Nghiên cứu sức khỏe y tá

Nếu bạn chăm theo dõi tin tức về dinh dưỡng trên các phương tiện truyền thông, rất có thể là bạn đã biết đến một số phát hiện từ một nghiên cứu thuần tập gọi là Nghiên cứu sức khỏe y tá (Nurses’ Health Studies). Nghiên cứu sức khỏe y tá (NHS) bắt đầu từ năm 1976, được dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Channing của Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, Trường Y Harvard, cùng Trường Y tế Công cộng Harvard, với nguồn tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health). Nghiên cứu này tập hợp những y tá chính quy trong độ tuổi từ 30-55 trên toàn nước Mỹ để tham gia trả lời các bảng câu hỏi. Các y tá được chọn cụ thể dựa vào khả năng hoàn thành hết các bảng câu hỏi liên quan đến sức khỏe, mà thường là rất chuyên môn, một cách kỹ lưỡng và chuẩn xác. Họ cho thấy động cơ tham gia vào cuộc nghiên cứu dài hạn mà đòi hỏi cứ hai năm một là phải trả lời các bảng câu hỏi thăm dò. Ngoài ra, nhóm y tá còn cung cấp máu, nước tiểu, cùng những mẫu xét nghiệm khác trong quá trình cuộc nghiên cứu được tiến hành.

NHS là một nghiên cứu thuần tập tiền cứu, tức là các nhóm đối tượng sẽ được theo dõi trong một thời gian nhằm mục đích nghiên cứu các thói quen về lối sống hoặc các đặc điểm khác để xem liệu họ có bị phát triển bệnh, tử vong hoặc gặp phải các hệ quả khác hay không. Để so sánh, một nghiên cứu thuần tập hồi cứu sẽ xác định cụ thể một căn bệnh hoặc một kết quả rồi nhìn lại giai đoạn theo dõi các nhóm đối tượng để xem liệu có những yếu tố phổ biến dẫn đến căn bệnh hoặc kết quả đó không. So với nghiên cứu thuần tập hồi cứu thì nghiên cứu thuần tập tiền cứu có một lợi ích là tính chính xác cao hơn trong chi tiết báo cáo, chẳng hạn như lượng thực phẩm tiêu thụ, mà không bị bóp méo bởi quá trình chẩn đoán bệnh.

Tính đến nay đã có ba nghiên cứu thuần thập NHS: Nghiên cứu NHS nguyên bản, NHS II, và NHS 3. Dưới đây là một số đặc điểm riêng biệt của mỗi một nghiên cứu.

Nghiên cứu NHS nguyên bản

  • Bắt đầu từ năm 1976 bởi Bác sĩ Frank Speizer.
  • Đối tượng tham gia: 121.700 phụ nữ đã có gia đình, độ tuổi từ 30-55 trong năm 1976.
  • Kết quả được nghiên cứu: Tác động của các biện pháp tránh thai và hút thuốc lá đối với bệnh ung thư vú; về sau lĩnh vực này được mở rộng để quan sát các yếu tố và hành vi thuộc về lối sống khác có liên quan đến 30 căn bệnh.
  • Một bảng câu hỏi về mức độ thường xuyên tiêu thụ thực phẩm đã được bổ sung vào năm 1980 để thu thập thông tin về lượng thức ăn, và tiếp tục được thu thập bốn năm một lần.

NHS II

  • Được tiến hành vào năm 1989 bởi Bác sĩ, Thạc sĩ Y tế Công cộng, Tiến sỹ Y tế Công cộng Walter Willett cùng đồng nghiệp.
  • Đối tượng tham gia: 116.430 phụ nữ đơn thân và đã có gia đình từ 25-42 tuổi trong năm 1989.
  • Kết quả được nghiên cứu: Ảnh hưởng đối với sức khỏe phụ nữ của thuốc uống tránh thai bắt đầu trong thời niên thiếu, chế độ dinh dưỡng cùng hoạt động thể chất trong thời niên thiếu, và các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống trong quần thể trẻ hơn so với Nghiên cứu thuần tập NHS nguyên bản. Một loạt các bệnh được thử nghiệm/kiểm tra trong NHS nguyên bản hiện cũng đang được nghiên cứu trong NHSII.
  • Bảng câu hỏi thăm dò đầu tiên về mức độ thường xuyên tiêu thụ thực phẩm được thu thập vào năm 1991, và sau đó cứ 4 năm là lại được thu thập một lần.

NHS 3

  • Được tiến hành vào năm 2010 bởi Jorge Chavarro (Bác sĩ, Thạc sĩ Khoa học, Tiến sĩ Khoa học), Walter Willett (Bác sĩ, Thạc sĩ Y tế Công cộng, Tiến sỹ Y tế Công cộng), Janet Rich-Edwards (Tiến sĩ Khoa học, Thạc sĩ Y tế Công cộng), và Stacey Missmer (Tiến sĩ Khoa học).
  • Đối tượng tham gia: Được mở rộng để không chỉ bao gồm y tá chính quy mà còn cả điều dưỡng thực hành có giấy phép (LPN) và điều dưỡng đào tạo nghề có giấy phép (LVN), độ tuổi từ 19-46. Hiện tại quá trình tuyển người tham gia vẫn đang diễn ra.
  • Bao gồm các quần thế y tá đa dạng hơn, bao gồm y tá nam và y tá đến từ Canada.
  • Kết quả được nghiên cứu: Các mô hình dinh dưỡng, lối sống, môi trường, và những sự phơi nhiễm/tiếp xúc nghề y tá mà có thể tác động đến sức khỏe của cả nam giới lẫn nữ giới; ảnh hưởng của quá trình chuẩn bị hormone mới cùng khả năng sinh sản/mang thai đối với sức khỏe phụ nữ; mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng ở giai đoạn thanh thiếu niên đối với nguy cơ bị ung thư vú.

Từ ba nghiên cứu thuần tập này, các nghiên cứu sâu rộng hơn đối với mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng, thói quen hút thuốc, mức độ hoạt động thể chất, tình trạng thừa cân và béo phì, việc sử dụng thuốc uống tránh thai, liệu pháp hormone, nội tiết tố, các yếu tố dinh dưỡng, giấc ngủ, di truyền học và những hành vi cũng như đặc điểm khác cùng các bệnh khác nhau đã được công bố. Vào năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 40 năm của NHS, số báo tháng Chín của Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ đã được dành riêng để giới thiệu nhiều đóng góp quan trọng của Nghiên cứu sức khỏe y tá đối với lĩnh vực y tế công cộng.

Nghiên cứu trưởng thành ngày nay (GUTS)

Vào năm 1996, các nhà nghiên cứu bắt đầu quá trình tuyển mộ một nhóm thuần tập thế hệ chéo mới gọi là GUTS (Nghiên cứu trưởng thành ngày nay) – con của những y tá từ NHSII. GUTS được tiến hành với sự tham gia của 27.802 bé trai và bé gái từ ở trong độ tuổi từ 9-17 vào thời điểm tuyển mộ. Khi toàn bộ nhóm thuần tập bước vào giai đoạn trưởng thành, họ hoàn thành các bảng câu hỏi thăm dò thường niên bao gồm thông tin về lượng thực phẩm tiêu thụ, thay đổi trong khối lượng, mức độ vận động/tập thể dục, việc sử dụng các chất gây nghiện và đồ uống có cồn, hình tượng cơ thể, cùng các yếu tố môi trường. Những nhà nghiên cứu sẽ xem xét các điều kiện phổ biến hơn ở nhóm người trưởng thành trẻ tuổi, chẳng hạn như hen suyễn, ung thư da, rối loạn ăn uống, và chấn thương do chơi thể thao.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment