Quầng thâm mắt: Nguyên nhân và cách điều trị

Một sáng thức dậy, nhìn vào gương, bạn thầm hài lòng vì hôm nay làn da sáng mịn màng hơn mọi khi, mái tóc rất đỗi bồng bềnh, hàng mi cong dài hơn chút. Mọi thứ sẽ thật hoàn hảo…nếu không có hai quầng thâm mắt như gấu trúc kia.

Quả thực, một gương mặt dù xinh đẹp, nhưng quầng thâm mắt cũng khiến cho khuôn mặt trông mệt mỏi hơn, trông thật thiếu sức sống!

quầng thâm mắt

Nếu bạn đang phải phiền lòng về quầng thâm mắt đáng ghét, theo dõi bài viết sau đây cùng Út Em nhé. Bài viết cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về quầng thâm mắt, giúp bạn hiểu rõ hơn về quầng thâm, nguyên nhân, cũng như những cách điều trị vấn đề này.

Quầng thâm mắt là gì?

Quầng thâm mắt được hiểu là vùng da tối màu hơn, xuất hiện ở dưới cả hai mắt. Khác với quầng thâm, các vết thâm tím do chấn thương, vết tấy đỏ hoặc vết sưng do nhiễm trùng thường chỉ xảy ra ở một mắt mà thôi.

Nguyên nhân gây ra quầng thâm mắt

Mệt mỏi là nguyên nhân phổ biến dẫn đến quầng thâm mắt. Tuy nhiên đôi khi, quầng thâm dưới mắt đơn giản chỉ là bóng đổ của mí mắt bị sưng húp hoặc phần da ở hốc mắt đang bắt đầu quá trình lão hóa mà thôi.

Ngoại trừ những nguyên nhân trên, một vài nguyên nhân thông thường dẫn đến quầng thâm mắt “thật sự” là:

  • Dị ứng
  • Viêm da dị ứng (eczema)
  • Viêm da tiếp xúc
  • Mệt mỏi
  • Sốt Cỏ khô (viêm mũi dị ứng)
  • Yếu tố di truyền – nếu bạn và một vài người trong gia đình bị quầng thâm mắt thì nguyên nhân có thể là do yếu tố di truyền.
  • Các bất thường sắc tố – đặc biệt hay xảy ra với người da màu, đặc biệt là người da đen và người châu Á
  • Thói quen dụi và gãi mắt
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời – việc này sẽ khiến cơ thể sản xuất nhiều melamin hơn, làm vùng da dưới mắt trở nên sẫm màu.
  • Da mỏng, mất đi lớp mỡ và collagen – thường xảy ra khi bạn già đi. Điều này khiến các mạch máu màu đỏ – xanh lộ rõ hơn.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn thấy chỉ một bên mắt bị sưng, thâm quầng kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Và nếu không muốn dùng đến các giải pháp tạm thời như kem che khuyết điểm hay các loại kem bôi không cần kê đơn khác, lời khuyên cho bạn là nên đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra kĩ càng và có phương pháp điều trị thích hợp.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên quầng thâm mắt, các bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại kem bôi hoặc kết hợp một vài loại đặc trị để điều trị dứt điểm hoặc làm giảm độ sẫm màu của quầng thâm. Với một số trường hợp, điều trị bằng laser hoặc chemical peels sẽ mang lại các kết quả tích cực. Hốc mắt khiến bóng đổ có thể được làm phẳng bởi cách tiêm các chất làm đầy và phẫu thuật có thể giải quyết tình trạng mí mắt sưng phồng.

Quầng thâm mắt thông thường không quá đáng ngại về mặt sức khỏe và những công thức làm đẹp tại nhà có thể là tất cả những gì bạn cần để kiểm soát cũng như cải thiện tình trạng này.

Tự chăm sóc tại nhà

Tình trạng quầng thâm mắt từ nhẹ đến trung bình thường phản ứng rất tốt với những cách thức điều trị đơn giản và ít tốn kém, như:

  • Lạnh: Dãn mạch máu dưới mắt có thể khiến cho quầng thâm xuất hiện. Với nguyên nhân như vậy, bạn có thể thử giữ một miếng gạc lạnh, một muỗng café lạnh hoặc một túi đậu hà lan đông lạnh, gói trong một miếng vải mềm đặt lên khu vực quầng thâm. Các mạch máu co lại sẽ giúp giảm tình trạng quầng thâm mắt.
  • Kê thêm gối: Khi ngủ, hãy kê thêm một chiếc gối nữa. Việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mắt bị sưng do lượng nước tích tụ ở mi mắt dưới.
  • Ngủ nhiều hơn: Rõ ràng thiếu ngủ có thể khiến da chúng ta trông nhợt nhạt hơn bình thường, khiến bọng mắt và quầng thâm mắt càng hiện rõ hơn. Vì vậy hãy cố gắng ngủ đủ giấc nha.

Sau khi đọc xong bài viết này, việc đầu tiên và cần thiết là bạn cần xác định được nguyên nhân chính xác gây nên “mắt gấu trúc”. Nếu những phương pháp điều trị tại nhà trên không hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sớm nhé.

Chúc các bạn luôn xinh!

Dịch từ bài viết Dark circles under eyes – Website Mayoclinic – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt.

Leave a Comment