Nghệ – gia vị đặc biệt nên có trong bữa ăn

Ngày nhỏ, mình không thích mùi của nghệ, bất kể là món canh hay món kho, nhìn thấy nghệ là mình cảm được vị khó ăn. Nhưng từ khi hiểu được giá trị to lớn của loại gia vị đặc biệt này mà mình đã trở nên “thích mùi nghệ” do việc làm quen từ từ. Đôi khi, sở thích của mình thường bị thay đổi một cách lý trí như vậy, cũng giống như việc mình biết thức ăn động vật có hại thì mình cũng không còn thấy ngon nữa.

Bột nghệ

Thông thường, các hợp chất có vị đắng và nồng trong họ cải và họ hành được cho là chịu trách nhiệm mang lại lợi ích sức khỏe. Màu sắc đậm và hương vị mạnh có thể là dấu hiệu của lợi ích to lớn, tất nhiên bạn cần phải loại trừ màu sắc và hương vị nhân tạo của thực phẩm chế biến – thứ mà mình gọi là thuốc độc giết người từ từ.

Ở một số quốc gia hiện nay, hướng dẫn dinh dưỡng của họ đặc biệt khuyến khích ăn các loại thảo mộc và gia vị, không chỉ như là chất thay thế muối mà còn vì các thuộc tính lành mạnh riêng của chúng. Đứng top đầu trong danh sách các loại thảo mộc và gia vị lành mạnh chính là nghệ, xin mời các bạn cùng tìm hiểu kĩ về loại gia vị đặc biệt rất phổ biến tại quê hương Việt Nam chúng ta.

Tại sao nên ăn nghệ mỗi ngày?

Curcumin, sắc tố trong củ nghệ khiến nghệ có màu vàng tươi là đề tài nghiên cứu của rất nhiều các nhà khoa học từ trước tới nay. Hoạt chất curcumin trong củ nghệ có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh phổi, bệnh não, và một loạt các bệnh ung thư bao gồm bệnh đa u tủy xương, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tụy.

Hoạt chất curcumin cũng được chứng minh giúp hồi phục nhanh sau phẫu thuật và điều trị bệnh thấp khớp hiệu quả hơn so với thuốc được lựa chọn hàng đầu. Nó cũng hiệu quả trong điều trị chứng viêm khớp mãn tính và các tình trạng viêm khác như lupus ban đỏ và viêm đại tràng.

Vấn đề là nên ăn bao nhiêu nghệ, ăn nghệ như thế nào và rủi ro là gì, chúng ta hãy đi lần lượt từng phần như dưới đây.

Lượng cần ăn hằng ngày là bao nhiêu?

Liều lượng nghệ sử dụng trong các nghiên cứu trên người là từ ít hơn 1/16 thìa lên đến gần 2 muỗng canh một ngày. Ngay cả ở liều cao, rất ít tác dụng bất lợi đã được báo báo, nhưng các nghiên cứu chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nên không biết được nếu dùng liều cao và trong thời gian dài liệu có tác hại gì hay không.

Vì thế, lời khuyên với mọi người chỉ nên sử dụng ở liều lượng thường dùng trong ẩm thực, tức là ¼ thìa bột nghệ khô mỗi ngày. ¼ thìa bột nghệ khô tương đương với khoảng 0,64 cm củ nghệ tươi. Bạn có thể lưu giữ nghệ tươi trong ngăn mát tủ lạnh hoặc trong tủ đá để giữ được cả năm nếu không tiện mua sắm thường xuyên.

Nếu ăn quá nhiều nghệ thì sao? Có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận nhất định. Bởi vì, trong nghệ có hàm lượng oxalate hòa tan cao, có thể liên kết với canxi và phát triển thành dạng sỏi thận phổ biến nhất – oxalate canxi không tan, chịu trách nhiệm cho khoảng 75% trường hợp sỏi thận. Không nên ăn quá nhiều nghệ tức là nên giới hạn ở mức 1 thìa nghệ trở lại, và mức khuyến nghị nên là ¼ thìa nghệ mỗi ngày.

Ăn nghệ như thế nào là tốt nhất?

Bằng cách nào đó, con người từ xa xưa đã tìm ra những gì mà các nhà khoa học đã không thể khám phá ra cho mãi đến sau này. Ví dụ trong số đó chính là cách kết hợp giữa gia vị nghệ và hạt tiêu.

Trong vòng một giờ sau khi ăn nghệ, hoạt chất curcumin xuất hiện trong máu, nhưng chỉ là những dấu vết nhỏ. Tại sao chỉ có một lượng nhỏ như vậy? Có thể đoán được, gan đã tích cực làm việc để loại bỏ nó.

Nhưng nếu bạn ăn một ít hạt tiêu đen, ví dụ như ¼ thìa tiêu đen, nồng độ curcumin trong máu tăng vọt lên 2000%. Và bạn đoán xem, một thành phần phổ biến trong nhiều loại bột cà ri là gì ngoài nghệ? Chính là tiêu đen.

Có thể bạn sẽ hỏi, ăn nghệ sống hay nghệ nấu chín tốt hơn? Câu trả lời là cách ăn nào cũng mang lại lợi ích riêng, không so sánh được. Nghệ sống có tác dụng kháng viêm cao hơn, còn nghệ nấu chín có tác dụng bảo vệ ADN tốt hơn. Mình sử dụng cả hai dạng sống và chín.

Ví dụ, mình bào nhỏ nghệ sống thả vào món sữa thực vật, sinh tố; bột nghệ khô mình ướp cho các món rim, kho; lát nghệ sấy khô mình cho vào nồi rim kho cho đẹp mắt và cắn miếng nghệ dai dai ăn cùng cơm rất ngon vv.

Thực phẩm chức năng nghệ thì sao?

Dùng thực phẩm chức năng chứa curcumin mỗi ngày có phải tiện hơn không? Với mình, ngoài chi phí cao hơn, thực phẩm chức năng nghệ còn tiềm tàng những bất lợi như sau:

  • Curcumin không tương đương với nghệ. Tức là, khi bạn sử dụng thực phẩm chức năng nghệ, thì bạn đang chỉ được sử dụng curcumin – là một trong nhiều thành phần tốt khác của gia vị toàn phần. Có rất ít nghiên cứu đã so sánh nghệ với curcumin, nhưng vài nghiên cứu cho thấy củ nghệ hiệu quả thậm chí còn tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy, các thành phần khác ngoài hoạt chất curcumin cũng có thể góp phần vào việc chống ung thư.
  • Tiếp theo là liều lượng tiêu thụ. Một người tiêu thụ quá nhiều curcumin dẫn đến lượng curcumin trong máu đủ để gây tổn thương ADN, vậy nên, thay vì ăn nghệ chiết xuất để phải đắn đo, lo lắng về tác dụng phụ thì hãy thêm nghệ như một gia vị toàn phần trong món ăn hàng ngày.

Ai không nên ăn nghệ?

  • Những người bị sỏi mật, nghệ có thể gây ra cơn đau. Nghệ có chứa cholecyokokinet làm thúc đẩy hoạt động bơm của túi mật để giữ cho mật không bị ứ đọng. Với ¼ thìa nghệ làm túi mật co bóp, đẩy ra một nửa lượng mật chứa bên trong. Bằng cách này, nó có thể ngăn ngừa sỏi mật hình thành từ đầu. Nhưng nếu bạn đã sẵn có sỏi mật cản trở đường mật, thì sự co bóp này sẽ dẫn tới đau. Mặc dù vậy, đối với những người khỏe mạnh khác, nghệ có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi mật đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ ung thư túi mật.
  • Nghệ là an toàn với người mang thai, nhưng đó là nghệ toàn phần tức là ăn miếng nghệ tươi, bột nghệ khô toàn phần, lát nghệ sấy khô chứ không phải là thực phẩm chức năng chiết xuất như curcumin.

Và bây giờ mình tạm dừng tại đây để đi thưởng thức món sữa thực vật có thành phần bột nghệ. Hôm nay mình không bào nghệ tươi mà thả 1/4 thìa bột nghệ khô vào cùng.

Sữa bột nghệ

(Hạ Mến)

Leave a Comment