Phòng tránh khô da giúp bé thêm khỏe mạnh

Nguyên nhân khiến trẻ bị khô da

Da của trẻ rất mỏng và việc bị khô da vốn là vấn đề thông thường nhưng vẫn khiến nhiều mẹ lo lắng. Vào mùa đông, thời tiết lạnh khô cộng với việc sử dụng bếp sưởi có thể làm mất đi lượng ẩm tự nhiên trên da bé. Ngay cả khi vào mùa hè, các mẹ cũng đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy những vết đốm khô trên da trẻ. Thời tiết nóng khô do ánh mặt trời và nằm điều hòa cũng dễ dàng gây nên hiện tượng khô da.

khô da ở trẻ em

Các mẹ cần làm gì khi da của trẻ bị khô?

Khô da ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh là hiện tượng không quá nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu cho trẻ nên các mẹ vẫn nên để ý, quan tâm nhé. Sau đây là một số bí quyết xin chia sẻ cùng các mẹ để tránh khô da và tạo sự thoải mái hơn cho các bé nhà mình.

Làm ẩm không khí bị khô do máy sưởi hoặc máy điều hòa không khí

Nếu không khí bị khô do máy sưởi hoặc máy điều hòa, hãy để một chậu nước trong phòng mà các thiết bị này đang chạy. Điều này sẽ giúp không khí bớt khô vì nước có thể bay hơi và làm ẩm không khí. Các mẹ cũng có thể bật máy giữ độ ẩm không khí hoặc nồi hơi trong thời gian ngắn ban ngày hoặc trước khi đi ngủ.

Chăm sóc trẻ khi tắm

Việc tắm cũng làm khô da bé bởi vì nó làm loại bỏ lượng dầu tự nhiên trên da cùng với vết bẩn. Tuy nhiên, miễn là các mẹ có một số biện pháp giữ ẩm cho da trẻ, việc tắm hàng ngày cho trẻ không có vấn đề gì đáng lo ngại cả.

Phần lớn những ngày bình thường, hãy tắm thật nhanh cho trẻ. Thỉnh thoảng lắm thì các mẹ mới cho trẻ nghịch nước hay bong bóng sữa tắm. Nên dùng nước ấm hơn là nước nóng và sử dụng ít xà phòng tắm. Một số bác sĩ da liễu thường khuyên các mẹ sử dụng dung dịch tắm cho bé có độ PH trung tính, nhẹ nhàng vì nó giúp làm mềm da hơn sử dụng xà phòng tắm thường xuyên.

Chỉ tắm với nước là tốt nhất nếu gia đình nào sống ở vùng nước mềm (nước có chứa ít hoặc không có các dạng muối hòa tan của canxi hoặc magie, đặc biệt nước chứa ít hơn 85 phần triệu CaCO3). Nếu chỉ tắm cho trẻ bằng nước ở vùng nước cứng có thể làm khô da trẻ.

Dùng dầu mát-xa

Trường hợp bé bị khô da, các mẹ hãy dùng dầu mát-xa cho bé sau khi tắm. Bôi dầu sau khi lau khô người bé sẽ giúp giữ ẩm sau khi tắm và để da được hydrat hóa (dưỡng ẩm). Khi chọn cách bôi dầu để giữ ẩm, các mẹ hãy chắc chắn rằng mình đang dùng loại dầu dịu nhẹ với da bé để giúp da hấp thụ tốt và chỉ thoa một lớp dầu mỏng thôi nhé.

[adinserter block=”2″]

Các mẹ có thể dùng dầu thực vật có hàm lượng cao axit linoeic (một loại axit béo cần thiết). Axit linoleic hoạt động như một lớp màng bảo vệ làn da giúp làm giảm lượng ẩm bị mất và đủ dịu nhẹ để sử dụng với làn da mỏng của bé.

Nếu lượng dầu không hấp thụ hoàn toàn và da bé bị nhờn vì dầu vẫn ở trên da thì điều đó có thể dẫn đến tình trạng da bị đỏ rát khi bé đổ mồ hôi, đặc biệt với thời tiết nóng ẩm.

Giúp cho da của trẻ giữ ẩm tốt

Từ khi xuất hiện những sản phẩm giữ ẩm cho da, một số mẹ cho rằng càng bôi lớp dày lên da trẻ thì càng tốt. Đôi lúc, họ còn thay đổi từ dung dịch dưỡng thể sang loại kem đặc, thuốc mỡ, thuốc làm mềm da hay một thương hiệu khác.

Nếu da bé quá khô, các mẹ hãy cân nhắc dưỡng ẩm 2 lần một ngày hoặc thậm chí sau mỗi lần thay tã, bỉm. Trường hợp đó mà da vẫn bị khô, các mẹ cần để bác sĩ kiểm tra.

Bảo vệ trẻ khỏi thời tiết

Vào mùa đông, giữ trẻ được kín đáo, bao gồm cả đôi tay. Bàn tay trẻ thường bị bố mẹ bỏ qua, không để ý nhưng chúng rất dễ bị khô vì vậy các mẹ chú ý đi bao tay cho trẻ. Bôi nhiều kem giữ ẩm vào mặt và cổ bé nhưng nếu bé bị nẻ môi, các mẹ cần kiểm tra qua bác sĩ trước để biết cách điều trị tốt nhất cho bé. Tránh tự ý bôi bất cứ thứ gì lên môi bé khiến bé có thể bị nuốt vào trong gây nguy hiểm.

Mùa hè, các mẹ cần học một số cách để bảo vệ bé khỏi ánh nắng mặt trời. Giữ trẻ tránh xa ánh nắng trực tiếp và đảm bảo trẻ được uống nhiều chất lỏng. Với những trẻ lớn hơn, sau khi tắm ở bể bơi hoặc biển, cần tắm lại cho trẻ bằng nước máy sạch và bôi kem giữ ẩm vào làn da vẫn còn hơi ướt của trẻ bởi vì cả nước clo và nước muối đều có thể là nguyên nhân gây khô da.

Sử dụng những phương pháp tại nhà nhưng cần cẩn thận

Theo phong cách truyền thống, phần lớn các mẹ thích sử dụng những phương pháp tại nhà để điều trị khô da cho bé. Một số cách yêu cầu cần phải trộn lẫn các thành phần với nhau và bôi chúng lên da bé. Nhiều hộ gia đình sử dụng những cách này nhưng quan trọng hơn hết là bản thân các mẹ phải thật cẩn trọng.

Không có cách nào để biết chắc chắn những nguyên liệu sử dụng có thực sự thuần khiết, không pha tạp gì không. Nếu các mẹ cảm thấy tin tưởng và tiếp tục sử dụng những biện pháp này, cần phải tìm đến các nguyên liệu có thương hiệu và được biết đến là sản phẩm có chất lượng tốt. Chấm thử một chút lên da bé thôi và không được để bé ăn phải nó. Sau đây là một số cách:

  • Trộn nước hoa hồng và dung dịch glycerin theo tỷ lệ bằng nhau vào một cái lọ. Lắc đều và thoa lên da bé khi vẫn còn ẩm. Ngay khi khô lại, các mẹ có thể bôi kem hoặc dưỡng thể như bình thường
  • Tạo hỗn hợp đắp bằng cách sử dụng lòng đỏ trứng và một thìa mật ong. Thoa nhẹ nhàng vào da bé, khi đã khô, rửa sạch lại bằng nước ấm. Không được để trẻ nuốt phải hỗn hợp này
  • Trộn vài giọt dầu hạnh nhân vào sữa chua và thoa lên cơ thể bé. Để khoảng 5 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Sữa chua luôn được tin rằng là thứ giữ ẩm và làm sạch da rất tốt
  • Có thể xả nước nóng từ vòi hoa sen để phòng tắm bốc hơi nước. Ngồi trong đó cùng với bé. Hơi nước bốc lên sẽ giúp giữ ẩm cho da và mũi của bé cũng được thông. Nhưng các mẹ cần lưu ý để phòng tắm không quá nóng khiến bé bị bỏng rát. Nên làm quần áo và tóc của trẻ được khô sau khi ngồi trong phòng đầy hơi nước

Liệu da khô có là dấu hiệu của loại bệnh nào khác?

Nếu da bé xuất hiện những đốm đỏ ngứa, đó có thể là trẻ đã bị chàm (eczema). Chàm ở trẻ cũng được biết đến như là hiện tượng viêm da dị ứng. Đôi khi bệnh chàm được chữa bằng cách giữ ẩm da thường xuyên. Tuy nhiên, nếu vết đốm không thuyên giảm mà trẻ có dấu hiệu đỏ ngứa và không thoải mái, cần phải nói chuyện với bác sĩ. Bệnh chàm mà bị nghiêm trọng, trẻ có thể cần uống thuốc.

Khô da cũng có thể gây nhiễm trùng, nếu các mẹ nhìn thấy mủ vàng và sưng tấy ở quanh vùng da bị khô nứt nẻ thì nên đưa trẻ đến cho bác sĩ xem.

Trong một vài trường hợp hiếm, da khô do gen được gọi là vảy cá. Bệnh này nhìn giống khô da nhưng đôi khi có màu đỏ và bị tróc da. Thông thường, nó còn đi kèm với hiện tượng da dày lên ở lòng bàn tay và bàn chân. Trường hợp bác sĩ vẫn khám cho bé nghi ngờ bé bị vảy cá, họ sẽ giới thiệu giúp các mẹ sang bác sĩ da liễu để được điều trị chuyên sâu hơn.

(Theo Babycenter – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment