Rượu vang, rượu nặng hay bia tốt cho sức khỏe hơn?

Gần 200 năm trước, một vị bác sỹ người Ireland nhận thấy rằng:

Chứng đau thắt ngực ở Pháp không phổ biến bằng ở Ireland. Ông cho rằng sự khác biệt nằm ở “thói quen và lối sống của Pháp.”

rượu vang đỏ

Tỷ lệ mắc các bệnh về tim tương đối thấp ở Pháp bất chấp một chế độ dinh dưỡng giàu bơ và phô mai đã được biết đến như là nghịch lý của của đất nước này. Một số chuyên gia cho rằng chính rượu vang đỏ (red wine) đã tạo ra sự khác biệt, sản phẩm được cả ngành công nghiệp ủng hộ hết sức mạnh mẽ và chân thành.

Nhưng rượu vang đỏ không phải yếu tố duy nhất trong nghịch lý của Pháp. Chế độ dinh dưỡng và phong cách sống ở các khu vực của Pháp, nhất là miền Nam, có vô số điểm tương đồng với các vùng Địa Trung Hải khác, và chúng có thể ít nhiều góp phần đem lại một số lợi ích phòng ngừa bệnh tim.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng rượu vang đỏ – đặc biệt là khi được dùng trong bữa ăn – cung cấp nhiều lợi ích liên quan đến tim mạch hơn bia và rượu nặng. Kết luận này được đưa ra sau khi công tác so sánh quốc tế chỉ ra tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn ở “các quốc gia uống rượu vang” so với các quốc gia tiêu thụ nhiều bia và rượu nặng.

Ngoài cồn thì rượu vang đỏ còn chứa nhiều hợp chất khác có thể làm giãn thành mạch máu và ngăn chặn sự ôxy hóa của cholesterol có lipoprotein tỷ trọng thấp (cholesteol LDL hay cholesterol “xấu”), một bước đầu quan trọng trong quá trình hình thành mảng bám chứa cholesterol.

Những hợp chất này được gọi là polyphenol, bao gồm một loại cụ thể được gọi là flavonoid mà tạo ra màu sắc và hương vị độc đáo cho rượu vang. Flavonoid được tìm thấy trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác như việt quất, dâu, táo, hành, sôcôla đen, và trà.

Một số polyphenol đặc hiệu của rượu vang đỏ là resveratrol, quercetin, và catechin. Rượu vang đỏ thường được mọi người quan tâm chú ý hơn rượu vang trắng vì hàm lượng polyphenol của nó cao gấp 10 lần. Tuy nhiên, rượu vang trắng cũng có thể chứa những hợp chất hoạt tính có tác dụng bảo vệ tim mạch khác.

Vì những lợi ích sức khỏe từ rượu vang thường được quy cho hàm lượng polyphenol, nên các nghiên cứu đã tiến hành kiểm nghiệm loại rượu vang khử cồn. Loại rượu này trải qua quá trình lên men, sau đó ethanol được lọc ra, nhưng hàm lượng polythenol vẫn được giữ lại. Các nghiên cứu nhỏ ở những người mang trong mình yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim đã chỉ ra rằng rượu vang khử cồn giúp giảm bớt tình trạng kháng insulin và tăng nồng độ nitơ monoxit làm giãn các mạch máu, từ đó giúp hạ huyết áp.

Bia cũng chứa các hợp chất phenol tương tự như rượu vang, nhưng hàm lượng thấp hơn, bao gồm quercetin, catechin, và axit gallic. Khoảng 70-80% polyphenol trong bia là bắt nguồn từ mạch nha lúa mạch, và 20-30% còn lại là từ hoa bia, loại hoa được lấy từ cây hublông.

Có một điều quan trọng cần lưu ý rượu bia chứa một lượng polyphenol rất khiêm tốn, và nó chỉ đóng góp một lượng nhỏ vào tổng lượng polyphenol được tìm thấy trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác. Ví dụ, việc mỗi ngày tăng lượng tiêu thụ từ một đến hai khẩu phần trà, cà phê, quả mọng, hành tây, hoặc táo có thể cung cấp hàm lượng polyphenol cao hơn nhiều so với việc uống thêm một ly rượu vang đỏ. Lợi ích sức khỏe thực sự của đồ uống có cồn không nằm ở hàm lượng polyphenol của nó, mà ở chính những tác dụng của ethanol, và chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau đây.

Mô hình uống có thể quan trọng hơn loại đồ uống

Mặc dù nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe đã được xác định trong rượu vang đỏ, nhưng các nghiên cứu dịch tễ học vẫn chưa thể xác nhận chắc chắn là một loại đồ uống có cồn cụ thể, dù là rượu vang, bia, hoặc rượu nặng, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Những nghiên cứu quan sát các quần thể người đã chỉ ra rằng hàm lượng từ ít đến trung bình của tất cả các loại đồ uống có cồn nếu được tiêu thụ theo số lượng bằng nhau có thể giảm thiểu nguy cơ bị tiểu đường và các bệnh tim mạch. Điều này phần nào chứng tỏ rằng bản thân đồ uống có cồn, chứ không phải các hợp chất cụ thể được tìm thấy trong mỗi một loại rượu bia, sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến các lợi ích sức khỏe.

Một báo cáo từ Nghiên cứu chuyên gia y tế đã kiểm tra thói quen uống rượu bia của hơn 38.000 nam giới trong khoảng thời gian 12 năm. Những người uống vừa phải giảm được 30-35% nguy cơ bị đau tim so với những người không tiêu thụ rượu bia. Sự giảm thiểu này xuất hiện ở những người đàn ông uống rượu vang, bia, hoặc rượu nặng, và nó cũng được quan sát thấy ở những người uống đồ uống chứa cồn trong bữa ăn hoặc uống ngoài thời gian ăn. Nghiên cứu này còn cho thấy rằng tần suất uống rượu bia cũng có thể giữ một vai trò quan trọng:

Những nam giới uống theo lượng nhỏ hoặc trung bình trong ≥3 ngày/tuần ít bị đau tim hơn những người mỗi tuần chỉ uống một hoặc hai lần.

Một đánh giá về việc tiêu thụ rượu bia ở nữ giới từ Nghiên cứu sức khỏe y tá I và II đã phát hiện thấy rằng những phụ nữ uống rượu bia theo liều lượng nhỏ hơn (1 đồ uống/ngày) từ 4 ngày trở lên trong một tuần có tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân bất kỳ thấp nhất, thấp hơn những người tiêu thụ cùng một liều lượng nhưng chỉ trong một hoặc hai ngày. Đánh giá cũng chỉ ra rằng tuy tất cả các loại đồ uống có cồn đều liên quan đến sự giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng chúng cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ kết luận rằng 1-2 đồ uống/ngày cho nam giới và tối đa 1 đồ uống/ngày cho nữ giới có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ngoài ra thì chưa có bằng chứng nhất quán giúp chứng minh là rượu vang cung cấp nhiều lợi ích hơn các loại đồ uống có cồn khác.

Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào lượng rượu bia tiêu thụ, Hiệp hội cũng khuyên mọi người nên thực hiện một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Theo khuyến nghị của Cẩm nang Dinh dưỡng cho người Mỹ giai đoạn 2015-2020, những người trước giờ không uống rượu bia không cần phải bắt đầu tiêu thụ các loại đồ uống này vì bất cứ lí do nào, kể cả là vì những lợi ích sức khỏe mà chúng mang lại.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment