Sự thật về các loại siêu thực phẩm

“Siêu thực phẩm,” “thực phẩm sức mạnh,” “thực phẩm top 100” – những tiêu đề này có gây được sự chú ý của bạn không? Với những người đang tìm cách cải thiện sức khỏe, ý niệm về siêu thực phẩm có thể rất hấp dẫn.

siêu thực phẩm chỉ là cách thức marketing

Chúng ta có thể tưởng tượng ra một loại thực phẩm quyền năng với những năng lực đặc biệt như thúc đẩy giảm cân hoặc chữa bệnh. Không có định nghĩa dựa vào khoa học hoặc được khoa học quy định về siêu thực phẩm, nhưng nói chung, một loại thực phẩm được tăng lên cấp siêu thực phẩm khi nó cung cấp hàm lượng cao các chất dinh dưỡng mong muốn, có khả năng ngăn ngừa bệnh tật, hoặc được tin là đem lại nhiều lợi ích sức khỏe đồng thời ngoài giá trị dinh dưỡng của nó.

Việc khái niệm này xuất hiện trên Từ điển Merriam-Webster đã chứng tỏ là nó được sử dụng rất rộng rãi. Từ điển này định nghĩa siêu thực phẩm như “một loại thực phẩm (chẳng hạn như cá hồi, súp lơ xanh, hoặc việt quất) chứa nhiều hợp chất (ví dụ như các chất chống ôxy hóa, chất xơ, hoặc axit béo) được coi là có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.”

Siêu thực phẩm đầu tiên

Thuật ngữ siêu thực phẩm bắt nguồn từ đâu? Thú vị là ở chỗ, nó không đến từ những người nghiên cứu về thực phẩm chính thống, chẳng hạn như các nhà khoa học dinh dưỡng và chuyên gia dinh dưỡng.

Ví dụ được ghi lại sớm nhất có lẽ là từ đầu thế kỷ 20, quanh khoảng thời gian đang diễn ra Thế Chiến I, và được dùng như một phần của chiến lược tiếp thị thực phẩm. Công ty United Fruit đã khởi động một chiến dịch quảng cáo đầy nhiệt thành để quảng bá nguồn nhập khẩu chuối chính của họ. Họ còn xuất bản một cuốn sách thông tin nhỏ bao gồm Những điểm chính về chuối và Giá trị thực phẩm của chuối. Ban đầu, công ty đã quảng cáo tính thực tiễn của chuối trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, chúng rẻ, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, đâu đâu cũng có, nấu cũng ngon mà ăn trực tiếp cũng tuyệt vời, và được thiên nhiên che chở bao bọc trong một lớp vỏ chống khuẩn. Để thúc đẩy mọi người ăn nhiều chuối hơn, họ gợi ý cho loại quả này vào ngũ cốc ăn sáng, salad ăn trưa, và chiên với thịt cho bữa tối.

Tuy nhiên, chỉ đến khi thuật ngữ này được đề cập và công nhận trên các tờ báo y khoa thì mức độ phổ biến của nó mới tăng vọt, bởi khi đó các bác sỹ đã công bố những phát hiện của họ về việc chế độ dinh dưỡng bao gồm chuối có thể trị các bệnh như bệnh celiac (không dung nạp gluten) và bệnh tiểu đường. Hiệp hội Y khoa Mỹ đã công bố rằng chuối trong chế độ ăn uống của trẻ sẽ giảm bớt triệu chứng của bệnh celiac hoặc chữa trị căn bệnh này (gltuen vẫn chưa được xác định là thủ phạm thực sự). Chuối nhanh chóng trở thành một biểu tượng của sức khỏe, và các bà mẹ còn dùng chuối làm thực phẩm thiết yếu cho con mình kể cả khi chúng không bị bệnh celiac. Công ty United Fruit đã liệt kê những lợi ích sức khỏe này trong nội dung quảng cáo của họ và các tờ báo có tiếng cũng đăng đủ tin bài về chuối, từ đó tạo ra cơn sốt về chế độ dinh dưỡng giàu chuối.

Siêu thực phẩm = Siêu doanh số

Sự khác biệt trong thế kỷ 21 là thông tin ngày nay được lan truyền với tốc độ chóng mặt, nên hầu như tháng nào cũng xuất hiện một siêu thực phẩm mới. Tất nhiên là không thể thiếu các yếu tố cần thiết: nghiên cứu khoa học về một loại thực phẩm cụ thể, tiêu đề báo hấp dẫn gây tò mò từ những tờ báo nổi tiếng mà có khả năng nắm bắt và truyền đạt thông tin nhanh, cũng như thông tin quảng cáo và chiến dịch tiếp thị của các ngành công nghiệp thực phẩm có liên quan.

Siêu thực phẩm thường mang lại siêu doanh số mà đã góp phần gây dựng ngành công nghiệp có giá trị cả tỷ đôla. Theo khảo sát Nielson, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các loại thực phẩm được cho là lành mạnh, và các tuyên bố về sức khỏe trên nhãn sản phẩm có vẻ hữu ích. Điểm thú vị là các loại thực phẩm vốn đã được coi là tốt cho sức khỏe lại có thêm một tuyên bố sức khỏe cho thấy doanh số bán hàng lớn nhất. Việc này có thể là để xác nhận thêm vốn hiểu biết của người tiêu dùng về một loại thực phẩm lành mạnh, từ đó tăng khả năng mua sản phẩm đó của người tiêu dùng. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng có khoảng 80% người tham gia coi “thực phẩm như thuốc” và ăn các loại thực phẩm nhất định để phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao. Không có gì bất ngờ khi thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ, và ngũ cốc nguyên cám, nhìn chung vẫn được quan niệm là các loại thực phẩm cải thiện sức khỏe, lại luôn đứng đầu danh sách siêu thực phẩm.

Ngành công nghiệp thực phẩm chắc chắn là có động cơ để tiếp thị một sản phẩm như một siêu thực phẩm (mà) có khả năng tăng doanh số. Theo nghiên cứu Mintel, năm 2015 đã chứng kiến mức tăng 36% trên toàn cầu về số lượng đồ ăn thức uống được đưa ra thị trường dưới mác “siêu thực phẩm,” “siêu trái cây,” hay “siêu ngũ cốc,” và Mỹ là nước dẫn đầu với trong việc ra mắt những sản phẩm đó. Diêm mạch và các loại ngũ cốc cổ khác, hạt chia, và cải xoăn có mức tăng trưởng doanh số vững chắc trong năm 2017. Gần đây có một danh sách đã công bố 13 thành phần thịnh hành hàng đầu dựa vào dữ liệu từ các công ty khởi nghiệp về đồ ăn và thức uống, trong đó phải kể đến protein đậu (bột đậu), rong biển, gừng, nghệ, matcha, yến mạch, đại mạch, và đậu gà.

Câu chuyện về việt quất

quả việt quất

Một ngôi sao thực phẩm khác, việt quất, đã đạt đến thời kỳ đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ 21 sau khi nhận được sự công nhận và ủng hộ gián tiếp từ một nghiên cứu do chính phủ tài trợ. Vào năm 1991, một công cụ xếp hạng gọi là Khả năng hấp thụ gốc ôxy (ORAC) đã được các nhà khoa học từ Viện Lão hóa Quốc gia và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tạo ra. Nó được sử dụng để đo khả năng chống ôxy hóa của thực phẩm.

Chất chống ôxy hóa là các phân tử có thể giúp giảm lượng gốc tự do gây hại trong cơ thể, và nhờ vậy mà được tin là có tác dụng cải thiện sức khỏe. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cung cấp một cơ sở dữ liệu ORAC trên trang web của Bộ để nêu bật các loại thực phẩm có điểm ORAC cao, bao gồm ca cao, quả mọng, các loại gia vị, cùng các loại đậu. Việt quất và các loại thực phẩm khác đứng đầu danh sách được quảng cáo rầm rộ như các chiến binh chống lại bệnh tật dù cho cơ sở khoa học của những lời tuyên bố này không mấy vững chắc, từ bệnh ung thư đến sức khỏe não bộ đến các bệnh về tim.

Tuy nhiên, 20 năm sau Bộ Nông nghiệp Mỹ đã rút lại toàn bộ thông tin và xóa bỏ cơ sở dữ liệu sau khi xác định rằng các chất chống ôxy tuy có nhiều chức năng, nhưng không phải tất cả đều liên quan đến hoạt động của gốc tự do. Mặc dù thông tin này đã được rút lại, nhưng theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì sản lượng việt quất ở Mỹ đã tăng gấp đôi từ năm 1998-2006, và hàng năm vẫn tiếp tục tăng lên cho đến năm 2016.

Kết luận: Tập trung vào “Siêu đĩa ăn,” đừng chỉ chú trọng vào siêu thực phẩm

Siêu thực phẩm thường rất bổ dưỡng, nhưng rõ ràng là thuật ngữ này giúp ích nhiều cho doanh số bán hàng hơn là cho việc cung cấp các khuyến nghị dinh dưỡng tối ưu. Nhược điểm của siêu thực phẩm là bản thân danh hiệu này có thể khiến mọi người chỉ tập trung vào một vài loại thực phẩm cụ thể, mà bỏ qua mất những sự lựa chọn khác cũng giàu dưỡng chất không kém – chỉ là nó không được quảng bá rộng rãi bằng. Sự đa dạng trong chế độ ăn uống của chúng ta là hết sức quan trọng, bởi ta không chỉ nhận được vô số lợi ích từ việc ăn nhiều loại vitamin và khoáng chất, mà còn bởi sự đa dạng này sẽ ngăn chúng ta ăn quá nhiều (hoặc quá ít) một dưỡng chất cụ thể. Nó cũng giúp bữa ăn của chúng ta trở nên hấp dẫn và ngon lành hơn!

Vậy nên hãy cứ khám phá và tìm hiểu các loại thực phẩm đa dạng phù hợp với bản thân bạn rồi học cách lựa chọn, chuẩn bị, và thưởng thức chúng – nhưng đừng để bị phân tâm bởi xu hướng thực phẩm mới nhất hoặc một mốt nhất thời nào. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tạo ra một “siêu đĩa ăn” chứa đầy đủ các loại thực phẩm giàu hương vị và tốt cho sức khỏe khác nhau. Nếu cần cảm hứng để tạo ra “siêu đĩa ăn,” các bạn cũng có thể tham khảo bài viết về Đĩa ăn lành mạnh của chúng tôi.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment