Mùi và Vị thay đổi thế nào khi bạn lão hóa

Câu chuyện của Sally

Hàng năm, cứ đến Lễ Tạ ơn là bà Sally lại mong chờ tới bữa tối ở nhà con gái bà ấy. Bà ấy thích mùi hương của thịt gà tây cùng các món khác. Bà ấy nóng lòng muốn được thưởng thức chúng. Nhưng, năm nay mùi hương không còn giống Lễ Tạ ơn nữa, và khi Sally ăn các món ăn ngày lễ, bà ấy cảm thấy hụt hẫng, thất vọng. Chúng không còn ngon như bà ấy vẫn nhớ nữa. Và dường như chỉ mỗi mình bà ấy để ý đến điều đó. Sally băn khoăn không hiểu đã có chuyện gì – liệu có phải vấn đề nằm ở các giác quan của bà ấy hay không?

tuổi già và mùi vị

Bạn có biết rằng vị giác và khứu giác của bạn được liên kết với nhau không? Khi bạn già đi, các giác quan này thay đổi, và, giống như Sally, bạn cũng có thể thấy một số món ăn nhất định không còn thơm ngon như trước nữa. Những thay đổi trong mùi và vị còn có thể là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn.

Khứu giác của bạn

Khứu giác là một giác quan quan trọng. Những mùi nhất định, chẳng hạn như mùi nước hoa của bố bạn, có thể khơi gợi lại kỷ niệm. Những mùi khác, như mùi khói từ đám cháy, có thể báo hiệu hiểm nguy. Khi bạn không thể ngửi thứ bạn thích, giống như hương cà phê buổi sáng hay hương hoa mùa xuân, cuộc sống có thể sẽ cực kỳ nhàm chán.

Khi bạn già đi, khứu giác của bạn có thể yếu dần. Khứu giác của bạn có mối liên hệ chặt chẽ với vị giác. Khi bạn không ngửi được thì thức ăn có thể sẽ rất nhạt nhẽo. Bạn thậm chí còn có thể không còn hứng thú gì với việc ăn uống nữa.

Nguyên nhân gây mất khứu giác?

Có nhiều nguyên nhân gây mất khứu giác ngắn hạn. Sự mất khứu giác tạm thời này có thể là do:

  • Cảm lạnh hoặc cúm gây nghẹt mũi. Khả năng ngửi sẽ phục hồi khi bạn thấy khá hơn.
  • Dị ứng. Hãy cố tránh xa những thứ gây dị ứng cho bạn, ví dụ như phấn hoa hoặc vật nuôi. Xin lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát chứng dị ứng của bạn.
  • Một khối u vô hại (gọi là polyp) trong mũi hoặc xoang khiến bạn bị chảy nước mũi. Cắt bỏ khối u có thể khắc phục vấn đề này.
  • Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh hoặc thuốc huyết áp. Hãy hỏi bác sĩ về loại thuốc mà bạn có thể sử dụng.
  • Xạ trị, hóa trị, và các phương pháp điều trị ung thư khác. Khứu giác của bạn có thể quay lại khi việc điều trị dừng lại.

Một số nguyên nhân khác lại dẫn đến tình trạng mất khứu giác trong một thời gian dài. Ví dụ như chấn thương đầu có thể gây tổn thương các dây thần kinh liên quan đến mùi.

Đôi khi, việc mất khứu giác có thể là dấu hiệu của một chứng rối loạn nghiêm trọng hơn, đơn cử như bệnh Parkinson hoặc bệnh Alzheimer. Tốt hơn hết hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn khi bạn phát hiện ra bất cứ sự thay đổi nào trong khứu giác của mình.

Mùi có thể giữ an toàn cho bạn

Nhận biết mùi hương xung quanh bạn là một việc hết sức quan trọng. Bạn cần phải ngửi được:

  • Mùi khói – mỗi năm kiểm tra máy báo khói một lần để đảm bảo chúng vẫn hoạt động tốt.
  • Rò rỉ khí ga – đảm bảo trong nhà phải có máy báo khói.
  • Thức ăn hỏng – đổ bỏ hết thức ăn đã lưu cữu trong tủ lạnh quá lâu.
  • Hóa chất gia dụng – đảm bảo nơi bạn sống và làm việc phải có không khí trong lành.

Vị giác của bạn

Có vô số nụ vị giác nhỏ li ti bên trong miệng – trên lưỡi của bạn, trong họng, thậm chí là cả trên vòm họng. Thứ mà chúng ta gọi là “hương vị” được dựa vào năm vị cơ bản: ngọt, mặn, đáng, chua, và gắt. Cùng với vị, mùi của thực phẩm cũng là một phần cấu thành nên hương vị của nó.

Khi thức ăn có vị nhạt, nhiều người cố cải thiện hương vị bằng cách cho thêm muối hoặc đường. Việc này có thể không tốt cho sức khỏe của người lớn tuổi, nhất là nếu bạn đang gặp phải các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao hoặc tiểu đường (đường trong máu cao).

Những người đã ít nhiều mất vị giác có thể không ăn được những loại thực phẩm mà họ cần tiêu thụ để duy trì sức khỏe lành mạnh. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề khác như:

  • Sụt cân
  • Suy dinh dưỡng (không nhận đủ calo, protein, carbohydrate, vitamin cùng khoáng chất cần thiết từ thực phẩm)
  • Cách ly xã hội
  • Trầm cảm

Việc ăn những loại thực phẩm lành mạnh là hết sức quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Nếu bạn gặp phải các vấn đề với vị của thức ăn, tốt nhất là hãy nói chuyện với bác sĩ của mình.

Nguyên nhân gây mất vị giác

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất vị giác. Thường thì có nhiều cách để giải quyết vấn đề này.

Các loại thuốc, như thuốc kháng sinh cùng với thuốc hạ cholesterol và huyết áp, đôi khi có thể thay đổi vị của thực phẩm. Một số loại thuốc có thể khiến bạn bị khô miệng. Khi miệng bạn khô thì thức ăn sẽ có vị kì lạ, và bạn sẽ thấy rất khó nuốt. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ loại thuốc bạn dùng đang ảnh hưởng đến vị giác của mình. Bạn có thể thử nhiều loại thuốc khác nhau. Đừng ngừng sử dụng thuốc của bạn.

Bệnh viêm nướu, nhiễm trùng trong miệng, hoặc các vấn đề với răng giả có thể để lại một vị tệ hại trong miệng bạn làm thay đổi hương vị của thức ăn. Việc đánh răng, dùng chỉ nha khóa cũng như sử dụng nước súc miệng có thể giúp ngăn ngừa những vấn đề này. Hãy nói chuyện với nha sĩ nếu bạn thấy trong miệng có vị gì đó kinh khủng mà không chịu biến mất.

Đồ uống có cồn có thể thay đổi vị của thức ăn. Cắt giảm hoặc dừng hẳn việc uống rượu bia có thể giúp ích phần nào. Hút thuốc lá cũng làm giảm vị giác của bạn. Nếu có thể hãy bỏ thuốc để khắc phục vấn đề vị giác.

Các biện pháp điều trị ung thư và vị

Những người đang tiếp nhận các phương pháp điều trị ung thư có thể gặp vấn đề với vị. Vị giác của bạn thường trở lại bình thường sau khi quá trình điều trị dừng lại.

Các phương pháp điều trị ung thư có thể khiến thức ăn có vị dở hoặc “kì lạ.” Một số người cho rằng thực phẩm có vị kim loại. Vị kì lạ này có thể khiến một số người né tránh ăn các loại thực phẩm lành mạnh. Nếu việc này xảy đến với bạn, hãy thử:

  • Ăn bốn hoặc năm bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn.
  • Ăn thực phẩm lạnh, bao gồm sữa chua, bánh pudding, và các món tráng miệng làm từ gelatin. Thực phẩm lạnh có thể ngon hơn thức ăn nóng.
  • Ăn rau củ tươi, không nấu chín. Rau củ nấu chín có thể có mùi mạnh kém hấp dẫn.
  • Uống thật nhiều chất lỏng, bao gồm nước lọc, trà loãng, nước ép, và đồ uống ướp gừng.
  • Thử các loại thức ăn mới để tìm món bạn thích.
  • Chải răng trước và sau khi ăn.
  • Dùng thìa dĩa nhựa nếu thức ăn có vị kim loại.

Màu sắc và gia vị có thể giúp ích

Nếu bạn đang gặp vấn đề với việc ngửi và nếm thức ăn, hãy thử cho thêm màu sắc và tăng kết cấu để món ăn của bạn hấp dẫn hơn. Ví dụ, hãy thử ăn những loại rau củ sáng màu như cà rốt, khoai lang, súp lơ, và cà chua. Ngoài ra, nếu chế độ dinh dưỡng của bạn cho phép, hãy tăng hương vị cho món ăn của bạn với một chút bơ, dầu ô liu, phô mai, hạt khô, hoặc các loại thảo mộc tươi như xô thơm, cỏ xạ hương (húng tây), và hương thảo. Để hương vị món ăn thực sự nổi bật, hãy cho thêm mù tạt, ớt cay, hành tây, tỏi, gừng, các loại gia vị khác nhau, hoặc nước cốt chanh vào. Chọn những món ăn mà bạn thấy ngon.

Bác sĩ chuyên về vị giác và khứu giác: Bác sĩ tai mũi họng

Nếu những món bạn thích không có mùi vị như bạn mong đợi, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Họ có thể gợi ý cho bạn một chuyên gia chuyên điều trị cho những người bị các vấn đề về mùi và vị. Kiểu bác sĩ này được gọi là bác sĩ tai, mũi, họng (otolaryngologist). Bác sĩ tai, mũi, họng chuyên giải quyết những vấn đề liên quan đến các bộ phận cụ thể này, cũng như thanh quản (larynx), miệng, và các bộ phận khác ở cổ và mặt. Họ có thể hỏi bạn những câu như:

  • Bạn có ngửi thấy mùi gì không?
  • Bạn có nếm được bất cứ món nào không?
  • Vấn đề này ngày một trầm trọng hơn à?
  • Bạn có được thông báo là bạn bị dị ứng hay có các vấn đề về xoang mãn tính không?
  • Bạn đang dùng thuốc gì?

Có nhiều cách có thể giúp khắc phục vấn đề. Nếu không, bác sĩ có thể giúp bạn đối phó với những thay đổi trong vị giác và khứu giác.

Xêm thêm bài khác: Tác động của lão hóa với vị giác và khứu giác

(Theo NIA, NIH – Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment