Từ hơn 25 năm trước đây nghiên cứu đầu tiên thực hiện tại Harvard đã cho thấy mối liên kết giữa xem TV và béo phì.
Kể từ đó, nghiên cứu chuyên sâu đã khẳng định lại mối liên hệ giữa xem TV và béo phì ở trẻ em và người trưởng thành, ở nhiều nước trên toàn thế giới. Và cũng có bằng chứng xác đáng cho thấy cắt giảm thời gian xem TV có thể giúp kiểm soát cân nặng – đây cũng là một phần lý do tại sao nhiều tổ chức khuyến cáo trẻ em và thanh thiếu niên nên hạn chế thời gian xem TV/truyền thông xuống tối đa 2 tiếng một ngày.
Bài viết này khái quát ngắn gọn nghiên cứu về vấn đề xem TV và các hoạt động ngồi một chỗ khác có vai trò như thế nào trong nguy cơ béo phì, và lý do tại sao giảm thời gian ngồi một chỗ và thời gian xem màn hình các thiết bị như là máy tính, TV,v.v. (screen time) là những mục tiêu quan trọng trong phòng tránh béo phì.
Xem TV và béo phì thời thơ ấu
Các nghiên cứu theo dõi trẻ em trong khoảng thời gian dài đã nhất quán chỉ ra rằng trẻ càng xem nhiều TV thì càng dễ tăng cân. Những trẻ đặt TV trong phòng ngủ cũng dễ tăng cân hơn những trẻ không đặt.
Và có bằng chứng cho thấy rằng những thói quen xem TV sớm có thể gây ra những ảnh hưởng trong thời gian dài:
Hai nghiên cứu theo dõi trẻ từ khi mới sinh đều chỉ ra rằng xem TV thời thơ ấu báo hiệu nguy cơ cao bị béo phì khi bước vào giai đoạn trưởng thành và trung niên.
Một số cuộc thử nghiệm được thiết kế để giảm việc sử dụng TV ở trẻ em đã phát hiện ra rằng chỉ số khối cơ thể BMI, mỡ cơ thể và những số liệu khác liên quan đến bệnh béo phì đều có cải thiện.
Căn cứ vào bằng chứng này, Lực lượng đặc trách về Các dịch vụ phòng ngừa cộng đồng Hoa Kỳ (U.S. Task Force on Community Preventive Services) khuyến cáo rằng các cộng đồng dân cư nên đưa ra những chương trình thay đổi hành vi có mục tiêu hạn chế thời gian xem TV, bởi vì có “bằng chứng thích đáng” cho thấy những chương trình kiểu đó thực sự có tác dụng hỗ trợ giảm thời gian xem màn hình và cải thiện cân nặng.
Một vài trong số những chương trình thử nghiệm giảm thời gian xem TV thành công này đã được đưa đến các trường học: ví dụ như chương trình thử nghiệm Sức khỏe Hành tinh (Planet Health) được áp dụng trong các tiết học ở trường trung học nhằm khuyến khích học sinh xem ít TV đi, vận động nhiều lên và cải thiện chế độ ăn uống; so với nhóm đối chứng, học sinh được chỉ định tham gia các tiết học đó đã cắt giảm thời gian xem TV của chúng và có tỉ lệ béo phì thấp hơn ở nữ sinh.
Một cuộc thử nghiệm khác cũng cho kết quả là học sinh lớp 3 và lớp 4 được học chương trình “Tắt TV đi” gồm 18 tiết học đã cắt giảm giờ xem TV và số bữa ăn trong khi xem TV, và có chỉ số BMI và các chỉ số khác đo độ béo của cơ thể đã giảm tương đối so với những học sinh ở nhóm đối chứng.
Các thiết bị “hạn định” xem TV (TV allowance device), loại thiết bị giới hạn thời gian xem TV xuống một số giờ cố định mỗi tuần, có thể giúp hạn chế thời gian ngồi trước màn hình của trẻ, và theo đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Xem TV và béo phì ở người trưởng thành
Cũng có bằng chứng thuyết phục cho thấy người trưởng thành càng xem nhiều TV thì càng dễ tăng cân hoặc trở nên thừa cân hoặc béo phì. Và có bằng chứng rõ rệt cho thấy xem quá nhiều TV cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến cân nặng.
Ví dụ như Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá (Nurses’ Health Study) theo dõi hơn 50.000 phụ nữ trung tuổi trong sáu năm. Cứ mỗi 2 tiếng đồng hồ phụ nữ dành ra để xem TV mỗi ngày, nguy cơ họ trở nên béo phì tăng 23% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 14%.
Một bài phân tích mới đây tổng kết những kết quả của nghiên cứu này cùng với bảy nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng cứ mỗi 2 tiếng đồng hồ xem TV, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và tử vong sớm lần lượt tăng 20%, 15% và 13%.
Các cuộc thử nghiệm giảm thời gian xem TV đã tập trung phần nhiều vào trẻ em, chứ không phải người trưởng thành. Nhưng một nghiên cứu sơ bộ thực hiện với 36 phụ nữ và đàn ông chỉ ra rằng một thiết bị điện tử “khóa” TV có thể giúp người trưởng thành kiểm soát cân nặng.
Một nửa số người tự nguyện tham gia thử nghiệm được chỉ định sử dụng thiết bị khóa sẽ cắt giảm một nửa thời gian xem TV của họ; một nửa số người còn lại được xếp vào nhóm đối chứng không bị hạn chế xem TV.
Những tình nguyện viên sử dụng thiết bị khóa TV đã xem TV ít hơn và đốt cháy nhiều calo hơn mỗi ngày cũng như là chỉ số BMI của họ giảm nhiều hơn so với nhóm đối chứng.
Tuy nhiên cách biệt chỉ số BMI chưa đạt đến độ đáng tin cậy về thống kê. Với quy mô nhỏ của nghiên cứu này, thì cần có thêm nghiên cứu để xác nhận lại những kết quả trên.
Xem TV làm tăng nguy cơ béo phì như thế nào? Đánh giá cụ thể hơn về Marketing thực phẩm
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng xem TV có thể thúc đẩy béo phì theo một số con đường: chiếm thời gian hoạt động thể chất; đẩy mạnh kiểu ăn uống nghèo dinh dưỡng; gia tăng cơ hội ăn vặt không lành mạnh (trong khi xem TV); và thậm chí còn bằng cách quấy rầy giấc ngủ.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng xem TV có liên quan đến việc nạp nhiều calo vào cơ thể hơn hoặc có chất lượng ăn uống kém hơn, và càng có nhiều bằng chứng cho thấy marketing (tiếp thị) đồ ăn thức uống trên TV có thể là nguyên nhân gây ra mối quan hệ TV-béo phì này.
Xem TV có ảnh hưởng đối với hoạt động thể chất ít hơn nhiều so với ảnh hưởng đến chế độ ăn uống, vì thế có vẻ như ảnh hưởng của việc xem TV này không có vai trò quan trọng. Một số kết quả nghiên cứu ủng hộ mối quan hệ giữa marketing thực phẩm với TV và béo phì:
- Theo một bài đánh giá toàn diện về bằng chứng đưa ra bởi Viện Y học Hoa Kỳ (Institute of Medicine/IOM) hàng ngàn những quảng cáo TV liên quan đến đồ ăn mà trẻ em và thanh niên xem mỗi năm chủ yếu là về những đồ ăn thức uống ít dinh dưỡng nhiều calo. Marketing (tiếp thị) thực phẩm ảnh hưởng đến sở thích chọn lựa đồ ăn và các yêu cầu đòi mua của trẻ em và các nhà marketing dựa trên “sức mạnh vòi vĩnh” (pester power) này để tác động đến những thứ mà các bậc cha mẹ mua cho con họ.
- Những nhà hàng và các loại đồ ăn thức uống có thương hiệu thường xuất hiện trong các chương trình TV và các bộ phim điện ảnh (thuật ngữ ngành quảng cáo gọi cái này là “product placement”/PP), và những PP này tràn ngập các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Một phân tích về các nhãn hiệu thực phẩm xuất hiện trong chương trình TV phát sóng giờ vàng năm 2008 phát hiện ra rằng trẻ em và vị thành niên xem gần một nhãn hiệu thực phẩm mỗi ngày và cứ ba trong số bốn nhãn hiệu xuất hiện trên TV này thì lại là về những đồ uống có đường.
- Các nghiên cứu phòng thí nghiệm kết luận rằng những quảng cáo thực phẩm trên TV ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ thực phẩm. Ví dụ như trong một thí nghiệm, trẻ em xem các hoạt hình có quảng cáo đồ ăn đã ăn thêm 45% đồ ăn vặt trong khi xem so với trẻ xem hoạt hình có các quảng cáo không có nội dung về thực phẩm.
- Theo một nghiên cứu theo dõi các thói quen xem TV cũng như sự thay đổi chỉ số BMI của 1.100 thiếu nhi trong giai đoạn kéo dài 5 năm, có thêm bằng chứng cho thấy chính việc tiếp xúc với những quảng cáo thực phẩm góp phần gây ra béo phì hơn là việc xem TV đơn thuần. Trẻ càng xem quảng cáo trên TV trong nhiều giờ đồng hồ giai đoạn đầu nghiên cứu thì càng dễ tăng tương đối chỉ số BMI vào cuối nghiên cứu. Chưa có mối liên hệ giữa việc không xem quảng cáo TV và những thay đổi ở chỉ số BMI.
Ngay sau báo cáo của IOM thì Coca Cola, McDonald’s, và 15 công ty thực phẩm đồ uống lớn khác cam đoan sẽ tự điều chỉnh việc quảng cáo sản phẩm của họ trong giờ chiếu các chương trình TV dành cho trẻ em dưới 12 tuổi thông qua chương trình tự nguyện Tiên phong Quảng cáo Thực phẩm & Đồ uống của Trẻ em (Children’s Food and Beverage Advertising Initiative /CFBAI) đưa ra năm 2006. Nhưng vẫn tồn tại các kẽ hở.
Ví dụ như những nguyên tắc quảng cáo này không bao gồm các chương trình chiếu trong giờ vàng hướng đến nhóm khán thính giả đại trà, chẳng hạn như chương trình American Idol, thường được các thiếu nhi xem và không bao gồm thiếu niên; trong khi đó đồ ăn thức uống quảng cáo trên TV nhắm tới trẻ tuổi từ 2 đến 11 giảm từ 2004 đến 2008, quảng cáo nhắm tới thanh niên (12-17 tuổi) và người trưởng thành (18-49) lại tăng đáng kể.
Không có cách kiểm tra nào để đảm bảo các công ty thực hiện đúng theo nguyên tắc quảng cáo của họ – và cũng chẳng có sự trừng phạt nào dành cho họ nếu họ không tuân theo. Trong thực tế, một bài phê bình gần đây về thị trường quảng cáo đồ uống có đường chỉ ra rằng sự tiếp xúc của trẻ em và vị thành niên với những quảng cáo nước soda có đường đã tăng gấp đôi từ 2008 đến 2010 với Coca Cola (một thành viên của CFBAI) và Dr. Pepper Snapple Group (không phải thành viên của CFBAI) dẫn đầu những nhãn hiệu đồ uống được quảng cáo mà trẻ thường thấy.
Một vấn đề nữa với phương thức tiếp cận ngành thực phẩm của Mỹ này là không có những chuẩn dinh dưỡng bao quát toàn bộ về các yếu tố cấu thành một loại đồ ăn hoặc thức uống “lành mạnh” – và tương lai của những tiêu chuẩn đó là một vấn đề tranh luận chính trị nóng hổi.
Năm 2009, Nghị viện Mỹ chỉ đạo Ủy ban Thương Mại Liên bang (Federal Trade Commission/FTC) thành lập một Tổ chức Hành động liên cơ quan về Thực phẩm được tiếp thị đến trẻ em (Inter-agency Working Group on Food Marketed to Children), để phát triển những tiêu chuẩn dinh dưỡng tự nguyện đối với loại đồ ăn thức uống được phép tiếp thị đến trẻ em, và cũng theo tiêu chuẩn cho đó để xác định được có những loại marketing nào. Nhưng đề xuất dự thảo về các tiêu chuẩn đưa ra tháng 4 năm 2011 đã vấp phải phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp thực phẩm thức uống và đã bị Nghị viện bác bỏ.
Những hành vi ngồi nhiều khác và béo phì
Những hành vi ngồi nhiều khác – dùng máy tính/Internet, chơi video game (một loại trò chơi điện tử), ngồi ở chỗ làm, ngồi lái xe và những hành vi tương tự – vẫn chưa được nghiên cứu sâu như hành vi xem TV. Nhưng có bằng chứng cho thấy rằng những kiểu “giờ ngồi” này có thể góp phần dẫn đến béo phì.
Sử dụng máy tính/Video Game/Internet
Một số nghiên cứu ở trẻ em và vị thành niên cho thấy rằng việc sử dụng máy tính, video game và Internet có liên quan đến thừa cân, mặc dù không phải toàn bộ nghiên cứu đều phát hiện được ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên ngày càng có nhiều nội dung chiếu TV chuyển dần từ màn hình TV sang máy tính và màn hình điện thoại thông minh vì thế có khả năng là những ảnh hưởng rõ rệt hơn sẽ nổi lên thành một “Thế hệ M” (M Generation), như nó vẫn được gọi là vậy, thế hệ gồm những người dành ngày càng nhiều thời gian đắm chìm trong những hình thức truyền thông mới này.
Hơn nữa, các công ty thực phẩm và đồ uống ngày càng trở nên tinh vi hơn và nhắm vào việc sử dụng truyền thông xã hội và marketing kỹ thuật số trên những giao diện này và những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng đã kêu gọi chính phủ cần có sự quản lý chặt chẽ hơn cũng như là ngành quảng cáo này cũng cần có sự tự điều chỉnh.
Một loại video games (một dạng trò chơi điện tử) mới, loại được gọi là “video game năng động” (active video games), yêu cầu người chơi phải di chuyển xung quanh để điều khiển màn hình. Một cuộc thử nghiệm nhỏ mới đây chỉ ra rằng rằng việc đổi những trò chơi điện tử ngồi một chỗ thành các trò chơi điện tử cần di chuyển nhiều có thể giúp kiềm hãm chỉ số BMI và mỡ cơ thể ở những trẻ bị thừa cân, nhưng kết quả này vẫn còn đang chờ xác nhận bởi các nghiên cứu khác.
Tổng số giờ ngồi
Có bằng chứng chỉ ra rằng dành quá nhiều thời gian cho hành động ngồi – ở chỗ làm hay ở nhà – làm tăng nguy cơ trở thành béo phì và cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tử vong sớm. Tất nhiên, những người ngồi nhiều thời gian sẽ kém năng động hơn, nhưng cường độ hoạt động thể chất có vẻ như không lý giải được mối quan hệ giữa hành vi ngồi và các nguy cơ sức khỏe.
Điều mơ hồ ở đây là liệu bản thân việc ngồi là nguyên nhân, hay chỉ là biểu hiện của một phương diện sinh hoạt không lành mạnh khác – chẳng hạn như xem TV – hành động là nguyên nhân chính cho những hành vi ngồi nhiều này. Cũng có thể là những kiểu hành vi ngồi nhiều thời hiện đại thúc đẩy hành vi ăn quá nhiều theo những cách khác nhau: ví dụ như đọc hoặc làm việc trên máy tính có thể gia tăng căng thẳng áp lực của mọi người và dẫn đến ăn quá nhiều trong khi đó nghe nhạc có thể làm phân tán sự chú ý của mọi người đối với việc liệu họ đang đói hay là no.
Lái xe/ngồi trong ô tô
Đã có vài nghiên cứu dài hạn về việc liệu các hình thức đi lại thụ động như là ngồi lái ô tô, có góp phần làm tăng cân không. Một nghiên cứu kéo dài 8 năm tiến hành ở tám tỉnh của Trung Quốc phát hiện ra rằng đàn ông có xe ô tô tăng nhiều hơn bốn pound (khoảng 1,8kg) so với đàn ông không có xe và đã tăng gấp đôi tỉ lệ trở thành béo phì.
Ngược lại, đi lại chủ động bằng cách đi bộ hoặc đạp xe thực sự tạo ra cơ hội cho mọi người đưa việc tập thể dục vào thời gian của họ và có thể là một chiến lược kiểm soát cân nặng đầy hứa hẹn.
Lời kết: Hạn chế TV và “Giờ ngồi” để phòng tránh béo phì
Nhìn chung, không có mấy nghi ngờ rằng thời gian xem TV là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong việc dẫn đến béo – và là một yếu tố nguy cơ có thể cải biến được. Có bằng chứng cho thấy việc marketing quá mức những loại đồ ăn thức uống không lành mạnh trên TV góp phần tạo nên mối liên hệ giữa TV và béo phì.
Vẫn cần phải xem xét liệu có đủ quyết tâm chính trị để thực thi những chính sách quản lý nghiêm ngặt hơn hay cấm quảng cáo những đồ ăn rác trên TV tới trẻ em không, dù cho những chính sách này nếu được ban hành có khả năng sẽ hiệu quả – bao gồm cả hiệu quả về mặt kinh phí.
Nhưng đồng thời, cũng có những biện pháp khác để hạn chế tiếp xúc với TV và truyền thông:
- Cha mẹ có thể hạn chế giờ xem TV của con xuống tối đa 2 tiếng đồng hồ một ngày và sử dụng một thiết bị “hạn định” giờ sử dụng máy tính hoặc TV có thể giúp thực hiện việc hạn chế này. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) cũng khuyến cáo không cho trẻ dưới 2 tuổi xem các loại màn hình.
- Giúp phòng ngủ của các con không có TV, không có Internet bằng cách chuyển hết TV hoặc các bộ kết nối ra khỏi phòng hay ngay từ đầu cha mẹ không cho những thứ đó vào phòng của các con – cũng có thể hỗ trợ trẻ duy trì hạn chế 2 giờ đồng hồ, tắt TV trong bữa ăn cũng có tác dụng tương tự trong việc hạn chế giờ xem TV của các con.
- Trường học, các trung tâm trông giữ trẻ và các chương trình ngoại khóa có thể đưa ra các chính sách hạn chế giờ giải trí trước màn hình và những nơi này cũng là các địa điểm lý tưởng để thực hiện các chương trình giảm thời gian xem màn hình chẳng hạn như là chương trình Sức khỏe Hành tinh (Planet Health) cùng với chương trình Ăn hợp lý và Luôn vận động (Eat Well and Keep Moving).
- Các chuyên gia y tế có thể tư vấn cho các vị phụ huynh về cách hạn chế giờ xem màn hình của trẻ và nên trở thành người ủng hộ cho những chính sách nghiêm ngặt đối với quảng cáo đồ ăn thức uống đến trẻ em trên TV/các phương tiện truyền thông.
Năng vận động hỗ trợ kiểm soát cân nặng, hạn chế các hoạt động ngồi nhiều – thời gian giải trí trên máy tính, ngồi lái xe và những hoạt động tương tự – cũng có tác dụng kiềm hãm cân nặng. Vì vậy một chiến lược hữu ích là thay thế “giờ ngồi” bằng “giờ tập” – đi bộ hoặc đạp xe trở thành một phần hoặc toàn bộ phương thức đi làm vào các ngày trong tuần thay vì ngồi lái xe, hoặc chơi trong công viên thay vì ngồi chơi trò chơi điện tử.
Tuy nhiên, môi trường xã hội và môi trường vật chất có ảnh hưởng lớn đến mức độ năng động của bạn: không có các làn đường dành cho xe đạp hay các giá đỗ xe đạp, bạn khó mà đạp xe đi làm được, cũng như là nếu khu dân cư hoặc công viên không an toàn, trẻ con cũng không có chỗ mà chơi. Việc tạo ra các môi trường hỗ trợ lối sống năng động sẽ cần có sự đổi thay chính sách ở cấp liên bang, bang và địa phương cũng như là sự hợp tác của những khối ngành tư nhân và các đoàn thể cộng đồng.
(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)