Tìm hiểu các kiểu nghiên cứu khác nhau

Có rất nhiều kiểu nghiên cứu khác nhau, và mỗi một kiểu lại mang thế mạnh cũng như điểm yếu riêng. Nhìn chung, thử nghiệm ngẫu nhiên và nghiên cứu thuần tập cung cấp thông tin đầy đủ và hiệu quả nhất khi xem xét mối quan hệ giữa một yếu tố nhất định (đơn cử như chế độ dinh dưỡng) và kết quả sức khỏe (chẳng hạn như bệnh tim).

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật

Đây là những nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm trên các tế bào, mô, hoặc động vật.

Kiểu nghiên cứu này cung cấp những điều kiện được kiểm soát nghiêm ngặt, và thường là nguồn gốc của các ý tưởng khoa học mà sẽ tiếp tục tác động lớn đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thường chỉ là điểm bắt đầu. Động vật hay tế bào vẫn không thể nào thay thế cho con người.

Nghiên cứu bệnh – chứng (nghiên cứu kiểm soát theo trường hợp)

Kiểu nghiên cứu này xem xét những đặc điểm của một nhóm người đã có sẵn một kết quả sức khỏe nhất định (bệnh) và so sánh những đặc điểm này với một nhóm người tương tự nhưng không mang bệnh (đối chứng/kiểm soát).

Tuy nghiên cứu bệnh chứng có thể được tiến hành nhanh chóng và không mấy tốn kém, nhưng nó lại không lý tưởng cho việc nghiên cứu chế độ dinh dưỡng do bản chất thu thập thông tin từ quá khứ.

Những người đang mắc bệnh thường hồi tưởng lại các hành vi trong quá khứ một cách khác biệt so với những người không bị bệnh. Chính vì thế mà những nghiên cứu như thế này dễ trở nên thiếu chính xác và có khuynh hướng thiên vị thông tin mà chúng thu thập được.

Nghiên cứu thuần tập

Kiểu nghiên cứu này theo dõi những nhóm người quy mô lớn trong một khoảng thời gian dài. Các nhà nghiên cứu thường xuyên thu thập thông tin từ những người tham gia nghiên cứu, và những thông tin này sẽ liên quan đến nhiều biến khác nhau (chẳng hạn như lượng thịt tiêu thụ, mức độ hoạt động thể chất, và cân nặng).

Sau một khoảng thời gian cụ thể, những đặc điểm của những người trong nhóm tham gia nghiên cứu sẽ được so sánh để kiểm nghiệm các giả thuyết cụ thể (ví dụ như mối liên hệ giữa carotenoid và bệnh glaucoma (cườm nước), hoặc lượng thịt tiêu thụ với bệnh ung thư tuyến tiền liệt).

Mặc dù mất nhiều thời gian và cũng khá tốn kém, nhưng nghiên cứu thuần tập lại cung cấp thông tin có độ tin cậy cao hơn là nghiên cứu bệnh chứng, vì chúng không dựa vào thông tin trong quá khứ.

Nghiên cứu thuần tập thu thập thông tin ngay từ đầu và trước khi bất cứ ai trong số các tính nguyện viên phát triển căn bệnh đang được nghiên cứu. Nhìn chung, những kiểu nghiên cứu như thế này thường cung cấp thông tin giá trị về mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan đến lối sống và bệnh tật.

Hai trong số những nghiên cứu thuần về chế độ dinh dưỡng có quy mô lớn nhất cũng như kéo dài lâu nhất là Nghiên cứu sức khỏe y tá của Harvard và Nghiên cứu chuyên gia y tế.

Thử nghiệm ngẫu nhiên

Giống như nghiên cứu thuần tập, thử nghiệm ngẫu nhiên cũng theo dõi một nhóm tình nguyện viên lớn trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, với thử nghiệm ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu phải can thiệp để xem cách một sự thay đổi hành vi hoặc một phương pháp điều trị cụ thể tác động đến kết quả sức khỏe như thế nào.

Chúng được gọi là “thử nghiệm ngẫu nhiên” vì những người tham gia được chỉ định nhận hoặc không nhận biện pháp can thiệp một cách ngẫu nhiên. Chính tính chất ngẫu nhiên này giúp các nhà nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng thực sự của biện pháp can thiệp đối với kết quả sức khỏe.

Tuy nhiên, nghiên cứu ngẫu nhiên cũng có một số hạn chế, nhất là khi nói đến chế độ dinh dưỡng. Mặc dù chúng rất hiệu quả trong việc nghiên cứu các đề tài như thực phẩm bổ sung vitamin và bệnh ung thư, nhưng khi sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng dần liên quan đến nhiều yếu tố hơn là chỉ có xoay quanh việc dùng thuốc hay thực phẩm bổ sung, thì những người tham gia bắt đầu gặp khó khăn trong việc duy trì chế độ ăn uống đã được kê đơn/chỉ định. Những biện pháp can thiệp liên quan cũng có thể trở nên hết sức tốn kém.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment