Mâu thuẫn giữa nhãn cảnh báo của cà phê với hướng dẫn sức khỏe cộng đồng

Một Thẩm phán của Tòa án Cấp cao Quận Los Angeles gần đây đã đưa ra quyết định rằng tất cả cửa hàng cà phê cũng như người bán cà phê ở California phải cảnh báo người tiêu dùng về “nguy cơ ung thư tiềm ẩn” từ việc tiêu thụ loại đồ uống này – phán quyết này được đưa ra sau vụ kiện tập trung vào hợp chất hóa học acrylamide mà đã bị chỉ ra là có khả năng gây ra ung thư ở chuột.

cà phê có lợi cho sức khỏe

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn kiên quyết cho rằng cà phê không cần nhãn cảnh báo. Trong thực tế, nghiên cứu ở người đã cho thấy rằng cà phê thậm chí còn có thể đem lại lợi ích phòng ngừa một số bệnh ung thư cùng những bệnh khác.

Khi được hỏi về quyết định được áp dụng cho California, Tiến sỹ Nigel Brockton, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR), đã tuyên bố rằng: “Quyết định “gán tiếng xấu” cho cà phê như một chất gây ung thư là không phù hợp trong khi đã có rất nhiều bằng chứng áp đảo ở người chỉ ra lợi ích của loại đồ uống này, hoặc chí ít là nó cũng không gây ra ảnh hưởng bất lợi nào.” Ông cũng nói thêm:

Trong trường hợp này, việc ngoại suy (mở rộng các kết luận có được từ sự quan sát một hiện tượng sang những hiện tượng ngoài phạm vi đã được xem xét) những nghiên cứu từ động vật sang con người là không hề khôn ngoan chút nào, vì quá trình trao đổi chất của acrylamide giữa hai đối tượng khác nhau đáng kể, và liều lượng được dùng trong các nghiên cứu phòng thí nghiệm cũng không tương xứng để có thể đem so sánh với nhau. Những ảnh hưởng có lợi của cà phê, thậm chí là với hàm lượng tương đối cao đều đã được chứng minh, và chúng có liên quan đến việc cải thiện khả năng kiểm soát in*su*lin, phản ứng chống ôxy hóa cũng như giảm viêm – tất cả những yếu tố này đều cung cấp lợi ích phòng ngừa bệnh ung thư.

Tiến sỹ Ed Giovannucci, người nghiên cứu mối liên hệ giữa các yếu tố liên quan đến lối sống và nguy cơ ung thư tại Ban Dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard, bổ sung:

Chúng tôi đã nghiên cứu cà phê nhiều thập kỷ nay và có đủ bằng chứng từ các nghiên cứu quy mô lớn được thiết kế tỉ mỉ để có thể cam đoan rằng cà phê có khả năng phòng ngừa một số loại ung thư. Chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng cà phê không hề có hại và chắc chắn là cũng không cần gán nhãn cảnh báo như cách chúng ta vẫn làm với thuốc lá mà trong thực tế đã được chứng minh là gây hại và khiến người tiêu thụ đứng trước nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Nhãn cảnh báo được dựa trên Đạo luật Thực thi Nước uống An toàn và Độc hại năm 1986 của California. Đạo luật này yêu cầu các doanh nghiệp cảnh báo khách hàng nếu họ bị tiếp xúc với bất kỳ chất gây ung thư nào trong số 900 chất được xác nhận hoặc nghi ngờ. Acrylamide – một hợp chất không chỉ được tìm thấy trong hạt cà phê rang, mà còn xuất hiện trong một loạt các loại thực phẩm đã qua chế biến bao gồm bim bim, khoai tây chiên, và bánh mì nướng –  là một trong những chất gây ung thư bị nghi ngờ nằm trong danh sách này. Mặc dù acrylamide đúng là có làm tăng nguy cơ ung thư ở động vật thí nghiệm khi được dùng với liều lượng cao, nhưng chưa ai chứng minh được mối liên hệ giữa acrylamide trong thực phẩm và nguy cơ ung thư ở người.

Bác sĩ Walter Willett, cũng đến từ Ban Dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard, cho biết:

Quyết định này rất không phù hợp vì hầu hết nghiên cứu tiến hành ở người được công bố cho đến giờ phút này đều thất bại trong việc tìm ra mối liên hệ giữa acrylamide với các bệnh ung thư khác nhau.

Ông nói thêm:

Chúng tôi đã xem xét hàm lượng cà phê cùng lượng acrylamide tiêu thụ, cũng như nồng độ acrylamide trong máu, và không hề tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy sự gia tăng nguy cơ ung thư. Trong thực tế, chúng tôi chỉ phát hiện thấy những lợi ích mà bản thân cà phê mang lại cho sức khỏe con người.

Những điều mà chúng ta bỏ qua trong một quyết định như thế này là cà phê là một thức uống phức tạp chứa hàng trăm hợp chất khác nhau mà rất nhiều trong số đó đem lại những tác dụng có lợi tiềm năng, bao gồm chống viêm, chống ôxy hóa, và chống ung thư. Nhìn chung, các nghiên cứu về đồ uống đã chỉ ra nhiều lợi ích hơn là tác hại. Trong năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy rằng:

Không hề có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh được ảnh hưởng gây ung thư từ việc uống cà phê (bằng chứng hạn chế duy nhất cho mối lo ngại này liên quan đến việc uống các loại đồ uống ở nhiệt độ cực nóng).

Ngoài ra, bằng chứng của Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) còn chỉ ra rằng việc uống cà phê có thể giảm nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung và ung thư gan. Ngoài ung thư, các cuộc nghiên cứu còn liên hệ việc tiêu thụ cà phê với sự giảm thiểu nguy cơ bị tiểu đường và bệnh tim. Theo Cẩm nang Hướng dẫn Dinh dưỡng 2015 dành cho người Mỹ thì việc mỗi ngày uống đến năm cốc cà phê “có thể được bao gồm vào các mô hình ăn uống lành mạnh.”

Quả thực, cẩm nang hướng dẫn dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tốt nhất phải được dựa vào nhiều yếu tố hơn là chỉ tập trung vào việc cắt giảm các loại thực phẩm để nghiên cứu vào các hợp chất riêng lẻ – thậm chí còn hơn vậy nữa khi bằng chứng chủ yếu bao gồm các nghiên cứu trên động vật. Để đáp lại quyết định này, các chuyên gia y tế cũng đã bày tỏ mối lo ngại rằng phán quyết của tòa án có thể khiến công chúng hoang mang một cách không cần thiết.

Tiến sỹ Frank Hu, Chủ tịch Ban Dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard, cũng là người từng cho rằng quyết định này có vẻ vô nghĩa nếu xét về “lượng cực nhỏ” acrylamide trong cà phê, đã bình luận rằng:

Nếu mức độ tập trung thấp đến thế, thì ý nghĩa của việc gán nhãn cho những loại thực phẩm đó là gì?

Tiến sỹ Giovannucci đã phát biểu trong một buổi phỏng vấn và trong mục “op-ed” (bài viết của một chuyên gia hay ký giả có tiếng nhưng không thuộc ban biên tập, tức là quan điểm của người này không đại diện cho quan điểm của tờ báo) của một bài xã luận rằng:

Quyết định này có khả năng gây hại nhiều hơn là làm lợi cho sức khỏe cộng đồng, bằng cách gây hoang mang và khiến mọi người nghĩ rằng nguy cơ từ một thứ gì đó như cà phê cũng tương tự như nguy cơ từ việc hút thuốc lá.

Ông cũng nói thêm: 

Nếu xét theo mức độ ‘lo ngại về bệnh ung thư’ theo thang điểm từ 0 (hoàn toàn không đáng lo ngại) đến 10 (đáng lo ngại nhất), cà phê chắc chắn là chỉ nên đứng ở mức 0 và việc hút thuốc lá phải bị xếp lên mức 10; chúng không nên có nhãn cảnh báo giống nhau.

Kết luận: Đã có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng cà phê – nhất là khi không được tiêu thụ kèm quá nhiều đường hoặc kem bổ sung – có thể mang đến nhiều lợi ích hơn là tác hại. Những người đang uống cà phê trong bối cảnh của một kế hoạch ăn uống lành mạnh không nên quan tâm hay cảm thấy bối rối với các quyết định và phán quyết gần đây.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment