Uống nhiều rượu bia có gây ung thư không?

Đồ uống có cồn là gì?

Cồn là một thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ ethanol (etanol) hoặc rượu etyl, một hóa chất có trong các thức uống có cồn như bia, cider (thức uống có cồn được lên men từ trái cây và thường là táo – ND), rượu mạch nha, rượu vang, và đồ uống chưng cất (rượu mạnh). Cồn được tạo ra nhờ vào việc lên men đường và tinh bột bằng men. Cồn còn được tìm thấy trong một số loại thuốc, nước súc miệng, và sản phẩm gia dụng (bao gồm chiết xuất vani và các hương liệu khác). Tài liệu này sẽ tập trung vào nguy cơ ung thư liên quan đến việc tiêu thụ các loại đồ uống có cồn.

uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ gây ung thư

Theo Viện Lạm dụng rượu và Nghiện rượu Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism), một món đồ uống có cồn tiêu chuẩn ở Mỹ chứa 14,0g (0,6 ounce) cồn nguyên chất. Thông thường, lượng cồn nguyên chất này được tìm thấy trong:

  • 12 ounce (355ml) bia
  • 8-9 ounce (236-266ml) rượu mạch nha
  • 5 ounce (147ml) rượu vang
  • 1,5 ounce (44ml), hoặc một “chén,” rượu mạnh 80 độ proof (tức là có đến 40% cồn)

Những hàm lượng này được các chuyên gia y tế công cộng sử dụng trong việc phát triển những nguyên tắc hướng dẫn sức khỏe về việc tiêu thụ cồn và để cung cấp cho mọi người một cách so sánh hàm lượng cồn mà họ tiêu thụ. Tuy nhiên, chúng có thể không phản ánh được kích cỡ khẩu phần điển hình mà mọi người thấy trong cuộc sống thường nhật.

Theo Hướng dẫn Dinh dưỡng Dành cho Người Mỹ 2015-2020 (Dietary Guidelines for Americans 2015-2020) của chính phủ liên bang, những cá nhân vốn không uống rượu bia cũng không nên bắt đầu uống chúng vì bất cứ lí do gì. Hướng dẫn khuyến nghị rằng nếu bạn đang tiêu thụ đồ uống có cồn thì chỉ nên uống trong chừng mực/có mức độ/vừa phải và định nghĩa việc uống rượu bia trong chừng mực là mỗi ngày uống một món đồ uống với nữ giới và với nam giới là hai món đồ uống/ngày.

Sử dụng quá nhiều rượu bia được định nghĩa là uống từ 4 món đồ uống trở lên/ngày, hoặc từ 8 món đồ uống trở lên/tuần với nữ giới hoặc trên 15 món đồ uống/tuần với nam giới. Tiêu thụ rượu bia vô độ được định nghĩa như việc uống một mạch 4 món đồ uống hoặc nhiều hơn ở nữ giới, và với nam giới là 5 món đồ uống trở lên (thường là trong khoảng 2 tiếng).

Bằng chứng nào chứng minh việc uống rượu bia gây ung thư?

Có một sự đồng thuận khoa học mạnh mẽ chỉ ra rằng việc uống rượu bia có thể gây ra một số bệnh ung thư. Trong Báo cáo về các chất gây ung thư của mình, Chương trình Chất độc Quốc gia của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã liệt kê việc tiêu thụ đồ uống có cồn như một tác nhân gây ung thư ở người. Bằng chứng cho thấy rằng một người uống càng nhiều rượu bia – đặc biệt là người nào uống càng nhiều rượu bia một cách thường xuyên theo thời gian – thì nguy cơ phát triển những loại ung thư liên quan đến đồ uống có cồn của người đó càng cao. Ngay cả những người uống ít (tiêu thụ không quá một món đồ uống/ngày) và những người uống vô độ cũng bị tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Dựa vào dữ liệu từ năm 2009, khoảng 3,5% số ca tử vong ở Mỹ (khoảng 19,500 trường hợp) là có liên quan đến rượu bia.

Các mô hình rõ ràng đã xuất hiện giữa việc tiêu thụ rượu bia và sự phát triển của những loại ung thư sau:

  • Ung thư đầu và cổ: Mức tiêu thụ rượu bia từ vừa phải đến quá nhiều có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở vùng đầu và cổ. Những người uống trong chừng mực có nguy cơ bị bệnh ung thư khoang miệng (không bao gồm môi) và ung thư họng cao gấp 1,8 lần, và nguy cơ bị ung thư thanh quản cao gấp 1,4 lần so với những người không tiêu thụ đồ uống có cồn, còn nguy cơ bị ung thư khoang miệng và họng, cùng với nguy cơ bị ung thư thanh quản của những người uống quá nhiều rượu bia lần lượt cao hơn 5 lần và 1,6 lần. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh ung thư nêu trên còn cao hơn đáng kể ở những người vừa tiêu thụ lượng rượu bia này lại vừa hút cả thuốc lá.
  • Ung thư thực quản: Tiêu thụ đồ uống có cồn ở bất cứ mức độ nào cũng liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc một loại ung thư thực quản có tên là ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản. So với những người không uống rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh ung thư này ở những người uống ít là cao hơn gấp 1,3 lần và ở những người uống quá nhiều là 5 lần. Bên cạnh đó, những người bị thừa hưởng (về mặt di truyền) sự thiếu hụt loại enzyme giúp chuyển hóa cồn đã được phát hiện là có nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản cao hơn đáng kể nếu họ tiêu thụ rượu bia.
  • Ung thư gan: Tiêu thụ quá nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc hai loại bệnh ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư đường mật vùng trong gan) lên gấp gần 2 lần.
  • Ung thư vú: Các nghiên cứu dịch tễ học đều cho thấy rằng nguy cơ bị ung thư vú tăng khi lượng rượu bia tiêu thụ tăng. Dữ liệu gộp từ 118 nghiên cứu riêng lẻ chỉ ra rằng những người uống ít rượu bia thường có một mức tăng nhẹ trong nguy cơ bị ung thư vú (cao hơn 1,04 lần), so với những người không tiêu thụ rượu bia. Mức tăng này cao hơn ở những người uống vừa phải và uống quá nhiều, lần lượt là cao gấp 1,23 lần và 1,6 lần. Một phân tích của dữ liệu tiền cứu với 88.000 người tham gia trong 2 nghiên cứu thuần tập Mỹ đã kết luận rằng nữ giới chưa từng hút thuốc lá, uống rượu bia từ ít đến vừa phải cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu bia (chủ yếu là ung thư vú) cao hơn 1,13 lần.
  • Ung thư kết trực tràng: Tiêu thụ đồ uống có cồn từ ít đến vừa phải có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột kết và ung thư trực tràng (gọi chung là ung thư kết trực tràng) so với những người không uống rượu bia.

Nhiều nghiên cứu đã xem xét vấn đề liệu có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có cồn và nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác hay không. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng rượu bia có khả năng làm tăng nguy cơ bị ung thư hắc tố, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, với trường hợp của bệnh ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư tử cung, và ung thư bàng quang, các chuyên gia chưa phát hiện ra mối liên hệ với việc sử dụng rượu bia, hoặc không thì bằng chứng chỉ ra mối liên hệ đó cũng rất thiếu nhất quán.

Việc tiêu thụ rượu bia còn được cho là có khả năng làm giảm nguy cơ bị ung thư thận, và ung thư bạch huyết không Hodgkin trong nhiều nghiên cứu. Song, kể cả việc tiêu thụ đồ uống có cồn có cung cấp lợi ích tiềm năng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, thì chúng cũng rất dễ bị lấn át bởi những tác hại của việc này. Trong thực tế, một nghiên cứu gần đây mà bao gồm dữ liệu từ hơn 1000 nghiên cứu và nguồn dữ liệu về đồ uống có cồn, cũng như hồ sơ số ca tử vong và khuyết tật từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đọa 1990-2016, đã kết luận rằng số lượng đồ uống tối ưu nên tiêu thụ mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe tổng thể là 0 (Zero). Nghiên cứu đó không bao gồm dữ liệu về bệnh ung thư thận hay bệnh ung thư bạch huyết không Hodgkin.

Uống rượu bia còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguyên phát thứ hai (một bệnh ung thư nguyên phát mới xảy ra ở người đã từng bị ung thư trong quá khứ. Ung thư nguyên phát thứ hai có thể xuất hiện vài tháng hoặc vài năm sau khi ung thư nguyên phát ban đầu được chẩn đoán và điều trị – ND). Ví dụ, một phân tích tổng hợp với dữ liệu từ 19 nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số những bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên (UADT) – bao gồm khoang miệng, họng, thanh quản, và thực quản – với mỗi 10g rượu bia tiêu thụ mỗi ngày trước khi có chẩn đoán ung thư UADT, nguy cơ bị ung thư UADT nguyên phát thứ hai lại cao gấp 1,09 lần. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào làm sáng tỏ được vấn đề liệu việc tiêu thụ rượu bia có làm tăng nguy cơ bị ung thư nguyên phát thứ hai ở các vị trí khác, giả dụ như vú hay không.

Đồ uống có cồn tác động thế nào đến nguy cơ ung thư?

Các nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết về nhiều cách mà rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bao gồm:

  • Chuyển hóa (phân hóa) ethanol trong đồ uống có cồn thành acetaldehyde, một hóa chất độc hại và là chất có thể gây ung thư ở người; acetaldehyde có thể làm hư hỏng cả ADN (vật chất di truyền tạo nên gen) và các protein
  • Tạo ra các loại ôxy phản ứng (những phân tử phản ứng hóa học chứa ôxy), có thể làm hỏng ADN, protein, lipid (chất béo) trong cơ thể thông qua một quá trình gọi là ôxy hóa
  • Gây suy yếu khả năng phân hủy và hấp thu một loạt dưỡng chất của cơ thể mà có thể liên quan đến nguy cơ ung thư, bao gồm vitamin A, những dưỡng chất trong phức hợp vitamin B, chẳng hạn như axit folic; vitamin C; vitamin D; vitamin E; và carotenoid
  • Làm tăng nồng độ estrogen trong máu, một hormone giới tính có liên quan đến nguy cơ ung thư vú

Đồ uống có cồn có thể chứa nhiều chất gây ô nhiễm gây ung thư mà được đưa vào trong quá trình lên men và sản xuất, chẳng hạn như nitrosamine, sợi amiăng, phenol, và hydrocarbon.

Những cơ chế mà thông qua chúng việc tiêu thụ rượu bia có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư vẫn chưa được hiểu rõ, và có thể là gián tiếp.

Sự kết hợp giữa rượu bia và thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ ung thư?

Nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng những người vừa uống rượu bia vừa hút thuốc là có nguy cơ phát triển các bệnh ung thư vòm miệng, ung thư họng, thanh quản, và thực quản cao hơn nhiều so với những người chỉ tiêu thụ riêng đồ uống có cồn hoặc chỉ dùng riêng thuốc lá.

Trong thực tế, với bệnh ung thư miệng và họng, những nguy cơ liên quan đến việc sử dụng cả rượu bia và thuốc lá được nhân lên gấp bội; tức là, chúng lớn hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở mức gộp các nguy cơ riêng lẻ liên quan đến rượu bia và thuốc lá với nhau.

Gen của mọi người có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu bia của họ không?

Nguy cơ bị các bệnh ung thư liên quan đến đồ uống có cồn của một người bị ảnh hưởng bởi gen của họ, đặc biệt là những gen mã hóa enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa (phân hủy) rượu bia.

Ví dụ, một cách mà cơ thể chuyển hóa rượu bia là thông qua hoạt động của một enzyme gọi là alcohol dehydrogenase (cồn dehydrogenase – ADH), biến đổi ethanol thành chất chuyển hóa gây ung thư acetaldehyde, chủ yếu trong gan. Những bằng chứng gần đây cho rằng việc sản sinh ra acetaldehyde cũng xảy ra trong khoang miệng và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như hệ vi sinh đường miệng. Nhiều người có nguồn gốc Đông Á mang một phiên bản gen cho ADH mà mã hóa một dạng enzyme “siêu hoạt tính.” Enzyme ADH siêu hoạt tính này đẩy nhanh tốc độ biến đổi cồn (ethanol) thành acetaldehyde độc hại. Trong số những người gốc Nhật Bản, các cá nhân có dạng ADH này thường có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy cao hơn những người có dạng ADH phổ biến hơn.

Một enzyme khác, có tên là aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2), chuyển hóa acetaldehyde độc hại thành các chất không độc. Một số người, đặc biệt là những người có nguồn gốc Đông Á, mang một biến thể của gen cho ALDH2 mà mã hóa dạng khiếm khuyết của enzyme. Ở những người sản sinh ra enzyme khiếm khuyết,  acetaldehyde sẽ tích tụ lại khi họ uống rượu bia. Sự tích tụ acetaldehyde này có nhiều ảnh hưởng khó chịu (bao gồm mặt đỏ bừng và tim đập nhanh) đến nỗi hầu hết những người thừa hưởng biến thể ALDH2 đều không thể tiêu thụ lượng rượu bia lớn, do đó mà có nguy cơ thấp phát triển những bệnh ung thư liên quan đến đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, một số cá nhân với dạng khiếm khuyến của ALDH2 có thể dung nạp những ảnh hưởng khó chịu của acetaldehyde và tiêu thụ lượng lớn rượu bia. Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng những cá nhân như vậy có nguy cơ bị ung thư thực quản liên quan đến rượu bia, cũng như ung thư đầu và cổ cao hơn những người có enzyme hoạt tính đầy đủ mà uống một lượng rượu bia tương tự. Những nguy cơ gia tăng này chỉ được quan sát thấy ở những người mang biến thể ALDH2 và tiêu thụ đồ uống có cồn – chúng không xuất hiện ở những người cũng mang biến thể nhưng không uống rượu bia.

Uống rượu vang có giúp ngăn ngừa ung thư không?

Hợp chất thứ cấp thực vật resveratrol, được tìm thấy trong nho dùng để làm rượu vang và một số thực vật khác, đã được điều tra vì nhiều ảnh hưởng sức khỏe tiềm năng, bao gồm phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được mối liên hệ giữa việc tiêu thụ vừa phải rượu vang với nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư kết trực tràng.

Chuyện gì sẽ xảy ra với nguy cơ ung thư sau khi một người ngừng uống rượu bia?

Hầu hết những nghiên cứu xem xét liệu nguy cơ ung thư có giảm thiểu hay không sau khi một người dừng tiêu thụ rượu bia đều tập trung vào các bệnh ung thư ở vùng cổ và đầu, cùng với ung thư thực quản. Nhìn chung, những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc dừng tiêu thụ đồ uống có cồn không liên quan đến sự giảm thiểu ngay lập tức trong nguy cơ bị ung thư. Nguy cơ ung thư cuối cùng sẽ giảm, mặc dù có thể sẽ mất nhiều năm để chúng giảm được xuống mức độ nguy cơ của những người không uống rượu bia.

Ví dụ, những người từng tiêu thụ rượu bia vẫn có nguy cơ bị ung thư khoang miệng và ung thư họng cao hơn những người không uống rượu bia cả khi họ đã cai được 16 năm, dù vậy thì nguy cơ đó vẫn thấp hơn so với lúc trước khi họ dừng uống. Một nghiên cứu đã ước tính rằng nguy cơ bị ung thư thanh quản và thực quản cao hơn do sử dụng đồ uống có cồn nếu muốn giảm được xuống mức độ của những người không bao giờ uống rượu bia thì phải mất hơn 35 năm.

Một người đang hóa trị mà tiêu thụ đồ uống có cồn thì có an toàn không?

Cũng giống đa số các câu hỏi liên quan đến phương pháp điều trị ung thư của từng cá nhân cụ thể, tốt hơn hết là bệnh nhân nên kiểm tra với đội ngũ chăm sóc sức khỏe của mình để xem là việc uống rượu bia trong khi đang hóa trị hoặc ngay sau khi hóa trị liệu có an toàn hay không.

Các bác sĩ và y tá quản lý phương pháp điều trị có thể đưa ra những lời khuyên cụ thể về tính an toàn của việc tiêu thụ đồ uống có cồn trong giai đoạn bạn đang được tiếp nhận những phương pháp điều trị ung thư cụ thể.

(Theo viện ung thư quốc gia của Hoa Kỳ – NIH, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment