Tóm tắt
Gần như mọi xã hội loài người đều có những kiêng kị liên quan đến thức ăn (food taboo). Đa số các tôn giáo đều liệt kê những loại thức ăn nào đó là phù hợp và không phù hợp cho người ăn. Các quy tắc và luật lệ ăn uống có thể chi phối những giai đoạn cụ thể trong cuộc đời của con người và có thể liên quan đến những sự kiện đặc thù như là kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, sinh con, cho con bú và – trong các xã hội truyền thống – công cuộc chuẩn bị cho chuyến đi săn, trận chiến, đám cưới, đám tang, vân vân. Trên cơ sở đối chiếu so sánh, nhiều điều kiêng kị thức ăn dường như chẳng có ý nghĩa một chút nào, vì những thức ăn có thể bị xem là không thích hợp với một nhóm người này thì lại có thể được chấp nhận tuyệt đối bởi một nhóm người khác. Mặt khác, những kiêng kị thức ăn có lịch sử lâu đời và người ta liệu trước được một lời giải thích hợp lý cho sự tồn tại (và kéo dài) của những tập quán ăn uống nhất định trong một nền văn hóa nào đó. Thế nhưng, đây vẫn là một cách nhìn nhận gây nhiều tranh cãi và không một giả thuyết nào có thể giải thích được tại sao con người lại thực hiện những kiêng kị thức ăn đó. Bài viết này muốn gợi lại hứng thú đối với nghiên cứu về cấm kị thức ăn và nỗ lực đưa ra lý giải theo chức năng luận (functionalist’s explanation). Tuy nhiên, để minh họa được một số phức tạp của những lý do khả dĩ dẫn đến kiêng kị thức ăn, tác giả đã chọn năm ví dụ, gồm kiêng kị thức ăn truyền thống ở xã hội Hindu và Do Thái chính thống cũng như là báo cáo về các phương diện hạn chế ăn uống trong các cộng đồng có lối sinh hoạt truyền thống là Malaysia, Papua New Guinea, và Nigeria. Dễ thấy bối cảnh y học hay sinh thái đằng sau nhiều điều cấm kị thức ăn, bao gồm một số điều cấm được xem như có nguồn gốc tôn giáo hoặc tâm linh. Một mặt, những điều cấm đoán này có thể hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả hơn một nguồn thức ăn nào đấy; mặt khác chúng có thể tạo thành cơ hội bảo vệ đối với một nguồn thức ăn khác. Những kiêng kị thực phẩm, dù có đúng theo khoa học hay không, thường vốn được dùng dể bảo vệ cá nhân loài người, chẳng hạn như việc quan sát được rằng những loại dị ứng và trầm cảm nhất định có liên quan tới nhau có khả năng là nguyên nhân dẫn đến tuyên bố kiêng kị những loại thức ăn mà được xác định là các tác nhân gây ra các loại dị ứng đó. Hơn nữa, bất cứ kiêng kị thức ăn nào, được một nhóm người cụ thể nào đó thừa nhận như một bộ phận trong lối ăn uống, sẽ hỗ trợ gắn kết nhóm đó, giúp duy trì bản sắc của riêng nhóm người đó khi đối diện với những nhóm khác, và theo đó tạo ra cảm giác “hòa nhập, thuộc về” (sense of belonging).