Uống rượu bia có lợi và hại gì, lượng vừa phải là bao nhiêu?

Dùng điều độ đồ uống có cồn (rượu, bia,..) có thể tốt cho sức khỏe, nhưng không phải với ai cũng vậy. Bạn phải cân nhắc những lợi ích và cả rủi ro của nó.

uống rươu bia có lợi và hại gì không

Giới thiệu

Suốt 10.000 năm qua hoặc thậm chí còn lâu hơn thế nữa, con người đã uống đồ uống lên men và tranh cãi không ít về ưu và khuyết điểm của nó. Cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn không ngừng sục sôi tranh luận về việc đồ uống chứa cồn có lợi hay gây hại cho sức khỏe con người.

Có thể nói rằng đồ uống có cồn vừa là thuốc bổ lại vừa là độc dược. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở liều lượng.

Việc uống có chừng mực có thể đem lại nhiều lợi ích cho tim mạch và hệ tuần hoàn, cũng như phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 và sỏi mật. Ngược lại, việc tiêu thụ quá nhiều loại đồ uống này lại là nguyên nhân chính gây ra những cái chết (có thể phòng tránh được) ở hầu hết tất cả các quốc gia.

Ở Mỹ, đồ uống có cồn có liên quan đến khoảng một nửa số vụ tai nạn giao thông gây tử vong.

Uống quá nhiều rượu bia có thể tác động xấu đến gan và tim, gây hại cho thai nhi, làm tăng nguy cơ bị ung tư vú cùng một số bệnh ung thư khác, góp phần gây ra tình trạng trầm cảm và bạo lực, không những vậy còn ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ.

Bản chất hai mặt của đồ uống có cồn chẳng phải là một điều gì đó quá bất ngờ. Thành phần hoạt tính có trong loại đồ uống này, một phân tử đơn được gọi là ethanol, tác động đến cơ thể của chúng ta theo rất nhiều cách khác nhau. Nó trực tiếp ảnh hưởng đến dạ dày, não bộ, trái tim, túi mật, và gan. Nó tác động lên nồng độ lipid (cholesterol và chất béo trung tính) cùng insulin trong máu, cũng như chứng viêm sưng và sự đông máu. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng đến tâm trạng, khả năng tập trung và phối hợp.

Liều lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trong chừng mực là bao nhiêu? “Một món đồ uống” là bao nhiêu?

Việc sử dụng rộng rãi các thuật ngữ “chừng mực/vừa phải” và “một món đồ uống” đã làm căng thẳng thêm một số cuộc tranh luận hiện đang diễn ra về tác động của đồ uống có cồn đối với sức khỏe.

Trong một số nghiên cứu, thuật ngữ “uống có chừng mực/uống vừa phải” là để chỉ ít hơn 1 đồ uống/ngày, trong khi các nghiên cứu khác lại quy ước từ 3-4 đồ uống/ngày. Những gì cấu thành nên “một món đồ uống” thực chất cũng khá lỏng lẻo. Trong thực tế, ngay cả giữa những nhà nghiên cứu về đồ uống có cồn, cũng không hề có một khái niệm tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi.

Ở Mỹ, một đồ uống thường được coi là:

  • 354ml (12 ounces) bia,
  • 147ml (5 ounces) rượu vang, hoặc
  • 44ml (1,5 ounces) rượu nặng (chẳng hạn như gin hoặc whisky).

dung lượng tương đương

Trung bình mỗi loại chứa khoảng 12-14g cồn, nhưng hiện nay thì phạm vì này rộng hơn bởi các loại bia và rượu được sản xuất thủ công thường chứa hàm lượng cồn cao hơn nhiều.

Định nghĩa của việc uống vừa phải phần nhiều có liên quan đến một hành động cân bằng. Nói một cách cụ thể hơn thì nó nằm ở điểm mà những lợi ích sức khỏe từ việc uống đồ uống có cồn vượt trội hơn hẳn rủi ro của nó.

Sự đồng thuận gần đây nhất đã quy ước đặt điểm này ở mức không quá 1-2 đồ uống/ngày cho nam giới, và không quá 1 đồ uống/ngày với nữ giới. Đây là định nghĩa được sử dụng bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng như Hướng dẫn dinh dưỡng cho người Mỹ 2015-2020, và nó đang được sử dụng rộng rãi trên khắp nước Mỹ.

Mặt tối của đồ uống có cồn

Không phải ai thích rượu bia cũng có thể dừng lại ngay chỉ sau một cốc. Đúng là có nhiều người uống rất vừa phải, nhưng số khác lại không hề như thế.

Uống quá nhiều đồ uống có cồn có thể gây tổn hại đến cơ thể. Nó có thể gây viêm gan (viêm gan do rượu) và để lại sẹo cho gan (xơ gan), căn bệnh có khả năng gây tử vong. Nó có thể làm tăng huyết áp và làm tổn thương cơ tim (bệnh cơ tim).

Uống quá nhiều rượu bia cũng đã được chứng minh là có liên quan đến một số bệnh ung thư: Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ thì hiện nay có nhiều bằng chứng thuyết phục chỉ ra rằng đồ uống có cồn có thể gây:

  • Ung thư miệng,
  • Ung thư vòm họng,
  • Ung thư thanh quản,
  • Ung thư thực quản,
  • Ung thư vú,
  • Ung thư gan,
  • Ung thư đại tràng,
  • Ung thư trực tràng.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới đã kết luận rằng cả ethanol trong đồ uống có cồn và acetaldehyde, một chất hóa học được hình thành từ sự phân hủy ethanol, đều là chất gây ung thư ở người nếu được tiêu thụ theo hàm lượng cao. Nguy cơ này còn nhân lên gấp bội với những người không chỉ uống rượu mà còn hút thuốc lá hoặc có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn.

Việc uống quá nhiều rượu bia cũng ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, và cộng đồng của người trực tiếp sử dụng những đồ uống đó. Theo Viện Lạm dụng rượu và Nghiện rượu Quốc gia và các tổ chức khác:

  • Vào năm 2014, khoảng 61 triệu người Mỹ (~19% dân số) được phân loại vào nhóm đối tượng sử dụng rượu bia vô độ (≥5 món đồ uống trong cùng một dịp ít nhất 1 lần/tháng) và 16 triệu người (5% dân số) rơi vào nhóm uống quá nhiều (≥5 món đồ uống trong cùng một dịp từ 5 ngày trở lên trong một tháng).
  • Cứ ba trường hợp phạm tội bạo lực thì có một trường hợp là do sử dụng đồ uống có cồn.
  • Vào năm 2015, đã có hơn 10.000 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
  • Việc lạm dụng đồ uống có cồn tiêu tốn khoảng 249 tỉ đôla/năm.

Ngay cả khi bạn tiêu thụ đồ uống có cồn vừa phải cũng không có nghĩa là bạn tránh được toàn bộ rủi ro. Đồ uống chứa cồn có thể phá vỡ giấc ngủ và ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của bạn.

Thêm vào đó với những người uống thuốc, rượu bia tương tác theo những cách khá nguy hiểm với nhiều loại thuốc, giả dụ như acetaminophen (paracetamol), thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau, và thuốc an thần. Ngoài ra, nó còn gây nghiện, nhất là với những người mà gia đình có tiền sử nghiện rượu.

Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú

Đã có một số bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư vú; uống càng nhiều rượu bia thì nguy cơ càng cao.

  • Một nghiên cứu tiền cứu theo dõi 88.084 nữ giới và 47.881 nam giới trong 30 năm đã chỉ ra rằng chỉ 1 món đồ uống/ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến đồ uống có cồn (ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư khoang miệng, ung thư họng, ung thư thanh quản, ung thư gan, và ung thư thực quản) ở phụ nữ, nhưng chủ yếu là ung thư vú, ở cả những người hút thuốc và không hút thuốc. Nam giới không hút thuốc mà tiêu thụ 1-2 đồ uống/ngày không bị tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu bia.
  • Trong một phân tích kết hợp của 6 nghiên cứu tiền cứu quy mô lớn với hơn 320.000 nữ giới tham gia, các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng những người uống 2-5 đồ uống/ngày có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn khoảng 41% so với những người không tiêu thụ rượu bia. Dù loại đồ uống chứa cồn ấy có là bia, rượu vang hay rượu mạnh thì cũng không quan trọng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hơn 40% phụ nữ mà mỗi ngày uống 2-5 đồ uống đều sẽ bị ung thư vú. Thay vào đó, nó là sự khác biệt giữa khoảng 13 trong số 100 phụ nữ sẽ phát triển bệnh ung thư vú trong suốt cuộc đời của họ – nguy cơ trung bình hiện nay ở Mỹ – với 17 đến 18 trong số 100 phụ nữ đang bị ung thư vú. Mức tăng này tuy không nhiều nhưng nó cũng có nghĩa là mỗi năm sẽ có nhiều phụ nữ bị ung thư vú hơn.

Thiếu folat hay axit folic (dạng bổ sung của nó) trong chế độ dinh dưỡng sẽ làm tăng thêm nguy cơ bị ung thư vú ở nữ giới. Folat là nhân tố cần thiết cho việc tạo ra các tế bào mới và ngăn chặn những sự thay đổi có thể xảy ra trong ADN. Sự thiếu hụt folat, có thể xảy ra nếu sử dụng quá nhiều rượu bia, sẽ tạo ra những thay đổi trong gen mà từ đó dẫn đến ung thư. Đồ uống có cồn cũng làm tăng nồng độ estrogen để rồi đẩy nhanh sự phát triển của một số tế bào ung thư vú nhất định. Nếu bạn đang uống ít nhất 1 đồ uống/ngày thì việc bổ sung đầy đủ folat, tối thiểu 400 microgram (µg)/ngày, có thể làm giảm nguy cơ này.

  • Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan chặt chẽ giữa ba yếu tố – gen, lượng folat tiêu thụ, và đồ uống có cồn – trong một nghiên cứu thuần tập từ Nghiên cứu sức khỏe y tá với đối tượng tham gia là 2.866 phụ nữ có độ tuổi trung bình là 36 và bị chẩn đoán ung thư vú xâm lấn. Những người trong gia đình có tiền sử ung thư vú mà mỗi ngày uống 10g thức uống có cồn trở lên (tương đương với 1 đồ uống hoặc nhiều hơn) và ăn ít hơn 400µg folat/ngày có nguy cơ bị ung thư vú cao gần gấp đôi. Còn những người cũng uống cùng một lượng đồ uống có cồn như ở trên nhưng gia đình không có tiền sử bị ung thư vú và ăn ít nhất 400µg folat/ngày không bị tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Folat và đồ uống có cồn

Folat, loại vitamin B giúp dẫn dắt sự phát triển tủy sống của phôi thai, cũng đóng một vai trò quan trọng không kém trong những giai đoạn về sau của cuộc đời. Một trong những vai trò lớn nhất là giúp xây dựng ADN, phân tử mang mã của sự sống. Bởi lẽ đó mà folat cực kỳ cần thiết cho sự phân chia tế bào chính xác.

Đồ uống có cồn không chỉ chặn đứng sự hấp thụ folat mà còn vô hiệu hóa folat trong máu và mô. Có lẽ chính bởi sự tương tác này mà việc tiêu thụ đồ uống có cồn lại làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, ung thư đại tràng và các loại ung thư khác.

Bổ sung thêm folat có thể xóa bỏ sự gia tăng liên quan đến đồ uống có cồn này. Ví dụ như trong Nghiên cứu sức khỏe y tá, những người có nồng độ vitamin B này trong máu cao nhất ít có nguy cơ bị ung thư vú hơn đến 90% so với những người có nồng độ vitamin B này trong máu thấp. Một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng việc cung cấp 600µg folat/ngày có thể chống lại tác động của việc tiêu thụ rượu bia vừa phải với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Ngoài ra thì không có mối liên hệ nào giữa folat và sự gia tăng nguy cơ bị ung thư vú ở những phụ nữ hàng ngày chỉ uống ít hoặc không uống rượu bia.

Đồ uống có cồn và tăng cân

Một khẩu phần rượu bia trung bình chứa từ 100-150 calo, do đó mà ngay cả một lượng vừa phải như 3 đồ uống/ngày cũng có thể đóng góp hơn 300 calo. Các món đồ uống có cồn hỗn hợp cho thêm nước ép, nước giải khát có ga, hoăc sirô có thể đẩy lượng calo lên cao hơn, và sau một thời gian có thể làm tăng nguy cơ tăng cân.

Tuy nhiên, một nghiên cứu tiền cứu với gần 15.000 nam giới tham gia trong giai đoạn 4 năm lại phát hiện thấy rằng hàm lượng rượu bia tiêu thụ nhiều hơn có làm tăng cân nhưng tăng không đáng kể. So với những người không thay đổi lượng rượu bia tiêu thụ, những người mỗi ngày tăng lượng tiêu thụ lên 2 đồ uống hoặc nhiều hơn cũng chỉ tăng chưa được 0,3kg. Điều đáng chú ý là lượng calo tiêu thụ (không phải từ rượu) có chiều hướng tăng cùng với lượng đồ uống có cồn tiêu thụ.

Các lợi ích sức khỏe tiềm năng của đồ uống có cồn

Việc tiêu thụ rượu bia vừa phải đem lại những lợi ích sức khỏe gì?

Bệnh tim mạch

Có nhiều hơn 100 nghiên cứu tiền cứu đã chỉ ra mối liên hệ nghịch đảo giữa việc tiêu thụ rượu bia ít đến vừa phải và nguy cơ bị đau tim, đột quỵ thiếu máu cục bộ (xảy ra do máu đông), bệnh mạch máu ngoại biên, đột tử do tim, và tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến tim mạch khác. Ảnh hưởng là khá nhất quán, tương ứng với sự giảm thiểu các nguy cơ nói trên từ 25-40%. Tuy nhiên, việc tăng lượng đồ uống có cồn tiêu thụ lên hơn 4 đồ uống/ngày có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, nhịp tim bất ổn, đột quỵ, đau tim, và tử vong.

Đồ uống có cồn và bệnh tim: Các nghiên cứu tiền cứu

Hãy tham khảo kết quả của một số nghiên cứu thuần tập tương lai quy mô lớn về việc tiêu thụ đồ uống có cồn và các bệnh tim mạch.

Tên, người tham gia Thời gian Mối liên quan đến việc tiêu thụ rượu bia vừa phải*
Chương trình CALIBER: 1.937.360 người trưởng thành (51% nữ giới) tuổi trên 30 6 năm Tăng nguy cơ bị các biến cố về tim mạch (chẳng hạn như đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, đột quỵ thiếu máu cục bộ, suy tim) ở những người không uống rượu bia và uống nhiều so với những người uống vừa phải.
Nghiên cứu thuần tập hợp tác để đánh giá nguy cơ ung thư của Nhật Bản: 97.432 nam giới và nữ giới tuổi từ 40–79 10 năm Giảm nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân ở nữ giới và nam giới tiêu thụ ít hơn 23g đồ uống có cồn/ngày xuống 12-20%; uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân.
Nghiên cứu chuyên gia y tế: 38.077 nam chuyên gia y tế tuổi từ 40–75 12 năm Giảm 35% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Nghiên cứu thuần tập ở miền Đông nước Pháp: 34.014 nam giới và nữ giới 10–15 năm Giảm 25–30% nguy cơ tử vong vì tim mạch.
Nghiên cứu phòng chống ung thư II: 489.626 nam giới và nữ giới tuổi từ 30–104 9 năm Giảm 30–40%  nguy cơ tử vong vì tim mạch; nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân tăng ở những người uống nhiều rượu bia, nhất là trong nhóm người trưởng thành dưới 60 tuổi.
Nghiên cứu sức khỏe bác sỹ: 22.071 bác sỹ nam từ 40–84 tuổi 11 năm Giảm 30-35% nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, giảm 20-30% nguy cơ tử vong vì tim mạch.
Nghiên cứu thuần tập Kaiser Permanente: 123.840 nam giới và nữ giới trên 30 tuổi 10 năm Giảm 40% nguy cơ nhồi máu cơ tim gây tử vong, giảm 20% nguy cơ tử vong vì tim mạch; tăng 80% nguy cơ đột quỵ xuất huyết gây tử vong.
Nghiên cứu sức khỏe y tá: 85.709 nữ giới từ 34–59 tuổi 12 năm Giảm 17% nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân; một báo cáo trước đó còn cho thấy khả năng giảm 40% nguy cơ bị bệnh tim mạch vành và giảm 70% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

*so với người không uống rượu bia

Mối quan hệ giữa việc uống rượu bia vừa phải và sự giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch đã được thể hiện rõ ở cả nam giới và nữ giới. Nó áp dụng với những người không bị bệnh tim, và cả những người có nhiều nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc tử vong vì các bệnh tim mạch, bao gồm những người bị tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, và hiện tại đang bị bệnh tim mạch. Những lớn tuổi hơn cũng có thể đạt được các lợi ích này.

Ý tưởng cho rằng việc tiêu thụ rượu bia trong chừng mực giúp phòng chống các bệnh tim mạch có lý cả về mặt sinh học lẫn khoa học. Lượng đồ uống có cồn vừa phải làm tăng nồng độ cholesterol có lipoprotein tỷ trọng cao (cholesterol HDL hay cholesterol tốt) và nồng độ cholesterol HDL lại giúp phòng ngừa các bệnh về tim tốt hơn. Lượng rượu bia tiêu thụ vừa phải cũng liên quan đến những thay đổi có lợi từ độ nhạy insulin cao hơn đến việc cải thiện những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng đông máu, chẳng hạn như chất kích hoạt mô plasmin, fibrinogen (sinh tơ huyết), yếu tố đông máu VII, và yếu tố von Willebrand trong máu. Những sự thay đổi như vậy có xu hướng ngăn chặn sự hình thành của các cục máu đông nhỏ có thể làm tắc nghẽn động mạch trong tim, cổ, và não bộ, cũng là nguyên nhân cuối cùng gây ra nhiều cơn đau tim và dạng đột quỵ phổ biến nhất.

Thói quen uống cũng rất quan trọng

Thứ bạn uống (bia hoặc rượu) dường như không quan trọng bằng cách bạn uống chúng. Uống 7 đồ uống vào một tối thứ Bảy sau đó không uống gì vào các ngày còn lại trong tuần khác hoàn toàn so với việc mỗi ngày uống một món. Tổng số lượng tiêu thụ mỗi tuần có thể là như nhau, nhưng những tác động về sức khỏe thì không. Trong số những người tham gia Nghiên cứu chuyên gia y tế, việc tiêu thụ rượu bia trong ít nhất 3-4 ngày/tuần tỷ lệ nghịch với nguy cơ nhồi máu cơ tim. Hàm lượng tiêu thụ, dưới 10g/ngày hoặc nhiều hơn 30g, có vẻ không quan trọng bằng mức độ thường xuyên của việc tiêu thụ. Mô hình tương tự cũng được tìm thấy ở nam giới Đan Mạch.

Một đánh giá về việc uống rượu bia ở nữ giới từ Nghiên cứu sức khỏe y tá I và II đã chỉ ra rằng những người mỗi tuần chia một lượng rượu bia ít hơn (khoảng 1 đồ uống/ngày) để uống trong 4 ngày hoặc nhiều hơn có tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân bất kỳ thấp nhất, so với những người uống cùng một hàm lượng nhưng chỉ trong một hoặc hai ngày.

Cách chắc chắn nhất để nghiên cứu ảnh hưởng của đồ uống có cồn đối với các bệnh về tim mạch là một thử nghiệm quy mô lớn mà ở đó một số tình nguyện viên được phân ngẫu nhiên mỗi ngày uống từ 1 đồ uống trở lên, còn số còn lại thì uống những thức uống có bề ngoài và mùi vị giống rượu bia nhưng lại không chứa cồn. Rất nhiều thử nghiệm như thế này đã được tiến hành chỉ trong vài tuần, cũng có một số thử nghiệm diễn ra trong vài tháng hoặc thậm chí là tận 2 năm, để xem xét những thay đổi diễn ra trong máu, nhưng một thử nghiệm dài hạn để kiểm tra ảnh hưởng của đồ uống có cồn đối với các bệnh tim mạch thì lại chưa được thực hiện. Một nỗ lực thành công gần đây của Mỹ để khởi động một nghiên cứu quốc tế đã được gây quỹ bởi Viện Y tế Quốc gia (NIH). Mặc dù đề xuất đã được sơ duyệt và những người tham gia ban đầu đã được chọn để uống rượu bia vừa phải hoặc để kiêng khem, nhưng sau khi hậu kiểm, NIH lại quyết định cho dừng thử nghiệm vì những mối lo ngại liên quan đến chính sách nội bộ. Thật không may là một thử nghiệm dài hạn trong tương lai về đồ uống có cồn và những kết quả lâm sàng có thể sẽ không bao giờ được thực hiện lại nữa, nhưng dù thế nào thì dựa vào các bằng chứng hiện có, ta có thể nói rằng sự kết nối giữa việc tiêu thụ rượu bia vừa phải và các bệnh tim mạch gần như chắc chắn là tượng trưng cho một mối quan hệ nhân quả.

Các lợi ích khác ngoài tim mạch

Việc tiêu thụ đồ uống có cồn trong chừng mực không chỉ đem lại lợi ích cho trái tim. Trong Nghiên cứu sức khỏe y tá, Nghiên cứu chuyên gia y tế và các nghiên cứu khác, bệnh sỏi mật và tiểu đường tuýp 2 ít xảy đến với những người uống rượu bia vừa phải hơn là những người không uống. Một lần nữa thì vấn đề được nhấn mạnh ở đây là uống vừa phải.

Trong một phân tích tổng hợp của 15 nghiên cứu thuần tập tương lai với 369.862 người tham gia trong thời gian trung bình là 12 năm, việc tiêu thụ vừa phải đồ uống có cồn (0,5-4 đồ uống/ngày) được chứng mình là giảm được 30% nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2, nhưng họ không tìm ra lợi ích phòng ngừa nào ở những người uống ít hoặc nhiều hơn lượng đó.

Ta cũng không nên bỏ qua các lợi ích tâm lý và xã hội của đồ uống chứa cồn. Uống một đồ uống trước bữa ăn có thể cải thiện tiêu hóa hoặc giúp bạn thư giãn xả hơi sau một ngày dài căng thẳng; thỉnh thoảng đi uống cùng bạn bè cũng là một liều thuốc bổ giúp bạn làm giàu thêm cho đời sống xã hội của mình. Những tác động về thể chất và xã hội này cũng có thể góp phần giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Vai trò của gen

Nghiên cứu về việc nhận nuôi con, về gia đình và về các cặp sinh đôi đã khẳng định một cách vững chắc rằng di truyền học đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sở thích của một cá nhân với đồ uống có cồn và khả năng phát triển chứng nghiện rượu của người đó. Chứng nghiện rượu không tuân theo những quy tắc di truyền đơn giản do Gregor Mendel đặt ra. Thay vào đó, nó bị ảnh hưởng bởi sự tương tác của các gen và bởi các yếu tố môi trường.

Cũng có một số bằng chứng chứng minh rằng gen ảnh hưởng đến cách đồ uống chứa cồn tác động đến hệ tim mạch. Một loại enzyme có tên là alcohol dehydrogenase giúp chuyển hóa đồ uống chứa cồn. Một biến thể của enzyme này, hay còn được gọi là alcohol dehydrogenase nhóm 1 (ADH1C), có 2 “hương vị.” Một loại nhanh chóng làm phân hủy đồ uống có cồn, loại còn lại làm việc đó chậm hơn. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch của những người uống rượu bia vừa phải có hai bản sao của gen cho enzyme hoạt động chậm thấp hơn nhiều so với những người cũng uống vừa phải nhưng lại có hai gen cho enzyme hoạt động nhanh. Những người có một gen cho enzyme hoạt động chậm và một gen cho enzyme hoạt động nhanh hơn nằm ở nhóm giữa.

Có thể là enzyme hoạt động nhanh đã phân hủy đồ uống có cồn trước khi nó kịp tạo ra những tác động có lợi với nồng độ cholesterol HDL và các yếu tố đông máu. Điều thú vị là những sự khác biệt trong gen ADH1C này không ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh tim ở những người không uống rượu bia. Điều này cung cấp thêm bằng chứng gián tiếp giúp khẳng định bản thân đồ uống chứa cồn có khả năng giảm thiểu nguy cơ bị bệnh tim.

Tính toán lợi ích và rủi ro

Lợi ích và rủi ro của việc uống rượu bia vừa phải sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời. Nhìn chung, rủi ro là nhiều hơn lợi ích cho đến khi người dùng rượu bia bước vào độ tuổi trung niên, khi các bệnh tim mạch bắt đầu chiếm một phần ngày càng lớn trong gánh nặng về bệnh tật và tử vong.

  • Với phụ nữ có thai và đứa con vẫn chưa lọt lòng của họ, với người nghiện rượu bia đang phục hồi, người bị bệnh gan, và những người uống nhiều hơn một loại thuốc có thể tương tác với rượu, thì việc uống rượu dù trong chừng mực chỉ cung cấp rất ít lợi ích nhưng lại đem đến những rủi ro đáng kể.
  • Với nam giới 30 tuổi, nguy cơ gia tăng tai nạn do rượu bia sẽ nhiều hơn là những lợi ích tiềm năng liên quan đến tim mạch khi tiêu thụ vừa phải đồ uống chứa cồn.
  • Nếu nam giới 60 tuổi mỗi ngày uống một đồ uống thì lợi ích phòng ngừa bệnh tim của họ có thể vượt trội hơn những mối nguy tiềm ẩn (đấy là trong trường hợp người đó không dễ bị nghiện rượu bia).
  • Với phụ nữ 60 tuổi, những trù liệu về nguy cơ và lợi ích lại phức tạp hơn. Mỗi năm, số phụ nữ tử vong do các bệnh về tim cao hơn gấp 10 lần (460.000) so với số tử vong vì ung thư vú (41.000). Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ lại sợ bị ung thư vú hơn là mắc các bệnh về tim, trong khi vấn đề này cũng rất nghiêm trọng và cần nhận được sự quan tâm tương tự.

Kết luận: Cân bằng giữa rủi ro và lợi ích

Vì sự phức tạp của những ảnh hưởng của đồ uống chứa cồn đối với cơ thể cũng như sự phức tạp của những người tiêu thụ nó, nên hiển nhiên là sẽ có những khuyến cáo về loại thức uống này. Vì mỗi một người trong chúng ta lại có tiền sử của cá nhân và của cả gia đình khác nhau, nên những lợi ích cùng rủi ro mà đồ uống có cồn cung cấp cho chúng ta cũng chẳng thể giống nhau được. Việc có nên uống rượu bia hay không, nhất là vì “mục đích y tế”, còn đòi hỏi ở chúng ta khả năng cân bằng giữa những lợi ích và rủi ro này.

  • Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể giúp bạn với vấn đề này. Sức khỏe tổng thể cùng nguy cơ gặp phải các tình trạng liên quan đến đồ uống chứa cồn của bạn là những yếu tố cần được chú trọng.
  • Nếu bạn có vóc dáng mảnh khảnh, năng hoạt động thể chất, không hút thuốc, ăn theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, và gia đình không có tiền sử bị bệnh tim, thì việc uống rượu bia cũng sẽ không giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nhiều hơn đâu.
  • Nếu bạn không uống rượu bia thì cũng không cần phải bắt đầu tiêu thụ chúng. Bạn có thể nhận được những lợi ích tương tự từ việc tập thể dục (nếu bạn chưa tập thì hãy bắt đầu ngay đi, còn những người đang tập có thể cân nhắc đến việc tăng cường độ và thời gian cho các hoạt động của mình) hoặc ăn uống lành mạnh hơn.
  • Nếu bạn là nam giới không có tiền sử nghiện rượu và đang có nguy cơ bị bệnh tim từ trung bình đến cao, thì việc mỗi ngày uống một đồ uống có thể giảm bớt nguy cơ đó. Việc tiêu thụ rượu bia vừa phải có thể đặc biệt có lợi nếu nồng độ cholesterol HDL của bạn thấp mà không thể được cải thiện bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
  • Nếu bạn là nữ giới không có tiền sử nghiện rượu và đang có nguy cơ bị bệnh tim trung bình đến cao, những lợi ích tiềm năng từ việc uống một đồ uống mỗi ngày phải được cân nhắc, tính toán, và cân bằng với sự gia tăng nhỏ trong nguy cơ bị ung thư vú.
  • Nếu bạn đang tiêu thụ đồ uống chứa cồn hoặc có ý định bắt đầu, hãy uống trong chừng mực – không quá 2 đồ uống/ngày với nam giới hoặc 1 đồ uống/ngày với nữ giới. Và đừng quên bổ sung đầy đủ folat, mỗi ngày phải cung cấp tối thiểu 400µg.

Tin liên quan

Vậy còn bài báo gần đây mà cho rằng không có hàm lượng rượu bia nào là an toàn thì sao?

Đúng là đã có nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ đồ uống chứa cồn dù ít hay nhiều cũng đều không an toàn, nhưng các chuyên gia lại không thấy thuyết phục.

Một phân tích mới về tác động toàn cầu của đồ uống chứa cồn với chấn thương và bệnh tật đã kết luận rằng ngay cả việc uống rượu bia vừa phải cũng không an toàn cho sức khỏe. Được công bố gần đây trên tạp chí y khoa The Lancet, nghiên cứu này đã cho thấy rằng đồ uống chứa cồn đứng thứ bảy trong số các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây chết yểu vào năm 2016, và rằng nó đã góp phần khiến 2,8 triệu người tử vong trên toàn thế giới – 2,2% trong số tất cả các ca tử vong là nữ và 6,8% trong tổng số các ca tử vong là nam trong năm đó.

Cũng theo nghiên cứu này thì so với những người không uống rượu bia, những người mỗi ngày dùng một đồ uống tăng 0,5% nguy cơ bị một trong 23 vấn đề sức khỏe liên quan đến đồ uống chứa cồn từ bị thương do tai nạn giao thông đến ung thư vú đến lao phổi. Cứ 100.000 người trên toàn thế giới thì chỉ có 4 ca tử vong vì những nguyên nhân kể trên mỗi năm, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên với mỗi một đồ uống tiêu thụ hàng ngày. Những người uống 5 đồ uống/ngày tăng 37% nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe so với những người không dùng rượu bia.

Trong khi các tác giả của cuộc nghiên cứu cho rằng những rủi ro này lấn át hết mọi lợi ích sức khỏe tiềm năng từ việc tiêu thụ rượu bia trong chừng mực, thì Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard lại nói rằng ông ấy không thấy thuyết phục.

Vào ngày 24/8/2018, ông nói với tạp chí Time rằng việc uống quá nhiều rượu bia “hiển nhiên” là rất có hại, nhưng cũng đã có nhiều dữ liệu chứng minh được lợi ích của việc tiêu thụ đồ uống chứa cồn trong chừng mực. Giáo sư cũng cho hay rằng đánh giá rủi ro của đồ uống chứa cồn theo quy mô toàn thế giới là một việc sai lầm. Ông chia sẻ: “Quyết định của chúng tôi về việc tiêu thụ đồ uống chứa cồn ở Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi những tác động của chúng đối với bệnh lao phổi.”

Giáo sư Willett cũng nói thêm rằng đúng là việc tiêu thụ rượu bia đem lại không chỉ lợi ích mà còn cả những rủi ro, và rằng “quan trọng là các bạn phải biết thu thập những thông tin đáng tin cậy nhất về tất cả những điều đó và tự mình đưa ra những quyết định cá nhân, ngoài ra trong quá trình đó bạn còn phải tham khảo ý kiến cùng lời khuyên từ người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình nữa.”

(Theo Harvard T.H. Chan – Người dịch: Tống Hải Anh – Nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment