Nước uống được fluoride hóa có an toàn không?

Các quốc gia không bổ sung fluoride (fluoride hóa) nguồn nước của họ cũng vẫn chứng kiến mức giảm mạnh trong tỷ lệ sâu răng.

Kể từ giữa thập niên 1940, các hợp chất chứa khoáng chất fluoride đã được bổ sung vào nguồn cung cấp nước cộng đồng trên toàn nước Mỹ để ngăn ngừa sâu răng. Những mối lo ngại về sức khỏe từ phía các đối thủ phần lớn đã bị bác bỏ mãi cho tới gần đây. Hiện nay, các bằng chứng đang chỉ ra rằng trong một kỷ nguyên của kem đánh răng fluoride và các sản phẩm tiêu dùng khác giúp tăng cường sức khỏe răng miệng, những nguy cơ tiềm ẩn từ việc tiêu thụ nước được fluoride hóa có thể lớn hơn lợi ích của nó đối với một số cá nhân. Mùa hè năm ngoài, lần đầu tiên trong 53 năm, Dịch vụ Y tế Cộng đồng Mỹ đã hạ mức fluoride khuyến nghị trong nước uống xuống.

Bằng chứng

Bắt đầu từ thế kỷ 20, các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa hàm lượng fluoride cao có sẵn trong nguồn nước cộng đồng với nguy cơ bị sâu răng thấp. Năm 1945, Grand Rapids, Michigan, trở thành cộng đồng đầu tiên trên thế giới bổ sung fluoride vào nước máy. Khi các nghiên cứu được tiến hành sau đó chỉ ra tỷ lệ bị sâu răng thấp hơn đáng kể ở trẻ em trong độ tuổi đi học, việc fluoride hóa nguồn nước được áp dụng rộng rãi cho nhiều thị trấn và thành phố khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Mỹ đã gọi việc fluoride hóa nguồn nước cộng đồng là một trong 10 thành tựu y tế công cộng tuyệt vời nhất của thế kỷ 20.

Nhưng nhiều chuyên gia giờ đây lại đang nghi ngờ cơ sở khoa học của biện pháp can thiệp này. Vào tháng 6/2015, Tổ chức Cochrane – một hệ thống độc lập toàn cầu với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu và chuyên gia chăm sóc sức khỏe được biến đến với những đánh giá khoa học nghiêm ngặt của họ về các chính sách y tế cộng đồng – đã công bố một phân tích của 20 nghiên cứu chính về công tác fluoride hóa nguồn nước. Họ phát hiện thấy rằng tuy việc bổ sung fluoride cho nguồn nước rất hiệu quả trong việc giảm bớt nguy cơ sâu răng ở trẻ nhỏ, nhưng “chưa có nghiên cứu nào với mục tiêu xác định tính hiệu quả của hoạt động fluoride hóa nguồn nước trong việc ngăn ngừa sâu răng ở người trưởng thành đáp ứng được các tiêu chuẩn của bài đánh giá.”*

Báo cáo Cochrane cũng kết luận rằng những cuộc điều tra khoa học ban đầu về biện pháp fluoride hóa nguồn nước (hầu hết được tiến hành trước năm 1975) đều có rất nhiều thiếu sót. Các tác giả lưu ý rằng: “Chúng tôi có nhiều mối quan ngại về các phương thức được sử dụng, hoặc về việc báo cáo kết quả, trong… 97% các cuộc nghiên cứu.” Có một vấn đề là: Những nghiên cứu ban đầu không xem xét đến mức độ sử dụng rộng rãi các loại kem đánh răng chứa fluoride và các chất bổ sung fluoride nha khoa khác nhằm ngăn ngừa sâu răng sau này. Điều này có thể giải thích lý do vì sao các quốc gia không fluoride hóa nguồn nước của họ vẫn chứng kiến những mức giảm mạnh trong tỷ lệ sâu răng (xem biểu đồ).

Các quốc gia fluoride hóa nguồn nước

những nước bổ sung fluor

Nguồn: Số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế/Sức khỏe răng miệng

Các quốc gia không fluoride hóa nguồn nước

những nước không bổ sung fluor

Nguồn: Số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế/Sức khỏe răng miệng

Biểu đồ được cập nhật vào ngày 15/6/2016. Phiên bản trước của biểu đồ này đã liệt kê nhầm Úc và Chile vào nhóm các nước không bổ sung fluoride cho nguồn nước. Nguồn nước của cả hai quốc gia này đều đã được fluoride hóa.

Ngoài ra, bản thân fluoride nếu được sử dụng ở mức độ cao có thể hết sức nguy hiểm. Quá nhiều fluoride có thể gây ra chứng nhiễm độc fluoride (fluorosis) – những thay đổi trong men răng từ xuất hiện các đốm trắng khó nhận thấy đến mức ố xỉn và rỗ. Fluoride cũng có thể trở nên cô đặc trong xương – thúc đẩy sự phát triển của tế bào xương, làm thay đổi cấu trúc mô, và gây suy yếu xương cốt.

Có lẽ đáng lo ngại nhất là việc các nghiên cứu sơ bộ trên động vật thí nghiệm đã chỉ ra rằng hàm lượng fluoride cao có thể gây hại cho não và tế bào thần kinh. Và các nghiên cứu dịch tễ học ở người đã xác định được những mối liên hệ tiềm năng với sự sụt giảm khả năng học, ghi nhớ, và nhận thức, mặc dù phần lớn những nghiên cứu này đều tập trung vào các dân số có mức độ tiếp xúc với fluoride cao hơn so với những nguồn nước được bổ sung khác của Mỹ.

Kết luận

Đây là bình luận của Phillipe Grandjean, Giáo sư phụ tá của Ban sức khỏe môi trường thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard:

“Chúng ta nên công nhận rằng fluoride đem lại những lợi ích tích cực cho sự phát triển răng miệng cũng như trong việc ngăn ngừa sâu răng. Nhưng liệu chúng ta có cần bổ sung nó vào nước uống để nó ngấm vào máu và thậm chí là xâm nhập vào não bộ hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải thiết lập ba ưu tiên nghiên cứu.”

“Trước tiên, vì tỷ lệ sâu răng đã giảm tại các quốc gia fluoride hóa nguồn nước lẫn các quốc gia không bổ sung khoáng chất này cho nguồn cấp nước cộng đồng của họ, nên chúng ta phải đảm bảo rằng lượng fluoride được bổ sung cho nguồn nước chỉ nên vừa đủ để phục vụ các mục đích y tế nha khoa, chứ tuyệt đối không cho nhiều hơn.”

“Thứ hai, chúng ta phải dám chắc rằng biện pháp fluoride hóa không làm tăng nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khỏe. Cụ thể, chúng ta cần tiến hành các nghiên cứu cơ bản trên động vật để hiểu được mọi cơ chế độc hại tiềm ẩn của chất fluoride đối với sự phát triển của não bộ.”

“Thứ ba, chúng ta cần tìm hiểu xem có quần thể nào đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm độc fluoride trong nước uống hay không – ví dụ như trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa ngoài mà được pha bằng sữa bột công thức với nước máy, hoặc những bệnh nhân đang trải qua quá trình lọc máu. Nếu những cá nhân này có nguy cơ cao thì họ phải chuyển sang sử dụng nước từ một nguồn có nồng độ fluoride thấp hơn.”

*Phần mô tả về các phát hiện của Tổ chức Cochrane trong mối quan hệ giữa biện pháp fluoride hóa nguồn nước và tình trạng sâu răng ở người trưởng thành này là lời giải thích rõ hơn cho phần nội trong ấn bản in của Tạp chí Y học Công cộng Harvard được xuất bản vào mùa xuân năm 2016, cũng là nơi bài báo này xuất hiện lần đầu.

Nicole Davis là tác giả khoa học và cố vấn truyền thông chuyên về mảng y sinh học và công nghệ y sinh. Cô có bằng Tiến sĩ về di truyền học của Đại học Harvard.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment