Ảnh hưởng của fluoride đối với sự phát triển thần kinh của trẻ

Trong nhiều năm liền, các chuyên gia sức khỏe đã không thể đi đến thống nhất về việc liệu fluoride trong nước uống có thể gây hại cho não bộ đang phát triển của người hay không. Như chúng ta đã biết thì nồng độ fluoride cực cao có thể gây nhiễm độc thần kinh ở người trưởng thành, và những tác động tiêu cực của nó đối với trí nhớ và khả năng học tập đã được báo cáo trong các nghiên cứu ở động vật gặm nhấm; song, cho đến nay vẫn có rất ít thông tin về ảnh hưởng của chất này đối với sự phát triển thần kinh của trẻ. Trong một phân tích tổng hợp, các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard (HSPH) và Đại học Y khoa Trung Quốc ở Thẩm Dương lần đầu tiên kết hợp 27 nghiên cứu với nhau, và đã phát hiện ra những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng fluoride có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhận thức ở trẻ nhỏ. Dựa vào những phát hiện mới, các tác giả nói rằng nguy cơ này không nên bị bỏ qua, và rằng những cuộc nghiên cứu về tác động của fluoride đối với não bộ đang phát triển cần được tiến hành thêm.

Cuộc nghiên cứu đươc công bố trực tuyến trên trang Environmental Health Perspectives (tạm dịch: Quan điểm Y tế Môi trường) vào ngày 20/7/2012.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hệ thống (tổng quan) các nghiên cứu mà đa phần đều bắt nguồn từ Trung Quốc, nơi nguy cơ từ fluoride được thiết lập tương đối hiệu quả. Fluoride là một chất tự nhiên có sẵn trong nước ngầm, và sự tiếp xúc/phơi nhiễm với hóa chất bị tăng lên ở một số khu vực của Trung Quốc. Bà Anna Choi là nhà khoa học nghiên cứu của Ban Y tế Môi trường thuộc HSPH, cũng là tác giả chính của đánh giá này, cho hay là hầu như chưa có nghiên cứu nào ở người về lĩnh vực này được tiến hành ở Mỹ.

Mặc dù những nghiên cứu ở trẻ em tại Trung Quốc khác biệt nhau về nhiều mặt hoặc chưa đủ hoàn chỉnh, trọn vẹn, nhưng các tác giả vẫn xem xét mọi dữ liệu thu thập được và phân tích kết hợp một bước quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ tiềm ẩn. Bà Choi nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể tiến hành một phân tích tổng hợp toàn diện mà có khả năng hỗ trợ chúng tôi lên kế hoạch nghiên cứu tốt hơn. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sự phát triển nhận thức được cân nhắc như một mục tiêu tiềm năng đối với độc tính của fluoride.”

Bà Choi và tác giả cao cấp Philippe Grandjean, giáo sư kiêm nhiệm về y tế môi trường tại HSPH, cùng đồng nghiệp của họ đã đối chiếu các nghiên cứu dịch tễ học ở trẻ em bị tiếp xúc với fluoride trong nước uống. Cơ sở dữ liệu của Hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Quốc (CNKI) cũng được bao gồm để xác định những nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí của nước này. Sau đó, họ phân tích những mối liên hệ tiềm năng với các biện pháp đo lường IQ ở hơn 8.000 trẻ em đang trong độ tuổi đi học; ngoại trừ một nghiên cứu thì tất cả các nghiên cứu còn lại đều chỉ ra rằng hàm lượng fluoride cao trong nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức.

Mức tổn thất IQ trung bình được báo cáo như mức chênh lệch trung bình có trọng số được chuẩn hóa là 0,45, tương đương với khoảng 7 điểm IQ trong chỉ số IQ  thường được sử dụng với độ lệch chuẩn 15.* Một số nghiên cứu còn cho rằng chỉ một sự gia tăng nhỏ trong việc tiếp xúc với fluoride cũng có thể gây độc hại cho não bộ. Vì vậy, trẻ em tại các khu vực có nồng độ fluoride cao thường có chỉ số IQ thấp hơn đáng kể so với trẻ em ở những vùng có hàm lượng fluoride thấp. Số trẻ em tham gia nghiên cứu đã lên đến 14 tuổi, nhưng các nhà điều tra suy đoán rằng mọi ảnh hưởng độc hại đối với não bộ có thể đã xảy ra từ trước đó, và rằng não bộ có thể không đủ khả năng để bù đắp lại độc tính của fluoride.

Ông Grandjean cho hay: “Fluoride dường như phù hợp với chì, thủy ngân, cũng như các chất độc khác mà gây ra tình trạng tiêu hao hóa chất của não. Ảnh hưởng của mỗi một độc chất dù có vẻ nhỏ, nhưng thiệt hại kết hợp trên quy mô dân số có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi sức mạnh não bộ của thế hệ tiếp theo là cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta.”

*Câu này được cập nhật vào ngày 5/9/2012.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment