừa cân hoặc béo phì.

Giảm tiêu thụ đường có thể hỗ trợ giảm cân lành mạnh, có thể rất có lợi cho những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Lượng đường trong máu tăng cao có thể gây ra vô số mối lo ngại về sức khỏe, bao gồm mất thị lực, các vấn đề về thận, bệnh thần kinh và các vấn đề về tuần hoàn.

Tim mạch

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều đường bổ sung có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Nó liên tục được liên kết với đột quỵ, huyết áp cao và nồng độ lipid máu tăng cao. Giảm tiêu thụ đường có thể cải thiện mức cholesterol trong máu và chất béo trung tính, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ung thư

Tiêu thụ nhiều đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư nội mạc tử cung.

Ngoài ra, tiêu thụ đường quá mức là một yếu tố nguy cơ gây béo phì. Ở bệnh nhân ung thư, béo phì có liên quan đến kết quả điều trị kém hơn và tăng tỷ lệ tử vong. Hơn nữa, béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú sau mãn kinh, ung thư tuyến tụy và ung thư gan.

Sâu răng

Bất cứ khi nào bạn tiêu thụ đồ ăn thức uống nhiều đường thì vi khuẩn bên trong khoang miệng cũng có nhiệm vụ “xóa sổ” nó. Tuy nhiên, trong quá trình đó chúng lại sản sinh ra axit. Axit lại phá hủy men răng, và hậu quả để lại sau một thời gian là sâu răng hình thành.

Giới hạn lượng đường ăn mỗi ngày

Bên trên mình có lưu ý, với người thể trạng bình thường, không có vấn đề đường huyết, chúng ta có thể sử dụng “một chút” đường. Một chút ở đây là bao nhiêu?

Mình nghĩ rằng, sẽ không có giới hạn chính xác chung cho tất cả mọi người vì mỗi người là một cá thể riêng, nhưng mình tạm đưa ra giới hạn theo như Hiệp hội tim mạch Mỹ gợi ý: không quá 100 calo/ngày (khoảng 6 thìa cà phê hoặc 24g đường) với đa số nữ giới, và không quá 150 calo/ngày (khoảng 9 thìa cà phê hoặc 36g đường) với hầu hết nam giới.

Mình là một người tiêu thị rất ít đường bổ sung, nên mình chưa từng phải để ý tới mức giới hạn này, ăn ít đường là thói quen của toàn thể gia đình bên ngoại nhà mình từ thuở xưa, thậm chí cho đường vào món sữa thực vật mình cảm thấy rất khó uống.

Hạn chế lượng đường bổ sung bằng cách nào?

Rất may rằng hiện có khá nhiều người hiểu được mối nguy hiểm tàng của việc tiêu thụ đường quá mức mặc dù có thể họ vẫn chưa biết cách để hạn chế tối đa. Tại mục này mình đưa ra một số gợi ý có thể giúp ích bạn.

Luyện cho bé con

Đầu tiên bạn cần hướng dẫn bé học cách thưởng thức những thực phẩm có vị ngọt tự nhiên, không thêm đường hay chất tạo ngọt bổ sung.

Rất nhiều mẹ hỏi làm cách nào cho bé uống được sữa thực vật không đường, khá nhiều mẹ thậm chí tỏ ra nghi ngờ về khả năng uống tất cả các loại sữa thực vật ở dạng nguyên chất như bé 3 tuổi nhà mình.

Ví dụ khi làm món sữa thực vật, nếu bé của bạn chưa quen uống nhạt, bạn có thể bỏ thêm vài miếng bí đỏ, hay vài miếng khoai lang, quả nho vv tùy món sữa bạn cảm thấy hợp khẩu vị.

Chính con trai mình thời gian đầu khi chuyển từ sữa thực vật đóng hộp (thường có thêm đường) sang sữa nguyên chất mẹ làm thì hơi nhăn mặt. Nhưng mình đã nhất quyết không mua sữa đóng hộp sẵn, mà để bé đói bé tự khắc ăn món sữa mẹ làm.

Bữa sáng mình có thể bày một bát sữa thực vật nguyên chất ví dụ như sữa kê + lạc + bí đỏ hay là sữa khoai lang + hạt bí…  và một lát bánh mì nguyên cám phết mứt trái cây mẹ làm hoặc bơ thực vật, bé đói sẽ tự động ăn và cứ thế bé đã quen vị thức ăn nguyên chất từ khi nào.

Chú ý khi mua sắm

  • Những người chịu trách nhiệm mua sắm thực phẩm trong gia đình nên dành thời gian để đọc nhãn và xem xét thông tin dinh dưỡng tổng thể của thực phẩm.
  • Cần kiểm tra cẩn thận danh sách thành phần cho đường bổ sung. Xem Bảng cuối bài này biết nhiều tên mà theo đó đường có thể được liệt kê.
  • Hạn chế mua thực phẩm có nhiều đường như bánh quy, kẹo, nước ngọt, đồ nướng. Nếu bạn ghé nhà mình, hầu như không thể tìm thấy những món đồ ăn như vậy bao giờ.
  • Sử dụng các loại gia vị và thảo mộc như quế, nhục đậu khấu, đinh hương và gừng để tăng hương vị của thực phẩm, từ đó giảm nhu cầu của việc tiêu thụ đường. Đây là lý do tại sao trong mâm cơm nhà mình thường xuất hiện rất nhiều loại gia vị thảo mộc, mình trồng được hầu hết các gia vị cần cho bữa ăn.
  • Với món nước sốt, nên tự làm tại nhà vì nước sốt bán sẵn thường có nhiều đường hơn. Những món nước sốt bạn làm tại nhà vừa tươi ngon, nhiều dinh dưỡng và sẽ có vị ngọt tự nhiên từ thực phẩm tươi mà nước sốt đóng hộp không thể so được.
  • Sử dụng trái cây khô hoặc tươi để làm ngọt ngũ cốc và đồ nướng thay vì thêm đường bổ sung. Ví dụ, với món ngũ cốc ăn sáng từ các loai hạt khô, mình thường cắt thêm chuối hay bỏ vài trái nho khô vào để tăng vị ngọt nếu cần.
  • Những bạn thích món sữa chua có đường, hãy thử thay bằng món sữa chua không đường nhưng bỏ thêm trái cây tươi hoặc khô hay là các loại sữa chua không đường nhưng có hương vị trái cây.
  • Nếu bạn là người nghiện ăn bánh kẹo, hãy cắt giảm và thay thế bằng những món ăn nhẹ lành mạnh hơn như ngũ cốc, trái cây tươi, quả hạch. Cả chồng và con trai mình đều thích ăn vặt, vì thế mình thường bày hoa quả, thậm chí là món bánh bí đỏ hấp, hạt hạnh nhân rang thay vì mua bánh kẹo.
  • Chọn uống nước lọc hoặc nước khoáng thay vì nước ngọt. Mình không bao giờ dự trữ nước ngọt trong nhà, mình chỉ tiêu thụ nước lọc, trà thảo mộc (thường là mình tự làm) và nước ép rau củ.

BẢNG LIỆT KÊ ĐƯỜNG VÀ CHẤT TẠO NGỌT BẠN CÓ THỂ GẶP TRÊN THỰC PHẨM

Sirô agave Nước mía bay hơi Sirô mạch nha
Đường nâu Fructose Sirô phong
Tinh thể mía Nước ép hoa quả cô đọng Rỉ mật/rỉ đường
Đường mía Glucose Đường thô
Chất làm ngọt ngô Sirô ngô có hàm lượng fructose cao Sucrose
Sirô ngô Mật ong Sirô
Tinh thể fructose Đường nghịch chuyển
Đường Dextrose Đường mạch nha

Kết luận cuối cùng

Mình nhấn mạnh lại, mặc dù đường có những tác dụng khác nhau trong các món ăn thức uống, nó tạo ra một cảm giác thú vị khi dùng vừa phải và đúng chỗ, đúng lúc, nó cũng giúp cất giữ thực phẩm được lâu, nhưng bạn rất cần phải hạn chế đường.

Dù có là đường thô, đường dừa, đường thốt nốt hay mật ong – vốn được xem là “tốt hơn” một số loại chất ngọt khác như si rô ngô, đường tinh luyện … nhưng lạm dụng thì cũng đều dẫn tới kết quả xấu.

(Hạ Mến)

Leave a Comment